Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHẬT TUẤN ĐI VỀ NƠI HOANG DÃ

Nguyễn Nguyên Bẩy
Thứ tư ngày 7 tháng 10 năm 2015 8:34 PM

Tin dẫn: Làm sao biết Lý Phương Liên kết moden văn chương Nhật Tuấn cỡ nào, mà cứ nhất định bắt tôi ký hợp đồng viết một bài Chém Gió Văn Chương Nhật Tuấn. Hợp đồng ký xong, tôi điện thoại cho Tuấn xin phép được lên Miền Hoang Dã của anh để lấy tư liệu viết bài. Tuấn đáp: Mời lên ngay, lên ngay, tư liệu tao đầy một bụng, lên nhanh kẻo tao cho cá trê ăn hết bi giờ../ Trời ơi là đất, thế là đi, Bình Dương, đâu như Tân Uyên, cửa Chiến Khu D, Miền Hoang Dã, Một Nhà văn, một..đợi chờ bầu bạn../ Thế là / Gọi Tô Hoàng/ Hai vợ chồng cùng Ok/ Xem ra họ còn yêu mến Nhật Tuấn hơn cả vợ chồng mình/ Chữ mình là nói với Lý, người tắp lự tổ chức chuyến đi../ Gọi là tổ chức cho oai phong kèn trống/ Gọi Vinasun, Taxi 7 chỗ, 4 người thong thong, vừa đi vừa hỏi đường qua điện thoại..và đến/ Và ôm nhau/ Và vào bếp/ Và chém gió/ Và nhậu..miền hoang dã..vịt nướng chao, gỏi xu hào, chân giò hấp chấm mắm tép/ chém gió gan trời/ mỡ chúa...Vậy thôi../ Bài Chém Gió sẽ viết../Trưa 8/4/2014 tại nhà Nhật Tuấn./


Theo một số nhà lý luận phê bình văn học bậc mét, thì đây chỉ là cuốn truyện dài, không phải tiểu thuyết. Để tránh những thanh cãi không đáng có ngay từ dòng mở đầu bài viết, tôi đã xin phép Nhà văn Nhật Tuấn, gọi tác phẩm Đi Về Nơi Hoang Dã của anh là cuốn Văn Dài, 268 trang kể là dài, một cuốn văn dài đáng đọc, đáng tôn vinh, với riêng tôi, đây là cuốn văn dài hay nhất, chuông khánh nhất, thức tỉnh nhất của Văn Đàn Việt Nam kể từ khi tôi biết đọc sách đến nay.

Cái hay khởi ngay từ tựa đề sách, tựa đề lại chính là thông điệp sách, chính là thông điệp tác giả gửi đến người đọc. Một thông điệp đay đi đay lại, tàng ẩn hư thực nghĩa, đọc một lần nhớ lâu, nghĩ mãi, nhớ nghĩ cho đến vỡ nghĩa đa chiều, rồi thấm mà nhận thức, mà ngộ ra thông điệp. Thực đúng lý của câu chuyện, tựa đề phải là : Đi Về Nơi Thiên Đường. Nhà văn Nhật Tuấn cao tay, đã không lộ mình và lộ văn như một số nhà văn viết và in sách thể tài này trước anh, như Xuân Vũ với Thiên Đường Treo hoặc Dương Thu Hương với Thiên Đường Mù. Anh gọi tên cuốn sách của mình là Đi Về Nơi Hoang Dã.
Nơi Hoang Dã theo cách gọi của Nhật Tuấn lại chính là Nơi Thiên Đường, trong sách là đỉnh Hua Ca. Hành trình lên đỉnh Hua Ca (thiên đường) là hành trình gồm ba khúc thức (tỉnh thức), nói cách khác 268 trang sách miêu tả truyện này truyện khác đọc vắn, đọc nhanh,cốt truyện cũng chỉ là ba khúc thức,dẫn lại dưới đây:

Khúc 1, kỳ vọng thiên đường:
“Phà ơi – nàng kêu lên – anh lên đỉnh núi Hua Ca. Cao lắm, sát tầng mây kia đấy. Hua Ca có nghĩa là “đầu quạ”, nghe nói ở cái mỏ của nó phun ra một dòng nước, nếu hai người cùng uống nước đó trong một cái chén thì không bao giờ quên được nhau . . . “
"Thật không? Em nói thật không?
" Thật chứ, ông nội em kể lại cho bố, bố kể lại cho em. Nhưng phải thực bụng với nhau mới uống được, người nào không thực bụng uống vào chết ngay." Tôi nói với nàng nếu vậy nhất quyết tôi sẽ tìm bằng được lên đỉnh Hua Ca lấy một chai nước về tặng nàng để mai kia uống chung với ai đó." (Sách đã dẫn 227)

Khúc 2, thất vọng thiên đường:
“ Tôi ngơ ngác nhìn quanh, nửa tin nửa ngờ, không lẽ tôi đã đi một vòng ngay trên đầu con quạ đấy ư? Vậy còn cái mỏ của nó phun ra đòng nước thần đâu? Chẳng lẽ cái vùng đất huyền diệu nàng Sao kể cho tôi nghe lại tầm thường toàn sương mù gai góc và đầy những vũng nước vàng ố và bẩn thỉu thế kia ư? Không thể như thế được, cái đỉnh Hua ca thần thánh ấy chắc không phải nơi tôi đang đứng đây, nó phải ở đâu đó cao tít từng mây kia chứ. Thôi nhé, vĩnh biệt chuyện đi tìm nước thần thoát ra từ miệng con quạ. Tôi không thể bắt chước thằng học giả, không thể mang thứ nước vàng đục kia và gọi nó là nước thần về cho nàng Sao. Tôi bước nhanh ra khỏi vũng lầy đầy những bọ gậy và lá mục…”

Khúc 3: hy vọng thiên đường

“Trong đêm cuối cùng trên đỉnh Hua ca, chúng tôi đốt một đống lửa, ngồi quây quần như những ngày trước.Không ai hé răng một lời. Tất cả đều ngồi thẫn thờ trước ngọn lửa đang bốc cao kéo những tàn đỏ đuổi nhau và mất hút trong bóng đêm. Mọi việc giữa bọn tôi rồi cũng qua đi như thế. Sáng mai sẽ xuống núi, sẽ nói với nàng Sao rằng suối thần trên đỉnh Hua Ca chỉ có trong huyền thoại, tuy nhiên, Không Vì Thế Con Người Không Thực Bụng yêu Nhau…”

Cốt truyện chỉ là vậy, thông điệp chỉ là vậy, chưa đầy một trang sách trong số 268 trang. Sự tuyệt vời của thông điệp ở chỗ, đã đến được thiên đường, nhưng ngộ ra không phải là thiên đường , mà chỉ là nơi hoang dã, tức là thiên đường chỉ là huyền thoại, là không có thực, mà nếu có thì cũng đã đi lạc hướng thiên đường, phải đi lại từ đầu, lỗi không phải bởi người đi, mà lỗi của hệ thống định hướng. “Thôi nhé, vĩnh biệt chuyện đi tìm nước thần thoát ra từ miệng con quạ”,“ sáng mai sẽ xuống núi”, đó là một khảng định, một sửa chữa, một đoạn tuyệt cái sai, cái lỗi, không còn con đường nào khác, giải pháp nào khác. Và “ Sẽ nói với nàng Sao rằng suối thần trên đỉnh Hua Ca chỉ có trong huyền thoại, tuy nhiên, Không Vì Thế Con Người Không Thực Bụng Yêu Nhau..”

Nơi con ngưởi thực bụng yêu nhau, nơi ấy chính là thiên đường. Đó không phải là câu văn vẻ, mà là một định nghĩa nhân văn đẹp đẽ nhất của thiên đường. Văn dài Đi Về Nơi Hoang Dã không có cốt truyện, không có nhân vật, không có tình yêu nảy lửa, sét đánh, tay ba, tay tư tranh dành chụp giựt..nói tóm, là không có những cái/ thứ mà các tiểu thuyết xưa nay dụng biến. Nhật Tuấn đã viết một thứ văn dài hay tiểu thuyết kiểu Nhật Tuấn, mới, lạ, không giống ai và quan trọng là đã thành công. Có thể gọi đó là tiểu thuyết luận giảng hay tiểu thuyết dịch lý. Tôi nghiêng về ý sau: Tiểu thuyết dịch lý. Dịch lý ngay từ thông điệp đến bố cục, đến nhân vật đến văn phong. Nói vậy không cố ý định văn pháp Nhật Tuấn, càng không ẩn ý thăng hoa Nhật Tuấn như một kỳ tài, mà là nói đúng theo cảm nhận thu hoạch của người đọc. Trường hợp ngay cả Nhật Tuấn cũng bất ngờ vì nhận định này, thì Tuấn ơi, hãy chắp tay cảm ơn Trời, đã ban cho Tuấn cái linh thần mà viết được sách Đi Về Nơi Hoang Dã với lý dịch mạch lạc, cao siêu và đầy nhân tính. “ Sẽ nói với nàng Sao rằng suối thần trên đỉnh Hua Ca chỉ có trong huyền thoại, tuy nhiên, Không Vì Thế Con Người Không Thực Bụng Yêu Nhau..”Câu văn này sâu cực ý nghĩa dịch. Một hạt dương hoan phối với một hạt âm mà sinh ra thai khí, mà thành con người, cứ thế, thành gia đình, thành quê hương, thành xã tắc. Dịch học gọi toẹt huyệt đàn ông gặp gỡ huyệt đàn bà là hoan phối, văn chương văn vẻ chữ hoan phối thành làm tình, thành yêu nhau, rồi mở rộng thành tình yêu. Như vậy chữ tình yêu ít nhất cũng bao gồm một cặp âm dương, yêu nhau để sống và để truyền giống mà con người còn mãi, còn mãi để yêu nhau. Như vậy, trong chữ Tình yêu tàng ẩn hai hạt cơ bản gây dựng nên nó, đó là hạt sinh tồn và hạt sinh lý. Chất lượng của hai hạt cơ bản này là thước đo cuộc sống, con người phấn đấu không ngừng để mức độ hai hạt cơ bản này cao dần, cao dần, cao cho tới mức mơ ước của con người, mức mơ ước ấy chính là thiên đường.

Ai trong Đi Về Nơi Hoang Dã đã đi về nơi thiên đường-đỉnh Hua Ca ấy? Mời theo văn của Nhật Tuấn, nơi trang 11: “ Chúng tôi có năm người, một ông già và bốn gã đàn ông lực lưỡng sẵn sàng làm chồng những cô gái khỏe mạnh, làm cha những đứa bé chập chững, làm chủ những gia đình vào chiều đông xám lạnh như chiều nay hẳn đang quây quần quanh bữa cơm nóng sốt. Vậy mà, đằng đẵng bao năm nay, chúng tôi bị quăng lên những đỉnh núi quanh năm mây phủ, không có cả đến tiếng chó, một bãi phân trâu, cái thứ ở dưới miền đồng ruộng kia, ta bắt gặp nhan nhản ngay khi chưa bước chân vào cổng làng..”
Vậy là có 5 người, nhấn mạnh 5 người. Số 5 nhân vật, rõ ràng, minh bạch thế này tất không thể là suy diễn, Nhật Tuấn đã tung ngũ hành vào hành trỉnh tìm kiếm thiên đường. 5 người này, tượng cho năm nhân vật (tạm gọi vậy) của truyện, mỗi nhân vật một hành. Ông già, nhân vật trưởng toán, là nhân vật tung tâm, thuộc thổ. Nhân vật Thằng học giả, tượng trưng cho trí, thuộc thủy/ Nhân vật Thằng Hộ Pháp tượng trưng cho lễ (thành tích, cơ bắp) thuộc hỏa/ Nhân vật Thằng cấp dưỡng, tượng trưng cho nghĩa, thuộc kim./ Và nhân vật “Tôi”, thuộc nhân mộc. Nôm na, ngũ hành cũng là năm giai cấp chính trong xã hội: Công, nông, binh, trí, thương. Ngũ hành có tương sinh, tương khắc, mỗi hành phát huy hết năng lực của mình, điều tiết cân bằng, sinh khắc để tồn tại, để phát triển, để tiến hóa. Ví von về sự điều tiết sinh khắc: Trên sông (thủy) có con thuyền (mộc), trong con thuyền có bếp lửa (hỏa), cạnh bếp lửa có hũ gạo (thổ), cạnh hũ gạo có con dao (kim).. Trong Đi Về Nơi Hoang Dã, ngũ hành người này chỉ là một toán, răm rắp tuân lệnh của toán trưởng, phạt cây, mở đường, ăn rắn ăn rết, đói khô mép khô môi, cắn rắng, cầm lòng ức nín mà hô khẩu hiệu tiến lên Đỉnh Hua Ca/ thiên đường. Chỉ có tiến lên, kẻ nào mở miệng bàn không tiến, nghi hoặc ‘đường đi không đến”, hoặc có đến thì đấy cũng chỉ là Đỉnh Hua Ca đầy sương mù và nước đọng bẩn thỉu..thì xích xiềng/xiềng xích/xích xiềng và cái chết nhơ bẩn, hổ cha, xấu mẹ, ô danh nguồn cội xóm làng..là một kết thúc. Vì thế, chỉ một con đường vượt núi, tiến lên đỉnh Hua ca huy hoàng. Tiến lên. Tiến lên ta lại tiến lên/ Tiến lên ta quyết vượt lên hàng đầu/ Hàng đầu chẳng biết đi đâu/ Đi đâu thì cứ hàng đầu tiến lên/ Nhất định phải tiến lên. Không được phép nghi ngờ cái sai lầm, cái lạc hướng của Một Ban Chỉ Huy vô hình, vô tích sự, ngây thơ, ngu dốt nào đó. Tiến lên hay là chết? Thật tiếc mà may, tiếc là tiếc ông già trưởng toán, vì sức cùng lực kiệt, mà gục ngã trước cổng thiên đường, và được chôn cất trang nghiêm trên đỉnh Hua Ca mà cả đời ông ước mơ lên tới đó. May là, toán 5 người cùng lên đỉnh Hua Ca, chỉ một người chết, 4 người trẻ còn lại đều sống sót, nhấn mạnh, cố ý sai văn phạm: 4 người chẻ còn nại đều xống xót! Lạc hướng thiên đường thì câu văn cũng phải sám hối , sai văn phạm là sám hối nhẹ như kiểu nức nở cười..Biết đâu những nức nở cười của tứ hành dân chúng này sang tai ầm vang đến Ban chỉ huy, lay thức cơn mê lú của họ về Lỗi Hệ Thống, Lỗi Chỉ Sai Hướng, Lỗi Dẫn Sai Đường..để họ hiều là phải thành thực, phải dũng cảm đoạn tuyệt sai lầm, bắt đầu lại từ đầu như thế nào. Xin thêm một lần cảm ơn nhà văn Nhật Tuấn đã chuông khánh thức báo cái sai lầm của lỗi hệ thống cho mọi giới bạn đọc bằng thông điệp Đi Về Nơi Hoang Dã!
Ở trên có nói, văn dài Đi Về Nơi Hoang Dã, ôm một cốt truyện ngắn xỉn, một trang, làm sao đưa đẩy được 268 trang sách, cuốn hút người đọc đến dòng cuối cùng? Nhật Tuấn đâu phải thứ “ văn nghê quần chùng”, anh là Nhà Văn thứ thiệt, viết hoa, bằng giọng văn thủ thỉ, trầm ấm, viết mà như không viết, anh mở lòng tâm sự cùng bạn đọc, đến nỗi đọc hết 268 trang văn, người đọc còn như muốn đọc thêm, nghe thêm..Nhật Tuấn thực tài hoa, tràn đầy bản lĩnh viết văn. Nói vậy, là tôi nói, tôi là bạn của Tuấn, lời thơm nhau thì sao! Xin đọc dưới đây, hai bằng chứng vô tư, công bằng của Tuấn, về Tuấn.
Các sản phẩm văn ngắn, văn dài do Nhật Tuấn sinh ra gần như trọn cuộc đời, và nay vẫn đang tiếp tục sinh ra, xin coi là bằng chứng 1. Liệt kê 12 đầu sách đã xuất bản: / Trang 17 (1978)/ Con chim biết chọn hạt (1981)/ Bận rộn (1985)/ Mô hình và thực tế (1986)/ Lửa lạnh (1987)/ Biển bờ (1987)/ Tín hiệu của con người (1987)/ Đi về nơi hoang dã (1988)/ Niềm vui trần thế (1989)/ Những mảnh tình đã vỡ (1990)/ Tặng phẩm cho em (1995)/ Một cái chết thong thả (1995). Và liệt kê thêm: Những đã post lên net, sẽ xuất bản, chắc chắn là thế, tham khảo Nhattuan.blogspot.com

Bằng chứng 2, trích dưới đây đôi ba dòng Đi Về Nơi Hoang Dã, để thấy bút lực Nhật Tuấn còn sung lắm, chữ nghĩa còn dư lắm, tình văn còn đằm lắm:

“Tôi cố nhắm mắt mà không sao ngủ được. Lần này thì không phải cái đói hay cái rét mà là những ý nghĩ của chính tôi. Ông ta là người đã rủ rê tôi theo ông. Cậu đang còn trai trẻ, quẩn quanh phố phường làm gì cho hèn người. Làm thằng đàn ông phải lên rừng, xuống biển cho phỉ chí nam nhi... Tôi kính trọng và nghe theo ông cũng vì một thời trai tráng ông đã: vùng vẫy như thế. Mới ngoài năm chục tuổi, ông đã có trên hai mươi năm lăn lộn khắp các vùng rùng núi Tây Bắc, Việt Bắc khảo sát và thiết kế được biết bao nhiêu con đường quan trọng. Một con người cả đời đã được mưa rừng gió núi làm thoáng đãng tâm hồn, không lẽ lại làm cái việc nhỏ nhặt là giấu diếm một chút mì chính ăn riêng. Không, thằng học giả nói láo, sách vở chữ nghĩa làm méo mó đầu óc nó rồi. Ông toán trưởng thường bảo bọn trí thức là bọn đáng ngờ nhất, nếu không được giáo dục đến nơi đến chốn, bọn nó không đáng bằng cục cứt. May cho tôi không phải trí thức, tôi chỉ là thằng thanh niên lêu lổng, mới rời ghế nhà trường phổ thông, đầu óc chưa bị tiêm nhiễm nặng nề nọc độc của chủ nghĩa cá nhân tư sản, bởi thế như ông nói, tôi rất dễ phấn đấu vươn lên. Chao ôi, quả thực ông đã lầm lẫn khi chọn tôi làm nòng cốt để bồi dưỡng, đào tạo, tôi chẳng báo cáo được gì cho ông về những câu chuyện tào lao bọn nó vẫn đấu láo mỗi khi vắng mặt ông chẳng góp ý giúp đỡ được đứa nào mỗi khi khổ cực quá, chúng nổi khùng lên chửi cha cả cuộc đời. Tôi cũng không tha thiết lắm những điều ông vẫn hứa hẹn: lên lương, đi học, chức quyền... các cái đó với tôi, cũng xa xỉ và xa xôi hão huyền như những món ăn đặc sản thằng học giả thết chúng tôi buổi tối hôm nào vậy.”

Trở lại với định nghĩa tung ra mà lý nói chưa hết nhẽ. Văn dài Đi Về Nơi Hoang Dã là Tiểu Thuyết Dịch Lý. Nói tiểu thuyết dịch lý là nói cái lý tàng ẩn của tiểu thuyết, cũng là nói cái cách mà tiểu thuyết bầy cho người đọc cách dịch chuyển, cũng như Kinh Dịch là pho sách (kinh) dậy cho thiên hạ muôn năm cách dịch chuyển mà tương thích với cuộc sống mà thành tựu hai hạt cơ bản của đời người là sinh tồn và sinh lý. Với cái kết truyện:

(Khúc 3: hy vọng thiên đường,
“Trong đêm cuối cùng trên đỉnh Hua ca, chúng tôi đốt một đống lửa, ngồi quây quần như những ngày trước.Không ai hé răng một lời. Tất cả đều ngồi thẫn thờ trước ngọn lửa đang bốc cao kéo những tàn đỏ đuổi nhau và mất hút trong bóng đêm. Mọi việc giữa bọn tôi rồi cũng qua đi như thế. Sáng mai sẽ xuống núi, sẽ nói với nàng Sao rằng suối thần trên đỉnh Hua Ca chỉ có trong huyền thoại, tuy nhiên, Không Vì Thế Con Người Không Thực Bụng yêu Nhau…”), Nhật Tuấn đã khảng định sự cần thiết và nhất định phải dịch chuyển, thay đổi cách nghĩ và hành động của người đọc. Tuy anh không chỉ ra cách thay đổi, cách dịch chuyển cụ thể, vì anh tôn trọng thực tế, hoàn cảnh của từng chủ thể, nói cách khác anh tôn trọng tự do, nhân quyền. Và còn bởi, phẩm hạnh của văn chương là nhân văn, là tự do, là kích hoạt tư duy trừu tượng, tư duy chân lý của mỗi cá thể bạn đọc, của nhân quần, nhân loại. Một cái kết dịch lý.
Tôi xin kể vắn, câu chuyện dưới đây, thay cho thu hoạch cá nhân, sau khi đọc văn dài Đi Về Nơi Hoang Dã của Nhà văn Nhật Tuấn.

..Năm 1889, tức là cách nay hơn trăm năm, Nhà chức trách và dân chúng Seattle, tiểu bang Washington, nước Mỹ, nhận ra một cách sâu sắc là thành phố Seattle của họ đã quy hoạch/ xây dựng/ phát triển một cách vô tổ chức, dẫn đến sai lầm là Seattle trở thành một thành phố xú uế tai hại. Quan và Dân Seattle đã thống nhất đi đến một quyết định sửa sai, có một không hai trên thế giới, là dốt cháy toàn bộ Seattle cũ,(The Great Fire Of 1889), nhấn mạnh, đốt cháy toàn bộ thành phố, và xây dựng lại Seattle đàng hoàng, to đẹp. Cả hai việc dốt cháy (đoạn tuyệt sai lầm) và xây dựng lại Seattle, người Seattle đều đã thực hiện thành công. Bằng chứng, bảo tàng dưới lòng đất (Underground đối chứng quá khứ với hiện tại) và Seattle hiện hữu là thành phố lớn, đẹp nhất của tiểu bang Washington và cũng là một trong không nhiều các thành phố hoành tráng, to đẹp, văn minh hàng đầu của nước Mỹ..

Trở lại với cái kết của Đi Về Nơi Hoang Dã.
“Sáng mai sẽ xuống núi, sẽ nói với nàng Sao rằng suối thần trên đỉnh Hua Ca chỉ có trong huyền thoại, tuy nhiên, Không Vì Thế Con Người Không Thực Bụng yêu Nhau”.
Xuống núi, đó là một quyết định đoạn tuyệt đường cùng, một đoạn tuyệt không thể khác. Sẽ nói với nàng Sao rằng suối thần trên đỉnh Hua ca chỉ có trong huyền thoại. Đó là sự thật, một lời nói thật, không thể dối trá hay lừa bịp bằng lời nói khác. Rồi sẽ lên đỉnh đồi nào, núi nào, sông, bể nào để tìm con suối thần có thực, đó là việc khác, chuyện khác, thuộc pháp dịch của mỗi người. Nhưng dù dịch thế nào chăng nữa, thì tự do và nhân quyền vẫn là điều thiết cốt của đời sống con người, bởi chúng ta không bao giờ nguôi quên niềm hy vọng: Con người thực bụng yêu nhau..Tuyệt vời thay Đi Về Nơi Hoang Dã, cuốn sách kêu gọi mọi người thực bụng yêu nhau..
Seattle tháng 8.14