Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN GIỎI CÓ SỐNG ĐƯỢC BẰNG NGHỀ ?

Phạm Thành Chung
Thứ hai ngày 9 tháng 11 năm 2009 6:23 PM
 
Ý kiến của bạn Duy Hữu bất giác khiến tôi nhớ tới trường hợp một số nhà văn được gọi là sung sức ở Việt Nam hiện nay. Đó là những người mà khi nhắc tên, ít ai không thừa nhận đó là những nhà văn giỏi. Vâng giỏi” thì giỏi thật, song thử hỏi họ đã thực sự sống được bằng nghề chưa? Một đôi dẫn dụ dưới đây có thể cho bạn đọc hiểu thêm rằng: Với chế độ nhuận bút và thực trạng xuất bản như hiện nay, việc một nhà văn có thể duy trì được đời sống bình thường như những người lao động thủ công khác đã là rất khó khăn rồi. Yêu cầu họ phải kiếm được nhiều tiền mới xứng danh nhà văn giỏi gần như là một điều... không tưởng?
1. Có thể nói, so với các đồng nghiệp viết văn xuôi, người viết tiểu thuyết chịu thiệt nhiều hơn cả. Nếu một truyện ngắn trước khi được tập hợp in vào sách thường được các nhà văn cho gửi đăng báo trước thì cơ hội ấy đối với tiểu thuyết là rất hiếm. Hơn thế, khi in báo, nhuận bút của tác phẩm có thể phụ thuộc vào tiara của tờ báo đó (không liên quan gì tới chất lượng của nó). Tiara ít, một truyện ngắn có thể chỉ được người ta trả hai, ba trăm ngàn. Tiara nhiều, truyện có thể được trả tới cả triệu. Tiểu thuyết thì chỉ có thể dựa vào chính nó, bởi vậy mà số lượng in thường rất hạn chế. Đa phần hiện nay các nhà xuất bản chỉ dám in một tiểu thuyết ở mức một nghìn cuốn mà thôi. Và như vậy, với chế độ nhuận bút hiện nay, khoản tiền mà các nhà tiểu thuyết lĩnh về sau khi sách được phát hành có đáng gọi là thù lao chất xám? Xin được minh chứng bằng trường hợp của cây đại thụ Tô Hoài.
Lần ấy (vào năm 1996), sau khi cho in cuốn tiểu thuyết Kẻ cướp bến Bỏi ở một nhà xuất bản, nhà văn Tô Hoài đã gửi tặng tôi - với tư cách biên tập viên - bản thảo viết lần 1, lần 2, lần 3 của cuốn tiểu thuyết đó. Chẳng phải nhà văn có ý này ý khác, mục đích là để cho vui, để kỷ niệm như tính ông vốn thế. Song khi ngồi lần giở từng trang, bắt gặp bao nhiêu vết tẩy xóa, sửa chữa, những công phu đẽo gọt, mài giũa câu chữ của nhà văn, lòng tôi không khỏi dấy lên sự ngậm ngùi... Vậy là, để viết nên cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Tô Hoài đã phải viết đi viết lại đến... 4 lần (cộng cả bản thảo đưa nhà xuất bản duyệt in). Sách dày xấp xỉ 300 trang, có nghĩa là nhà văn đã trực tiếp viết tay đến ngót... 1.200 trang.
Bây giờ hãy nói đến phần thù lao mà ông được lĩnh. Theo thông lệ của các nhà xuất bản, loại sách như của Tô Hoài (tức sách sáng tác trong nước) được tính nhuận bút 8% giá bìa nhân với số lượng in. Như vậy, nếu bình thường, cuốn tiểu thuyết đó của Tô Hoài, với số lượng in 800 cuốn, khổ 13x19, nhuận bút vào khoảng 1.200.000 đồng (một triệu hai trăm ngàn đồng). Nhưng Giám đốc nhà xuất bản nọ cũng đồng thời là một nhà văn, bản thân từng viết tiểu thuyết và là cộng tác viên của một số nhà xuất bản khác nên anh rất hiểu và trân trọng sức lao động của nhà văn. Áp dụng chính sách đặc biệt, anh nâng mức nhuận bút của nhà văn Tô Hoài lên 10%. Theo đó, với cuốn sách nói trên, nhuận bút của Tô Hoài vào khoảng 1.400.000 đồng. Tính ra, mỗi trang viết tay của nhà văn được trả khoảng 1.200 đồng, ngang bằng với thù lao của người đánh máy chữ (bấy giờ nhiều nơi người ta tính tiền công đánh một trang khổ A4 - tương đương 2 trang in khổ 13x19 là 2.000 đồng). Với cách tính như vậy, mới thấy, nhà văn Tô Hoài đâu có được hưởng phần thù lao chất xám?
Tuy không viết nhiều như nhà văn Tô Hoài, song Ma Văn Kháng cũng là một tiểu thuyết gia cỡ bự. Đến nay ông đã cho ra mắt bạn đọc cả thảy 12 cuốn tiểu thuyết, trong đó, các cuốn Mùa lá rụng trong vườn và Côi cút giữa cảnh đời được tái bản nhiều lần. Nghe tôi đặt vấn đề: Sắp tới, ông có định cho xuất bản thêm cuốn tiểu thuyết nào không?, nhà văn Ma Văn Kháng lắc đầu, thẳng thừng, rằng ông chán, ông mệt không muốn viết nữa. Ông cũng cho biết, vừa rồi ông phải trải qua một cuộc đại phẫu thuật (mổ tim), phải đặt 3 cái stent ở động mạch vành, chi phí tới 160 triệu đồng. Theo nhà văn Ma Văn Kháng, ông không bao giờ gắn việc lao động sáng tạo trước đây với việc tật bệnh bây giờ, để rồi cho rằng cái nọ là nguyên nhân dẫn tới cái kia. Bởi tính như thế thì hóa mình lỗ to. Ông nói: Nếu tính nhuận bút chẳng ăn thua gì. Mỗi cuốn in ra chỉ được 2 - 3 triệu. Tái bản còn ít nữa, bị trừ đầu trừ đuôi….
- Cuốn tiểu thuyết nào được ông hoàn thành nhanh nhất? - Tôi hỏi lão nhà văn - Và với thời gian bao lâu?
- Bình thường thì mỗi cuốn mình viết trong 2- 3 năm, viết đủng đỉnh thôi. Nhưng cuốn Mùa lá rụng trong vườn thì chỉ viết trong vòng 6 tháng. Vì nó chủ yếu là chuyện nhà mình nên mình có thể viết nhanh được.
Tất nhiên, nói vậy song lão nhà văn mới tính thời gian viết, không tính thời gian thai nghén tác phẩm. Cuốn sách hiện đã được tái bản tới chục lần, song nhuận bút chẳng nhằm nhò gì. Theo tác giả cho biết thì trong một lần sách được tái bản cách đây 4 năm, người ta tính thế nào mà chỉ trả cho ông có… 600 ngàn đồng!
Cũng tương tự trường hợp nhà văn Tô Hoài, mặc dù đến nay được xếp hạng nhà văn có số đầu sách in nhiều nhất Việt Nam, song nhà văn Ngô Văn Phú có thói quen, dù viết ngắn hay dài, viết báo hay viết tiểu thuyết, bao giờ ông cũng chỉ… viết tay. Viết sạch sẽ và gửi thẳng tới nhà xuất bản, không cho đánh máy. Nếu thuê đánh máy thì… chết tiền. Có khi nhuận bút được hai phần, lại mất một phần cho thù lao vi tính. Chẳng dại - Ông tâm sự. Trả lời câu hỏi: Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của nhuận bút đối với đời sống của cá nhân ông?, nhà văn Ngô Văn Phú cho biết: Mình thuộc loại nhà văn có mức nhuận bút tào lao đủ tiêu. Kể không có nhuận bút cũng túng. Và ông giải thích: Tiểu thuyết nếu người ta chỉ in 500 đến 700 bản, nhuận bút cũng chỉ được tầm 2- 3 triệu. Trong khi in thơ thì mình lại phải bỏ tiền. Mà mỗi tập thơ, nhẹ nhất cũng từ 4 đến 5 triệu. Bởi vậy mà tôi vẫn nói đùa: Cứ 2 cuốn tiểu thuyết thì đổi được một tập thơ. Từ trước tới nay, tôi đã in 23 tập thơ, hầu hết đều phải bỏ tiền túi. Như cuốn Tuyển tập tôi tặng cậu vừa rồi, tôi phải ném vào đấy tới 10 triệu, bằng nhuận bút của 4-5 cuốn tiểu thuyết ấy chứ. Mà lạ, thơ in thì phải trả tiền ngay, trong khi có cuốn tiểu thuyết của mình in ra từ tháng 5 năm ngoái, mà đến giờ có nhà xuất bản vẫn chưa chịu thanh toán nhuận bút. Hỏi thì họ nói do đầu nậu chưa chuyển tiền.
Mặc dù từng là Giám đốc của một đơn vị xuất bản, song theo nhà văn Ngô Văn Phú, số lượng in tính cho mỗi đầu sách của ông cũng không nhiều, chỉ vào tầm 1.000 cuốn đổ lại. Thời gian ngắn nhất dành cho mỗi cuốn sách cũng phải 4 - 5 tháng, và mức nhuận bút cao nhất cho một lần in mà ông được lĩnh cũng chỉ có 4 triệu. Như vậy, nếu không viết báo vặt thì tính bình quân, mỗi tháng ông cũng chỉ thu về được có vẻn vẹn…600 ngàn đồng. Mà đấy là với ông -  một người đã quá dày dạn trong trường văn, trận bút.
Thiếu tướng - nhà văn Hồ Phương thì khẳng định ngay tắp lự: Nếu không có lương hưu thì ông không sống được.
- Ở nước ta, nhà văn làm sao sống được bằng nhuận bút - Ông nhận định - Như tôi chẳng hạn, tiền nhuận bút, nói thật là tôi đưa cho vợ để bà ấy… tiêu vặt. Và nhà văn cho biết: Từ năm 2001 đến nay, ông viết và cho in được 5 cuốn tiểu thuyết, trong đó - ngoại trừ cuốn tiểu thuyết Cha và con được NXB Kim Đồng in nối bản liên tục trong thời gian ngắn - còn thì đa phần mức nhuận bút chỉ tầm vài ba triệu đổ lại. Cuốn tiểu thuyết Ngàn dâu, dày cỡ 300 trang, in ở một nhà xuất bản cách đây vài ba năm, ông được có 2 triệu nhuận bút. Trong khi, có những cuốn, vì máy tính ở nhà bị hỏng, ông phải thuê đánh ở ngoài, và tiền chi trả cho việc này cũng xấp xỉ… 2 triệu.
Nhà văn Võ Văn Trực, tác giả cuốn tiểu thuyết Vết sẹo và cái đầu hói bán khá chạy trên thị trường thì cho biết, mặc dù đến nay ông đã xuất bản được 7 cuốn tiểu thuyết, song chưa có cuốn nào mà mức nhuận bút vượt quá 6 triệu. Ông so sánh: Như ông Băng Sơn viết báo, mỗi tháng cũng được 5 triệu. Còn mình viết tiểu thuyết, mỗi tháng chỉ cần được 600 ngàn cũng khó lắm rồi. Theo như nhà văn Võ Văn Trực phân tích, lý giải, thì để làm ra một cuốn tiểu thuyết, ông phải làm đề cương và nghiền ngẫm rất tỉ mỉ, mất nhiều thời gian. Đến khi bắt tay vào viết mới là bước thứ hai. Và bước này, nhanh nhất cũng phải mất 5 - 6 tháng. Như vậy, tính bình quân ra, mỗi tháng chắc gì đã được 500 ngàn đồng. Và ông gọi việc viết tiểu thuyết là việc làm thật ăn giả.
2. Trở lại với ý kiến của bạn Duy Hữu. Cũng trong mẩu comment nhắc tới ở đầu bài viết này, bạn Duy Hữu còn cho rằng: Bây giờ ở Việt Nam, người ta toàn in sách để tặng nhau, in chừng dăm ba trăm cuốn, biếu tặng lung tung, toàn người quen trong giới đọc, rồi vỗ đùi khen nhau (có khi sau lưng thì chửi rằng thằng ấy viết như....  Sự thực thì có người đọc (dù là để chê đi nữa) hãy còn là... may mắn chán. Có thể nói, việc lười đọc không chỉ xuất phát từ cái tạng của một số người, mà là căn bệnh chung của nhiều người, và rất phổ biến hiện nay. Trong đó, buồn thay, cũng là căn bệnh của không ít… nhà văn, những người hơn ai hết luôn cần đến… người đọc. Cứ đằng thẳng mà nói, trong số hàng trăm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà mỗi dịp hội họp, tay bắt mặt mừng, hỉ hả cười nói với nhau kia, có được bao nhiêu người ta có thể kể tên chính xác một vài tác phẩm (hoặc đặc điểm cơ bản) trong đời sáng tác của họ, dù rằng sách họ in ra, ta đều được biếu, tặng? Thậm chí, ta có thể bỏ ra rất nhiều thời gian để ngồi bù khú với nhau, chén chú chén anh, song để dành một chút thời gian cho việc đọc nhau hẳn là một việc…hơi xa xỉ?!
Hẳn bạn đọc sẽ rất ngạc nhiên về điều này. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi chứng kiến những người tuy không đọc nhưng vẫn có thể nói thao thao về một số đặc điểm của tác phẩm. Mà họ thường xuyên làm được như vậy. Phải thừa nhận có những người rất có tài về mặt này. Thậm chí qua ý kiến của một đôi người, họ nắm bắt vấn đề và chuyển hóa rất nhanh thành… ý kiến của mình. Trước đây, tôi từng được con trai của một trong những người từng giữ cương vị lãnh đạo Hội Nhà văn kể cho nghe câu chuyện: Bấy giờ là vào thập kỷ 80 (của thế kỷ XX), tiểu thuyết Cù lao Chàm của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn ra đời, gây xôn xao dư luận bạn đọc cả nước.
Một cuộc hội thảo được tổ chức xoay quanh sự kiện này. Là một trong những người được mời tham gia phát biểu, song chỉ đến trước thời điểm diễn ra hội thảo chưa đầy một tiếng, ông nhà văn nọ mới lật giở xem qua vài trang của cuốn tiểu thuyết. Vậy mà, khi vào hội thảo, nghe ông phát biểu một cách say sưa, hùng hồn, ai cũng tin là ông đã nghiền ngẫm cuốn sách này rất kỹ, và ngay từ lúc cuốn sách… mới ra đời. Riêng người con trai của ông nhà văn thì tự hào cho rằng bố mình có ăng ten rất thính nhạy, chỉ qua một vài ý kiến đề dẫn, ông đã nắm bắt được những đặc điểm cơ bản của cuốn sách. Cũng có người biết thực hư câu chuyện lại cho rằng, sở dĩ những người nhận thấy phát biểu của ông nhà văn nọ là sâu sắc là bởi rất có thể họ cũng như ông, chỉ đọc cuốn sách một cách lớt trớt mà thôi.
Là người viết, ai cũng muốn tác phẩm của mình gây được ấn tượng tốt trong lòng người đọc, đặc biệt là với người trong nghề, bởi dẫu sao với những người tinh thông về nghệ thuật thì những ý kiến khen chê thường bao giờ cũng nghiêm khắc và chuẩn xác hơn. Ước mơ nho nhỏ vậy, song với các nhà văn nhiều khi nó chỉ xảy ra trong... trí tưởng tượng. Thực tế là các đối tượng độc giả lý tưởng nói trên quá ư bận việc. Càng nổi tiếng, có uy tín trong nghề họ càng ít có cơ hội được rảnh rỗi, ít có thời gian trống để liếc mắt đôi chút tới sản phẩm của đồng nghiệp. Tại những quầy sách cũ, không hiếm lần tôi bắt gặp những cuốn sách có lời đề tặng nồng thắm của tác giả, mà lần giở nội dung, thấy vẫn còn những trang giấy mới toanh dính nhau chưa hề rọc... Đây cũng là một sự hy sinh nữa của các nhà văn trong việc lựa chọn văn chương, bút mực làm lẽ sống...
 
Nguồn: CAND