Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỌC LÀM NGƯỜI, HỌC LÀM NHÀ VĂN

Khuất Quang Thụy
Thứ ba ngày 10 tháng 11 năm 2009 5:32 AM
TNc: Vậy là đã 30 năm trường Viết văn Nguyễn Du đi cùng năm tháng. Năm 1979 chúng tôi vào học khóa I, hơn 20 anh lính tạm buông tay súng làm học trò. Bây giờ lớp học trò khóa I đã đầu bạc răng long, đã có người về miền thiên cổ. Nhà văn Khuất Quang Thụy bạn đồng môn của tôi có bài viết này nói về những ngày ấy. Xin giới thiệu cùng các bạn


Mãi tới tháng 10 năm 1979 Trường viết văn Nguyễn Du mới khai giảng khóa đầu tiên,nhưng chúng tôi ,một số cây bút trong quân đội đã được triệu tập về Hà Nội từ cuối năm 1976 để chuẩn bị làm thủ tục tuyển sinh vào học khóa đầu tiên
Có lẽ chưa có một cuộc lều chõng nào được chuẩn bị kĩ càng đến thế.Trong ba năm chuẩn bị làm sinh viên Trường viết Văn Nguyễn Du để học làm nhà văn thì nhiều người trong số chúng tôi đã viết được những cuốn tiểu thuyết những tập truyện ngắn những bản trường ca đặc sắc,với một vài tác giả,thậm chí đó là những tác phẩm đinh trong cuộc đời sáng tác của họ.Nói tóm lại trong ba năm đó chúng tôi đã thực sự tham gia vào đời sống văn chương của đất nước,đã thực sự là nhà văn nhưng vẫn khát khao náo nức khi được đi học ,được đến trường ,trở thành những sinh viên đầu tiên của Trường viết văn Nguyễn Du.Sự khao khát ấy có căn nguyên sâu xa của nó,chứ tuyệt nhiên lúc đó chưa ai nghĩ nhiều đến việc phải có một tấm bằng đại học để bảo đảm cho con đường tiến thân trong tương lai của mình
Vì chưa ai hình dung ra cái bằng đó sẽ như thế nào? Cơ quan nào sẽ cấp bằng? Và liệu cái bằng đó có uy lực gì trước các cơ quan tổ chức ,cán bộ hay không?
Chúng tôi nao nức được trở thành sinh viên vì chúng tôi khao khát được học,vì nhiều người trong chúng tôi đã phải dừng lại trước cổng trường đại học để ra chiến trường đánh giặc cứu nước.Vì chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng , đã là nhà văn thì phải có văn hoá có kiến thức .Không học đại học vẫn có thể trở thành nhà văn , có rất nhiều nhà văn chưa từng học đại học,nhưng nếu là nhà văn mà được trang bị một nền tảng kiến thức văn hóa vững chắc thì có lẽ sẽ tốt hơn rất nhiều.
Và cuối cùng ngày khai trường đã đến .Ôi, cái trường viết văn Nguyễn Du! Nghĩ lại những ngày đầu tiên đến trường thật vui,thật lạ lùng.Học trò chưa biết sẽ được học gì,đã đành, ngay cả các thầy giáo của nhà trường cũng...chưa biết chính xác sẽ phải dạy gì cho cái đám học sinh cá biệt này.Tôi còn nhớ lúc đó,thầy Nguyên,một thầy giáo trẻ mới được được phân công làm chủ nhiệm đã phát hoảng lên khi nghe xướng danh tên tuổi của đám học trò - Họ đều là những nhà văn,nhà thơ mà tôi rất ngưỡng mộ,có người là thần tượng của tôi.Vậy làm sao tôi không đỏ mặt lên khi họ cứ một thầy hai thầy khi tiếp xúc với tôi cho được! Nghe nói thày có một cái luận văn gì đó rất hay,thế là đám học trò ấy đòi đọc cho bằng được,đọc xong thì...bắt đầu phán! Thầy Nguyên nghe học sinh phán xong thì toát mồ hôi Nếu các anh các chị mà tham gia hội đồng phản biện thì ...luận văn của tôi toi là cái chắc!.Thầy nói đùa như vậy, nhưng trong đó chắc cũng có ít nhiều sự thật!
Vì khung chương trình giảng dạy chưa hình thành nên học sinh khóa I có lẽ là khóa học sinh được hưởng một chế độ đào tạo dân chủ, cởi mở nhất. Ban giám hiệu nhà trường thường tổ chức lấy ý kiến học sinh trước khi ‘lên thực đơn cho các chuyên đề.Thậm chí trưng cấu ý kiến học sinh cả việc mời người thuyết trình. Nhiều vị giáo sư, tiến sĩ,nhà khoa học đầu ngành đã được mời tới thuyết trình các chuyên đề. Thường thường đó chính là xương cốt của những công trình nghiên cứu khoa học mà các vị ấy đã dày công nghiên cứu,.chắt lọc cả một đời.Được mời tới giảng dạy cho một đối tượng đặc biệt, rất biết lắng nghe, rất biết đặt câu hỏi nên tất cả các vị này đều cởi mở gan ruột, nhả ngọc phun châu...thậm chí có cả những điều mà các thầy cam đoan rằng chỉ có thể nói được ở đây với các anh các chị...mà thôi.Vì thế mà cả người nói, người nghe đều say mê, hứng thú. Được học như vậy thì việc học quả thực đã trở thành niềm vui, thành hạnh phúc, mỗi giờ học, buổi học đều là những hành trình tiếp nhận và khám phá.Tuy vậy,như mọi trường đại học ở nước ta hồi đó, trường viết văn Nguyễn Du cũng phải tiếp nhận những môn học, những chuyên đề cũ mèm, tẻ ngắt.Trong số những giảng viên được mời đến trường, bên cạnh những trí thực tuyên thâm, thú vị, có tư tưởng và phương pháp khoa học tiến bộ, cũng có những vị học giả tẻ ngắt, khô cứng, mòn nhẵn đén phát chán. Nhưng biết làm sao, đi học mà, phải cố mà qua thôi. Nhưng học sinh trường viết văn Nguyễn Du khóa I (và tôi cam đoan là cả tới các khóa hiện nay) rất biết cách vượt qua những trở ngại kiểu này.Tuy nhiên phải nói rằng hồi đó chúng tôi hạnh phúc hơn các bạn sinh viên hiện nay vì một trong những cáiđặc quyền mà lứa học sinh cá biệt chúng tôi được ngầm hưởng, đó là quyền không nghe và quyền được yêu càu mời người thuyết trình khác. Những người thuyết trình được ưa thích chưa hẳn đã là những bậc ‘mũ cao áo dài có in dày đặc trong danh thiếp những học hàm học vị ,chức vụ to tát sang trọng, mà có khi chỉ là những giảng viên bình thường, những nhà khoa học chẳng dính giáng gì đến văn chương chữ nghĩa,thậm chí tôi nhớ có cả một anh công an làm giám thị một trại giam nào đó cũng được mời tới để nói về đời sống của các tội nhân đang thụ án trong nhà giam và công việc của một người coi tù nó cực nhọc ra làm sao? Tôi còn nhớ một câu anh ta nói với các tù nhân khi đưa họ đi làm lao dịch trên một công trường trong rừng sâu rằng : Khi hết hạn tù thì các anh còn được rời khỏi đây,chứ chúng tôi thì chưa biết khi nào mới ra khỏi được cái xó rừng này .Các anh bị tù đày những còn có hạn, còn chúng tôi thì chẳng có hạn nào cả! Đó là những lời chân thực từ đáy lòng, nó khiến người ta xúc động,vì thế nó sẽ lắng đọng mãi trong kí ức.
Về chuyện học nghề (viết văn ) ở trường cũng thật nhiều điều đáng nhớ. Nhà văn Tô Hòai dạy chúng tôi Học viết văn cũng như thằng tập bơi ấy. Muốn biết bơi thì trước hết đừng sợ nước. Cứ nhảy đại xuống nước, đâp chân đập tay, uống vài ngụm nước, dăm bảy lần thế nào cũng nổi lên được. Nổi lên được thì sẽ bơi được. Nhưng từ chuyện bơi được, biết bơi đến chuyện trở thành một nhà bơi lội lập được các kỉ lục thể thao trong nước và thế giới lại là chuyện hoàn toàn khác!. Nhà văn Nguyễn Tuân: Người nông dân đi cày thì phải có cái cày, có con trâu. Nhà văn thì phải có chữ. Thế chữ của các anh đâu? Cả tập bản thảo dày đặc như ruồi bu thế này mà tôi chẳng nhìn thấy một chữ nào cả. Nhà văn Kim Lân: Văn có thể ngửi được đấy,các ông ạ. Trong văn chương thì truyện ngắn có mùi đặc biệt nhất. Hệt như mắm tôm ấy. Không ai làm giả được mắm tôm, cũng không ai làm giả được truyện ngắn...Vân vân...và vân vân...
Về chuyện đời...thời là sinh viên Nguyễn Du thì, phải nói thật nó vô cùng tiểu thuyết. Tôi dám chắc rằng rồi đây trong số các nhà văn khóa I nhất định sẽ có người lấy chất liệu sống thời là sinh viên Nguyễn Du để viết thành những thiên tiểu thuyết sinh động và sâu sắc. Nhà văn Trung Tung Đỉnh đã mon men đến với mảng đề tài này trong cuốn tiểu thuyết Ngõ lỗ thủng khi lấy bối cảnh khu tập thể Vân Hồ vốn là khu trại viết văn quân đội làm bối cảnh cho cuốn sách của mình,nhưng anh vẫn còn...ý tứ lắm.
Ngày nay, sau ba mươi năm nhìn lại những kỉ niệm của một mái trường đặc biệt vẫn còn tươi nguyên . Các nhân vật kiệt xuất của khóa I Trường viết văn Nguyễn Du vẫn còn gần như đông đủ cả. Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Nguyễn Trí Huân hiện là những cán bộ lãnh đạo của Hội nhà văn Việt Nam. Các nhà văn Trần Nhương, Tô Đức Chiêu, Nguyễn Hoa cũng về làm việc tại cơ quan hội, các anh Nguyễn Khắc Trường ,Trung Trung Đỉnh thì đang là trụ cột của Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam....Một lực lượng đông đảo các nhà văn mặc áo lính về Văn nghệ quân đội ...Toàn những địa chỉ văn học lừng danh mà trong những câu chuyện vui ở trường ngày ấy anh em khóa I đã thề nhất định rồi sẽ đánh chiếm . Điều quan trọng là tất cả chúng tôi đã trưởng thành, đã xứng đáng với những gì mình đã sống đã chiến đấu và học tập thời trai trẻ
Nhân dịp này tôi bỗng nhớ tới một người lính, một nhà văn đã cùng chúng tôi sống và học tập tại trại viết văn Vân Hồ, tại trường viết văn Nguyễn Du khóa đầu tiên- Đó là nhà văn Thái Vượng, người đã sớm rũ áo ra đi, để lại một sự nghiệp còn dang dở. Mong anh được an giấc ngàn thu.
Bây giờ trường viết văn mang tên Nguyễn Du không còn nữa, đơn vị kế thừa truyền thống và di sản của nó hiện nay là Khoa sáng tác và lí luận- phê bình văn học thuộc Trường Đại học văn hóa Hà Nội. Nhưng không phải vì thế mà mục đích và khát vọng của nhà trường đã khác đi.Tôi rất vui khi thấy nhiều em sinh viên các khóa sau này vẫn tự nhận mình sinh viên của Trường viết văn Nguyễn Du.
Như vậy,có một cái gì đó đã sống lâu hơn hình thức bên ngoài của một mái trường.

Hà Nội 10-2009 
KQT
Nguồn: vannghequandoi.com.vn