Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUÊ MÌNH HÀ NỘI

Nguyễn Nguyên Bảy
Thứ ba ngày 13 tháng 12 năm 2011 6:29 AM
 Những người chép cổ tích, thời nay

Nguyễn Nguyên Bảy 
Nhà hộ sinh Cây Đa Nhà Bò, căn nhà ngói nhỏ dốc Thọ Lão, vượt lên chừng hai mươi thước dốc là phố Lò Đúc thuộc bang Cò, ngược lên là chợ Hôm, phố Huế, Vân Hồ…xuôi xuống là cửa ô Đông Mác, làng Thanh Nhàn, trường Lương Yên, xa nữa là Lò Lợn, là đê, là sông Cái…Tôi đã sống và lớn lên quanh quẩn vùng đất với những tên ký ức vừa nhắc thức, tính đến ngày rời Hà Nội, 1976, là gần ba mươi lăm năm. Cuộc ly hương trên chính quê hương mình nào ngờ dài quá, lâu quá, sau 30 năm, nửa đời người, tôi mới trở lại thăm quê lần nhất. Loạt bài viết dưới đây, chép lại cảm nhận tôi sau những lần trở về quê, như một chuộc lỗi vội vã, khi thấy tuổi tác đã đến hối thúc chân chậm chạp bước về nguồn cội đời người. Mời đọc để yêu quê mình, Hà Nội.
Bài Cuối: Những người chép cổ tích, thời nay…

Hỏi : Nhưng ai chép văn chương Kinh Thành Cổ Tích được coi là chính danh? Đáp: Dĩ nhiên, trước hết phải là người Hà Nội. Hỏi thêm: Những ai thực sự được coi là người Hà Nội? Im lặng kéo dài và sau đó là tưng bừng những nói cười tranh cãi…ngoài lề, tôi ghi lan man tại Nhà sách Văn Hóa Đông Tây, chỗ anh Đoàn Tử Huyến, dịp tôi chào sách bạn đọc.
.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng trên thẻ căn cước mục nguyên quán vẫn ghi Hưng Yên, quê của cha tôi. Con gái út của tôi sinh ra và lớn lên tại Sải Gòn,  nguyên quán lại ghi Hà Nội. Vậy thì tôi là người Hà Nội gốc hay con gái tôi là người Hà Nội gốc? Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi với ca khúc để đời “ Người Hà Nội”, nhà thơ Bằng Việt với bài thơ “ Trở lại trái tim mình” làm nên danh, nhà văn Nguyễn Khắc Phục biên kịch chương trình Lễ hội Hà Nội ngàn năm tuổi, hình như đều không phải nguyên quán Hà Nội. Ai đó bỗng nói vui: “Nếu Hà Nội gốc có lẽ chỉ có bác Tô Hoài”. Ai đó đáp: “ Nhưng Dế Mèn Phưu Lưu Ký lừng danh thì vùng miền nào chẳng có, đâu phải là đặc sản cổ tích của đất Thăng Long, người Thăng Long”. Thật may cò bài báo ngắn của Vương Gia, lấy lại cân bằng không gian lan man vui đang có nguy cơ tranh cãi không cần rượu.“Hà Nội không phải quê cha đất tổ của nhiều người, nhưng dẫu chỉ chạm chân,  ở lại vài ngày, vài tháng, vài năm..., hay  ai từng ngơ ngẩn trước Hà Nội bốn mùa thời tiết, cũng đều mang hồn và tình, từng con đường, góc phố, với từng mùa lá rụng, lá thay, với loáng thoáng tà áo bay bay ngày heo may vờn mặt, rung động ấm áp trong se lạnh, mưa phùn giữa dòng người tấp nập đi chợ hoa ngày giáp tết của Hà Nội trong tim mình. Người Hà Nội không ai có thể quên hào khí ông cha ngàn năm xây dựng, khi kinh thành cổ tích linh thiêng, dấu tích còn kia.  Kỷ niệm vườn hoa, ghế đá công viên, căn nhà ống chật chội phố cổ, thênh thang tiếng nói cười tình yêu, bạn hữu... ai có thể quên nổi một thời oai hùng, lãng mạn. Hà Nội chiến tranh. Hà Nội Thanh Bình. Hà Nội của muôn người Hà Nội”.(Báo TTNN)
.
Bỗng nhớ các bạn tôi người Hà Nội giờ đang sống ở sài Gòn, nơi ấy, để nhớ về Hà Nội, yêu Hà Nội và viết những cổ tích đủ mọi dạng loại về Kinh Thành Cổ Tích, chúng tôi tập hợp nhau lập “Hội”, tự nguyện miễn là chung sở thích, để hát cho nhau nghe, sách tặng nhau đọc, phim mời nhau xem, tranh mời nhau thưởng ngắm. “Hội” không họp thường kỳ, họp theo nhân dịp, giấy mời là dòng nhắn tin hay là tiếng “ới” alô. Chủ tịch Hội nhiệm kỳ dài hạn là họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, Chú tịch khẩn khoản mời hai phó, phó nhất là chính ủy nhà văn Tô Hoàng, phụ trách tư tưởng thích, phó nhì là Lý Phương Liên phụ trách trà Thái và thuốc lá Thăng Long. Vợ chồng Nguyễn Mạnh Tuấn- Hà Phương đề xuất tên Hội là T.N.V.T, ai muốn hiểu thế nào cũng được Trọng Nhau Vì Tài / Trọng Nhau Vì Tình, Thích Nhau Vì Thơ, Thương Nhau Và Thế…cùng khích lệ động viên nhau ghi chép thật nhiều cổ tích về Kinh Thành Cổ Tích.
.
Bằng Việt đã dành những lời này cho tôi, nhưng tôi không cho là thế, mà tin là Bằng Việt đã dành những lời tình bạn ấm áp này cho các bạn tôi những người Hà Nội sống xa quê, mỗi người đều có một số phận riêng, nhưng giống nhau ở tính cách tranh đấu ngẩng cao đầu mà sống với tình tính ung dung tự tại, hào hoa và ai dù ít hay nhiều đều kiêu hãnh tự hào khi nhận mình là người Hà Nội. “Nguyễn Nguyên Bảy là người làm thơ cùng thời với tôi,với Lưu Quang Vũ,Vũ Quần Phương,Trúc Thông...tức là cùng lứa những nhà thơ khói lửa chống Mỹ. Nhưng anh đã rẽ sang một lối khác sau khi xuất hiện khá ấn tượng trên báo chí và phát thanh. Chúng tôi nghĩ là anh đã bỏ thơ chạy theo một tình yêu khác. Nhưng sau bốn chục năm, Nguyễn Nguyên Bảy đã quay trở lại với thơ, kỳ lạ, sang trọng và làm choáng tất cả với tập thơ Kinh Thành Cổ Tích đồ sộ 500 trang mà tôi và các bạn đang cầm trong tay, có trước mặt lúc này. Trước hết, tôi xin chúc mừng sự trở lại với Thơ cũa Nguyễn Nguyên Bảy, như một đánh thức tất cả anh chị em thơ thời ấy, sống lại những ngày hào hùng bốn chục năm trước đây, vừa cầm súng đánh giặc vừa cầm bút làm thơ. Tôi như thấy thời gian chảy ngược về và...thưa các bạn, ai cũng có một thời đáng nhớ nhất của đời mình, cái thời bom lửa những năm 70 ấy là thời đáng nhớ nhất của thế hệ chúng tôi. Hình như tất cả những người làm thơ đểu có những số phận gian khó khác thường, Lưu Quang Vũ có một tuổi thơ thanh gian khổ, tôi cũng vậy và ngay cả bác Tô Hoài cũng vậy, thời chiến tranh làm sao sướng, nhưng chúng tôi đã theo con đường gian khổ ấy đi vào thơ và Nguyễn Nguyên Bảy cũng vậy. Nguyễn Nguyên Bẩy đã vứt tất cả cái "sướng" của lặn lội kiếm ăn, khi làm báo, lúc hồ nề xây cất, khi chợ trời, lúc tử vi phong thủy...để hiến dâng mình cho thơ. Anh đã lặn vào đời và khi nổi lên, quay trở lại thì vẫn là nhà thơ. Anh là một số phận thơ đặc biệt. Anh đã gieo thơ trên cánh đồng khô cằn vất vả, để gặt thơ phì nhiêu, lịm ngọt. Hẳn tất cả chúng ta, riêng với các nhà thơ, có ai cầm tập thơ của Nguyễn Nguyên Bẩy trên tay mà không trân trọng và thoáng một mơ ước cho riêng mình? Xin được chào mừng Nguyễn Nguyên Bảy và kính trọng anh”.
.
Khi còn ở Hà Nôi, tôi thật gần gũi với nhà thơ Trúc Thông, anh là tấm gương cống hiến toàn phần cho thơ mà tôi luôn noi theo. Tiếc là được sống gần anh không nhiều và anh cũng viết không nhiều. Sau này vào Sài Gòn cự ngụ, cho tới hiện nay, trong số bạn văn nghệ xây dựng được, thì họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và nhà văn Nguyễn Khắc Phục là hai tấm gương lao động nghệ thuật tôi luôn soi. Cả hai, số phận đều lên thác xuống ghềnh nhiều phần khốc liệt hơn tôi, nhưng sự lao động bền gan và đức trung thành cống hiến cho nghệ thuật của họ thật đáng khâm phục, gương lao động của họ luôn là nguồn động lực của tôi.
.
Khi còn ở Hà Nội, người yêu cầu được đọc cổ tích của tôi nhiều nhất và gần như đặt trọn niềm tin vào sự đúng, sự hay của những ghi chép của tôi là cậu sinh viên sư phạm văn mà sau này là đạo diển điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn. Niềm tin ấy của Tuấn như những hat mưa xuân thấm tưới cây đức tin tôi. Sau hơn ba chục năm gặp lại, tôi chỉ biết ôm em thay lời cảm ơn.
.
Tôi có người bạn thơ, nhiều tuổi hơn tôi, nên tôi gọi anh trai, anh là Hoàng Xuân Họa, chúng tôi quen nhau trên mạng nhân được đọc bài viết của anh về các thể thức thơ. Đấy là một bài lý luận thơ bình dân bổ ích nhất từ trước đến nay mà tôi được đọc. Tôi viết thư làm quen. Từ đó chúng tôi thành anh em. Anh là nhà thơ, theo tôi, không thể gọi khác, vì anh làm thơ và thơ anh nhân tình ý tứ, lung linh chữ nghĩa. Điều đó chưa thật quan trọng, mà quan trọng là anh thẩm thơ tinh tế, chuẩn mực và luôn mở lòng, rộng lượng và trân trọng thơ người như thơ mình. Tôi học được ở anh rất nhiều từ đức tính cần thiết vị tha tử tế cho thơ và tài hoa từ nhà thơ Anh Trai ấy.
.
Một người khác, nhạc sĩ Trần Tiến, anh cùng Hội T.N.V.T nói ở trên, và  lần  họp nào có Trần Tiến, tôi đều được nghe vo Trần Tiến hát. Thích Tiến quá đi mất, phục quá đi mất, người đâu tài tình thế, thu gom được hầu như tất cả các loại hình dân ca ca dao ba miền vào âm nhạc hiện đại. Tôi nghe nhạc Trần Tiến thường xuyên mỗi khi có cơ hội, rồi hát theo, rồi học lóm, rồi dụng biến, tu chỉnh cổ tích của mình. Giờ đây, khi được nghe những nhận xét của nhà thơ Trần Ninh Hồ về thơ cổ tích của tôi, mà tôi không viết những dòng cảm ơn này với Trần Tiến thì lòng chưa thật.
.
Trần Ninh Hồ:  “Thơ Nguyễn Nguyên Bảy hầu như bài nào cũng đặt lại, đặt ra những vấn đề mới và đặc biệt lạ, với một cảm xúc thơ khác thường, mà tôi chỉ có thể gọi đó là cảm xúc Nguyễn Nguyên Bảy, cảm xúc vượt qua mọi kiểu cách bố cục, chữ nghĩa tuôn chảy ra từ suối lòng, nếu không muốn nói từ một vùng miền cổ tích thẳm xanh nào đó. Các sử liệu, các giai thoại, các câu chuyện cổ, thậm chí đến những lời ca dao quen thuộc, những câu dân ca mà mỗi chúng ta hầu như đều thuộc nằm lòng, trong thơ Nguyễn Nguyên Bảy cũng lung linh một sắc mầu mới, âm thanh mới, quan niệm mới và một cách vẽ mới, hát mới. Tôi không thể trích dẫn một câu hay đôi câu, mà nếu muốn trích dẫn phải đọc trọn bài thơ, vì cảm xúc và cấu trúc thơ Nguyễn Nguyên Bảy là mạch chảy liền lạc, oai thiêng, chữ nọ cuốn chữ kia, câu nọ cuốn câu kia, thủ thỉ, sáng lóa, rũ quyến say mê tâm hồn người đọc. Bài thơ nào của Nguyễn Nguyên Bảy cũng như một bữa tiệc, tiệc đúng nghĩa, đây là bữa tiệc ca dao: Dì Út về nhà chồng/ Ca dao gà ngoại ngả lá chanh/ Ca dao cau bổ cỗ/ Lá chanh ngoại hát canh cần/ Ngoại tiện cau rồng/ Ngoại têm trầu phượng/ Tĩnh lòng ngoại vấn nhiễu khăn...Mạch thơ của Nguyễn Nguyên Bảy ghê gớm quá, ghê gớm đến mức tôi hoàn toàn tin là Nguyễn Nguyên Bảy có thễ ăn thơ, ngủ thơ, sống thơ để viết cả ngàn bài. Quyển thơ đầu tiên tôi đang cầm trên tay đây, với năm trăm trang, mấy trăm bài thơ dài ngắn, đủ chứng minh lời tôi nói. Thật là, một tấm gương lao động gan lì, một tình yêu thơ khác thường và một thành quả thơ đáng ngưỡng mộ”..
Tôi viết Kinh Thành Cổ Tích đầu những năm 1970. Ba chục năm sau mới in thành sách. Chẵng dám viện dẫn lý do riêng chung cát hung gì cho sự chậm trể ấy. Số phận của thơ tôi vậy thì là vậy, “chửa trâu” thì đẻ trâu, sớm hay muộn được chào đời là thỏa mãn. Vấn đề không phải là cái danh cho bản thân, trong văn thi đàn Việt từ xưa tới nay chẳng vô thiên khối văn thơ khuyết danh đó sao. Vấn đề quan trọng là những câu chữ ấy thế nào, có đáng bỏ tiền tự in và có đáng được cha mẹ, vợ con, bạn bè đón đọc, mà không phải cố phải đọc để lấy lòng trước khi quăng vào thùng phế thải.
.
Cảm ơn nhà thơ Y Phương tôi chỉ mới nghe tên, chưa biết mặt, chẳng biết có  số điện thoại của tôi từ ai, mà gửi cho tôi dòng tình:thân ái này “ Tôi là Y Phương. Đọc thơ anh Bảy tôi sướng quá. Vì đã quá lâu mới được đọc một giọng thơ rất mới. Rất xúc động”..
.
Và NSND Đào Trọng Khánh, tôi vừa tặng sách anh hôm trước thì hôm sau, anh diện thoại cho tôi, từ Hải Phòng, những lời bạn thiết, ghi âm : “ Nguyễn Nguyên Bảy hả ? Khánh đây. Giữ nguyên máy, không được nói, nghe đây. Tôi đang đọc Sông Cái Mỉm Cười, tôi phải gọi điện cho Bảy vì không thể không gọi, không chia lời với Bảy thì tôi không chịu nối áp lực của xúc cảm, nó đang sôi lên trong tôi, sôi như Sông hồn bắt đầu sôi/Khí hồn bắt đầu thăng. Sông cái mỉm cười không phải là một bài thơ, cũng không phải là một trường ca, mà nó đích thực là một tráng ca. Một tráng ca tôi chưa được đọc bao giờ. Kỳ lạ chưa sông Cái Mỉm cười/Trôi đi những thuyền cỏ mật. Ông đã viết một tráng ca bất hủ. Ông đừng bảo là tôi quá lời, tôi năm nay đã ngoài 70, đã không còn có thể làm gì để thăng hay để giáng, lời tôi không để tâng bốc hay dèm pha, không để mua vui, chùi rượu. Đào Trọng Khánh này nói với ông lời bằng hữu rằng ông đã viết được một tráng ca bất hủ. Này, sao lại khóc ? Tôi biết ông nhớ thương bố ông lắm. Sông Cái Mỉm Cười bảo với tôi như thế. Tôi cũng như ông, cũng nhớ bố tôi. Ông hình dung đi, Bẩy "rum", tôi đang thắp nhang đấy, không chỉ là thắp nhang cho bố ông, mà cho cả bố tôi cho cả bao nhiêu những ông cha bà mẹ đã hóa thân vào Sông Cái và đang hiện về lộng lẩy trong thơ ông. Thử hỏi có áng thơ nào mà đọc nó ta thấy hiện lên hào hùng sông núi, hiện lên những kiếp phận người hoành tráng, hùng vĩ, không than khóc, mà lại êm ả như cỏ mật, như gió, như sóng lan vang. Tất cả những kỳ lạ ấy tôi đã tìm thấy trong thơ ông. Thơ ông tràn ngập linh khí, tràn ngập hồn vong, thơ ông như có người cõi trên nhập vào, rồi bảo ông tuôn chảy, tuôn chảy không ngừng nghỉ, ai đọc cũng được ai nghe cũng được. Tôi tự hỏi đó có phải là trận mưa đá khổng lồ từ trời đổ xuống? Mà không, nếu ví với mưa đá thì e là có họa hại, tôi bèn bảo cơn mưa đá ấy khi đổ xuống thân thể ta nó tan thành trận mưa rào, tắm mát tắm sạch đời ta dù chỉ trong khoảng khắc. Dù đã thăng hoa trận mưa đá hay mưa rào ấy không mây, đúng là không mây, nhưng vẫn thấy là chưa phải, mà thơ ông phải là trận mưa chiều, tạnh ngay, làm quang đãng sáng lóa mọi tầng tầng mái nhà không phân biệt hèn sang,giầu nghèo, để không ai phải ganh tỵ là trời quang mấy tạnh dành cho riêng ai, mà là cho tất cả, ai muốn nhận cũng được. Thơ ông, Bẩy "rum" của tôi ạ, lạ lắm, người trần khó viết được lắm, nói như vậy có nghĩa là thơ ông có tôn giáo, có linh thiêng hôn phối với đôn hậu, tử tế, nghĩa khí mà thành thơ. Thôi. Tôi nói mà nghe ông khóc, chán lắm. Tôi phải gọi điện cho Lâm Đại Chúc, cho Thi Hoàng, cho Viên già, cho Nguyễn thị Hiền để chia sẻ hoan hoan này với chúng đây. / Soi gương vui cả mặt gương/ Tình yêu nhón một cánh chuồn chuồn bay...Mày đã đánh cắp của thần nào câu thơ này hả Bảy,có phải ở Ngã Bảy Hiền Vương?”
.
Thưa các bạn văn chương: Phạm Công Trứ, Mai Quỳnh Nam, Văn Chinh, Thi Hoàng, Viên “già”, Lê Đại Chúc , Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Đổ Chu, Bùi Bình Thi, Nguyễn Khôi…Những lời chia sẻ chúc mừng của các anh, các chị,  các bạn, tôi đã nhận đủ, quí hóa ghi tạc trong lòng. Từ những lời khen chê này, cho phép tôi được thưa gửi ba thu hoạch cảm ơn dưới đây.
.
Thu hoạch một. Năm 1972 tôi đã viết 15 chữ: “ Thơ là thơ. Thơ không phải địa vị xã hội của người làm thơ”. Vì 15 chữ ấy tôi đã bị kỷ luật. Tôi cam chịu kỷ luật, chịu bao điều tiếng thị phi và bao hệ lụy của đói khổ, nhưng quyết không từ bỏ 15 chữ mà tôi cho là chân lý của mình. Tôi im lặng bền gan đi theo chân lý ấy, ngày ngày chép ghi cổ tích và tin là nhất định có ngày cổ tích của tôi được chào bạn đọc. Cái thời 1970 bom đạn là vậy, phải vậy, và tôi thực lòng chẳng những không cắng đắng trách oán mà còn tri ân cái thời của mình đã ban cho tôi chí khí dũng cảm của người lính và trái tim của trẻ thơ để ghi chép cổ tích đời. Nhắc lại ký ức 40 năm trước, chỉ muốn nói rằng, thời thơ hôm nay đã khác, đã đổi thay, không thể đem  nguyên mẫu cai trị thơ thời chúng tôi mà áp đặt cho thời nay. Thơ là tiếng lòng, khòng càn khôn nào cai trị được. Và thế, sứ mạng của những người cầm bút chép cổ tích thời nay là phải tự thay đổi cách nghĩ, cách viết, sao cho tương thích với thời của mình, và chỉ có vậy, mới chép được những cổ tích tầm vóc xứng đáng với thời mình đang sống.
.
Thu hoạch hai. Trong bẩy thú chơi nghệ thuật được thế giới xếp loại, thơ ca đứng hàng đầu, có nghĩa là thú chơi này ra đời sớm nhất, tồn tại cho đến thời nay và tôi tin rằng nó sẽ còn tồn tại mãi với loài người, dù rằng lúc thịnh lúc suy, nơi cường nơi nhược, khi được tôn vinh, khi bị ghét ganh hắt hủi. Niềm tin của tôi có cơ sở và rất vững chắc, là bởi thơ là thanh lòng ngữ dạ, con người làm sao sống vắng thiếu lời yêu nhau? Cũng vì đức tin ấy, tôi không cho rằng văn hóa đọc ngày nay đang kéo thơ xuống cấp. Xửa xưa xưa chưa có giấy cổ nhân chép thơ ở đâu? Chưa phát minh ra máy in làm sao nhân bản tập thơ thành năm trăm bản như bây giờ? Ca dao, dân ca, cổ tích, thần thoại còn lưu truyền đến ngày nay chỉ được sao in bằng miệng? Và thiếu gì những sách Thơ và Từ của vua chúa in hàng triệu bản, phát không như tờ rơi quảng cáo, thử hỏi có được bao nhiêu người thực đọc? Thế nên, nếu cho rằng văn hóa đọc xuống cấp, người đọc ngoảnh mặt với thơ, thì thật oan cho thơ quá, ít nhất là với Hà Nội quê mình. Theo điều tra của người viết bài, ở thời điểm này, chưa một địa danh nào trên cả nước và không quá lời trên cả toàn thế giới, lại có nhiều câu lạc bộ thơ, nhiều người làm thơ, thích thú với nghê thuật chơi thơ bằng Hà Nội. “Xếp loại cả những ca dao hò vè ấy vào thơì ư?”. Không đáp mà hỏi lại: “Thế thì thế nào mới được gọi là thơ?” Không nhất thiết giao cho thơ quá nhiều sứ mạng, quá nhiều mục đích, mà nên hiểu rằng từ khởi thủy, thơ chỉ đơn thuần là tiếng lòng chia sẻ hỉ nộ ái ố đời, gần thì với con cháu, với bạn bè, xa hơn là với cộng đồng, xa hơn nữa với đồng bào, với nhân loại. Chỉ đơn giản vậy. Thơ là thơ. Người làm thơ, yêu thơ, thích thơ, chơi thơ biết điều đó và tự biết sàng lọc. Cầu mong hãy chào đón, cứ để trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng, cứ để muôn tiếng lòng rung lên, không vội gì chê bai, bài xích, mở lòng nghe nhau, cái gì còn đọng lại trong lòng, trong đời thì đó chính là thơ, đó chính là cổ tích.   
 
Thu hoạch ba. Bảo rằng; Các nhà văn nhà thơ chuyên nghiệp chẳng bao giờ hể hả khích lệ nhau, khen nhau, kiệm lời khen đến mức cười mặt chê lòng. Bảo rằng này không chính xác, ít ra là trong trường hợp tôi, một nghiệp dư thơ mà cũng được bầu bạn chuyện nghiệp tiếp đón và dành cho nhiều lời khích lệ, ngợi khen cao hơn giá trị thực của nó. Tôi cầu mong, trường hợp tôi không ngoại lệ. và nhân ngoại lệ này, xin bạn văn chương hỷ xả cho cái lố, cái tham của niềm sướng muộn của lão ngoan đồng tôi.
.
Cũng vì tấm lòng thơ cởi mở cùng nhau, nên tôi sung sướng vô ngần được gặp gỡ bao nhiêu bằng hữu anh em, mà tôi gọi họ là những người ghi chép cổ tích thời nay. Hơn một lần chúng tôi ới nhau trên mạng, trên alô, tạm mượn hồ Thiền Quang làm trụ sở, khai hội những người thân yêu nhau từ lâu nhưng đây mới lần đầu gặp mặt, phải xưng tên trước khi nắm tay nhau, ôm nhau, vậy mà quá nhiếu ánh mắt long lanh cười ướt. Từ anh trai Hoàng Xuân Họa, đến anh trai Nguyễn Khôi, đến cặp đôi Trần Vân Hạc, Dương Hiền Nga, đến Mai Thục, Bích Ngọc, đến Thủy Hướng Dương, Chử Thu Hằng…đến nụ cười và tiếng hát, đến hoa và cỏ mùa xuân và camera, trong đó camera của Nguyễn Anh Tuấn to đùng như cao sạ pháo. Chúng tôi không hồi ký với nhau về cuộc đời của ngày hôm qua, vì những đuôi mắt chân chim, mái tóc bạc và những nụ cười chưa tươi đã tắt đã tố cáo tất cả, nói thay tất cả. Chúng tôi cũng không khoe nhau đang văn chương gì vế ngày hôm nay, hình như đó là bí mật nghề nghiệp, nhưng tôi tin ở tình yêu và lao động của các bạn tôi, nhất định các ghi chép cổ tích của thời họ sẽ làm xán lạn hơn, nguy nga hơn, thần tiên hơn Kinh Thành Cổ Tích của chúng ta.
.
Tôi đã có đêm cuối cùng trước khi bay trở về Sài Gòn, anh trai Hoàng Xuân Họa và nhà thơ Trần Nhương đã cho tôi một cơ may gặp gỡ những người cầm bút đương thời, trẻ trung, sung sức đang viết chép cổ tích của thời nay. Họ đông lắm, tâm thành lắm, đang làm một việc đẹp đẽ ân tình, tưởng niệm một nhà thơ trẻ tài  hoa bạc mệnh lúc tuổi mới ngoài hai mươi, tên là Lãng Thanh. Trước khi tới đây tôi hoàn toàn chưa biết gì về Lãng Thanh, nhưng đến đây, tuy không nhiều thước tấc thời gian, nhưng tôi đã như biết tất cả, anh sinh năm 1977, về với hoa năm 2002, bên một dòng sông, trên sông có con đò, trên con đò ấy có hoa sen, trong hương sen thơm ngát ấy có thơ anh viết, có tranh anh vẽ, có ca từ anh hát, có thơ anh dịch, có tản văn anh viết  và có cả giải thưởng thơ trao muộn cho  anh ( Giải thưởng Văn Học năm 2004). Chừng ấy, chứng tỏ sức lao động anh, lực cống hiến anh và dự báo tài hoa anh hứa hẹn biết bao. Bạn bè anh, những người sống thương tiếc anh, quí trọng tài hoa anh, đã tái hiện lại anh đầy đủ, trong đêm tưởng niệm. Công sức sưu tầm, những quyên góp tiền bạc để in ấn, những bài viết chân tình, và thơ viết về anh, tặng anh, tất cả đều mang đậm dầu ấn tình thơ người Hà Nội. Tôi thắp nén nhang tình và đọc tặng Lãng Thanh bài thơ Chân Hương thay lời cầu siêu.
Cháy rối cháy hết phần thơm
Chân Hương đứng lặng nỗi buồn vô vi
Rồi mầu phẩm nhuộm phai đi
Dẫu chẳng còn gì vẫn đứng chân hương.
Tiếng thơ tôi vừa dứt, camera của Trần Nhương cũng off. Tôi nắm tay Nhương, nói vắn đôi câu chia tay, nhưng tôi biết bạn tôi hiểu nhiều hơn những lời tôi nói: “ Cậu có thể ngơi văn thơ một chút, trổ tài họa sĩ, mà chép vào toan, lụa, chân dung muôn mầu người Hà Nội hôm nay trên khắp Kinh Thành Cổ Tích của chúng ta. Phần hai đứa mình, tuy cùng tuổi  “cổ lai hy “, nhưng cậu còn phong độ lắm, lao động nghệ thuật còn khỏe lắm, cống hiến còn cao cả lắm, tâm hồn còn trẻ trung lắm. Xin cho mình mượn chân dung cậu làm tấm gương noi”.
Không chờ nghe lời đáp của Trần Nhương, tôi băng nhanh sang đường, đi dọc tường ngoài Văn Miếu, hàng cây trước mặt bỗng rùng mình, lá đổ phiêu phiêu.
 
 
Nguyễn Nguyên Bảy