Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÀI CẢM NHẬN ĐỌC BẢN THẢO TRƯỜNG CA PHÙ SA XANH CỦA VŨ XUÂN TỬU

Phạm Xuân Trường
Thứ hai ngày 9 tháng 11 năm 2009 5:03 AM

(Trại Sáng tác Tam Đảo)
Đọc một mạch hết một ngàn không trăm tám mốt câu thơ của 8 chương gấp Phù sa xanh trường ca của Vũ Xuân Tửu lại. Tôi bỗng thấy lòng mình bâng khuâng trống trải. Một cảm xúc trào dâng lẫn lộn, có gì đó liêu trai vừa huyền hoặc, vừa xót xa, chua chát, uất ức.
Hồn vía của Phù Sa Xanh bày tỏ tinh thần trách nhiệm của một công dân yêu nước chân chính. Anh đề cập những vấn đề cả từ lịch sử đến hiện tại đầy đau đớn và bức xúc. Con sông Lô còn đây, mảnh đất Tuyên Quang còn đây. Máu thịt nước non đi vào thơ anh. Dẫu ai chưa một lần đặt chân đến vẫn hình dung ra được, cái hừng hực của sông Lô mùa lũ và nét dịu dàng của sông Lô như con gái / Mùa thu/ Sông Lô hiền như cô thôn nữ/ Dín dó bơi lặng lẽ sóng dồi/ và / Mùa hè bốc máu đàn bà nổi loạn/ Mặt sóng đỏ hăm, quật ngã đôi bờ/ Phá nát tất những gì vướng lối/ Nhấn chìm đi cả lá và hoa.
Thật rùng mình nghe thơ anh tâm sự về trận lũ năm 1971 /Ông già, trẻ con ngồi trên nóc nhà trôi  trên sông kêu cứu rạc rài/ Chùm người bám lúc lỉu trên cây tuyệt vọng nhìn theo.../Những người chết đuối trên sông nhiều như cá dưới nước, như lá trên rừng...Tôi đã có lần lên Tuyên Quang. Có cái gì cổ kính hoang sơ còn xót lại. Những bức tường thành rêu phong từ đời Nhà Mạc, xen lẫn những nhà hàng và nhà ống đan xen. Phố phường có gì êm đềm hơn thành phố dưới xuôi nơi tôi đang sống. Anh nhắc lại  cả một thời u mê mông muội . Người ta đập phá đền thờ và đồ tế lễ may mà cái khánh bằng đồng không có vàng nên đã được trả lại vị trí cũ bằng hai móc sắt ø6 treo Tẽn tò bên điện và Cất tiếng ngân thảng thốt dòng Lô. Có gì đó thật  đắng cay chua xót khi niềm tin vào cõi trần bị xói mòn dối lừa. Tìm đến chốn tâm linh để: Tự an ủi nhau, chuyện khổ đau là số phận ấy mà.../ Người trần thờ phụng cái người ta ngưỡng vọng /Dẫu bị dối lừa thì có cũng hơn không. Vũ Xuân Tửu đã định nghĩa về niềm tin như thế đó. Đám đông hiền lành  mênh mông như cỏ. Tìm trong cái không có để mà tin, mà sống mà di dưỡng tinh thần. Nếu như Lý Thường Kiệt chống giặc Tống trên sông Như Nguyệt đọc câu thơ thần khẳng định chủ quyền lãnh thổ và ý chí quật cường  của một dân tộc. Thì nay một anh nhà thơ tỉnh lẻ, một con dân đất Việt khẳng định: Ta là người Việt Nam/ Quen điệp khúc trong nhà mình nhất/ Xây dựng thiên đường bằng cuốc bằng dao/ Bảo mình nhỏ, mình hèn là xúc phạm. Nếu chỉ dừng ở đây thôi thì Vũ Xuân Tửu đã sa đà vào tụng ca và tự hào hão. Nhưng anh đã đề cập đến vấn đề đầy nhức nhối: Mốc quốc gia số Hai trăm sáu mươi mốt (năm hai ngàn lẻ một) thay mốc giới Pháp – Thanh. Và đến đây người đọc sẽ không khỏi đặt ra câu hỏi cái mốc giới 2001 ấy vị trí thế nào? Rồi một chút bi hài : Khẩu hiệu đỏ, mười sáu chữ vàng đòng đưa nói về sự  ổn định lâu dài (chứ không vĩnh viễn) . Cặp từ đòng đưa anh dùng thật đắc địa . Có gì đó như lật lọng, lươn lẹo, giả trá, xảo quyệt và tráo trở. Bốn chữ trong ngoặc (chứ không vĩnh viễn) của anh, tôi lại nghĩ đó là vĩnh cửu . Thực ra bao nhiêu nhà khoa học đã đi tìm, chế tạo động cơ vĩnh cửu nhưng đều thất bại vì không thể có động cơ vĩnh cửu. Vậy thì có gì là vĩnh viễn. Bốn chữ trong ngoặc ấy Vũ Xuân Tửu đã khẳng định và anh biết cũng như mọi người đều biết. Khi xem phim các hoàng đế Trung Hoa trước đám quần thần đều được nghe lời xung tụng: Hoàng đế vạn tuế, vạn vạn tuế. Chỉ có cây Vạn Tuế (cũng là do người đời đặt tên cho oai thôi. Chứ cũng chưa thấy cây nào sống vạn năm). Để tránh cái chữ của thời phong kiến người ta lại hò nhau nhái ra chữ : Muôn năm. Làm gì có muôn năm, làm gì có vĩnh viễn. Đến như Liên bang Xô Viết thành trì XHCN còn sụp đổ. Quốc kỳ đã thay, đồng chí giờ là tổng thống ... Sự sụp đổ ấy chẳng qua là trái quy luật tự nhiên, trái quy nhật nhân sinh và đạo lý làm người. Thế thì lấy đâu ra vĩnh viễn. Anh và tôi cùng mọi người đều biết rằng chẳng có gì là vĩnh viễn. Nói cho vui, nếu như đi theo con đường của các Vua Hùng đã chọn thì Merceđét, quần bò, ti vi, tủ lạnh và nồi cơm điện sẽ bán cho ai. Chả lẽ ta lại nấu cơm bằng nồi đất, đóng khố, cưỡi ngựa đi đám cưới à! Vậy thì làm gì có vĩnh viễn, có muôn năm.
Vũ Xuân Tửu vẽ ra một chút bi hài, cái khát vọng giàu sang cái hơn người kiểu trọc phú quê mùa Dân chúng nhọc nhằn, nên ai cũng thích làm quan cho sướng có chút gì đó mỉa mai và cay đắng. Ngày xưa Vua là thiên tử (con giời) quan là phụ mẫu của dân, là cha mẹ của dân. Phải coi dân như con đẻ của mình. Phải lo cho dân, chăm cho dân sao cho đúng với nhân cách là phụ mẫu, để con cái đói thì bậc phụ mẫu phải thấy nhục, phải biết xấu hổ. Còn ngày nay quan là cán bộ, là đầy tớ của dân, là công bộc của dân, khổ trước dân, sướng sau dân. Vậy mà V X T lại bảo Dân chúng nhọc nhằn, ai cũng thích làm quan cho sướng . Lối viết u mặc cười ra nước mắt.
Sông Lô  chảy dài suốt dọc trường ca của V X T. Sông lô như là nhân chứng sống :Chiến tranh tàn phá biên thuỳ/ Khối bộc phá nổ tung cây cầu đá.../ Mùi thuốc súng ám vào từng hạt phù sa...sông Lô đỏ, sồng Hồng cũng đỏ/Sông Lô đau/ Đất nước cũng đau. Đêm vui mấy cũng tàn, chiến tranh mãi rồi cũng kết thúc. Thật chua chát. Hai đất nước cùng tôn thờ một chủ nghĩa. Từng có kẻ thù chung, lại tàn sát nhau hơn kẻ thù. Để rồi : “Một mai ca khúc khải hoàn/ Sao đỏ sao vàng không bắn nhau nữa”. Anh khái quát vấn đề bằng hình ảnh hai ông sao thật chua chát. Như nhà thơ Nguyễn Duy đã có câu thơ “Thắng hay thua chỉ  người chết là bại”.
Phù sa xanh đề cập vấn đề mà các nhà chính trị thường né tránh: Nhớ ngày nào hội nhập vào ASEAN. Các cơ quan truyền thông ra rả : Hội nhập nhưng không hoà tan, nâng cao cảnh giác kẻo địch phá hoại ta nhiều mặt, cảnh giác diễn biến hoà bình, cảnh giác với các thế lực thù địch vv..và vv… Thậm chí còn kiêng kỵ và gọi những đồng tiền Mỹ là Đô la rúp hoặc ngoại tệ mạnh của Việt kiều gửi về hoặc mang về nước đầu tư. V X T đã khẳng định “Chúng ta đều là con dân đất Việt/ Hãy hoá phù sa xanh, phù sa đỏ nuôi đất mẹ hiền/ Thế giới phẳng dần, nhưng tổ quốc vẫn mãi là tổ quốc / Thập loại thành phần nên một khối nhân dân” . Nhớ lại năm 1954 miền Bắc được giải phóng, nhà nào cũng treo hặc dán vào nơi trang trọng nhất khẩu hiệu: Tổ Quốc Trên Hết. Bây giờ khẩu hiệu ấy ở đâu, còn ai treo ai dán. Thế giới phẳng của Tô-mát phrít-ma. Xôn xao dư luận toàn cầu bao nhiêu năm, giờ mới được thẽ thọt xuất bản. Các nhà chính trị luôn mồm nhắc đến cảnh giác cao độ với ngoại xâm, nhưng nội xâm còn tàn bạo độc ác, trung cổ hơn chúng ta tưởng nhiều. Họ cướp đất, cướp nhà, cướp ruộng làm sân gôn, khách sạn. Bồi thường với giá bọt bèo. Nông dân một đám đông đáng thương lại với đôi bàn tay trắng, cảnh báo một nguy cơ khi mà: “Nhấm thuyết giao nước ngoài thì hấm hứ rình nhau / Đất nước bao lần tan hoang chinh chiến/ Và sẽ có ngày lại khói lửa binh đao/ Sông Lô thương đau thắm dòng máu đỏ/ Khăn tang trắng bờ như thể hoa lau / Tay ta viết, tim ta đau định mệnh/ Miền núi trung du thành bãi chiến trường / Lại cái cảnh nồi da xáo thịt/ Xao xác bên sông kẻ khóc người cười”. V X T phải đau đớn, quằn quại với những câu thơ đẫm nước mắt cứ như từ tim óc vọt ra. Một thứ thay tên đổi họ, đánh tráo niềm tin “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” ư? đánh đổ tư bản để cán bộ trở thành “Tư bản đỏ”. Rồi anh day dứt, khát vọng và như mê mị ước mơ “Sao không phải là trí thức toàn thế giới liên hiệp lại, để cùng nhau kiến tạo văn minh”. Nhưng đau đớn thay khi nghĩ về Nguyễn Trãi và còn ai “Có nhớ Tả tướng Trần Nguyên Hãn/ Oan khiên đổ xuống khúc sông sâu/ Nhân tài hào kiệt đời nào cũng vậy/ Đều bị gian thần mưu ma chước quỷ triệt tiêu” và thời nay thì sao. Hỏi có bao nhiêu người như ông Kim Ngọc… V X T gói gọn khổ thơ này như đinh đóng cột: “Thì ra thời nào cũng vậy/ Vắng minh quân là luỵ đến thiên tài” V X T đã sòng phẳng vạch ra thứ á phiện chết người được du nhập vào nước ta như hàng hoá “Cái đạo phương tây lại truyền theo sông đến tận Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ/ Và chủ nghĩa Mác – Lênin cũng từ phương Tây du nhập vào thị thành, bản vắng xóm cùng” rồi anh khẳng định “Những thứ văn minh đều từ phương Tây đến cả” và anh làm phép so sánh bằng hai câu thơ đối lập nhau gợi cho ta một ông linh mục và một ông bí thư chi bộ: “Nhà thờ công giáo linh mục giảng đạo Kitô/ Hội trường chi bộ, bí thư trình bày nghị quyết…” / Người ta tính chuyện làm ăn, ai cũng có nhà lầu, xe hơi, ti vi, lò vi sóng, điện thoại di động, vi tính nối mạng Internet nối mạngtoàn cầu/ Mình cứ quẩn quanh giao giảng 10 điều răn của Chúa và 19 điều Đảng viên cộng sản không được làm, khiến ai ải ài ai cũng  thành tín đồ khổ hạnh”. Cái điệp từ ai ải ài ai nó lê thê mủn bục đau đớn uất hận đến uất ức vì: “Thánh giá và áo choàng đen bao trùm thế giới / Búa liềm và cờ đỏ tràn lên khắp thế gian…/ Đức tin và lý tưởng đối đầu/ Tôn giáo là thuốc phiện xoa dịu nỗi đau nên trường tồn cùng nhân loại/ Cộng sản là đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản rực rỡ 100 năm” . Để rồi nỗi đau lớn nhất, thất vọng ghê gớm nhất là khi nhân dân. Đám đông dâng máu nhận về mình: “Nhân dân không còn gì để mất, đứng lên giành quyền chủ nhân ông nhưng rồi thất vọng” anh như quan toà hỏi tội phạm nhân, khi nghĩ về nhà văn Lan Khai, người viết văn kiếm gạo ấy đã ra đi không bao giờ trở lại. Câu thơ tự nhiên như lời kể chuyện “Rồi một hôm trên tư giấy về/ Bảo ông đi việc công và không về nữa”. Trên ấy là ai? chắc hẳn bạn đọc cũng rõ, thà như thế còn hơn là Trần Dần, Phùng Quán, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Phùng Gia Lộc, Phù Thăng, Xuân Khánh, Lê Bầu, Bùi Ngọc Tấn trên 50 năm đã sống như là chết. V X T đã vạch ra cái dối trá, đau khổ vì: “Những trói buộc vô hình không nhìn được…/ Chuyện nói cười theo “kỷ luật phát ngôn”… Tất cả phải giống nhau lời ăn tiếng nói/ Khúc hát câu cười, lam làm, ăn ở…/ Nhà nước độc quyền tư tưởng/ Như thời xưa bao cấp nguồn hàng/ Chỉ nghĩ một kiểu, chỉ đi một đường”. Và anh cũng cho thấy sự dốt nát đến thê thảm (không phải thời thực dân để lại đâu nhé) khi mà: “Nhà máy phải đưa vào trong lòng thị xã để mọi người chiêm ngưỡng các công trình toả khói tới tương lai…/ Bây giờ thế kỷ 21 rồi mà vẫn rinh nhà máy xi măng vào thị xã”. Rồi anh kết luận /Sự duy ý chí đã làm cho thành trì xã hội chủ nghĩa sụp đổ tan tành, mà chúng ta vẫn cứ phát huy” vì “Nếu ai cả gan vạch ra sự bất hợp lý đến hồi vô lý thì bị quy là chống Đảng, ngang tàng” . Thật kinh hoàng, trường ca Phù Sa Xanh như sông Lô cuộn chảy. Như ruột gan của V X T bộc bạch: “ Cờ Tổ Quốc dẫu phải in trên quần đùi cũng được/ Nhưng mỗi tiếng nói người dân phải đặt lên bàn”. Nghe thật đanh thép, xuyên suốt trường ca là nỗi đau đáu, đầy tinh thần trách nhiệm của một công dân khảng khái, thẳng thắn. Ngỡ như anh đang là quan toà phán xét, lại như con chiên kêu cứu đức Chúa Trời. Lại như một đảng viên đang đọc bản phê bình và tự phê bình trước tập thể đông người đứng đầu là bí thư chi bộ. Rồi anh lại quặn thắt như con rồng đá ở đền thờ Lê Văn Thịnh tự cắn vào thịt mình.
Những vấn đề V X T bộc bạch không kể hết. Người viết chỉ điểm xuyến một vài  câu thơ cho bài viết này. Và với những nhà thơ đích thực chỉ mong: “Em dâng tặng tình yêu cho anh làm thơ để cứu loài người/ Nên nhà thơ nào cũng khao khát tình yêu/ Và cô gái nào yêu thi nhân cũng là hiến dâng cho đời vậy”, cho nên dù: “Bao nhiêu nhà báo, luật gia bị bắt/ Bao nhêu nhà thờ bị cắt đất dựng công viên/ Bao nhiêu nhà khoa học bị bó tay phải nghiên cứu công trình minh hoạ/ Nhưng không thể kêu đất vì đất đang quy hoạch/ Không thể kêu trời, vì trời của Quốc Doanh” , nên anh “Chỉ có thể cầu khẩn dòng sông phù hộ”.
May đấy là sông Lô nơi  anh ở. Chứ như sông Thị Vải thì lời khẩn cầu của anh cũng bị chôn vùi trong nước thối bùn đen vì con sông đã bị đầu độc. Lời khẩn cầu của anh cũng chả tới được công chúa Phương Dung.
Cảm ơn anh đã cho tôi một món ăn toàn rau ngải đắng. Nuốt xong rồi vị ngọt thấm vào tim. Chợt nhớ mấy câu thơ trong bài Nơi Gừ của nhà thơ Việt Phương viết từ năm 1970 trong tập Cửa Mở.
“Anh chưa đến hai mươi đã thấy mình già lắm/ Sống thường trực của anh là lợm giọng/ Chán chường muốn mửa cuộc đời ra/ Mửa cả tiếng chim, mửa cả màu hoa/ Anh đã thấy nhưữg gì quá nhiều lần nhìn thấy/ Cả những con người cũng lập đi lập lại đến trở thành thiu chảy/ Tất cả những gì y như miếng thịt đã ôi”...
Để rồi trong tập Cửa Mở sau những đau đớn vật vã nhà thơ tìm cho mình một tình yêu. Bằng cái tít của bài thơ và cũng làm câu kết “Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi” .
Mong V X T có nhiều đứa con tinh thần ra đời hay hơn nữa.
  Nhà Sáng tác Tam Đảo, ngày 8/11/2009.