Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁI TAI VÀ VĂN HÓA NGHE

Trần Huy Thuận
Thứ ba ngày 10 tháng 11 năm 2009 1:46 PM

“Gảy đàn liệu có lọt tai trâu?”
(Văn Như Cương)
 
Người lành mạnh, người bình thường nghe bằng hai tai.
Người có đủ hai tai lành lặn, nhưng chỉ có một tai làm việc, dân gian gọi là người chuyên có... nghe một tai! Cái tai chuyên môn hóa ấy, chỉ rặt nghe các đệ tử ruột, không nghe ai khác, không nghe ý kiến khác ngoài ý kiến tâng bốc ca ngợi mình!
 Trung ngôn, nghịch nhĩ - Những lời nói thẳng làm nhiều sếp nghe không lọt lỗ tai! Còn nghe chưa thủng lỗ tai, nghe chưa ra đầu ra đuôi đã vội… phán, là hành vi của những kẻ hồ đồ.
Người sợ liên lụy trách nhiệm thì dù thiên hạ nói gì cũng... ngô nghê giả điếc!
Cũng có người bị gọi là tai lành tai điếc, mặc dù anh ta chẳng... điếc chút nào cả. Đó là loại người có tính tầm phào; nghe đấy mà đâu có nghe? Đầu óc còn để tận đâu đâu!
Nghe cho có nghe, nghe mà chả nghe gì cả, nghe đâu bỏ đấy là những cách nghe của không ít quan chức làm công tác tiếp dân, mắc bệnh lãnh cảm!
Dân đội đơn kêu khản cả giọng mà quan làm như không nghe thấy gì, đích thị quan ấy bị điếc lòi tai.
Kẻ thích đưa chuyện làm quà, thường mới nghe hơi nồi chõ, đã lê la đi kể khắp nơi, được người đương thời gọi là... buôn dưa lê!
Dự Hội thảo khoa học mà có người mặt cứ ngây ra như mặt ngỗng ỉa, chẳng hiểu mô tê gì cả, chẳng khác chi... vịt nghe sấm!
Mấy anh chàng có tính hão huyền, thường hay nằm mộng nghe kèn!
Đem tâm sự nói với người vô tâm, chẳng khác gì đem đàn gảy tai trâu, thà vạch đầu gối ra mà nói, còn hơn!
Kẻ lười chảy thây thường điếc tai: làm, sáng tai: họ! (dừng)
Người thô lỗ thì nói cứ như đấm vào tai người nghe! Hiền như Bụt cũng phát tức. Kẻ khôn ngoan bao giờ cũng nhẹ nhàng nói ngon nói ngọt, nói như rót mật vào tai. Đặc biệt, nếu dùng cách nói này với sếp, thì dễ đưa sếp... lên mây lắm. Rồi thì muốn gì, sếp cũng sẵn sàng chiều, ngay cả lúc ấy ta có đề nghị sếp ký giấy bán... cầu Long Biên, sếp cũng ký! (Bởi xưa có câu: Nói ngọt, lọt đến xương mà!)
Tai luôn luôn vểnh lên nghe ngóng chuyện người khác, đích thị là tai của kẻ hay kiếm chuyện rồi! Nói thế thôi chứ, một khi đã bị vạch mặt chỉ tên, những kẻ này cũng dễ cụp tai như chó cụp đuôi thôi!
Trên bảo, dưới không nghe là căn bệnh yếu sinh lý của đấng mày râu; nhưng thời nay, cụm từ ấy còn được dùng để ám chỉ cảnh kỷ cương không nghiêm, phép vua thua lệ làng; cảnh cá mè một lứa, không ai bảo được ai; hoặc cũng để nói về tình trạng người trên ở chẳng chính ngôi, để cho người dưới chúng tôi hỗn hào!, như dân gian thường nói!
Thế đấy! Có đôi tai lành lặn để nghe; nhưng nghe như thế nào, lại không phải là chuyện đơn giản!
CHIẾC GHẾ VÀ VĂN HÓA NGỒI
Con người mới sinh ra vốn chỉ biết nằm, chưa biết ngồi. Lớn lên một chút, bắt đầu học lẫy, học bò rồi học ngồi. Ngồi vững mới học đứng, học đi. Đi đứng vững vàng rồi, con người lại trở lại làm quen với sự... ngồi: ngồi ăn, ngồi học, ngồi chơi, ngồi làm việc, ngồi dậy học, ngồi làm lãnh đạo, ngồi chỉ huy thiên hạ... Gần như phân nửa thời gian trong cuộc đời mỗi chúng ta, dành cho ngồi!
Từ xa xưa, cái sự ăn đã thường gắn chặt với cái sự ngồi: ăn trông nồi, ngồi trông hướng, ăn trên ngồi trốc. Sự gắn bó đó có lẽ bởi chỗ ngồi nhiều khi là tiền đề, là điều kiện, là môi trường cho cái sự ăn! Nhưng gắn bó chặt chẽ nhất với sự ngồi chắc chắn vẫn phải là cái ghế! Không có ghế, người ta chỉ còn nước ngồi bệt xuống đất!
Ghế cũng có đẳng cấp của ghế: Đơn sơ, giản dị, bình dân là chiếc ghế đẩu. Loại ghế này có mặt nhiều nhất ở các ngôi nhà của những người nghèo. Nhà giàu thì dùng xalông - loại ghế không chỉ có chỗ ngồi êm ái, mà còn có cả chỗ dựa lưng vững chắc. Sang trọng và thời thượng là bộ xalông Tàu làm bằng đủ thứ gỗ quý, được khảm trai, có tay vịn khuỳnh ra như ngai vàng của các vua chúa ngày xưa và được tạo nên bởi bàn tay những người thợ lão luyện. Ôi! thật thoải mái khi được ngồi trên những bộ xalông như thế!
Thông thường, muốn có ghế ngồi trong nhà, chủ nhân phải bỏ tiền túi ra mua, hoặc phải bỏ công sức ra đóng. Cũng rất thông thường, với người có chức có tước, thì chả cần mua, cũng chả cần đóng, ghế vẫn cứ tự tìm đến, thậm chí tranh nhau tìm đến nữa là đằng khác! Câu chuyện thật mà cứ như bịa này do con một người bạn tôi kể: Một chiếc ô tô tải nọ, chở một bộ xalông, dừng ngay gần cửa nhà một sếp. Đến trước nó, cũng là một chiếc ô tô tải; mấy người trên chiếc xe đó đang khệ nệ khênh xuống một bộ bàn ghế xem ra rất hoành tráng. Người ngồi trên ca bin xe đến sau thò cổ ra nhìn rất chăm chú, rồi vội thụt đầu vào ngay và lập tức, cho ô tô cài số lùi, chạy mất tăm! Thì ra chiếc xe sau phát hiện ra bộ xalông mình mang đến, không thấm tháp gì so với bộ của xe đến trước! Hàng xóm biết chuyện, được bữa cười chảy cả nước mắt nước mũi!
Nhưng có loại ghế phải được đề bạt, thăng chức, mới được ngồi, đó là ghế sếp - một dạng công sản quốc gia! Loại ghế này, về danh nghĩa thì không mất tiền mua, nhưng đôi khi lại phải mua bằng rất nhiều tiền, bằng nhiều cách khác nhau.
 Có một thực tế khá phổ biến chung quanh cái ghế công quyền: Khi chỉ mới phong thanh có tin ai đó chuẩn bị rời ghế để về hưu, thì cái ghế ấy đã không còn hoàn toàn là của anh ta nữa rồi! Không chỉ người kế nhiệm anh nghĩ thế, mà có khá nhiều người trong cũng như ngoài cơ quan, nghĩ thế! Quả là một thực tế đáng buồn về nhân tình thế thái của thời buổi kinh tế thị trường đầy đua tranh và cám dỗ này! Cái đạo lý ăn quả nhớ kẻ trồng cây hình như đã lỗi thời! Đấy là chưa kể đến những chuyện diễn ra đằng sau... bóng của những cái ghế quyền lực. Tại đấy, đôi khi... ngập ngụa mùi phấn son; mùi tanh tưởi gươm giáo, súng ống; cùng rất nhiều mùi tởm lợm khác: nịnh hót, xúc xiểm, lường gạt, phản trắc...
Lại có chuyện ngược lại: có những cái ghế, đáng ra không nên ngồi nữa, thậm chí không được phép ngồi nữa, mà có người vẫn cố ý... ngồi, bằng rất nhiều cách, từ chữa giảm tuổi đến chạy vạy nơi này, nơi kia để được ngồi thêm, dù chỉ là mấy tháng! Không chỉ ngồi ì, ngồi lì; còn sẵn sàng trơ trẽn, ban phát những “lời vàng, ý ngọc”, bất chấp sự thờ ơ lạnh nhạt của cử tọa!
Lại có loại người đã thực sự rời bỏ ghế rồi, mà cứ như người bị bệnh mộng du: vẫn tìm mọi cách ngồi vào cái ghế thời đương chức! Họ thực sự quên mình vốn là dân thường, đã trở về làm thường dân rồi!
Hãy ngồi đúng chỗ! Xưa có câu: y phục xứng kỳ đức, nay cũng nên thêm: ghế xứng kỳ tài!
Quả rằng, khi nói cái ghế ở công sở cũng là công sản quốc gia thì có vẻ chấp nhặt quá cho nên gần đây, thiên hạ chỉ nói nhiều đến những là biệt thự công, xe ô tô công... Nhưng xin thưa rằng, cái ghế là vật dụng nhỏ nhoi thật đấy, nhưng lại hấp dẫn lòng tham con người đến mê muội, thậm chí đến mất cả nhân tính nữa! Từ thế hệ này sang thế hệ khác, chiếc ghế ám ảnh con người như một định mệnh, không dễ gì thoát ra được.
Bé, muốn ngồi vững phải tập ngồi. Còn người lớn thì sao? Lâu nay chúng ta hay nói đến từ nô bộc, cán bộ là nô bộc của dân! Nhưng cứ ngồi lên cái ghế nô bộc là nhiều người quên ngay! Hàng ngày ăn lương dân, ở nhà dân, đi xe dân... mà cứ nghĩ mình đang ở trên dân, cứ tưởng mình thuộc một tầng lớp khác, được Trời cho cái quyền... ban phát ân huệ với dân! Cho nên, không chỉ bé mới phải học ngồi, mà người lớn, muốn thực sự phục vụ nhân dân, cũng phải học ngồi! Nhà nước cần phải nhanh chóng tổ chức những lớp học như thế!
Cái lẽ thứ hai khiến người lớn cũng phải học ngồi, ấy là ăn trông nồi, ngồi trông hướng – cha ông ta đã dạy thế! Ghế trên ngồi tót sỗ sàng (Kiều-Nguyễn Du), không phải là kiểu ngồi của người có học!
Nhưng bây giờ ít người muốn học ngồi lắm! Không muốn vì lẽ dưới cái nhìn lợi nhuận, thì cái ăn, cái ngồi thuộc phạm trù... thời cơ. Cứ dềnh dang hết trông nồi lại trông hướng thì còn đâu là cơ hội? Ăn trên ngồi trốc mới thực sự là điều cần phải phấn đấu!