Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Mó nước Rằng Phặt chuyện không đáng ầm ĩ

Hoàng Quảng Uyên
Thứ tư ngày 4 tháng 11 năm 2009 12:04 PM


 

Bắt đầu là từ bài báo của Đỗ Lãng Quân: Mó Nước hiểu  tiếng người trên tờ An ninh thế giới Số 902, thứ Tư ngày 21/10/2009 và chương trình truyền hình tối thứ năm 22/10/2009 của Đài truyền hình Cao Bằng kể về chuyện lạ ở Mó nước Rằng Phặt với nội dung tóm tắt: ở Lũng Sạng, xã Hồng Quang, huyện Quảng Uyên có Mó nước gọi là Rằng Phặt, có thể nghe hiểu tiếng người, hễ có ai đến gần nó cất tiếng gọi (hoặc đọc to câu thần chú) là nước tuôn ra, dâng ào ạt!. ái chà chà! Chuyện lạ thế giới đây! Thế là ngay hôm sau và những ngày tiếp theo rất nhiều người từ khắp các vùng miền kéo đến Rằng Phặt, thi nhau hô, hét, gọi nước lên.

Hiếu kì, tò mò.

Ngay hôm sau buổi phát hình của Đài Cao Bằng, ông Vương Hùng, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá có uy tín bảo tôi: Hoàng Quảng Uyên biết chuyện ở Rằng Phặt chưa? Nếu đúng như đài, báo nói thì lạ thật đấy. Tôi bảo: Cũng có nghe cách đây vài năm, nhưng không mấy tin nên không “vào tai.” Ông Vương Hùng lại bảo Tôi nghe nói ở gần đồn biên phòng Quang Long (Huyện Hạ Lang) cũng có chuyện lạ như thế - để tôi hỏi kỹ ông Khánh, trước là huyện đội trưởng, huyện đội Hạ Lang rồi ta vào Quang Long một chuyến.

Tôi và ông Vương Hùng thuộc tuýp người hiếu kỳ, tò mò: Hễ nghe chuyện gì lạ, có vấn đề nảy sinh, có vẻ nghi vấn là bàn bạc, trao đổi, tra cứu sách vở, đi thực tế, truy đến cùng để giải mã, tìm đáp số. Một trong những chuyện giải mã” thành công của ông Vương Hùng và tôi là tìm thấy mộ nhà thơ Thâm Tâm ở Pò Noa, xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên cách đây hơn chục năm. Lần này, khi nảy sinh vấn đề chúng tôi lại cùng nhau vào Lũng Sạng (xã Hồng Quang) để gọi nước Rằng Phặt dâng lên. (Kế hoạch vào Quang Long để sau vì đường xa, khó đi, thông tin còn có vẻ mù mờ.)


Thất vọng hoàn toàn.

Sáng thứ Hai (26/10/2009), thời tiết thị xã Cao Bằng se lạnh, lảng bảng sương mù, tôi và ông Vương Hùng nai nịt giống những Tây Ba lô với máy ảnh, máy quay phim, đồ ăn (cơm lam, kẹo, bánh), ngự trên con xe phân khối lớn phi thẳng vào huyện Quảng Uyên trên con đường vừa rải áp pham phẳng lỳ, vào loại đẹp nhất tỉnh Cao Bằng hiện nay. Đến thị trấn Quảng Uyên nhìn đồng hồ, hết có 50 phút đi một quãng đường 40Km. Chúng tôi vào trình uỷ ban nhân dân huyện, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nguyễn Thái Hà hồ hởi: Suốt mấy hôm nay, rất nhiều điện thoại hỏi về chuyện này, rất nhiều người đến xem. Rất may các anh đến giúp huyện tìm hiểu, tìm lời giải đáp. Ông Vương Hùng cải chính ngay: Không, không, chúng tôi chỉ đến xem nó thế nào thôi, chứ không có ý tìm câu giải đáp, trả lời - việc này xin để các nhà khoa học!. Tuy biết chúng tôi đi vì hiếu kỳ, thoả chí tò mò, nhưng Phó Chủ tịch huyện và Trưởng phòng văn hoá Nguyễn Công Khanh vẫn cử Mã Quốc Bình, Cán bộ phòng văn hoá huyện đi cùng để dẫn đường, bảo vệ, trợ giúp người già.

Xuôi theo đường Quảng Uyên - Cách Linh chừng 4 Km, rẽ phải, đi hơn một cây số nữa đến lưng chừng một con dốc nhỏ (Keng Puôn), Mã Quốc Bình dừng xe chỉ tay về phía trái: Rằng Phặt kia kìa! Tôi nhìn theo hướng chỉ tay của Mã Quốc Bình, toàn bộ khung cảnh của một con lũng nhỏ thu vào trong tầm mắt: quang quẻ, không có rừng cây cổ thụ, không có vách đá quỷ mặt người - những cảnh thường thấy ở những nơi thâm u, huyền bí, chợn rợn. Vừa vặn lúc đó có 2 cô gái trẻ đi xe máy từ dưới dốc lên chào chúng tôi. Mã Quốc Bình giới thiệu: “Hai cô Tô Thị Sinh, Tô Thị Hường, cán bộ xã Hồng Quang đến chỉ dẫn cho các bác”. Hoá ra Phó Chủ tịch Nguyễn Thái Hà lo xa đã điện cho Uỷ ban nhân dân xã Hồng Quang đóp tiếp các nhà báo.

Tôi dựng xe bên đường, bên cạnh một dãy xe máy, đã để ở đó từ trước (Mã Quốc Bình đếm được 17 chiếc) theo Tô Thị Sinh xuống Rằng Phặt cách đó chưa đến 200 mét. Rằng Phặt hiện ra trước mắt chúng tôi giống một cái ao cạn hình phễu, nhão nhoét đất đỏ, bề mặt chỗ rộng nhất khoảng 20 m, sâu 5m, đáy ao là Rốn Nước, to vừa bằng … chiếc mâm nhôm. Nước chảy từ khe đá ra, đọng lại, dung tích khoảng… một thùng gánh nước. Phía bên phải rốn nước có một vòm đá hẹp, cao chưa đầy 1 mét. Rằng Phặt chỉ có thế, vẻ bí hiểm, linh thiêng, kỳ bí không như đài, báo mô tả. Rất nhiều người (chủ yếu là thanh niên, học sinh) đến trước chúng tôi, tụ tập quanh rốn nước hét to, ném đá, chọc cây xuống nước để xua, gọi nước lên, lâu lâu (quãng cách 10 đến 15 phút) nước dâng lên cỡ… Centimét. Tôi tranh thủ hỏi chuyện những người bạn trẻ có cùng máu hiếu kỳ, tò mò như chúng tôi. Chúng cháu ở trường dạy nghề Cao Bằng đến -Một cô xưng tên Duyên đứng giữa một tốp mười mấy học sinh tiết lộ danh tính và địa chỉ. Tôi hỏi một tốp thanh niên khác, một thanh niên nhanh nhảu trả lời: Cháu là Hoàng Quang Hoà, ở Nà Tanh, thị xã Cao Bằng, còn các bạn này tên là Nguyên, Du, Hoàng … . Hoàng Quang Hoà giới thiệu lần lượt. Tôi đặc biệt chú ý đến 2 thanh tiên tầm 25-27 tuổi có vẻ từ xa đến. Hỏi ra thì đúng như vậy. Đó là Đinh Viết Quân, Đinh Viết Tuấn đến từ Nam Trực, Nam Định. Ngắm nghía hồi lâu, làm đủ trò bên rốn nước mà không thoả được chí tò mò Tuấn lắc đầu: Tưởng thế nào … !

Thấy vẻ thất vọng của khách tham quan mấy thanh niên Lũng Sạng bảo: Gọi nhiều nó loạn đi, không lên nữa. Một người khác lại nói: Các anh không đọc đúng câu thần chú, nước không lên. Phải người làng gọi, quen tiếng nó mới lên. Tôi đề nghị vẻ đánh cuộc: Bây giờ, nếu ai gọi được nước dâng lên chừng 10 phân thôi, tôi sẽ thưởng một triệu đồng.

Không phải chờ lâu. Chừng nửa tiếng sau, chàng thanh niên ban nãy đã mời được một bà cụ trong làng ra biểu diễn gọi nước. Bà cụ người thấp, lưng hơi còng, tay chống gậy, ngang lưng đeo con dao quắm. Ông Vương Hùng tranh thủ hỏi tên. Bà trả lời: Tên là Phan Thị Họp - 77 tuổi, quê gốc Triệu ẩu, về làm ăn ở Lũng Sạng, từ khi còn trẻ tôi đã thấy thế rồi. Tôi đặt ra yêu cầu để bà Họp thực hiện màn gọi nước. Bà Họp lom khom chui vào dưới vòm đá, hô hét, khua gậy, ném đá, gõ vào vách đá nhiều lần đến mệt phờ mà nước chẳng chịu lên cho. Bà ngồi thở, giải thích Nó xuống sâu quá rồi, không nghe thấy. Tội nghiệp cho bà cụ quá. Tôi bồi dưỡng cụ một ít tiền rồi để cụ về còn kịp thả trâu.

Huyền thoại Rằng Phặt và chứng cứ khoa học

Câu thần chú Gọi nước của bà Phan Thị Họp khấn bằng tiếng Nùng An là :Tý xằm, tý sọi, tý mọi, lặc ngần, lặc sèn, au lẹo lớ, mà chắng lớ. Dịch chính xác là: Con xằm, con sọi, con mọi (ơi), (có người đến) cắp bạc, cắp vàng, lấy hết lớ. Về giữ lấy lớ!.

Câu thần chú này được đặt ra từ chuyện kể về huyền thoại Rằng Phặt: Đời xưa, có người đem vàng bạc (đựng trong 3 cái rương to) chôn dấu dưới lòng hang, rồi bắt 3 cô gái đồng trinh tên là Xằm, Sọi, Mọi về chôn sống làm thần giữ của. Hễ nghe tiếng động của kẻ cắp, kẻ cướp là các cô dâng nước lên chặn và dìm chết những kẻ tham lam, táo tợn. Không có kẻ cắp người làng hô lên lời cảnh báo,( như nội dung câu thần chú), các cô cũng dâng nước lên, tục “gọi nước” phát sinh từ đây. Đây là một huyền thoại thuộc mô típ “Chôn vàng, bạc- thần giữ của” của Trung Quốc mà các “trí thức” địa phương ( thầy tào, thầy mo) sáng tác ra để giải thích hiện tượng lạ. Đơn giản vậy mà cứ tin, cứ gọi, cứ kể…

Thực ra nước ở Rằng Phặt tự dâng lên, tự rút. Tiếng gọi, tiếng động nếu có chỉ là tác nhân lạ có tính trợ giúp. Nước ở Rằng Phặt tự lên xuống từ từ không nhiều đến mức “tuôn trào”, “ào ào”. Đây là một hiện tượng không đến nỗi hiếm ở vùng địa hình núi đá vôi( cacxtơ) thuộc miền Đông tỉnh Cao Bằng. ở đó có nhiều con sông , suối ngầm, chảy qua các khe đá (đất) tạo thành nhiều hang động kỳ thú (như động Ngườm Ngao ở Bản Giốc , Trùng Khánh; động Ngườm Lồm ở Phục Hoà…  ). Các nhánh sông ( suối ) ngầm đó thông với các con sông  ( hồ) chính chảy trên mặt đất, tạo thành các XiPhông (bình thông nhau). Nước lưu chuyển trong đó theo nguyên tắc Bình thông nhau. Một nguyên tắc đơn giản có trong sách giáo khoa môn Vật lý ở bậc phổ thông cơ sở. Nước chảy ngầm trong các nhánh ngầm, rồi chảy thoát ra ở một nơi nào đó. Nếu vị trí nơi nước sông ngầm thoát ra thấp hơn mực nước sông (hồ) chính thì nơi thoát ra được gọi là mỏ nước (Bó nặm), còn nơi nước thoát ra ngoài bằng hoặc cao hơn sông chính thì nước chỉ dâng lên ngang bằng sông chính rồi dừng lại, tạo nên vực nước, mà người ta gọi là Rằng. Như vậy Rằng (mỏ nước) là khác nhau, chứ không thể ghép 2 thuộc tính khác nhau đó vào một cặp từ Mó (mỏ) nước Rằng Phặt, như báo An ninh Thế giới đã giới thiệu. (Viết như thế người đọc sẽ hiểu nhầm ở Lũng Sạng có mỏ nước tên là Rằng Phặt). Hiểu đúng ra là: ở Lũng Sạng có một cái Rằng tên là Phặt. Từ Phặt tiếng Tày Nùng chỉ đúng tính chất của Rằng, là (nước) sôi lên, cuộn lên. Phặt được dùng với 2 nghĩa chính: Một là vật lộn, hai là Sôi. Có thể lúc nhiều nước, quan sát nước trên mặt Rằng thấy nước đùn lên, cuộn lên lại có bọt khí bị đẩy lên như nước sủi tăm khi sắp sôi.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Cứ đồng ý với việc giải thích nước dâng lên theo nguyên tắc bình thông nhau đi thì tại sao nước ở Rằng Lũng Sạng mới Phặt (sôi lên, cuộn lên) khi có tiếng động. Tôi khẳng định ngay: Tất cả các Rằng đều có hiện tượng này mà ở Rằng Phặt là rõ nhất, điển hình nhất. Hiện tượng nước tự dâng lên hạ xuống do tác động của dòng sông (hồ) chính bằng tác động của sóng cơ học. Tác động của sóng âm thanh tạo ra áp suất đẩy nước lên chỉ có tác dụng phụ trợ mà thôi. Sự thực thì ở Miền Đông Cao Bằng có vô số Rằng và trong vô số đó có những Rằng nước dâng thấy rõ như Rằng Phặt, Rằng Lũng Lù (xã Chí Thảo cách Rằng Phặt 5Km), Rằng Phia Khao (Quốc Phong), Rằng Bả ở Quang Long (Hạ Lang)…

Sau một hồi nghiên cứu thực địa, ông Vương Hùng có vẻ đã “thoả mãn”, ông giục tôi “Thế là biết rồi, về thôi”.  Tôi đóng đồ nghề chuẩn bị về thì đúng 12 giờ trưa, một đoàn “khách thăm quan” 12 người mang đồ lễ, vàng hương “đổ bộ” xuống Rằng Phặt. Tôi lại mở máy quay, máy ảnh, ông Vương Hùng tiếp tục ghi chép. “Đoàn khách” này phần lớn là các bà, chị ở lứa tuổi U50. Chị Nông Thị Hành ở Nà Cạn, Đặng Thị Nhung ở Sông Hiến, Lương Thị Thu ở Sông Bằng… họ bưng lễ, khấn gọi, rồi chờ nước dâng. Một lúc thấy nước dâng (Đúng chu kỳ nước tự động dâng) lên 1 đến 2 ly, dập dềnh vài lần rồi im. Chị Hành bảo: “Hồi còn trẻ, ở Hạ Lang, đi chợ khát nước, qua Rằng Bả, gọi nước lên uống, cũng như ở đây.”

Rời Rằng Phặt dù đã muộn, chúng tôi vẫn vào chào các đồng chí lãnh đạo Đảng uỷ, UBND xã Hồng Quang. Đầu giờ chiều, trên đường trở ra chúng tôi gặp rất nhiều người đi xe máy vào xem Rằng Phặt. Tôi tin, họ vào xem rồi sẽ có kết luận giống chúng tôi: Rằng Phặt, chuyện chẳng có gì để mà ầm ĩ”./.


Ngày 27/10/2009

Hoàng Quảng Uyên