Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BA CU GỐC VIỆT

Nguyễn Quang Lập
Thứ năm ngày 5 tháng 11 năm 2009 5:33 AM
Tuần trước vừa đưa tin Philipp Roesler là người  gốc Việt đầu tiên làm bộ trưởng trong nội các Đức, mình gọi vui là cu Lờ, cơn sướng chưa nguôi thì tuần này thêm hai cu gốc Việt nữa cũng làm nên công trạng vang lừng, đó là Lê Nam ở Úc và Lê Bá Hùng ở Mỹ. Một cu đoạt giải văn chương lớn nhất nước Úc, một cu được phong chức  chỉ huy  trưởng tàu khu trục Lassen, tàu này thuộc đệ thất hạm đội Hoa Kỳ, thật đã đời.Cuốn sách Con thuyền của Lê Nam đoạt giải thưởng  văn chương của Thủ tướng Chính phủ kèm theo số tiền thưởng $100,000 đô la Úc, do Thủ tướng Úc Kevin Rudd lập ra năm 2008. Không rõ giải này có phải tên là giải Kevin Rudd  không, chỉ biết đây là giải thưởng văn chương lớn nhất nước Úc.
Cu Nam, gọi thế cho vui, chưa rõ mấy tuổi, quê quán ở đâu, cái này chắc phải nhờ bác Ba Sàm giỏi tiếng Tây mò trên mạng thử xem, chỉ biết rời Việt Nam năm 1979, nhìn ảnh thì đoán trên dưới 30 tuổi. Tuổi này ở ta in được một bài thơ, một truyện ngắn ở Văn nghệ trẻ đã mừng húm, khoe rối rít. Nếu được cái giải bất luận nhỏ to ở báo Văn Nghệ thì cứ gọi tâm hồn treo ngược ngọn cây cả tháng trời.
Năm 30 tuổi mình đứợc cái giải khuyến khích báo Văn nghệ  thôi mà sướng râm ran cả tháng, ba mình ôm lấy mình nấc lên, nói ba mạ tự hào quá con ơi. Đám bạn bè ngưỡng mộ lắm, cu Phong ( Nguyễn Thành Phong), cu Hạnh ( Hà Đức Hạnh) nhìn mình thèm nhỏ dãi, he he.
Mình chưa đọc Con thuyền nhưng biết chắc có hay đến thế nào thì người ta mới trao cho cái giải to thế, chứ không phải ở ta phần lớn các gíải to đều thuộc về các cuốn sách dở, thỉnh thoảng mới có một cuốn hay nhận giải xứng đáng. Ở ta người ta không trao giải văn chương mà trao giải vấn đề.
Hễ cuốn nào có vấn đề, tất nhiên vấn đề lề phải, thì vồ lấy trao giải liền, bất kể văn chương thế nào. Có lần mình trả lời phỏng vấn ti vi, nói nếu Hội nhà văn không quan tâm đến văn chương, chỉ quan tâm đến vấn đề thì tốt nhất nên đổi tên hội, gọi là Hội vấn đề.
Cho nên mai mốt sang Úc thăm Mai Hoa, nếu may mắn gặp cu Nam, nhất định mình sẽ bắt tay chúc mừng nó, nói mày được giải to thế tất nhiên tụi tao phấn khởi tự hào rồi, nhưng tao đố mày vác cuốn Con thuyền sang nộp quyển tranh giải Hội nhà văn Việt Nam đấy, còn khuya em nhé, he he.
Còn cu Hùng nữa nhưng phải xem xem có viết được không đã.
Đọc thêm:
Lê Nam đoạt giải thưởng văn học lớn nhất ở Úc
Lê Nam đã đoạt giải thưởng lớn nhất của Úc về tiểu thuyết cho bộ sưu tập các truyện ngắn của anh: “Con Thuyền”.
Giải thưởng viết văn tiểu thuyết của Thủ tướng Chính phủ kèm theo số tiền thưởng $100,000 đô la Úc (khoảng $ 97.570 đô la Canada), do Thủ tướng Úc Kevin Rudd lập ra năm 2008.
Giải thưởng dành cho thể loại không phải tiểu thuyết cũng được trao hôm chủ nhật [vừa qua], được chia ra cho người viết tiểu sử Evelyn Juer với tác phẩm: “House of Exile: The Life and Times of Heinrich Mann and Nelly Kroeger-Mann” và tác phẩm“Drawing the Global Colour Line”, do Marilyn Lake và Henry Reynolds viết.
Các câu chuyện của Lê nói về cuộc sống của anh là một người Việt tị nạn lớn lên tại Úc nhưng cũng kể lại những kinh nghiệm của một du khách ở Tehran, một gã gangster người Colombia và một hoạ sĩ có tuổi ở New York.
Lê đã từ Việt Nam đến Úc năm 1979, hiện tại anh là biên tập viên truyện tiểu thuyết cho tạp chí “Harvard Review”. Câu chuyện của anh đã được tập hợp lại, xuất bản rộng rãi và giới phê bình hoan nghênh. “Con Thuyền” cũng đã đoạt Giải Dylan Thomas.
Những người chấm giải đã chọn cuốn sách của Lê vì tính chất táo bạo và việc thực hiện xuất sắc cũng như những hứng thú mà mỗi câu chuyện mang lại.
Lê đã không có mặt tại buổi lễ trao giải thưởng nhưng anh đã gửi tới một bài phát biểu, do nhà xuất bản của anh – Ben Ball – đọc trong hôm đó.
“Có thể nói đây là một niềm an ủi, nhưng có lẽ cần phải được nói, và nói một lần nữa và một lần nữa: những điều trong quyển sách đó là những điều chân thật nhất để kể ra cho chúng ta thấy được chính bản thân chúng ta, rằng những điều đó thật kỳ lạ, không thể giải thích được, là công việc không thể thay thế được, kể cả phim quái vật kỳ dị trên TV và internet cũng không thể diễn tả được”, Lê nói.
Anh nói rằng anh bị bất ngờ khi được chọn là người thắng giải.
“Drawing the Global Colour Line” viết về chính sách kỳ thị chủng tộc của người da trắng thay đổi trong khoảng thời gian cuối thế kỷ 19 cho tới đầu thế kỷ 20 ở Úc.
“Chúng tôi đã bắt đầu với ý tưởng chủ yếu về Úc, nhưng những ý tưởng đó đã dẫn đến sự thay đổi ở nhiều nước khác”, Reynolds nói về việc chấp nhận giải thưởng của mình.
“House of Exile là câu chuyện của tác giả và nhà hoạt động Heinrich Mann với các đối tác của mình, Nelly Kroeger, người đã chạy trốn Đức Quốc xã năm 1933, tìm nơi ẩn náu trước tiên tại Pháp và sau đó tại Los Angeles.
Juer cho biết phải mất hơn 10 năm cần cù nghiên cứu để viết tác phẩm trên.
Các giải thưởng đã được trao hôm chủ nhật tại Sydney.
( Nguồn: Webssite Ba Sàm)