Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỀ XUẤT ĐỔI TÊN HÀ NỘI TRỞ VỀ TÊN CŨ THĂNG LONG

Nhà văn Hoàng Tiến
Thứ hai ngày 21 tháng 12 năm 2009 10:07 AM
Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long & Chào mừng năm mới Canh Dần (2010):
 
 Kính gửi Ban tổ chức lễ hội 1000 năm Thăng Long,
 
 Tên gọi của thủ đô quan hệ đến vận mệnh của đất nước. Vua Lý Thái tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La vào mùa thu tháng 7 năm Canh Tuất (1010), lúc đoàn thuyền cặp bến, thấy hiện tượng rồng vàng hiện bên thuyền ngự, vua mới đổi gọi là thành Thăng Long (Đại Việt sử ký toàn thư – ĐVSKTT).
 Thăng Long trở thành tên của kinh đô từ đấy.
 Trong Chiếu dời đô Lý Thái tổ viết: “Thành Đại La ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa Nam, Bắc, Đông, Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là nơi hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời.” (ĐVSKTT)
 Thăng Long có nghĩa là rồng bay. Quả vậy, những năm tháng sau đó, nước Đại Việt đã hưng thịnh, tỏa sáng, bay cao.
 Về kinh tế:
 Đại xá các thuế khóa cho thiên hạ 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế đã lâu, đều tha cho cả. (ĐVSKTT)
 Xuống chiếu khiến trong nước những người trốn tránh phải về quê cũ. Lại hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã đổ nát đều phải sửa chữa lại. (ĐVSKTT)
 Thực hiện khuyến nông, gia tăng dân số, khai khẩn đất hoang, đắp đê Cơ Xá khởi đầu từ nhà Lý, rồi các triều đại sau cứ thế noi theo. Thành tựu kinh tế thời đó đã được ghi lại trong ca dao dân gian lưu truyền tới nay:
                                            Đời vua Thái tổ, Thái tông (Lý Thái tổ và Lý Thái tông)
                                  Thóc lúa đầy đồng, dân chúng thừa ăn.
                                           Đời vua Thái tổ, Thái tông
                                 Con bế, con bồng, con dắt, con mang. 
            
             Về quân sự:
             Có một hệ thống tổ chức quân đội tốt, nhiều tướng giỏi. Các vua cũng làm tướng, cầm quân đánh giặc thực sự. Sách sử ghi: “Binh pháp nhà Lý bấy giờ có tiếng, nhà Tống bên Tàu đã phải bắt chước.” (Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim.Trg 103)
             Nổi bật là lão tướng Lý Thường Kiệt, phá Tống bình Chiêm. Tướng Lê Phụng Hiểu dẹp yên nội phản. Các quan đại thần có tài trị nước như Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành, Lê Văn Thịnh. Nữ giới có bà Ỷ Lan nguyên phi.
            Trận đánh nổi tiếng là trận chiến bên sông Như Nguyệt, đánh lui 8 vạn quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy. Sử sách còn ghi một bài sấm truyền bấy giờ:
                                            Nam quốc sơn hà Nam đế cư
                                            Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
                                            Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
                                            Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
            Dịch nghĩa:
                                            Nước Nam ta có vua Nam ở
                                            Sách Trời phân định rõ rành rành
                                            Cớ sao giặc dữ dám xâm phạm
                                            Chúng bay phải thất bại tan tành. 
            Bài sấm truyền này có thể coi là Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của nước Đại Việt. Nó làm quân dân nức lòng đánh giặc. Quân nhà Tống phải rút về nước, chỉ còn giữ châu Quảng Nguyên vì ở đấy có mỏ vàng.
            Về ngoại giao:
 Ổn định phương Nam. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Nước Chiêm Thành dâng sư tử năm Tân Hợi (1011). Nước Chân Lạp đến triều cống năm Nhâm Tý (1012)”. Phương Bắc, giải quyết vụ Quảng Nguyên bằng thương lượng khôn khéo, Lý Nhân tông biếu vua Tống hai con voi trắng và xin lại những đất đai ở Quảng Nguyên. Vua Tống bắt trả những người ở châu Khâm, châu Liêm, châu Ung (vùng Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay) mà Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem quân sang đánh bắt về. Việc trả đất  để lấy voi và tù binh, khiến người Tống tiếc của than thở:
                                             Nhân tham Giao Chỉ tượng
                                             Khước thất Quảng Nguyên kim.
 Chuyển dịch lục bát:
                                             Vì tham voi trắng nước Nam
                                             Vua Tống để mất kho vàng Quảng Nguyên.
 Những thành tựu về giáo dục, văn hóa:
 Lập Văn Miếu để chấn hưng đạo học. Văn Miếu được xây dựng năm Canh Tuất (1070) thời vua Lý Thánh tông.
 Mở khoa thi nhằm tuyển lựa nhân tài. Khoa thi đầu tiên vào năm Ất Mão (1075), chọn được hơn 10 người, thủ khoa là Lê Văn Thịnh, người sau này đi sứ nhà Tống đòi lại đất đai thành công.
 Khuyến thiện trừ ác, thỉnh Kinh Tam Tạng, xây dựng chùa chiền, phát triển Phật giáo.
 
 Con rồng Thăng Long thời Lý đã bay lên rực sáng một khung trời châu Á.
 Hoàn cảnh ra đời tên gọi Hà Nội:
 Nhà Nguyễn đánh bại được Tây Sơn lên làm vua, đóng đô ở Phú Xuân (Huế ngày nay), đế hiệu là Gia Long, quốc hiệu là Việt Nam (trong biểu cầu phong là Nam Việt, nhưng triều đình nhà Thanh e ngại gợi nhớ đất Nam Việt của Triệu Đà, nên đổi lại là Việt Nam).
 Tên gọi Việt Nam do từ đấy.
 Gia Long đổi Bắc Hà là Bắc Thành, đặt quan tổng trấn. Chữ Long của Thăng Long được viết bộ phụ (       ) mang nghĩa là hưng thịnh, cao lên, không có nghĩa là rồng nữa. Rồng là biểu tượng của nhà vua. Thăng Long bấy giờ ở vị trí một tỉnh thành.
 Đến đời Minh Mệnh năm 1831, thấy để chữ Long (bộ phụ) vẫn chưa ổn, vẫn có một cái gì gợi đến kinh đô của các triều Lý, Trần xưa, ít ra là về âm thanh, nên mới đổi là Hà Nội. Danh xưng này có nghĩa là bên trong sông (Hà là sông, Nội là ở trong).
 Thăng Long đổi thành Hà Nội. Riêng phần phát âm đã khác hẳn nhau. THĂNG LONG, hai âm bằng không dấu trong hệ thống phát âm tiếng Việt, mà cụ Ưu Thiên Bùi Kỷ xếp vào loại tràng bình thanh cao, nghe ngân vang như tiếng chuông vàng vang vọng thinh không. (Rất thuận cho các nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn). Còn HÀ NỘI, một âm tràng bình thấp (HÀ) chuyển vần trắc cắm ngập xuống đất (NỘI), không ngân lên được, gọi là âm cụt đoản. (Muốn ngân lên, nhạc sĩ phải chuyển sang một âm tràng bình cao, thí dụ: Hà Nội ơi…Còn Thăng Long thì ngược lại: Ơi Thăng Long…hồn thiêng núi sông còn in nơi đây…)
 Trở lại danh xưng Hà Nội, năm tháng sau đó, toàn xảy những chuyện đau buồn cho đất nước và cho Hà Nội.
 Chỉ ít lâu sau nảy sinh việc làm rất tăm tối là giết đạo Gia Tô. Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim ghi: “Từ năm Giáp Ngọ (1834) cho đến năm Mậu Tuất (1838), có nhiều giáo sĩ và đạo đồ bị giết, nhất là từ khi bắt được cố Du (Marchand) ở Gia Định, sự giết đạo lại dữ tợn hơn trước.” Nhiều nơi bắt dân theo đạo giẫm lên chiếc thập ác vẽ dưới đất. Ai không chịu, đem giết. Việc làm chỉ gây oán thù trong dân chúng, không thu phục được lòng người.
 Thời Minh Mệnh nảy sinh nhiều giặc giã nhất. Chỉ kể những đám lớn. Bắc Kỳ có Phan Bá Vành ở Nam Định, Lê Duy Lương ở Ninh Bình, Nông Văn Vân ở Tuyên Quang. Nam Kỳ và Trung Kỳ thì quân Xiêm La và Lào luôn quấy rối vùng biên giới, bên trong Lê Văn Khôi khởi loạn ở Gia Định kéo dài 3 năm trời (trong 6 người thủ phạm bị đóng cũi gửi về kinh đô Huế có một ông cố đạo người Pháp tên là Marchand (thường gọi cố Du), một người Hoa tên là Mạch Tấn Giai và một đứa con tên Khôi, bảy tuổi. Tất cả đều bị tội lăng trì, cho chết dần dần, chặt tay chặt chân, rồi xẻo từng miếng thịt theo nhịp chiêng trống, dân gian gọi là tội tùng xẻo. Đây là một hình phạt dã man nhất trong các tội tử hình thời phong kiến. Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim. Trang 447)
 Vừa dẹp xong loạn Lê Văn Khôi lại nẩy tiếp cái án truy tội Tả quân Lê Văn Duyệt và Lê Chất. Đào mả, san bằng, đóng bia kết tội, con cháu họ hàng bị gia hình, làm náo loạn lòng dân.
 Việc giết đạo Gia Tô cách man rợ và tràn lan đã tạo cớ cho thực dân Pháp nổ súng xâm lược ngày 15-8-1858 tại Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm chiếm Việt Nam bằng võ lực.
 Hòa ước năm Nhâm Tuất (1862) mất 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ cho Pháp (Biên Hòa, Gia Định và Định Tường).
 Năm Đinh Mão (1867) quân Pháp đánh lấy nốt 3 tỉnh miền tây (Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên). Lục tỉnh Nam Kỳ thành thuộc địa của Pháp, thuế má, luật lệ, điều gì cũng do soái phủ ở Sài Gòn quyết định cả.
 Năm Mậu Thìn (1868), giặc khách tràn vào Bắc Kỳ. Đó là dư đảng của Hồng Tú Toàn trong vụ Thái Bình thiên quốc bị nhà Thanh đàn áp chạy sang Việt Nam. Hoàng Sùng Anh hiệu cờ vàng, Lưu Vĩnh Phúc hiệu cờ đen, Bàn Văn Nhị và Lương Văn Lợi hiệu cờ trắng. Cướp bóc, đốt phá, quấy nhiễu dân chúng khốn khổ hàng chục năm trời, quan quân triều đình không làm gì được
 Năm Quý Dậu (1873) quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ nhất với 170 lính và 3 chiếc chiến hạm nhỏ (loại tiểu hạm Lorcha). “Ông Nguyễn Tri Phương cùng với con là phò mã Nguyễn Lâm hoảng hốt lên thành giữ cửa Đông và cửa Nam. Được non một giờ đồng hồ thì thành vỡ, phò mã Lâm trúng đạn chết, ông Nguyễn Tri Phương thì bị thương nặng. Quân Pháp vào thành bắt được ông Nguyễn Tri Phương và quan khâm sai Phan Đình Bình đem xuống tàu […] Ông (Nguyễn Tri Phương) quyết chí không chịu buộc thuốc và nhịn ăn mà chết” (Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim. Trang 515)
 Năm Nhâm Ngọ (1882) quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai với 2 chiếc tàu (Lorcha) và 400 lính. “Sáng 5 giờ ngày mồng 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1882) quan tổng đốc (Hoàng Diệu) tiếp được tờ tối hậu thư của đại tá (Henri Rivière) hạn cho đến 8 giờ phải giải binh, và các quan võ Việt Nam phải ra đợi lệnh ở Đồn Thủy. Đúng 8 giờ thì quân Pháp khởi sự đánh thành, 11 giờ thì thành đổ. Ông Hoàng Diệu trèo lên cây thắt cổ mà tự tận, còn các quan thì bỏ chạy cả.” (Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim. Trang 528)
 Tới hòa ước năm Giáp Thân (1884) Việt Nam chịu sự đô hộ của nước Pháp. Đất nước chia làm ba kỳ: Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ. “Mỗi kỳ có một chính sách riêng, luật lệ riêng như 3 nước vậy. Thậm chí người kỳ này đi sang kỳ kia phải xin giấy thông hành mới đi được. Kỳ nghĩa là xứ, là khu, trong một nước, chứ không có ngĩa là nước. Một nước mà tam phân ngũ liệt ra như thế, thật là một mối đau lòng cho người Việt Nam là dân một nước đã có một lịch sử vẻ vang hàng mấy ngàn năm.” (Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim. Trang 541)
 Rồi Hà Nội được lập thành thành phố theo sắc lệnh của tổng thống Pháp Sadi Carnot ký ngày 19-7-1888.
 Năm Tân Sửu (1901) người Pháp xây phủ thống sứ, bưu điện, kho bạc, nhà đốc lý.
 Người Pháp xây nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội năm 1896 trước khi xây phủ thống sứ.
 Người Pháp xây trường bắn Tương Mai ở Hà Nội cùng năm xây nhà đốc lý.
 Rồi người Pháp dựng tượng ông Paul Bert ở vườn hoa tập kèn Bờ Hồ (nay là vườn hoa Chí Linh) và tượng bà Đầm Xòe ở vườn hoa Cửa Nam, biểu tượng thắng lợi của chủ nghĩa thực dân xâm lược. (Những tượng này đã bị phá bỏ năm 1945 thời chính phủ Trần Trọng Kim).
 Ngẫm ra, việc đặt tên cho vùng đất thiêng, thủ đô của một nước, có ảnh hưởng đến sự thịnh suy của đất nước, không thể coi thường.
 Xét ra, vùng đất này đã thay đổi khá nhiều tên: thành Tống Bình, thành Long Đỗ, thành Đại La, thành Thăng Long, rồi Đông Đô (thời nhà Hồ), Đông Quan (thời thuộc Minh), Đông Kinh (thời nhà Lê), Hà Nội (thời nhà Nguyễn).
 Trong các danh xưng trên, thì danh xưng Thăng Long tồn tại lâu nhất, dư âm vang hưởng dài nhất. Nó lan tỏa trong tâm khảm người Việt âm thầm rung động niềm tự hào trong suốt chiều dài thăng trầm 1000 năm lịch sử. Đến gần cách mạng Tháng 8 (1945) còn có bài hát mang tên “Thăng Long hành khúc” , nếu tôi nhớ không nhầm là của nhạc sĩ Văn Cao:
                           Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng
                           Trông khói sương chiều ám trên dòng sông
                           Nhị Hà còn kia
                           Nhị Hà còn đó
                           Xác quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông…
(tức Tôn Sĩ Nghị tướng xâm lược nhà Thanh, bị Quang Trung đánh bại ở Thăng Long, ôm đầu máu chạy về Tàu).
 Anh bộ đội Huỳnh Văn Nghệ (sau này quân hàm cấp tướng) trong kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954) có câu thơ nhiều người thuộc:
                           Từ độ mang gươm đi giữ nước
                           Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long.
 Thăng Long chứ không phải Hà Nội. Cái tên Hà Nội xúi quẩy nhiều người đã muốn quên đi. Hồi Cách mạng Tháng 8 nhân dân quần chúng đã tự đổi tên là thành Hoàng Diệu. Đội tự vệ Hoàng Diệu. Đội phụ nữ Hoàng Diệu. Ban trinh sát thành Hoàng Diệu. Đoàn thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu. Có cả một bài hát về thành Hoàng Diệu khi toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946). Tôi còn nhớ một số câu như sau:
                           Hoàng Diệu hùng cường muôn năm
                           Hoàng Diệu từ xưa vang tiếng anh hùng
                           Hồ Gươm anh linh soi sáng núi Nùng
                           Nước sông Nhị Hà muôn đời sắc máu
                           Đống Đa lịch sử còn vang
                           Nhưng hôm nay, ôi cố đô Thăng Long
                           Bao nhiêu người hy sinh vì giống dòng
                           Đây mồ chôn sâu bao lũ xâm lăng…
 Như thế là lòng người muốn thay tên Hà Nội từ lâu lắm rồi. Ít ra là từ 1945. Đã hơn 60 năm. Hơn một hội, tính theo Kinh Dịch.
 Muốn đổi tên Hà Nội phải có dịp, phải có cơ hội, không thể tùy tiện. Đã có mấy cơ hội có thể đổi tên, nhưng để trôi qua. Đó là dịp Cách mạng Tháng 8, khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếc rằng ngay sau đó vướng vào cuộc kháng chiến chống Pháp tái xâm lược 9 năm, chưa kịp làm gì.
 Cơ hội thứ hai là khi giải phóng thủ đô năm 1954. Nghe nói, đã có người đề xuất, nhưng ông Trường Chinh hồi ấy phụ trách quốc hội, bảo rằng còn chưa giải phóng miền Nam.
 Cơ hội thứ ba là sau 30-4-1975, đất nước thống nhất một dải. Ông Trường Chinh hứa sẽ bàn, nhưng lúc này đang còn nhiều việc phải làm quá, thư thư lại đã.
 Và bây giờ là dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
 Dịp này mà lại để trôi qua, thì không biết đến bao giờ mới có dịp nữa đây.
 Xét về Kinh Dich mà nói, đất nước đã đến thời vận, người giỏi xem vận khí đã nhận ra ở khí sắc núi sông. Phải thay đổi mới hợp với thời thế. Theo âm dương ngũ hành có sinh khắc chế hóa, thì dịp này được mùa, đang ở ngôi miếu vượng, số lẻ, dương trưởng. Đã có Hạ Long thì nên có Thăng Long. Có giáng có thăng mới cân bằng âm dương, phát triển mới hanh thông.
 Nếu lấy tâm điểm là Huế, mở một com-pa có bán kính là Lũng Cú hay mũi Cà Mau, khoanh một vòng tròn, thấy ngay Việt Nam ta nằm trong một thái cực đồ âm dương bát quái. Một bên là biển coi như phần âm, trong âm có dương là đảo Hải Nam. Một bên là đất liền coi như phần dương, trong dương có âm là biển hồ Tông Lê Sáp. Nước ta nằm trên đường biên cong của thái cực đồ. Vùng biên thường nhiều biến động.
 Từ trên cao nhìn xuống đất nước giống một con rồng, đuôi rồng là vùng đồng bằng Nam Bộ xòe ra chín nhánh Cửu Long giang, mình rồng là dãy Trường Sơn uốn lưng bên sóng biển Đông, đầu rồng là châu thổ Bắc Bộ cùng núi rừng Việt Bắc chập chùng um tùm râu tóc rồng.
 Rồng Thăng Long sẽ lại bay cao vào giữa thế kỷ 21. Những cảm nhận về tâm linh đã khẳng định như vậy. Bậc minh quân dẫn dắt đất nước khi ấy, là một người trẻ tuổi, hậu thân đức Trần Nhân tông tái sinh. Tin hay không tin  là tùy duyên từng người. Không cần tranh luận. Trải rồi khắc biết.
 Tôi là người đã quá tuổi cổ lai hy, đọc sách và suy nghĩ, nhận ra điều gì có lợi có hại cho cộng đồng cho đất nước, thì hay nói. Người xưa dạy: “Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa.” Bỏ chấp danh, chấp lợi, chấp kỷ, lòng sẽ nhẹ nhàng, lương tâm thanh thoát.
 Nay tôi thấy quý vị Ban Tổ chức vạch chương trình những việc làm cho lễ hội 1000 năm Thăng Long, không thấy có ý tưởng đổi tên Hà Nội. Tôi đề nghị quý vị cho ý tưởng này vào chương trình làm việc, đệ trình lên Quốc hội. Quốc hội còn họp hai lần nữa mới tới ngày kỷ niệm, vẫn có đủ thời gian bàn xét để ra quyết định: “ĐỔI TÊN HÀ NỘI TRỞ VỀ TÊN CŨ THĂNG LONG.”
 Nếu quý vị ngại không đề xuất việc này, khi cơ hội đã ở trong tay, rồi quý vị sẽ phải ân hận trong lòng và không tránh khỏi những lời đàm tiếu của dư luận.
 Còn nếu Quốc hội ngại không dám thông qua việc đề xuất của quý vị, rồi Quốc hội sẽ phải chịu sự phê phán của hậu thế. Lịch sử sẽ rất công bằng và nghiêm khắc.
 Một nhà nghiên cứu các tên gọi tỉnh, thành phố của Trung Quốc và Việt Nam cho biết: các tên gọi tỉnh và thành phố của ta, Trung Quốc đều có cả, riêng Thăng Long chỉ ta có mà Trung Quốc thì không.
 Đây cũng là một điều nên suy ngẫm.
 Mùa xuân đang tới gần, mùa xuân năm con hổ Canh Dần (2010), nhiều ông bạn già của tôi trong giấc ngủ đã nằm mơ thấy cảnh rồng bay.
 
Đất thiêng Thăng Long. Xuân Canh Dần (2010). Trời trở rét.
Nhà văn Hoàng Tiến
 
Địa chỉ:  Nhà A11.  Phòng 420. Thanh Xuân Bắc. Hà Nội.
Điên thoại:  0936.802.801   Email: 
laohoanglao@gmail.com