Trang chủ » Tản văn

MỘT NGÀY QUAN LẠN

Trần Nhương
Thứ hai ngày 22 tháng 6 năm 2009 9:32 PM
Tôi đã đọc bài ký viết về Quan Lạn của nhà văn Sương Nguyệt Minh hay ai đó khiến tôi ao ước có một ngày được đến Quan Lạn.
  May sao, chuyến đi thăm Viglacera Hạ Long lần này tổng giám đốc Nguyễn Quang Mâu cho chúng tôi đi ra khơi ngủ một đêm tít tận giữa biển.
   Vùng Quan Lạn mà năm 1287 Trần Khánh Dư đã đánh tan 500 thuyền lương của Trương Văn Hổ. Một vị chỉ huy bình thường, một trận đánh nhỏ nhưng lại có vai trò vô cùng to lớn trong lần đại phá quân Nguyên lần thứ 3 của nhà Trần. Đó chính là Trần Khánh Dư với trận đánh tại cửa Vân Đồn.
Sau hai lần thất bại nặng nề trên đất nước ta, nhà Nguyên đã quyết tâm báo thù, chuyển toàn bộ đoàn chiến thuyền do Ô Mã Nhi chỉ huy chuẩn bị đánh Nhật Bản sang tập trung giúp Thoát Hoan xâm lược nước ta lần thứ 3.
Thoát Hoan kéo đại quân bằng đường bộ rầm rộ vượt ải Nam quan vào nước ta. Ô Mã Nhi kéo thủy quân bằng đường biển, vào nước ta qua cửa biển Vân Đồn.
Trước thế giặc quá mạnh, quân dân nhà Trần dùng kế vườn không nhà trống, rút lui để bảo toàn lực lượng. Hưng Đạo Vương sai Trần Khánh Dư ra Vân Đồn tìm cách cầm chân giặc để nhà Trần có đủ thời gian lui về Thiên Trường. Trần Bình Trọng có nhiệm vụ cầm chân quân tiên phong đường bộ của Thoát Hoan, bảo vệ hoàng thất nhà Trần và ông đã sa vào tay giặc để rồi lưu danh sử sách với câu nói Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không làm Vương đất Bắc.
Riêng về Trần Khánh Dư, ông chọn vị trí Vân Đồn làm nơi mai phục, nhưng ông không ngờ được sức giặc quá mạnh, đoàn thuyền O Ma Nhi vượt qua một cách dễ dàng và đánh tan gần như toàn bộ thủy quân của Trần Khánh Dư. Sau thất bại này, ông chuẩn bị về kinh chịu tội. Chính lúc này ông nhận được thám tử hồi báo có đoàn thuyền lương đang chuẩn bị vào cửa Vân Đồn. Thì ra đó chính là đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, do Ô Mã Nhi hộ tống, nhưng vì Ô Mã Nhi đã đánh tan thủy quân của ta nên ung dung đi trước, không quan tâm đến bất cứ mối đe dọa nào nữa.
Trần Khánh Dư tập hợp tàn quân, chờ đợi đoàn thuyền Trương Văn Hổ vào ổ mai phục, đánh đắm và đốt cháy hoàn toàn đoàn thuyền lương này. Trong khi đó, kế vườn không nhà trống của quân dân nhà Trần bắt đầu phát huy tác dụng, chiến thuật du kích, đánh tỉa khắp nơi, lương thực khan hiếm trầm trọng. Thoát Hoan đợi mãi không thấy thuyền lương, sai Ô Mã Nhi ra đón thì mới hay là đoàn thuyền đã bị tiêu diệt.
Thoát Hoan kinh hồn, ra lệnh cho Ô Mã Nhi chuẩn bị rút theo đường thủy về nước, còn mình thì dẫn đại quân nhắm hướng Lạng Sơn mà chạy. Trên đường rút chạy bị Phạm Ngũ Lão chận đánh liên tục, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng sai quân sĩ khiêng để tránh tên lạc. Còn Ô Mã Nhi và trên 300 chiến thuyền đã sa vào trận Bạch Đằng, toàn quân bị tiêu diệt, chính Ô Mã Nhi tử trận tại đây.
Vân Đồn chính là cơ sở cho trân Bạch Đằng, nếu không có Trần Khánh Dư và Vân Đồn thì quân dân ta còn tổn hao rất nhiều xương máu để có thể đánh bại thế giặc quá mạnh trong lần xâm lược thứ 3 của quân Nguyên, và cũng làm tiêu hao rất nặng lực lượng kẻ thù, hủy đi ý định trả thù lần nữa (theo tài liệu trên mạng)
   TG Đ Nguyễn Quang Mâu và nhiều cán bộ lãnh đạo công ty đi cùng chúng tôi. Vịnh Bái Tử long hiện ra đẹp mê hồn. Con tầu thuỷ cao tốc như bay trên mặt biển. Từ cảng Vân Đồn ra Quan Lạn chừng hơn 40 cây số, đi tầu cao tốc phải mất gần một giờ đồng hồ, Tôi mê mải nhìn vịnh Bái Tử long, trong những con sóng kia có còn ghi dấu những trận chiến của Trần Khánh Dư đánh Trương Văn Hổ. Tôi chụp ảnh ghi lại nhiều hình anh núi đá kỳ lạ, có trái núi giống như hình phật thủ, có trái núi cô đơn giữa một vùng mênh mông. Đúng như câu thơ của chế Lan Viên viết: Ba ngàn sinh linh hoá đá. Vịnh Hạ Long có tới 3000 hòn đảo lớn nhỏ thì Bái Tử long có 600 đảo đá.
  Tầu cập bến Quan Lạn đã có hàng chục chiếc xe túc túc đón chào quý khách. Ngồi trên những xe này phóng đi trên con đường xuyên đảo thật thú vị. Chúng tôi về khu nghỉ dưỡng của Công ty Viglacera nằm tại khu Vân Hải. Không biết xây dựng từ khi nào mà đã ngăn nắp khang trang một khu du lịch có hạng. Nhiều biệt thự, nhiều nhà sàn sát ngay bờ biển. Biển Quan Lạn trong vắt, nước mặn, chưa hề có một cái rác. Vì giữa trùng khơi lại không gần cửa sông nào nên biển tinh khôi như một thanh nữ nuột nà. Đến Quan Lạn thì Nguyễn Trọng Tân biến đi chỗ nào không biết, chỉ có tôi và Nguyễn Đức Huệ lúc nào cũng cập kè bên nhau. Nguyễn Đức Huệ cứ đùa rằng phải đi để bảo vệ trannhuong.com. Ối giời ơi, có cô nào bắt cóc đâu mà lo. Chúng tôi ào xuống biển. Trong vắt đến nỗi nhìn rõ bàn chân mình khi qua hơn một mét nước. Nhảy sóng và bơi một trận đã đời. Lâu lắm mới được tắm biển sạch thế này.
   Buổi tối giao lưu văn nghệ và đốt lửa trại ngay bên bờ biển lộng gió. Trên đống lửa rừng rực kia một chú dê đang được nướng cho bữa tiệc đêm. Chà chà giữa trong veo đêm biển chúng tôi quây quần uống rượu với thịt dê nướng tuyệt vời làm sao. Hai giờ đêm mới về phòng ngủ.
  Sáng 20-6 chúng tôi đi thăm công ty Cát Vân Hải, nơi khai thác cát trắng để làm thuỷ tinh. Cát trắng đến nao lòng mà tôi không nghĩ có thứ cát trắng thế. Rồi đi thăm đền Thờ Trần Khánh Dư, đình Quan Lạn. Tại ngôi đình hàng 100 tuổi này thờ vua Trần Anh Tông khác với thông lệ thờ thành hoàng làng. Tại đây có nhiều câu đối rất hay: Vân Đồn địa linh nhân kiệt, tý dân nhân đức niệm nhân tâm / Quang Lạn hảo giác thôn nhai hậu quốc chiến công lưu quốc sử. Đền thờ Trần Khánh Dư tuy nhỏ nhưng toạ lạc bên bờ sông Mang. Hồi trước do chống mê tín nên đền đã bị phá, dân vội mang tượng Ngài giấu đi và bây giờ tượng Ngài đã được đặt trang trọng trên bệ cao. Câu đối nơi đền Trần Khánh Dư ghi: Kình thiên song trụ lập tinh thần nhật nguyệt quang huy / Trì địa nhất bang tân sơn địa sơn hà y cựu…
  Chúng tôi đến bãi biển Minh Châu, một xã trên đảo bên cạnh Quan Lạn. Nơi đây có rừng châm trăm tuổi. Đi vào rừng châm ta ngỡ đi dưới  mái nhà mát rượi. Lá châm ken dày đến nỗi rất ít ánh nắng xuyên qua.
  Chỉ một ngày với Quan Lạn mà cho tôi ấn tượng không quên. Các anh chị em Xí nghiệp đời sông của Công ty Viglacra đã dành cho chúng tôi sự trân trọng hiếm thấy.

  Quan Lạn xa rồi hay chưa xa
  Em ở đâu rồi hay quanh ta
  Một thoáng mà sao lòng bối rối
  Biển ngọc như em một dáng ngà…
 
 
 
 
 
 
 
 
 Trần Nhương bên rừng châm cổ
 
 
 







 
 
Nguyễn Đức Huệ bên rừng châm cổ
 

Đường vào đền thờ Trần Khánh Dư 
 
 
 Tượng Trần Khánh Dư
 
 
TGĐ Nguyễn Quang Mâu (giữa) trước đền thờ Trần Khánh Dư
 
 
 
 Ngôi đình Quan Lạn hàng trăm năm tuổi
 
 
Mái hiên đình Quan Lạn
 
 
 
Nhà văn che ô cho nhà báo

 
 
Dưới gốc đa cạnh đền thờ Trần Khánh Dư 


 
Vui bạn 
 
 
 
Xem ra U70 cũng hơi bị ngon. He he. Tự khen lấy.