Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỤC BÁT HỒ PHONG TƯ

Vân Đình Hùng
Chủ nhật ngày 11 tháng 12 năm 2011 8:57 PM

Nghe em hát chèo
 trên Kênh Gà*


Hồ Phong Tư
 
Môi thì ngọt, tóc thì bay
Làn chèo em thả làm say mết chiều
Đổ dài bóng núi liêu xiêu
Dòng kênh thì rộng, cánh diều thì cao
 
Nhặt, thưa tựa tiếng mưa rào
Lệch, chênh sóng vỗ nôn nao mạn thuyền
Phải là câu hát giao duyên?
Mà sao đau chạm vào miền rất xa…
 
Tháng năm mải miết dần qua
Nổi trôi con nước phù sa mịt mờ
Biết đâu từ bấy đến giờ
Còn câu hát cũ đợi chờ bến sông
 
Vẫn say đắm, vẫn mặn nồng
Bể dâu mấy bận mà không đổi dời
Vẫn là giản dị thế thôi
Yêu nhau cởi áo cho người, chiều nay…
 
Nghe em hát, mắt mờ cay
Làn chèo em thả nhẹ lay…
Kênh Gà…
                           Kênh Gà 7/11/2011
 
* Một địa danh thuộc tỉnh Ninh Bình nơi có nguồn nước nóng Kênh Gà nổi tiếng
 
Có lẽ nhà thơ ngao du Bích Động Cố đô, trên chiếc thuyền nan, vẳng xa trong lòng thung làn điệu chèo treo lơ lửng giữa hai vách núi dựng đứng soi bóng xuống lòng suối đẹp. Thế là chạnh lòng. Cái mẫn cảm giàu sự liên tưởng đã mở tung cửa để những hoài niệm ùa về thơm mùi hoài hoa trắng phau bốn cánh tinh khôi.
Nghe em hát mắt mờ cay. Vẫn nồng vẫn đậm vẫn say vẫn buồn. Nồng đậm say buồn là bốn trạng thái của người viết bài này đồng cảm cùng cái sự chạnh lòng của người thơ.
Lục bát Hồ Phong Tư đã trình làng nguyên tập. Với bốn mươi mấy cảm xúc, và ngần ấy cái chạnh lòng mỗi khi nhà thơ đi qua, chứng kiến, xao động, dưng dưng… thế là dòng lục bát khơi thông, con chữ rơi xuống mặt giấy, chưa khô đã đứng thành hàng, thành lối, dựng cái kỷ niệm xưa mang mác đắm say, dấu ngọn lửa cháy bỏng bằng vẻ mặt bình dị nhưng cái vẻ đờ đẫn của khuôn mặt thì chẳng dấu được ai.
Chỉ thoảng nghe thôi mà câu hát đã gọi mưa về để tứ thơ nảy mầm: nhặt thưa tựa tiếng mưa rào/ lệch chênh sóng vỗ nôn nao mạn thuyền. Tôi thích chữ nhặt thưa và lệch chênh ở hai đầu câu lục và câu bát. Nó như vế đối lệch, tấu lên cái xôn xao, nhấp nhô trong lòng. Một khắc, một thoáng bâng khuâng… thoảng nhẹ mơ hồ, xa xăm… tạng thơ của Hồ Phong Tư là thế chăng?
Cái tứ thơ này nhiều lần tái xuất trong các bài lục bát của nhà thơ. Có lẽ ông là người thủy chung với những hoài niệm, như nhất với những đắng cay, dấu nhẹm, không chịu sẻ chia, chỉ tìm nàng thơ mà thủ thỉ cõi lòng riêng, nhất là khi bâng khuâng nơi thanh tao, u tịch, không vướng bụi trần tục. Bài lục bát nào của ông cũng thấp thoáng một bóng hồng. Chân dung ảo mờ, không rõ nhân ảnh. Nhưng cứ vin vào chữ ông thả vào thơ thì bóng hồng ấy là giai nhân. Hẳn rồi. Mà ông để tuột mất thời còn trai trẻ. Thế nên giờ ông đi tìm. Tìm từ Trường Sơn tìm về. Tìm từ quê tìm ra. Tìm từ núi cao xuống biển rộng… mà vẫn bặt tăm. Thế mấy háo hức. Đau đáu. Nhìn trời ngó đất. Tưởng là bàng quan, nhưng cứ hễ nghe một tiếng thanh, giọng nữ thanh, ông lại giật mình. Những thước phim quay chậm cái nhân ảnh xa mờ kia lại mờ chồng xuất hiện cùng lúc với nhiều sự kiện chồng chất. Có một đêm trăng thật đẹp, nhân ảnh kia đã ngời ngợi, mong manh, rồi vút một cái là khuất dạng, để lại cái tiếc nuối ngu ngơ cho kẻ sỹ.
Nghe hát chèo với những sa lệch chênh, đường trường tiếng đàn, đường trường thu không, luyện năm cung, lới lơ… nhiều lắm, âm giai ngũ cung buông lơi, lòng con dân đất Việt ai chẳng có những cảm nhận và rung động. Đấy là giọng quê, âm gốc mẹ cổ, lời ru ấu thơ neo bám vào khu vườn cấm nơi bộ nhớ mỗi người. Khu vườn ấy có hàng rào đơn sơ tầm xuân quấn quýt, phía trong hàng rào là những cái gì thật riêng, thật thiêng, ai chả có, cất dấu. Rồi lâu lâu, bụi thời gian đã phủ đầy dây buộc, cứ đẹp trăng, thơm hoa, rồi mưa phùn tháng giêng, mưa rào tháng ba, mưa ngâu tháng bảy… ngần ấy thứ ngần ấy đường dẫn cho những cái thật riêng, thật thiêng ùa về.
Có lần Hồ Phong Tư tâm sự với tôi về hoa hoài. Tên hoa thật đẹp, hoa đơn sơ, bốn cánh mong manh, trắng trong thanh khiết. Đọc lục bát Hồ Phong Tư là được ngắm hoa hoài, tôi nghĩ thế. Và thầm ước có lần nào đó, chữ duyên mà nồng tới mức được cùng nhau nghe hát để: nghe em hát mắt mờ cay/ làn chèo em thả nhẹ… bay về trời. Và mắt được dõi theo cái đám lá khô xào xạc cuốn cuộn nhau, rối rít, vấn vít về nơi không có chân trời. Để câu hát cũ đợi chờ bến sông sang đò trong chuyến đò chiều, về bụi tre ấm bụi, về cây cau trổ buồng thơm chay, mà soi bóng vào cái miệng lu nước mưa meo méo. Câu hát bật thơm hoa hoài.
Ngày 14/11/2011_Vân Đình Hùng