Trang chủ » Truyện

Niềm hy vọng bị tiêu tan

Mai Văn Danh
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM


Bấy lâu nay ông Mong, Chủ tịch tỉnh N. rất sốt ruột. Bên các tỉnh láng giềng, người ta phát triển ầm ầm, từ nông nghiệp tới công nghiệp, giao thông, du lịch, tổng nguồn thu nhập ngày một tăng cao. Thế mà tỉnh ông, tiềm năng nào cũng có, đặc biệt là nguồn đá đỏ, sắt, vàng quí hiếm mà sự phát triển chỉ là đì đẹt, cung không đủ cầu, lúc nào cũng khó khăn. Những khi xẩy ra thiên tai, hạn hán lại phải xin kinh phí trung ương hỗ trợ. Không thể thế này mãi được. Ông đi đi lại lại, suy nghĩ tìm biện pháp giải quyết. Bỗng ông chợt nhớ ra “Nhân tài - phải, phải tuyển dụng nhân tài” - ông như người chết đuối vớ được cọc – “Có thế mà ta không nghĩ ra”.
Ông lập tức sai Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ tỉnh ngay lập tức lên lên kế hoạch thu hút và tuyển dụng nhân tài về làm việc. “Để tăng sức hấp dẫn phải đưa ra các chế độ đãi ngộ đặc biệt về tiền lương và nhà ở” - ông nhấn mạnh. Ông cũng yêu cầu Giám đốc Sở phải xem xét hồ sơ, lý lịch cán bộ cẩn thận để bảo đảm tìm đúng nhân tài theo yêu cầu của tỉnh nhà.
Và thế là chỉ mấy ngày sau, trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh nhà đều xuất hiện thông báo tuyển dụng nhân tài về làm việc tại địa phương với những chế độ đãi ngộ rất hấp dẫn, đại loại như nếu là kỹ sư mới tốt nghiệp, từ loại khá trở lên thì được miễn giảm thời gian tập sự, có nhà tập thể với điều kiện sinh hoạt rất tốt kèm theo một khoản tiền hỗ trợ ban đầu là 20 triệu đồng. Nếu người được tuyển dụng là Giáo sư, Tiến sỹ thì sẽ được cấp một căn hộ rộng trên 50 mét vuông, hỗ trợ ban đầu bằng tiền mỗi người 50 triệu đồng và còn nhiều thứ ưu tiên khác nữa,..
Với chính sách đãi ngộ đặc biệt đó, chẳng mấy chốc, nhân tài các nơi đổ về tỉnh nhà rất đông. Chỉ trong vài tháng đã có hàng trăm hồ sơ xin về công tác tỉnh nhà. Vị giám đốc sở lựa chọn được gần một trăm kỹ sư tốt nghiệp các trường đại học lớn, từ loại khá trở lên mà một số giáo sư, tiến sỹ thuộc nhiều ngành kinh tế khác nhau. Theo chỉ đạo của Tỉnh, giám đốc sở chọn ngay ra 3 nhà khoa học, chuyên ngành kinh tế, tài chính có hồ sơ tốt nhất đó là PGS. Nguyễn Văn Tận Hưởng, TS. Trần Đình Hiếu Danh và TS. Ngô Sao Chép để chủ trì nghiên cứu đề tài cấp bách mà tỉnh đặt ra “Làm thế nào để tỉnh nhà thoát nghèo và phát triển xứng với tiềm năng” do đích thân Chủ tịch tirnh chỉ đạo thực hiện.
- Thưa Chủ tịch – Giám đốc sở báo cáo – Tất cả những nhà khoa học này em đều xem xét hồ sơ rất kỹ. Cả ba nguyên là học sinh các trường chuyên nổi tiếng từ thời phổ thông như Amstecdam hoặc Chu Văn An. Còn luận án Tiến sỹ của họ cũng tuyệt vời lắm. Bản nào cũng dày từ 150 đến 200 trang với hàng trăm tài liệu tham khảo có đủ cả Đông, Tây, kim, cổ, Tàu, ta, không thiếu thứ gì. Điều này cho thấy các vị này học cao hiểu rộng, cái gì cũng biết.
- Tốt lắm – Chủ tịch tỉnh ôn tồn – Thế là hay rồi. Ngay từ ngày mai, cậu bàn giao đề tài nghiên cứu cho họ thực hiện nhé. Chú ý tạo điều kiện làm việc tốt nhất, đừng để họ kêu ca, phàn nàn gì nhé.
Tuân lời vị Chủ tịch, Giám đốc sở bố trí một phòng làm việc rộng rãi, khang trang cho 3 nhà khoa học, có điều hoà nhiệt độ …hai chiều hẳn hoi và đầy đủ các tiện nghi khác. Lại còn bố trí cô Lan nấu cơm phục vụ buổi trưa và cô Liên lo việc dọn dẹp phòng làm việc và các công việc hỗ trợ khác.
Một hôm, lúc tôi đi qua phòng bếp của cô Lan thì thấy hai cô đang xì xầm bán tán với nhau.
- Chị Lan này – Cô Liên thủ thỉ – Hôm nọ em nghe thấy ông Hiếu Danh nói “ Ngày hôm nay là quá khứ của ngày mai nhưng lại là tương lai của ngày hôm qua”, em chẳng hiểu ổng định nói gì.
- Lũ chúng ta thì chỉ biết nấu ăn, dọn dẹp, làm sao mà hiểu được các nhà khoa học nói gì - Cô Lan góp ý.
- Rồi sau đó – Cô Lan tiếp - Ông Tận Hưởng bảo “đường một chiều là đường mà các phương tiện giao thông chỉ có thể tông vào nhau từ phía sau”, thế rồi hai ông vỗ đùi cười ha hả.
- Thôi chúng mình đi làm việc đi, không mất việc bây giờ - Cô Liên nhắc.
Tôi là một cán bộ nghiên cứu đã lâu năm, tôi biết. Đã là giáo sư thì phải biến một sự việc đơn giản thành một sự việc phức tạp, biến một vấn đề ai cũng có thể hiểu được thành một vấn đề mà nhiều khi chính họ cũng…. không sao hiểu hết. Phải như thế mới được. Có ai lại đi nghiên cứu một vấn đề đơn giản bao giờ. Bằng cách như thế, giáo sư mới được trọng vọng và cũng vẽ ra được hàng trăm đề tài để mà nghiên cứu đi, rồi lại nghiên cứu lại chứ. Những chuyện như thế thì làm sao mà cô Lan và cô Liên hiểu được.
 Khi đề tài nghiên cứu thực hiện được hai năm, tức là sắp đến ngày kết thúc, nộp báo cáo thì không hiểu vì lý do gì (có lẽ là để luân chuyển cán bộ) mà ông Mong bị điều sang công tác ở một bộ khác. Ông Sáng được cử về làm Chủ tịch tỉnh thay ông Mong. Ông Sáng vốn là một nhà khoa học giỏi , còn trẻ và tốt nghiệp ở nước ngoài về. Ông có một tá cán bộ tuỳ tùng đều giỏi giang cả.
Lúc ông vừa nhận chức xong thì cũng chính là thời điểm phải nghiệm thu đề tài nghiên cứu nói trên. Nhưng không hiểu lý do làm sao, 3 nhà khoa học chủ trì đề tài của chúng ta cứ lần khân, khất đi khất lại mãi với đủ lý do trên đời, trong đó có cả những lý do rất kỳ quặc.
Chờ mãi không được, ông Sáng bèn cử mấy cậu trợ lý tài ba đến tận nơi để điều tra, tìm hiểu về các nhà khoa học chủ nhiệm đề tài. Chỉ một tuần sau, ông đã có một số tư liệu trong tay về nguyên nhân chậm trễ của đề tài nghiên cứu. Nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn chưa được làm rõ. Vì thế, ông bèn triệu tập ngay lập tức các nhà khoa học lên để hỏi cho ra nhẽ.
Tận Hưởng là người bị lục vấn trước tiên, cũng bởi lẽ ông là phó Giáo sư.
- Mọi thông tin về các ông tôi đã nắm rõ, hôm nay chúng tôi cần sự trung thực của các ông – Chủ tịch tỉnh lên giọng thị uy - Tôi biết ông học trường chuyên Chu Văn An nhưng sao lại trượt đại học? Nói thật đi.
- Thưa ông Chủ tịch – Tận Hưởng đáp - đã đến nước này thì xin thú thực. Tôi học trường chuyên nhưng đó là hệ B, hệ phải đóng tiền. Trường chuyên bây giờ không còn như ngày trước chỉ tuyển chọn toàn học sinh giỏi nữa đâu ạ. Chúng tôi học ở đó nhưng vẫn phải phụ đạo thêm ngoài giờ để thi đại học.
- Như vậy là ông làm luận án TS. sau khi tốt nghiệp đại học tại chức. Tôi biết rất rõ về luận án TS của ông vì một người học trò của tôi có dự buổi bảo vệ đó. Nó chẳng có gì hết cả, nhưng ông hãy nói cho tôi biết, vì sao ông làm được Phó Giáo sư.
- Dạ thưa – Tận Hưởng đáp - Đấy cũng là một sự may mắn. Đang trong thời của bằng cấp, nhờ có học vịTS. tôi được cử làm giám đốc một cơ quan kinh doanh lớn, quan hệ rộng, biết nhiều, kể các trường đại học và Viện nghiên cứu, trong làm ăn. Các anh ấy bảo tôi làm lấy cái Phó GS, họ giúp cho. Thế là khi nào làm đề tài khoa học hay hướng dẫn học sinh làm cao học, tốt nghiệp họ đều ghi tên tôi vào. Chỉ một thời gian sau  số điểm cần thiết để xét phong Phó GS của tôi đã đủ và mọi việc như ông đã biết…
- Thôi – Chủ tịch ngắt lời -  Còn ông Hiếu Danh, ông nói như thế nào về cái bằng TS của ông ?
- Thưa ông. Tôi biết mình là người dốt nát, và cũng tự nhận điều đó trước mọi người. Nhưng nhờ đó mà tôi lại bảo vệ thành công luận án của mình- Hiếu Danh nói.
- Ông nói cái gì lạ thế, tôi không hiểu – Vị Chủ tịch thắc mắc.
- Chả là thế này - Hiếu Danh giải thích – Sau khi làm xong luận án theo phong trào học lấy bằng cấp, tôi biết với trình độ của mình thì làm sao mà bảo vệ được. Tôi liền đến gặp thấy A là người chấm luận án, nói rằng: “Thưa thầy, em biết mình là đứa học trò dốt nát, chắc chắn không thể bảo vệ được luận án. Nhưng em được cơ quan cho đi học bằng xe công, được trả lương đầy đủ, bây giờ nếu trượt mà không có nổi một điểm năm nào cả thì khi trở lại cơ quan mất mặt lắm. Xin thầy rộng lòng thương cho em xin một con điểm 5, như thế là em mãn nguyện lăm rồi”. Thấy giáo nghe nói cũng mủi lòng, hứa sẽ giúp đỡ. Thấy thầy nhận lời mà chẳng có khó khăn gì, tôi lại tiếp tục đến thầy B và thầy C trình bày giống hệt như với thầy A và rốt cục thầy nào cũng nhận lời giúp đỡ. Đến ngày bảo vệ, sau khi trình bày xong, mọi người bỏ phiếu kín cho điểm. Thầy nào cũng nghĩ là chỉ có mình thương tình cho nó 5 điểm để nó khỏ mất mặt khi bị trượt và trở lại cơ quan. Đến khi thư kí hội đồng chấm luận án kiểm phiếu thì luận án của em đã được bảo vệ thành công vì ai cũng cho đạt.
- Đủ rồi - ông Chủ tịch gầm lên – Còn ông Văn Mua – Người như ông thì làm sao mà làm được Tiến sỹ.
- Thưa Chủ tịch – Quả là loại trình độ tôi thì không thể học nổi đại học, nói gì chuyện tiến sỹ. Nhưng tôi có người nhà quản lý…kho luận án Tiến sỹ. Tôi bèn mượn một bản luận án đã khá lâu nhưng vẫn còn tính thời sự, về thuê các thầy nổi tiếng xào xáo, chỉnh sửa lại và tân trang, rồi các thủ tục khác tôi cũng làm như mọi người để đạt được mục đích.
- ông lấy luận án cũ mà không sợ bị phát hiện, truy cứu trách nhiệm à?
- Thưa ông, tôi có nghĩ đến điều đó. Nhưng ở ta, việc đào tạo tiến sĩ manh mún, vụn vặt, ai làm thì nấy biết, không ai biết được người khác đang và đã làm gì. Cơ sở dữ  liệu về luận án thì chỉ nhập bản in vào mà không có ai đánh giá bản chất, sự trùng lặp của luận án, vì không có người đủ trình độ để phân loại, đánh giá. Ai cũng cam đoan “đây là công trình do tôi nghiên cứu, chưa từng có ai nghiên cứu”  trong công trình của mình mà có ai thực lòng dám chắc điều này đâu. Tất cả chỉ là thủ tục mà thôi.
- Tôi sẽ đề nghị Viện kiểm sát truy cứu trách nhiệm hình sự của các ông vìa các công đã tiêu tiền tỷ của tỉnh nhà mà chưa làm ra được sản phẩm gì, nếu các ông không chịu nói ra sự thật.
- Dạ thưa, sự thật gì ạ” -  cả ba nhà khoa học đồng thanh hỏi.
- Trình độ các ông như thế, làm sao mà được tuyển về đây? Vị Chủ tịch hỏi.
- Kính thưa Chủ tịch – cả ba nhà khoa học đồng thanh – xin ông tha thứ, đến nước này chúng tôi xin khai hết sự thật. Tất cả chúng tôi đều là… con ông cháu cha cả mới về được đây ạ.
- Nhưng các ông không đủ trình độ mà vẫn cả gan nhận đề tài tiền tỷ, không sợ luật pháp sờ gáy hay sao?
- Dạ chúng tôi cũng biết thế. Vì thế mà chúng tôi xin hoãn thời gian để…thuê người khác làm ạ.
- Thôi được. Xét thấy các ông đã khai ra sự thật, tôi sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng các ông phải ngay lập tức trả lại căn hộ cho nhà nước, hoàn lại khoản tiền hỗ trợ và tiền đã chi cho đề tài rồi đi khỏi đây ngay lập tức.
-Dạ thưa – Chúng tôi xin chấp nhận mọi điều kiện. Như thế này thì không oan ức gì nhưng chưa công bằng ạ.
- Còn không công bằng cái gì nữa ?.
- Xin ông xử lý nốt đám kỹ sư đang ùn ùn chuyển về đây, bọn chúng cũng giống như chúng tôi đây cả thôi. Chính chúng tôi cũng tham gia chấp tốt nghiệp cho chúng mà.
- Trời - ông Chủ tịch hét to một tiếng rồi ngất xỉu.

Viết ngày 13/1/2008
Mai Văn Danh.