Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHÔNG DÁM HAY KHÔNG MUỐN

Thích Tiểu Thanh
Thứ tư ngày 4 tháng 11 năm 2009 12:08 PM

Tôi chỉ là một nhà tu hành, đang theo học năm cuối khoa tiếng Trung của Trường Đại học Ngoại ngữ, rất yêu văn học. Trong thời gian gần đây, tôi thấy xu hướng khi tôn vinh văn học nước nhà, đa số chỉ tập trung vào các tác phẩm nói nhiều về mặt xấu của xã hội. Chẳng biết có phải vì lẽ đó hay không mà các tác giả đã đổ xô vào tìm tòi, khai thác mô tuýt này. Họ đua nhau đào bới quá khứ, hiện tại, tương lai của cái ác. Tác phẩm muốn nổi tiếng ư? Bạn hãy đảy cái ác, điều xấu xa nhơ bẩn, nỗi đau của con người đến tột cùng đi. Nhưng nhớ hãy thêm vào đó đôi câu chửi rủa. Chắc chắn báo chí sẽ đề cập, dư luận xôn sao. Bạn nổi tiếng rồi đó!

Các thế hệ mai sau khi muốn tìm đọc những tác phẩm văn học tiêu biểu xuất sắc của giai đoạn này. Chắc chắn họ sẽ hỏi: Chẵng nhẽ thời kỳ ấy đen tối, xấu xa cùng cực  đến thế hay sao mà trong các trang viết toàn nói về cái ác, nỗi đau của con. Còn những điều tốt đẹp hiếm hoi như những vì sao trong đêm giông tố.

Khi đọc bài phê bình của bạn Thân Trọng Nhân viết về tác phẩm: Người canh giữ giấc mơ. Bạn nói: Tác giả mới chỉ dám chạm vào cái ác, không dám đảy cái ác, nỗi đau đến tận cùng.

Nhưng tôi lại cho rằng: Người viết không muốn thế.

Mặc dù tôi mới chỉ được biết tác giả qua những tác phẩm trên trang web của: Trần Nhương.com  trong ngày lễ Vu Lan vừa qua. Lúc bấy giờ tôi đang tìm đọc trên mạng các tác phẩm có liên quan đến ngày Đại lễ này. Trong trang web đó tôi đọc được nhiều thông tin bổ ích cho riêng mình. Và từ ngày đó, hôm nào tôi cũng ghé thăm web của trannhuong.com.  Còn cuốn tiểu thuyết: Người canh giữ giấc mơ, tôi mới được một bạn thuê phòng bên cạnh cho mượn. Đọc xong, tôi bày tỏ quan điểm  của mình với nhóm bạn yêu văn chương trong trường, có người đã nói: “Thế sao trong tác phẩm của mình, tác giả không đảy những điều tốt đẹp của cuộc đời này đến tột đỉnh đi. Không xây dựng nhân vật của mình hoàn mỹ như những vị Phật ” Tôi xin thưa: “Điều đó khó lắm. Trời đất còn không hoàn thiện. Phật còn vướng vào các kiếp nạn nữa là con người. ”

Bạn Nhân đã viết khá kỹ, đề cập đến nhiều điều. Song theo tôi, bạn đã bỏ qua  cái cốt lõi của tác phẩm: Đó là tấm lòng, cách đối nhân xử thế của các nhân vật trong tác phẩm. Trong bài viết này tôi không đề cập nhiều đến đúng, sai trong mối quan hệ của con người. Chỉ dám đưa ra vài ý kiến nho nhỏ theo cảm nhận của tôi. Một cô gái như Len bị xô đảy phải đi làm than “thổ phỉ”, mong kiếm được chút tiền chữa trị vết thương trên má. Khi giành dụm gần đủ, lại đưa cả cho bạn lo làm phẫu thuật cánh tay cho chồng. Một việc tốt như vậy nhưng vẫn phải giấu, vì sợ bạn không nhận. Hay như Hắn làm nhiệm vụ đuổi người ra khỏi khai trường sản xuất đấy, vẫn bảo bạn: “...Để lát nữa hãy đuổi, để họ có thời gian nhặt bòn trong đống bã xít bị thải kia thêm một ít than nữa...”Mặc dù Hắn biết làm như vậy có thể mình sẽ bị kỷ luật, cắt lương do không hoàn thành nhiệm vụ.

Còn qua vài chi tiết đối xử với loài vật, ta đã hình dung ra tấm lòng của người viết. Cái thời bao cấp ngày chỉ có hai bữa ăn, mỗi bữa ba lưng cơm độn mì mà Hắn: “...chỉ ăn hai, còn giành cho chú chó cún một...” Rồi cảnh Phan ủ con chim hoạ mi bị bắn gãy cánh trong chiếc mũ trao cho Mai, nhờ cô chăm sóc hộ.

Đối với thiên nhiên thì sao? Hắn nhiều lần hét toáng lên trên đường hành quân ra trận, khi phát hiện thấy trong rừng cây bị chết đứng vì chất độc hoá học nằm giữa đại ngàn Trường Sơn: Một chồi non, một nhành phong lan nở hoa trên thân cây đại thụ trụi lá.

Hắn đã bày tỏ thẳng thắn: “...Không có tội ác nào hơn tội huỷ hoại cái đẹp...” Và còn nhiều chi tiết khác khiến ta phaỉ suy ngẫm. 

Đã đành thời nào cũng vậy, con người chúng ta sống trong một xã hội đẩy rãy mối quan hệ. Và luôn luôn phải điều chỉnh cho phù hợp với qui tắc hiện tại. Song các mâu thuẫn sẽ nảy sinh trong quá trình điều chỉnh. Và để đạt được mục tiêu của mình, chắn chắn có kẻ không từ một thủ đoạn nào. Tội ác, nỗi đau, sự đểu cáng sẽ nảy sinh không ít.

Theo tôi, cái ác, sự đểu cáng mà tác giả đã đề cập đến trong tác phẩm của mình cũng kinh khủng lắm rồi. Vì không muốn con mình yêu Len mà mẹ Phan đã dí cả móc lò vào mặt cô gái (Hình phạt thời trung cổ) . Tên chủ lò than đã dâng cả vợ chưa cưới cho Lạm - trưởng đoàn thanh tra - để lấy một cái giấy phép xin khai thác than. Nổ mìn đánh sập cửa lò của kẻ khác, mặc dù biết chắc chắn trong đó đang có người làm. Rồi tay bảo vệ nọ mang chuyện vỗ nhầm mông mẹ vợ ra kể mua vui. Không thu được tiền thì đòi ấy một cái, rồi trừ dần mỗi lần qua cửa. Những chi tiết đó đã chứa đầy cái ác, nỗi đau, sự đểu cáng rồi. Nhưng có lẽ đáng sợ nhất là thái độ của tay giám đốc nọ. Cái thái độ bàng quang, dửng dưng trước cuộc sống của đồng loại. Xin đừng viện cớ thế thái nhân tình đảo điên mà cái gì cũng đang, đã, sắp, cho kiểm tra, cấp trên bảo thế... Và còn nhiều chi tiết khác, nói ra sẽ nhàm, làm bẩn mắt người đọc mất.   

Một tác phẩm rặt nói về cái xấu, điều ác sẽ giết chết dần niềm tin cuả con người. Đã đành văn phong của người viết rất đa dạng. Nhận thức của chúng ta cũng rất khác nhau. Các tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh chính người sáng tạo ra chúng. Theo tôi, một nền văn học phong phú phải bao gồm các tác phẩm đủ các thể loại được mọi người yêu quí, đón đọc. Chứ không phải nền văn học chỉ toàn các quyển sách viết về tội ác, nỗi đau, cái xấu xa, nhơ bẩn. Chẳng hạn như ngày nay, khi nói đến nền văn học của Trung Quốc trong giai đoạn này. Chắc chắn người ta cũng phải nhắc đến Quỳnh Dao – Tác giả của các cuốn tiểu thuyết màu hồng.

Cho dù xã hội này chưa đẹp, chưa đáng yêu. Sao chúng ta không chung tay góp sức cải tạo, làm cho nó đẹp hơn, tốt hơn rồi gắn bó cuộc đời mình với nó. Tôi xin kết thúc bài viết này bằng một đoạn ca từ của nhạc sĩ Trần Tiến: “...Cuộc đời toàn là bão dông. Vì sao cây táo nở hoa, vì sao con chim lại hát ca. Vì sao anh thợ cày lại dám yêu cô hàng xóm...” thay cho đoạn kinh định trích dẫn.

T.T.T