Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Luồng ánh sáng tuôn theo cung đường gió

Hoàng Quý
Thứ sáu ngày 6 tháng 11 năm 2009 10:49 AM
Luồng ánh sáng  tuôn theo cung đường gió


Hoàng Quý

Tôi gặp la liệt những nhà thơ cố ý từ chối cội nguồn, do đó khi đọc thơ của họ, dù họ có cố gắng đến mấy trong cái cách mà họ gắng dụng công diễn đạt trong câu, trong chữ, câu chữ vẫn hiện hình phấn son. Nhà thơ Aragông gọi mặt hàng giả của họ là “ Sáp chữ ”
Phạm Vân Anh không thuộc những nhà thơ như vậy.
Ngay trong bài thơ đầu tiên của tập thơ đầu tiên  - tập “ Tôi chào tôi ” - chị đã lặng lẽ tìm ngoái nguồn gốc của chị, của cái đứa bé luôn vẳng nghe từ xa thẳm li ti hồng huyết, quá vãng tiếng trống Tubông châu Phi đen, ảo mờ, cồn xoáy, dội thức:
“ Ở đâu đó giữa đại dương xa xôi
Là noi linh hồn tổ tiên tôi trú ngụ
Dưới lớp sóng bạc lang thang
Một ngôn ngữ được sinh ra
Những đứa trẻ da đen thoát thai từ mẹ biển”
    ( Nguồn gốc )
Và đây nữa:
“ Theo đàn cá di cư
Những đứa con của lục địa đen trôi theo dòng hải lưu Canari
 cùng với ngà voi, vàng, xạ hương dạt đến miền đất mới
Mang hình trái tim rách nát lục địa trầm ngâm “
( bài trên )
Hoặc:
“ Trên đó...
Lính hồn những người đến trước ngồi hát cho nhau nghe
Linh hồn những người đến trước cấy cày, săn bắn
Linh hồn những người đến trước khoc thương
Linh hồn những người đến trước ngồi chờ đợi
những người đang đến và sẽ đến
Đàn quạ ngó ngiêng mách lẻo chuyện xưa sau”
    ( bài trên )
Nhưng, cũng thật dịu dàng pha cay đắng, chị tự thoại với vô thức chị:
“ Tôi chào tôi
Chào giọng nói xa lạ
Chào nhịp trống Tubông đập trong dòng máu
Chào mặt trời - thứ duy nhất lớn hơn tôi
Chào đám cây non cứ quẫy lên trong bão để không bật ra khỏi rễ ”
    ( bài trên )
“ Chào mặt trời - thứ duy nhất lớn hơn tôi ”. Câu thơ thật kì ảo và lạ lùng.    “ Thu tam thiên nhập nhất khí ” ảo diệu sao! Vì sao một thiếu nữ còn rất trẻ lại:     “ Chào mặt trời - thứ duy nhất lớn hơn tôi “
Khi được chị tặng tập thơ mở đầu cho nghiệp cầm bút của chị, tôi đọc câu thơ ấy rồi thoáng ngỡ ngàng. Thì ra chị là hậu duệ của một người Phi di thực? Mà cũng có thể chị là hậu duệ của một nô lệ viễn chinh thời thực dân Pháp xâm lược quê hương tôi. Thời ấy, biết bao trai tráng da màu bị đất mẹ Pháp cưỡng bức sang Đông Dương. Có thể một người lính da đen nào đó là nguồn cội của chị, mà quê nhà hun hút từ đâu đó lục địa Phi bỏng nắng đã tới đây, vĩnh viễn nằm lại eo biển nhiệt đới hình chữ S này rồi tụ thành hình hài chị - một nhà thơ mang hồng huyết Việt – Phi. Chính vì thế chăng mà chị chào mặt trời – chào cái phía sáng chói láo khổng lồ. Trăn trở thế cũng có ngiã chị đau âm thầm phía tối, phía bóng của câu hỏi “ Cội nguồn ta ở đâu ? ”. Thật trung thực biết bao cái nhìn không che đậy, không chối từ thường thấy. Mầm chữ chỉ bật khoẻ khi nhà thơ không chối từ nguồn gốc của chính họ - và, chỉ như thế chữ mới sáng lên phẩm hạnh. Cũng có lẽ vì thế, ngay từ bài đầu tiên của tập thơ đầu tiên của chị, những câu thơ mới run rẩy và ám ảnh đầy ma lực trong câu chữ, cấu tứ, trong nhịp điệu và trong ngôn ngữ diễn đạt.
Tôi có quen một thợ khoan dầu khí người Phi. Anh vốn là một thổ dân xứ Marôc có tên là Amađi. Một lần, anh đã hát cho tôi nghe một bài ca của xưa sở anh. Bài ca cuồng nhiệt mà thật buồn. Vâng! Nhịp điệu thật cuồng nhiệt, âm vang tiếng trống Tubông mà vẫn thảng thốt, đẫm buồn, lạ lùng lắm. Tôi không thật hiểu hết, chỉ cố tiếp nhận bằng cảm qua lời dịch của người bạn tôi thế này:
“ Quê tôi xa vời xa sau dóng kia
Những đàn voi thở khói lên mặt trời loá nắng
Đàn sư tử ủ rũ nấp sau bụi hoang
Cọ cũng khóc, hoa dầu gai cũng khóc
Tôi im lìm khóc bằng máu của chính tôi, bằng trái tim khô nẻ của chính tôi
Tôi khóc quê hương và khóc vầng mặt trời”
Thì ra thế. “ Chào mặt trời - thứ duy nhất lớn hơn tôi ” là cách nói phóng dụ, tựa như lời bài ca Amađi đã hát: “ im lìm khóc bằng máu của chính tôi, bằng trái tim khô nẻ của chính tôi. Khóc quê hương và khoc vầng mặt trời “. Phải trung thực và đầy can đảm mới có thể chào chính mình và chào độc giả như cái cáhc mà Phạm Vân Anh đã choà và Amađi đã hát day dứt.
Trong một bài thơ khác – bài “ Cồn sấm ”, chị viết về người bà của chị lúc nằm xuống bằng những câu thơ tê tái
“Ấy là nơi bà tôi nằm lại
Chiều mang mang
Những thửa ruộng nức nở
Ánh sáng vỡ ra trên nóc nhà thờ
Ba người phu đào huyệt câm lặng và khổ hạnh
Từng nhát xẻng thuốn sâu”
( Cồn sấm )
Lại một lần nữa chị viết như đặt câu hỏi:
“ Dấu hỏi đời người đặt nơi đáy huyệt
Phờ phạc cây cỏ ma!
Lẳng lặng đưa bà về nhà mới
Ngôi nhà cửa bị đóng đinh
Ngôi nhà dành cho cuộc đời không yên bình
Ra đi vẫn bàn tay trắng”.
( bài trên )
Tôi đọc như bị ma ám tập thơ “ Tôi chào tôi ” của Phạm Vân Anh, chợt nhận ra một ngôn ngữ thơ rất mới, rất hiện địa. Câu chữ mạnh, lạnh, bật tung từ những ký ức buồn thăm thẳm:
“ Cái chuông treo trên ngọn cây
Cây hát...
Về mùa màng
Về dấu chân in trên đá ”
( Nói với nhau )
Rồi đây nữa:
“ Gương mặt đêm tô điểm gương mặt ngày
Còn gương mặt chúng ta theo tiếng chuông tan mất ”
( bài trên )
Hoặc dữ dội hơn:
“ Dưới lớp xương sườn
Trái tim đầy vết nhăn hằn học
Và đôi mắt cười đồng loã lưới dao ”
( Nhân bản )
..v.v và..v.v..
Là người đọc kỹ những giọng thơ trẻ như Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, tôi bị bất ngờ trước giọng điệu của Phạm Vân Anh. Chị giống họ ở ngôn ngữ biểu đạt đương đại của lớp trẻ, nhưng khác họ ở lối diễn đạt lòng người thơ không bằng nhiều diễn từ kiểu cách và triết luận nhạt. Cũng không phải là không có những câu thơ chị viết kỳ khu. Thường những câu thơ như thế không trụ lại trong lòng bạn đọc – chí ít là tôi.
Khi in tập thơ này, Phạm Vân Anh mới ngoài 20 tuổi. Ở tuổi đó mà Phạm Vân Anh đã đi được một bước vững chắc là vô cùng quí. Ngôn ngữ thơ chị đã léo một giọng điệu. Trong sự loé lên của giọng điệu đã tỏ rõ sức thơ, tỏ rõ bút lực mạnh, cá tính hiện hình. Chỉ như thế đã hội đủ tín hiệu để ta tin vào sức đi của một nhà thơ trẻ tuổi.
Tôi không có ý định bình giá về tập thơ “ Tôi chào tôi ” của Phạm Vân Anh. Lại càng không có ý ngó nhìn xăm soi vào các phân tích như lối viết, về mỹ jọc, ngôn ngữ thơ, về tư tưởng... trong thơ chị. Tôi không phải là nhà phê bình văn học, do vậy, nếu tôi làm điều đó sẽ là vô lý và chắc chắn sẽ nhạt nhẽo. Tuy nhiên, tôi rất muốn nói điều này, rằng, khi đọc thơ của những nhà thơ trẻ mới thì “ Hới những lão già, xin quí vị hãy bình tĩnh trước sự mới và sự trẻ. Những nhà thơ trẻ đang  phá vỡ những khao khát cũ. Cách đi mới của họ, cách nghĩ mới của họ, diễn đạt rất trực diện của họ sẽ làm cho thi ca lồng ra sự tẻ nhạt và quen thuộc. Xin đừng tự ái! Họ đang mang vẻ đẹp và sức cường tráng mới cho thi ca. Nếu có đôi chỗ lỗ mỗ thì cũng là thường tình cho mọi hướng khai phá. Những Vàng Anh, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Phạm Vân Anh, Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài... và nhiều nữa sẽ góp vào sự đa dạng, sự giàu có về sự mới của thơ Việt trong thế kỷ mới. Riêng tôi, tôi rất tin vào sức bút và hướng mở của những nhà thơ trẻ ”
Đây nhé:
“ Ngày mới bắt đầu bằng một giờ mới
Bằng nước mắt đọng trên cành khô
....
Thành phố không tiếng gà báo thức
Giọng cúc cu vang từ chiếc đồng hồ
Tiếng động cơ bằm mật phố
.....
Chân trời mở
Luồng sáng tuôn theo cung đường gió ”
( Cho một ngày mới )

Hà nội 2007
Hoàng Quý