Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Rằng phặt không thể “hiểu” tiếng người

Hoàng Quảng Uyên
Thứ sáu ngày 6 tháng 11 năm 2009 11:09 PM
Hoàng Quảng Uyên


Tôi không muốn độc giả mất nhiều thì giờ, công sức vào việc theo dõi cuộc “Tranh biện”: Rằng Phặt “hiểu” hay “không hiểu” tiếng người. Một cuộc tranh biện từ Nghiêm túc ... đến buồn cười!. Vì thế tôi cố gắng nói gọn, nói tắt trong một trang báo khổ ¬¬¬A3 (Bài: Chuyện mó nước Rằng Phặt “hiểu” tiếng người – Chẳng có gì để mà ầm ĩ!. Bài đăng trên báo Tiền Phong cuối tuần số 44 ngày 30.10.2009 và báo Cao Bằng số 2934 ngày 30.10.2009). Tưởng thế là xong, không còn gì để nói nữa, nào ngờ lại có thêm bài: Viết tiếp chuyện lạ ở Cao bằng “Mó nước hiểu tiếng người” (An Ninh Thế Giới – số 905 – 31.10.2009). vậy nên tôi có vài lời “nói thêm”.

    Tác giả bài báo “Mó nước ...” có được bài này nhân một đợt Hội nhà báo Cao Bằng mời lên truyền thụ kinh nghiệm viết báo cho một số nhà báo tỉnh lẻ và bài báo như là một sụ bổ xung hoàn chỉnh, sinh động cho những lý thuyết mà tác giả đã giảng giải, truyền thụ. Đọc bài báo, xem Tivi Cao Bằng, tôi cảm thấy gờn gợn. Lúc đầu, tôi chọn cách im lặng vì tác giả bài báo và những người làm chương trình truyền hình là những người bạn, những đồng nghiệp đã từng cùng tôi “len lỏi” trên những nẻo đường ... “Phóng sự”, nhưng tôi không thể im lặng mãi khi những người hiếu kỳ, tò mò kéo đến Rằng Phặt ngày càng đông, tôi quyết định “góp phần” chấm dứt hiện tượng không hay đó bằng một bài viết, dẫu biết rằng làm như vậy là “Thêm thù, bớt bạn”. Đành vậy! Biết làm sao!

thí nghiệm đơn giản.

    Tôi là người được nhà nước cho ăn học đến nơi đến chốn về Toán học và Vật lý học (Còn nghề báo tôi chưa được học một ngày nào). Vì thế tôi nhìn “hiện tượng” Rằng Phặt là quá đơn giản, chỉ cần những kiến thức tối thiểu trong chương trình vật lý bậc phổ thông cơ sở (cấp 2) là đủ giải thích, không cần đến kiến thức phổ thông trung học (cấp 3) hoặc đại học. Nhưng vấn đề tôi (và nhiều người khác) cho là đơn giản thì tác giả bài báo và chương trình truyền hình lại cho là không đơn giản, buộc tôi phải giở “ngón nghề” vật lý học thêm một lần chứng minh bằng lý thuyết và thực hành, để “phản bác” lại cái điều: Hễ cất tiếng gọi (hoặc đọc câu thần chú) là nước ở Rằng Phặt “đùn ra ào ạt, nước sủi tăm, nước cuồn cuộn nhè nhẹ, giống như một nồi nước lúc bắt đầu nổi tăm mắt cua để sủi” – (ANTG số 902). Tôi đã chứng minh bằng thí nghiệm để rút ra kết luận: Không cần gọi, nước vẫn cứ lên. Xin chép nguyên văn :
 

Biên bản khảo sát Rằng Phặt.

Hôm nay, ngày 29.10.2009, chúng tôi gồm:
1.    Nhà văn, nhà báo Hoàng Quảng Uyên
2.    Nhà báo Vũ Mạnh Tuấn
3.    Bí thư, phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Hồng Quang và một số cán bộ xã cùng hơn 30 khách tham quan đến từ Thái Nguyên, Hà Nội ... Và dân trong tỉnh đến quan sát hiện tượng Rằng Phặt. Chúng tôi thống nhất thí nghiệm sau:
    Tất cả im lặng hoàn toàn đến bên Rằng Phặt quan sát vào lúc 9h 35 phút. Chờ khoảng 5 phút thì thấy nước tự động dâng lên, dập dềnh vài lần rồi lại tự rút xuống trong khoảng 5 phút. Kết thúc đợt 1 vào lúc 9h 45 phút.
    Lần 2, chờ 5 phút nước lại tự động dâng lên, dập dềnh trong khoảng từ 10h đến 10h 5 phút rồi lại rút xuống...
    Lần 3: 10h 15 phút, nước lại dâng lên dến 10h 20 phút. Như vậy cả 3 lần thí nghiệm đều có kết luận: Trong im lặng hoàn toàn nước vẫn tự động dâng lên và rút xuống một cách tự nhiên.
    Sau 3 lần thí nghiệm, khách tham quan yêu cầu bà Triệu Thị Thào, 58 tuổi ở Lũng Sạng đọc đúng câu thần chú gọi nước. Bà Thào đã thực hiện màn biểu diễn nhưng nước vẫn không dâng lên.
    Những người ký biên bản dưới đây (Trần Văn Hải: Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang; Bế Xuân Tín – Trưởng công an xã; Ngô Văn Tuấn: Yên Phong, Bắc Ninh; Lâm Thanh Nhã: Hòa An, Cao Bằng)

Nỗi buồn Hồng Quang

    Suốt trong quá trình thí nghiệm, Bí thư Trần Văn Hải, Phó Bí thư thường trực Lâm Thị Lợi và các cán bộ xã Hồng Quang không tỏ vẻ khó chịu, bực tức. Khi tôi đọc cho mọi người nghe biên bản xong, Bí thư Trần Văn Hải trầm ngâm, lưỡng lự một chút rồi cầm bút ký xác nhận những hiện tượng không thể chối cãi (mặc dù cán bộ văn phòng có ý ngăn: ký thế, khác gì tự tát vào mặt mình!). Tôi vô cùng cảm phục thái độ và tấm lòng của Bí thư Trần Văn Hải: chân thật, không lèo lá, quan cách, giúp đỡ chúng tôi hết mình. Nhìn vẻ mặt buồn buồn của bí thư Hải khi ký, tôi thấy như mình có lỗi với các anh, các chị và nhân dân xã Hồng Quang. Giá như mình “đồng tình” phủ một lớp “huyền thoại” lên Rằng Phặt, mình “góp sức thêu dệt” để Rằng Phặt trở thành một điểm du lịch kỳ thú, đón tiếp hàng nghìn khách tham quan mỗi ngày, góp phần “xóa đói, giảm nghèo” cho xã Hồng Quang. Một xã vào loại nghèo nhất của huyên Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng thì “hay biết bao!”. Tôi cũng rất buồn khi nhớ lại hình ảnh các bà Phan Thị Họp, Triệu Thị Thào, đọc to câu thần chú mà nước “chẳng chịu” lên.
    Và nữa, tôi cũng cảm thấy có lỗi với bạn bè, đồng nghiệp của mình. Khi biết tôi từ Rằng Phặt về, tác giả bài báo trên ANTG điện thoại, trò chuyện gần một tiếng đồng hồ với tôi. Tôi xót xa: “Tốn tiền điện thoại bạn quá”. Và tôi không muốn bạn mình “hẫng hụt” với kết quả “nghiệt ngã”, nên vòng vo, nói tránh, nói nhẹ đi, bởi thế trong bài viết “Viết tiếp chuyện lạ ở Cao Bằng ... “ Đỗ Lăng Quân đã không thể hiểu thực chất những điều tôi nói nên viết rằng:” Ông Uyên đã tận mắt chứng kiến, tuy nhiên ông rất thận trọng đưa ra một kết luận nào đó về việc: ”Tại sao khi gọi thì mó nước tuôn ra”. Và “Ông Hoàng Quảng Uyên từ chối nói về nguyên nhân của việc “mỗi khi có xao động âm thanh” thì nước dâng lên ...”. Ôi chao!  Làm sao tôi có thể nói vỗ mặt: “Trong bài báo, bạn nói sai nhiều!”. Tôi cũng không muốn người xem truyền hình Cao Bằng qua chương trình “Rằng Phặt” mà qui kết, đánh giá năng lực của những người lãnh đạo Đài.

    Xin cung cấp một số tư liệu của nhà nghiên cứu Vương Hùng: Có thể Rằng Phặt thông ra thác Nà Tẩư (xã Cai Bộ, giáp xã Độc Lập, huyện Quảng Uyên). Do mặt bằng tương đương nên nước dao động tùy theo sóng thác rơi. Theo đường chim bay, Rằng Phặt – Nà Tẩư không xa trên bản đồ. Lưu ý: Địa thế nghiêng từ Tây sang Đông, sông Trà Lĩnh cao hơn sông Bắc Vọng, nước ngầm từ Rù Sặp chảy sang thông với Slai Khang (gần Rằng Phặt) nên đã có bài thơ ngắn tả cảnh:
Slai Khang có mỏ nước trong
Tứ thời xanh mát, hỏi dòng từ đâu?
Hóa công có phép nhiệm màu
Chia dòng Trà Lĩnh chảy sâu mạch ngầm.
    Rằng Phặt thuộc Lũng Sạng (Lũng Voi) nơi voi chiến (voi kim, voi vàng) lên Cao Bằng đánh giặc bị chết (vào năm Tự Đức thứ 15 – tức năm 1862).

    Tất cả những điều tôi quan sát. làm thí nghiệm và viết ra chỉ là những giả thiết để tham khảo bởi tôi không có học hàm, học vị để bảo lãnh. Biết đâu ở Rằng Phặt còn có nhiều bí ẩn mà tôi không biết được nên rất mong một ngày gần đây tôi, ông Vương Hùng và nhiều người khác được đón tiếp các nhà khoa học cự phách của đất nước, để mà, như cụ Nguyên Du nói: “Mua vui cũng được một vài trống canh”.

Cao Bằng 1-11-2009