Mấy năm gần đây, dường như tuần nào Trang tin Điện tử trên Internet của Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực (ISSTH) cũng nhận được một bài thơ của tiến sĩ, nhà thơ Hồ Bá Thâm từ thành phố Hồ Chí Minh gửi ra. Anh đúng là người làm thơ tốc độ. Có khi chỉ trong vài giờ, Anh đã viết xong một bài thơ dài. Đó là nhờ cái vốn, cái tài, cái thông minh, cái nhanh nhạy của Hồ Bá Thâm.
Gần đây, Anh làm nhiều thơ tặng. Tặng cho người, tặng cho đời. Thơ tặng cũng là mốt mới của Hồ Bá Thâm. Đúng như Anh đã viết làm thơ đâu chỉ để ngợi ca, mà qua thơ tặng, Anh muốn gửi nỗi niềm mình, nỗi niềm nhân dân vào trong đó. Muốn cùng suy ngẫm với người, đời hay mời người mời đời suy ngẫm cùng mình những vấn đề mà cuộc sống đặt ra cần phải giải quyết để thúc đẩy xã hội tiến lên. Đây không phải là thơ nịnh đời, mà chính là thơ phản tỉnh, khuyến cáo chính Ta nên làm gì và làm như thế nào để xứng đáng là người cộng sản, người lãnh đạo, người đày tớ của nhân dân. Thực ra, ca ngợi một con người, cuộc đời thì quá dễ, nhưng khuyến cáo cùng người, cùng đời thì thật là khó. Đã chắc gì mấy ai chấp nhận những lời khuyến cáo chân thành của nhà thơ. Thực ra nhà thơ tự thức tỉnh mình trước hết và qua mình mà gửi gấm tâm sự cùng đời cùng người, cũng là một cách tự khai sáng.
Thơ tặng của Hồ Bá Thâm chủ yếu là Anh đã ca ngợi một số những nhân vật đã đi vào lịch sử, trong đó, Hồ Chí Minh là một người tiêu biểu nhất, nhưng từ đó anh suy ngẫm, trăn trở nhiều về thời cuộc. Điều đó thật sự có ý nghĩa, khi hiện nay, người ta đang nhìn về lịch sử, nhân vật lịch sử với những nhận thức khác nhau, thậm chí lệch lạc, méo mó. Sự méo mó, lệch lạc trong nhận thức về lịch sử, nhân vật lịch sử thật sự tai hại. Nhà thông thái Abutalíp nói: Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác1. Ai qua đường nếu chẳng đỗ nhà tôi, thì mưa đá sấm rền sẽ đổ vào anh, sấm rền mưa đá! Nhưng nếu khách không vui vì lều tôi không rộng mở, thì mưa đá sấm rền sẽ đổ vào tôi, mưa đá sấm rền2.
Ở đây rõ ràng là có vấn đề nhân quả, thể hiện trong những hình thức của sự phụ thuộc lẫn nhau, phổ biến những hiện tượng hoạt động của con người. Nhận thức của khoa học và văn học chỉ có thể có được nếu nó làm sáng tỏ những mối liên hệ nhân quả của những hoạt động của con người. Nhân và quả đều ở trong những mối liên hệ tác động lẫn nhau với môi trường lịch sử nhất định. Nhân sinh ra quả và quả tác động lại nhân đã sinh ra nó bởi sự tương ứng tốt, xấu. Nhiều khi nhân biến thành quả, quả biến thành nhân. Cái là quả trong một sự liên hệ phổ biến này, có thể trở thành nhân trong một sự liên hệ phổ biến khác. Sự tồn tại khách quan của tính nhân quả, tính quy luật là nguồn gốc của sự nhận thức những mối liên hệ nhân quả.
Thơ của Hồ Bá Thâm đã phần nào đáp ứng được yêu cầu đó. Anh nhận thức và thể hiện trong thơ là khi một ai đó hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, suốt đời vì công việc chung, không cơ hội, vụ lợi cá nhân, thì sẽ nhận được lòng yêu mến của mọi người, và ngược lại, nếu là kẻ tài vơi, đức mỏng, cơ hội, vụ lợi, mặc dù có chức trọng, quyền cao, thì có thể vẻ vang nhất thời, nhưng nhanh chóng sẽ bị người đời quét đi và ghét bỏ. Người tài vơi, đức mỏng, nhân cách tầm thường thường làm kinh ngạc người đời bằng tiếng gào, tiếng thét, sự rao giảng về đạo đức. Còn người có tài, có đức, có nhân cách thực sự làm kinh ngạc người đời bằng cuộc sống nội tâm, rất ít tiếng gào, tiếng thét, tiếng ra giảng đạo đức nơi công đường, giảng đường. Chân lý chính là sự thật, là lẽ công bằng ở đời. Những người Avar kể chuyện, rằng, từ đời này sang đời khác, sự thật và giả dối luôn đi cạnh nhau. Đời này sang đời khác, chúng tranh cãi nhau xem ai cần hơn, có ích hơn, mạnh hơn. Giả Dối nói - Ta. Sự thật cũng nói - Ta. Cuộc tranh cãi vẫn chưa chấm dứt1.
Thơ Nỗi niềm Hồ Bá Thâm là một bầu tâm huyết, tâm sự thể hiện sự nhìn nhận, cảm nhận bằng cả trái tim và trí cảm đúng về con người, cuộc đời cả trong lịch sử và hiện tại. Đó là những nhà lãnh đạo đất nước, những nhân vật tiêu biểu đã có những cống hiến đặc sắc cho công cuộc chấn hưng đất nước. Thơ ca cảm nhận đúng con người, tự thức tỉnh chính Ta là thơ ca lành mạnh. Hẳn rằng, anh Hồ Bá Thâm đã biết rõ điều đó và Anh đã làm thơ...
Hà Nội, ngày 8 - 7 - 2011
PGS,TS Đức Vượng
Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực (ISSTH)