Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIA DŨNG LẶNG LẼ MỘT TẤM LÒNG THƠ

Huy Thắng
Thứ sáu ngày 6 tháng 11 năm 2009 6:28 AM

Trước Gia Dũng đã có một vài người dành thời gian làm công việc chọn tuyển thơ và ra sách thơ, nhưng đến phải bỏ cuộc nửa chừng. Kiên trì được như Gia Dũng là chưa hề có. Gần như nhà thơ đã dành cả cuộc đời mình cho thơ và cho việc tôn vinh thơ một cách hết lòng… Vậy mà, suốt bao nhiêu năm qua, Gia Dũng chưa một lần nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ cụ thể nào về vật chất và tinh thần của các Hội nghề nghiệp. Thậm chí còn chút gì đó chưa thật công bằng. Tôi có đọc bải trả lời phỏng vấn của báo Văn nghệ hỏi lý do vì sao nhà thơ Gia Dũng chưa vào Hội nhà văn VN, anh đã nhẹ nhàng: “Tôi cũng muốn vào  Hội, tôi tin vào tổ chức Hội nhà văn Việt Nam, nơi có một đảng đoàn anh minh và một ban chấp hành đầy tài năng sẽ góp phần giúp cho các hội viên sáng tác nên nhiều tác phẩm lớn, tiếc là tôi tuổi cao, chưa đủ tiêu chuẩn về tài và đức Tôi tự biết những người như tôi vẫn còn ở ngoài Hội là hợp lẽ”



Một tấm lòng thơ

                             HUY THẮNG

    Gia Dũng làm thơ khá sớm, từ cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Ngày ấy, anh rời quê Thái Bình trôi dạt sang Tuyên Quang làm việc ở Ty Thương nghiệp. Rồi đam mê thơ phú, anh chuyển về công tác ở phòng văn nghệ Ty văn hóa Thông tin. Những ngày đó trên tập san Văn nghệ Tuyên Quang đã có thơ Gia Dũng. Nhưng chỉ sau1965, khi gia nhập bộ đội, vào chiến trường thì thơ Gia Dũng như được chắp cánh.
    Hồi chiến tranh chống Mỹ, trong chuyên mục Thơ bộ đội  trên báo Nhân Dân, thường xuất hiện thơ của những người lính gửi từ chiến trường ra, trong đó có: Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Thu Bồn, Nguyễn Hoa, Gia Dũng... những tên tuổi này sau đều thành danh và lại có dịp cùng nhau công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân Đội. Trường hợp Gia Dũng, anh bật lên khi có bài thơ “Bài ca Trường Sơn” ra đời năm 1968, nhạc sỹ Trần Chung phổ nhạc và có tiếng vang. Phần âm nhạc là rất hay nhưng có lẽ cũng phải nói, bài thơ hoành tráng và lãng mạn này bản thân đã rất giàu nhạc điệu:
    Trường Sơn! Đường ta qua chưa một dấu chân người
    Chú  nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác
    Dừng ở lưng đèo nghe suối hát
    Ngắt  đóa hoa rừng gài lên mũ, ta đi!
    Trường Sơn! Đèo núi cao vượt trên mây gió
    Đạp nát  đá tai mèo bằng sức pháo ngàn cân
    Đi ta đi những trai làng Phù  Đổng
    - Gì vui hơn đường ra trận mùa xuân
    ...
    Khá nhiều bài thơ hồi chiến tranh như bị quên lãng thì “Bài ca Trường Sơn”, sau 40 năm vẫn còn nguyên vẹn sức sống. Gia Dũng còn có một bài thơ cũng rất ấn tượng. Đó là bài Hàn Mặc Tử :
    Có  ai biết đêm nay ta khóc Tử
    Trăng mười tư vỡ vụn ở ngang đầu
    Có ai biết đêm nay ta khóc Tử
    Thắp nhang rồi không biết cắm vào đâu
    Cắm vào trăng - Tử ơi trăng đã vỡ
    Căm vào thơ - thơ chỉ một điệu sầu
    Thì xin Tử hiểu cho người đến lỡ
    Chút hương trầm ta thắp cả xưa sau
    Ly rượu đắng rót tràn trăng với gió
    Nâng ngang mày ta cùng Tử chung đau
    Đọc bài thơ này tác giả Lê Mai cảm khái thốt lên: Tâm trạng này, khẩu khí này thì còn bị thơ “đày” – thơ làm “tội” đời là cái chắc. Tôi biết Gia Dũng đầy máu thịt với Hàn Mặc Tử. Nhưng rồi, khi phải tự lựa cho mình một bài thơ vào tuyển thì không hiểu sao, anh lại chọn “Bài ca Trường Sơn”. Con người ngang tàng mà lạ thế. Riêng điều này anh như chưa đi hết mình thì phải

    Tiếp xúc ban đầu với Gia Dũng cảm giác anh hơi kênh kiệu, khinh bạc. Khi hiểu và thân nhau, lại hoàn toàn khác. Anh cởi mở và thành thật: có thể bộc bạch cả những riêng tư mà thường người khác hay lảng tránh. Thời thanh niên và ngay cả khi ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Gia Dũng là người nghịch ngợm, đôi khi còn bừa bãi. Nhưng về già, tính khí có khác. Bảo hết, có lẽ chưa hẳn những nếu còn, phải chăng là một chút thích chơi ngông, muốn khác người?
    Còn một điều ở Gia Dũng làm tôi quý trọng: anh là người yêu thơ, say thơ, có thể sống chết với thơ. Anh đã cho xuất bản 12 tập thơ của riêng mình từ các nhà xuất bản hàng đầu ở nước ta như : Văn học, Hội nhà văn, Thanh niên, Lao động, Văn hóa thông tin... Rất nhiều bài có tiêu đề rất gợi : “Em dừng một chút”, “Thôi em”, “ Đã chắc gì”, “Sao lại là ngẫu nhiên”, “Chắc mai rồi”, “Đám tang đi ngược trong chiều nắng”... Thơ Gia Dũng, đặc biệt thơ viết về tình yêu, đọc cứ mãi bâng khuâng. Nhưng khi tự biết khó có thể làm thêm được bài thơ nào vượt qua những gì đã viết, anh quyết định dừng bút.

    Năm 1988, rời cương vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Văn học – nghệ thuật Hà Tuyên, Gia Dũng chuyển về sống ở Hà Nội. Bẵng đi mấy năm không tăm tích thì đùng một cái bạn bè bỗng nhận được cùng lúc, mấy bộ sách tuyển thơ do Gia Dũng đứng tên người sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn và giới thiệu. Rồi sau đấy, liên tục thêm nhiều bộ tuyển thơ khác. Có  điểm chung là các sách thơ do Gia Dũng làm đều rất bề thế và trang trọng, từ cái bìa sách, giấy in, đến khuôn khổ, kiểu chữ... Chắc chắn không thể không nói tới các bộ sách đáng chú ý như: “Chúng tôi đánh giặc và làm thơ”, “Thơ các dân tộc thiểu số thế kỷ XX”, “Hồ Chí Minh – hợp tuyển thơ”, “Ngàn năm thương nhớ”, “Nước non một dải”, “Tràng An một thuở”, “Thơ Việt Nam 1945-2000”, “Miền mây trắng”, “Nguyễn Trãi - hợp tuyển thơ”... cuốn nào cũng dày tới cả ngàn trang. Có cuốn trên 2000 trang. Tôi nói có quá chăng, nhưng từ trước đến nay ở ta như chưa hề có những bộ tuyển thơ đầy đặn và hoành tráng như thế. Trong khoảng hơn 10 năm, Gia Dũng đã xuất bản gần 20 bộ sách với chừng 20.000 trang sách thơ, giúp bạn đọc phần nào hình dung ra đ¬ược diện mạo tác giả và tác phẩm thơ Việt. Kể từ thời cổ, cận, đại đến đương đại. Sách không chỉ được in bằng chữ quốc ngữ mà còn là chữ Hán, chữ Nôm và đều được dịch nghĩa, phiên âm, dịch thơ rất cẩn thận.
    Cầm những cuốn sách thơ ấy trong tay có thể cảm nhận được hết tình yêu và trách nhiệm của người thực hiện. Rất nhiều người nghĩ rằng Gia Dũng hẳn giàu có. Ngay như nhà văn Hoàng Quốc Hải, bạn với Gia Dũng, khi ông nhờ tôi nói với Gia Dũng để lại hai bộ “Ngàn năm thương nhớ” tuyển thơ về ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, một cuốn ông giữ, một cuốn để tặng một Giáo sư sử học. Sách dày trên 2000 trang, khổ lớn 16x24cm, nặng trên 3kg, tập hợp 900 tác giả với gần 1000 bài thơ. Giá mỗi cuốn đâu có rẻ, những trên 300 ngàn đồng. Do thế Hoàng Quốc Hải nửa đùa nửa thật: “Làm sách như Gia Dũng thế này thì mả thật. Hắn xây nhà từ sách chứ chả chơi”. Đúng là Gia Dũng sống được từ việc làm các cuốn sách thơ. Nhưng những gì người ta đồn thổi, có lẽ chỉ từ số lượng và giá bìa mỗi bìa sách mà suy diễn. Vậy nên Gia Dũng cũng đã từng gánh chịu nhiều điều tiếng. Hồi làm cuốn “Văn chương Thái Bình mười thế kỷ”, dư luận ì xèo nghe đâu tỉnh chi ra những ba, bốn trăm triệu đồng. Số  tiền ấy vào túi Gia Dũng phân nửa là cái chắc. Tôi đem điều này hỏi Gia Dũng, anh chẳng hề giấu: Khi hoàn thành bản thảo, anh đã về tỉnh xin ý kiến. Thấy nội dung tốt, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thái Bình quyết định đầu tư để cuốn sách ra đời. Mấy trăm triệu đồng là có thật nhưng chỉ có điều, toàn bộ số tiền đó được giao hết cho những người của tỉnh. Khi sách ra, trong lời giới thiệu rất trân trọng, Bí Thư tỉnh ủy Thái Bình viết: “Tuyển tập văn chương Thái Bình mười thế kỷ (1010-2010) là sự hội tụ, giao thoa giữa các thế hệ tác giả, từ cổ đại đến đương đại, với những tác phẩm đã truyền đời, phản ánh về mảnh đất con người Thái Bình ở nhiều thời kỳ lịch sử,để lại cho mỗi chúng ta niềm tự hào, mến yêu hơn vùng đất truyền thống vẻ vang này. Xin chân thành cảm ơn Hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ soạn giả Gia Dũng cùng nhóm cộng tác đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, tuyển chọn tổ chức xuất bản tập sách này trở thành một pho sách quí của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình, tiếp thêm nguồn sinh khí mới trong sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước”...

      Được đánh giá cao vậy nhưng cho đến nay đâu ai biết, nhà  thơ - soạn giả Gia Dũng đã chưa hề nhận được một đồng nào. Ngay cả mấy chục cuốn sách theo quy định bản quyền cho soạn giả còn chưa có. Dù thiệt thòi nhưng Gia Dũng vẫn vui và tự hào. Quá trình đi về địa phương làm sách, anh nhận thấy ở đâu có người Thái Bình là ở đó có văn chương. Hơn nữa Thái Bình là mảnh đất địa linh nhân kiệt, rất nhiều hiền tài. Các bậc tiền nhân đã để lại cho hậu thế không chỉ được biết về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội... mà còn biết bao nhiêu những áng văn thơ tuyệt tác. Cảm thấy nếu không công bố một cách rộng rãi, đầy đủ, hệ thống là một ân hận rất lớn, nên Gia Dũng quyết tâm làm, không tính toán hơn thiệt. Vậy nên, người Thái Bình và bạn đọc cả nước hôm nay mới có bộ sách đồ sộ về văn chương Thái Bình mà trước đó chưa ai nghĩ và cũng chưa ai làm. Cái khác người và một phần cái ngông đáng yêu ở Gia Dũng cũng là vậy.

    Các bộ sách thơ do Gia Dũng làm, có cuốn lãi, có cuốn hòa vốn, nhưng cũng nhiều cuốn lỗ, sách còn ký gửi các hiệu sách. Nói ra chắc nhiều người không tin. Một người làm sách có nghề như thế, tiếng tăm như thế mà cuộc sống lại quá đạm bạc. Suốt mấy chục năm trời sống ở Hà Nội, Gia Dũng đã phải thuê nhà trọ, toàn ngõ ngách. Đến bữa, nhà thơ ăn cơm bụi. Đi lại bằng xe đạp, xe bus, xe ôm. Gần như mỗi năm anh thay chỗ ở một lần vì chủ nhà lấy lại để xây dựng hoặc cho người khác thuê với giá cao hơn. Chắc chắn không ai có thể chỉ sống bằng khí trời và nước lã. Gia Dũng cũng vậy. Thân cô, thế cô, một thân một mình, vợ con còn ở Tuyên Quang, chẳng có cha mẹ di chúc của nả, chẳng nghề ngỗng gì khác. Lương hưu cũng không. Chuyện này khá rắc rối mà một phần cũng do tính nết ngang ngạnh, bất cần ở Gia Dũng. Sau bao năm làm việc, giờ không một chế độ mà anh cũng chẳng đấu tranh, chẳng kiện tụng, xin xỏ.

    Nghèo, nhưng Gia Dũng là người tự trọng. Có doanh nhân ngỏ ý góp vài chục triệu đồng và hứa mua cả trăm cuốn thơ với điều kiện đưa vào tuyển tập cho ông một bài. Đề nghị quá hấp dẫn nhưng khi thấy chất lượng quá kém, Gia Dũng đã buộc phải từ chối. Khi chọn thơ vào tuyển, Gia Dũng không lệ thuộc vào chức vụ, danh vị người làm thơ. Anh chỉ có tiêu chí thơ hay và đẹp. Đẹp ở đây theo Gia Dũng là không xỏ xiên, bóng gió, ác độc. Nên trong tuyển thơ Việt Nam 1945-2000, anh đã không chọn thơ của một số nhà thơ Hội viên Hội nhà văn mà lại đưa vào nhiều tên tuổi còn lạ hoắc kể cả những người đang sống ở nước ngoài.
    Con về thăm mẹ đêm mưa
    Mới hay nhà dột gió lùa bốn bên
    Bao nhiêu hạt thẳng hạt xiên
    Đã rơi vào mẹ những đêm trắng trời
    Con đi đánh giặc một đời
    Mà  không che nổi một nơi mẹ  nằm
    Đọc cho tôi nghe bài thơ trên vẻ mặt Gia Dũng đầy phấn khích, như chính thơ mình làm: “Ông có thấy tuyệt vời không, mà ông có biết của nhà thơ nào? Sáu câu lục bát ấy là bài “Đêm mưa” của một sỹ quan quân đội phục viên, ông ta tên là Tô Hoàn, người Bắc Giang, tôi chép lại từ sổ tay của ông ấy chứ đã đăng trên sách báo nào đâu”. Có được bài thơ này tình cờ do một lần gặp Gia Dũng ở Bắc Giang, nhà thơ Duy Phi đã giới thiệu. Để có một bài thơ hay, Gia Dũng đã không chỉ đọc từ tất cả các tạp chí, tập san ở Trung ương và địa phương. Thậm chí ở các tập san ở huyện, thị rồi qua người này, người khác giới thiệu.

    Gia Dũng từng tâm sự: “Tôi luôn nghĩ rằng, thời nào cũng vậy, thơ hay bao giờ cũng hiếm. Hiếm chứ không phải không có. Nhiều khi sự quý hiếm ấy lại ở ngay những người đang sống ở những nơi xa xôi, hẻo lánh. Có người có rất nhiều thơ nhưng không hề in ở đâu. Phải tri âm tri kỷ lắm họ mới bộc bạch”. Ngoài Tô Hoàn, Gia Dũng còn được giới thiệu để nghe thơ của nhà nhiếp ảnh quá cố Nguyễn Thọ mãi tận Sa Pa, của cô giáo ở trường Thiên Thanh – Kiên Giang. Thậm chí có người cả đời chỉ làm có một bài thơ duy nhất, như bài thơ: “Dám đâu bếp lạnh”mà tác giả lại chính là người nấu cơm của Bác Hồ viết về Người. Kiếm tìm và gom góp được những bài thơ hay, những câu thơ hay trong thiên hạ là công việc đã đầy cực nhọc, vất vả. Nhiều người nói công việc Gia Dũng đang làm như người cửu vạn. Một cửu vạn thơ.

    Việc không chọn thơ của một số Hội viên vào tuyển từng gây cho Gia Dũng khá nhiều động chạm. Anh biết, nhưng luôn tin vào việc làm của mình. Chắc chắn trong mấy bộ tuyển thơ của Gia Dũng, chỗ này, chỗ khác còn những hạn chế, thiếu sót. Và không phải anh không nhận ra. Có nhiều nguyên nhân nằm ngoài khả năng nên trong lời nói đầu mỗi cuốn sách, Gia Dũng luôn khiêm nhường và cầu thị mong được sự góp ý của bạn đọc. Nhiều bạn bè hỏi, sao anh không làm sách văn xuôi, sách dịch, truyện tình yêu, tình báo, tù tội, ma túy, mại dâm dễ làm mà lại có tiền, lao vào thơ làm gì cho khốn khổ? Gia Dũng hiểu bạn bè có thông cảm và thương yêu anh, mới góp ý. Từng ăn mòn bát đũa thiên hạ, trải bao đắng cay, ngọt bùi trong nghề sao anh không biết. Nhưng đã trót mắc nợ với thơ, tâm huyết cả đời rồi. Gia Dũng tin là thơ ca mãi tồn tại và sẽ được sự đón nhận của công chúng. Mà muốn thế phải có người làm, phải có người tôn vinh.

Trước Gia Dũng đã có một vài người dành thời gian làm công việc chọn tuyển thơ và ra sách thơ, nhưng đến phải bỏ cuộc nửa chừng. Kiên trì được như Gia Dũng là chưa hề có. Gần như nhà thơ đã dành cả cuộc đời mình cho thơ và cho việc tôn vinh thơ một cách hết lòng. Mỗi khi xuất bản thêm được một bộ sách thơ, Gia Dũng đều trân trọng dâng lên ngày hội thơ. Nhiều bộ sách của anh đã nhận được giải thưởng của Hội xuất bản Việt Nam, được các tổ chức văn hóa mua để  làm quà đối ngoại... Việc làm của Gia Dũng được nhiều người ghi nhận. Họ viết bài tôn vinh, ca ngợi anh là: “Cửu vạn thơ” (Lê Như), “Người tôn vinh thơ Việt” (Lê Mai) “Một tấm lòng như thế với thơ” (Thiên Sơn), “Một lao động xuất bản thơ nghiêm túc” (Nguyễn Văn Toại).... Nhà  thơ Hữu Thỉnh Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam ca ngợi nhà thơ Gia Dũng là “người tôn vinh thơ Việt”.
Tiếc thay cửu vạn thơ Gia Dũng hiện vẫn còn gian truân vô cùng. Anh vẫn còn thiếu tiền ở các nhà in. Nếu không được mọi người hiểu, thông cảm, sẻ chia, không được bạn bè động viên ủng hộ, không có các mạnh thường quân là chủ các doanh nghiệp thấy việc làm có ý nghĩa đã rất nhiệt tình hỗ trợ ... thì không biết người tôn vinh thơ Việt ấy sống chết ra sao?

    Vào những ngày đầu tháng 10-2009, đọc trên trang web www.trannhuong.com tôi thấy liên tiếp mấy ngày liền đều có bài nói về cuốn Nguyễn Trãi – hợp tuyển thơ do Gia Dũng biên soạn với những lời lẽ nồng nàn : “một cuốn sách đồ sộ, hoành tráng, dầy trên 1600 trang, in trên giấy tốt, bìa cứng giả da, đóng hộp, rất đẹp và trang nhã. Đây là món quà dâng lên anh linh người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Như có lửa trong từng trang sách...”. Kèm theo bài viết còn có thêm bức ảnh chụp hai tập sách- một nằm nghiêng và một thẳng đứng để bạn đọc có  thể cảm nhận được hết cái bề thế của sách. Lại còn bức ảnh khác, bức này chụp hình đầy đủ các vị lãnh đạo của Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ - tất cả đăng rất trân trọng bên cuốn: Nguyễn Trãi – hợp tuyển thơ. Tôi đã đọc kỹ bài viết và cũng đã coi kỹ tấm hình nhưng không hề thấy lời lẽ nào, dù ngắn ngủi ghi nhận công sức của người biên soạn và cũng không hề thấy bóng hình nhà thơ Gia Dũng trong tấm ảnh.
    Không dừng được, tôi điện cho Gia Dũng – lạ thay, anh như không quan tâm mà còn hăm hở khoe: “Tôi vừa xong bộ Việt Thi Thiên tải (ngàn năm thơ Việt) khi nào có sách tôi sẽ mang tặng ông. Sách dày 3000 trang, tâm huyết nhất của tôi đấy, chắc chắn hơn hẳn các cuốn trước”. Trời  ơi, một ông già đã vào tuổi cổ lai hy, đôi mắt đã đục mờ, chân tập tễnh vì  thường xuyên bị bệnh gút hành hạ, khó khăn và nghèo túng vậy mà vẫn đam mê đeo đuổi một công việc đầy vẻ vang nhưng cũng đầy gian khổ.

    Vậy mà, suốt bao nhiêu năm qua, Gia Dũng chưa một lần nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ cụ thể nào về vật chất và tinh thần của các Hội nghề nghiệp. Thậm chí còn chút gì đó chưa thật công bằng. Tôi có đọc bải trả lời phỏng vấn của báo Văn nghệ hỏi lý do vì sao nhà thơ Gia Dũng chưa vào Hội nhà văn VN, anh đã nhẹ nhàng: “Tôi cũng muốn vào  Hội, tôi tin vào tổ chức Hội nhà văn Việt Nam, nơi có một đảng đoàn anh minh và một ban chấp hành đầy tài năng sẽ góp phần giúp cho các hội viên sáng tác nên nhiều tác phẩm lớn, tiếc là tôi tuổi cao, chưa đủ tiêu chuẩn về tài và đức Tôi tự biết những người như tôi vẫn còn ở ngoài Hội là hợp lẽ”
    Tôi không dám có lời nào thêm về câu trả lời này. Có  một người có lẽ rất hiểu Gia Dũng, đã viết về nhà  thơ một bài dài. Phần kết tác giả viết: Dù trong sâu thẳm, có thể đôi lúc ông buồn nhưng tôi không nghĩ những “tượng đài” thơ do ông kỳ công xây đắp sẽ phải đợi đến: “Bất tri tam bách dư niên hậu?”.