Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THỬ NGHĨ LẠI VỀ VĂN CHƯƠNG, THÂN PHẬN CỦA NHÀ VĂN CHƯƠNG...

Trần Xuân An
Thứ hai ngày 12 tháng 12 năm 2011 8:55 PM
 
Đây chỉ là bài viết thử nghĩ lại một vấn đề cơ bản và sơ đẳng về văn chương, có đôi chút chú trọng đến quyền trải nghiệm cuộc sống, đặc biệt là thân phận các nhà văn chương...
Cao Bá Quát đã đã bày tỏ ý kiến của mình về kiến văn sách vở, khi viết bài tựa nhưng đặt ở cuối thi tập của Miên Thẩm: “Ví như học viết, nếu cứ theo lề lối không biết biến hoá, thì tuy có hệt được cái mặt ngoài của lối chữ Lan Đình cũng chẳng ai thèm kể vào đâu. Tô Đông Pha bàn về cách viết, có nói ‘Không học là hơn’. Ai hiểu được ý ấy, thì có thể cùng nói chuyện về việc làm thơ được” (1). Quả vậy, viết thư pháp cũng như sáng tác, không thể bắt chước một cách máy móc mà phải sáng tạo mới. Muốn sáng tạo mới, phải có nội lực. Những gì làm nên nội lực ấy?
Về vốn sống, Lục Du, một nhà thơ cổ Trung Hoa cũng đã viết: “Muốn làm thơ hay, phải học ở ngoài thơ”. Đầu thế kỉ XIX, dưới triều vua Minh Mạng, Mộng Liên Đường chủ nhân khi đề tựa cho Truyện Kiều, cũng cho rằng chính sự từng trải trong cuộc sống và chiêm nghiệm cuộc sống của Nguyễn Du đã tạo nên bề rộng, chiều sâu cho câu chữ: “Nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ đến ngàn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy” (2)... Chính Nguyễn Du cũng viết đầu Truyện Kiều: “Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Ở bài “Hoàng Mai kiều vãn diếu” trong “Thanh Hiên thi tập”, ông viết: “Đại địa văn chương tuỳ xứ kiến” (Trên mặt đất rộng, nơi nào cũng thấy văn chương) (3).
Cuộc sống xã hội bao giờ cũng đa dạng, phong phú: chiến trường xương máu và công lao, công trường ràn rụa mồ hôi và thành quả, cánh đồng ngập bùn và kì thu hoạch, thành phố phồn hoa, bụi bặm và năng động... Thiên nhiên chưa đựng vô vàn vẻ đẹp, sự bí ẩn. Cuộc sống nội tâm của mỗi con người, của bản thân mỗi nhà văn chương là cả một thế giới sâu thẳm, vi tế, khôn cùng, vô tận. Karl Marx, nhà khoa học, vốn rất thích một câu châm ngôn: “Những gì thuộc về con người đều không xa lạ với tôi”. Nhà văn chương lại còn cần hơn thế. Chính sự tiếp xúc, cọ xát với thực tế sẽ giúp nâng cao, đào sâu, kiểm nghiệm tri thức và nẩy sinh cảm xúc, ghi nhận ấn tượng... Qua đó, nhà văn chương càng thấu hiểu con người của chính mình hơn. Cảm xúc, trí nhớ thị giác (quan sát), chiêm nghiệm, để thấu hiểu đất trời, thấu hiểu lòng người, thấu hiểu đời và thấu hiểu chính mình, đối với nhà văn chương là cực kì quan trọng. Chỉ nói riêng về vị giác, Picasso không chỉ nhìn quả chuối để vẽ tranh tĩnh vật về quả chuối, mà ông còn bóc vỏ, nhấm nháp vị chuối. Trong văn chương cũng cần phải trải nghiệm như thế. Vì vậy, ý thức dấn thân vào cuộc sống thật, trải nghiệm bằng tất cả con người mình, nâng cao cảm quan nhạy bén, nhằm tích luỹ vốn sống, là điều không thể thiếu. Nhà văn chương được số phận nuông chìu, lại rất cần phải dấn thân. Nhà văn chương do số phận đẩy đưa, bị ném vào tận đáy cuộc sống, họ cũng không thể thiếu ý thức tích luỹ vốn sống. Trải nghiệm cuộc sống thực tế là yêu cầu hàng đầu và là quyền của nhà văn chương.
Về quyền trải nghiệm cuộc sống ấy, tôi có viết một bài thơ, khi nhớ một bạn văn. Trong đó có những câu:
quyền trải nghiệm của nhà văn được quy định
                                                       bởi cái tâm
mọi người tin, bạn không thể thử tự sát lương tri
                                                    và nhân cách
thuốc độc, bạn không thể thử uống chơi, và lồng
       ngực, bạn không thể thử tắt câm tiếng mạch...
Quyền trải nghiệm ấy rất rộng, và dĩ nhiên, cũng có giới hạn. Cái tâm của nhà văn chương không thể không sáng.
Như vậy, vốn tri thức uyên bác, vốn trải nghiệm cuộc sống sâu sắc, phong phú, cái tâm lương thiện với lẽ sống chân chính là ba yếu tố căn bản, nhưng không có tài năng vẫn không thể sáng tác văn chương. Ngược lại, có năng khiếu nhưng thiếu ba yêu tố kia, năng khiếu cũng không thể thành tài năng, cũng không thể sáng tác lâu dài suốt cả cuộc đời, không thể làm nên tầm vóc của một nhà văn chương đích thực. Thiếu tri thức sẽ thiếu tầm trí tuệ. Thiếu vốn sống tác phẩm sẽ khô khan, sáo rỗng. Thiếu cái tâm trong sáng và lẽ sống chân chính, tác phẩm chỉ suy đồi, truỵ lạc. Thiếu tài năng về nghệ thuật ngôn từ, không thể có tác phẩm văn chương làm rung động người đọc về mặt thẩm mĩ.
Có vốn sống đã được tri thức soi sáng mới có thể đạt được tính chân thực, thể hiện sự hiểu đời, hiểu người, hiểu mình và hiểu đất trời. Có cái tâm trong sáng với lẽ sống cao đẹp mới có thể đạt được tính thiện. Có tài năng mới có thể đạt được tính thẩm mĩ văn chương. Điều cần nhấn mạnh, đó là phong cách nghệ thuật – tư tưởng. Một nhà văn chương có tầm vóc phải đồng thời là một nhà tư tưởng. Tuy nhiên, đây không phải là nhà triết học mà là nhà văn chương có tư tưởng, triết lí độc sáng với một phong cách văn chương độc đáo.
Nhà văn chương còn thể hiện trong tác phẩm của mình những góc nhìn, tâm tư riêng biệt từ chính thân phận, thành phần xã hội của bản thân mình. Có thể trăm sông đều đổ ra một biển lớn, nhưng mỗi dòng sông đều có nét riêng. Chỉ nói riêng về văn chương chính thống dưới triều Nguyễn, ai cũng biết Nguyễn Du đối nghịch với Miên Thẩm về nguồn gốc xuất thân (4). Chế Lan Viên, Xuân Diệu đến với Cách mạng khác với Tố Hữu, và ngay Chế Lan Viên cũng khác nguồn với Xuân Diệu. Hải Bằng lại càng khác nguồn với Phùng Quán... Sau Ngày Thống nhất đất nước, nhiều nhà văn chương hiện thời cũng xuất thân từ nhiều lí lịch khác nhau. Cái nhìn về lí lịch gia đình, gia tộc thường là do xã hội, cơ chế cầm quyền tác động tích cực hay tiêu cực vào nhà văn chương. Chắc hẳn lí lịch gia đình, gia thế sẽ không là vấn đề gì cả nếu một nhà văn chương không hề biết đến lí lịch ở dạng ấy của mình. Nhưng không phải chỉ xem xét vấn đề trên cơ sở lí lịch và cách nhìn về lí lịch như thế, mà còn phải lưu tâm đến thể chất, tâm chất, khí chất và sức khoẻ cá nhân...
Tất cả những yếu tố trên đều góp phần hình thành nên số phận các nhà văn chương và in dấu trong tác phẩm của họ.
Dẫu thế nào đi nữa, khi tác phẩm được nhà văn chương đăng lên báo, xuất bản, thì tác phẩm ấy đã đi vào đời và phục vụ xã hội, kể cả khi họ viết hồi kí, viết tự truyện hay làm thơ về cái tôi cá nhân với những tình cảm riêng tư...
Trong một dịp gần đây, tôi gặp phải một yêu cầu khá bất chợt về quan niệm văn chương. Đang lúc nghĩ về cái tâm và quyền trải nghiệm thực tế cuộc sống của người cầm bút, theo quan niệm từ thuở học trò, tôi trả lời:
“Nói riêng về lĩnh vực sáng tác: Nhà văn chương chuyên về lĩnh vực sáng tác, từ khi sáng tác trở thành một loại hình lao động chuyên nghiệp và trọn đời cho đến nay, không phải là người giam mình trong sách vở, kinh điển. Nói như vậy, với hàm ý rằng: Ngoài tri thức kim cổ được truyền thụ và tự học, chúng ta cần phải trải nghiệm, tích lũy vốn sống sinh động, cụ thể, trực tiếp, để thấu hiểu mình và thấu hiểu người, thấu hiểu đời, thấu hiểu đất trời. Nhưng quyền trải nghiệm của nhà văn chương được quy định bởi cái tâm. Vốn sống và cái tâm lương thiện với lẽ sống chân chính, cùng với tài năng, góp phần làm nên cái tầm vóc văn chương của mỗi nhà cầm bút. Văn chương từ ngàn xưa cho đến muôn đời sau vẫn không thể thiếu một trong ba thành tố cổ điển (chuẩn mực), đó là chân, thiện, mĩ. Và dĩ nhiên, phong cách, cá tính nghệ thuật – tư tưởng cùng với sự riêng biệt về thân phận, thành phần xã hội làm nên nét đặc sắc. Tôi muốn nói gọn hơn: Văn chương phải THẬT, phải TỐT, phải ĐẸP và phải ĐẶC SẮC.
Văn chương khi đã cho lưu hành giữa đời là VÌ ĐỜI, trong đó có bản thân mình; thậm chí viết về cái tôi thì cái tôi ấy cũng là hình tượng trữ tình, và đăng báo, xuất bản tác phẩm chứa đựng hình tượng trữ tình của cái tôi cũng vì đời”.
Ngoài sáng tác thơ, tiểu thuyết, tôi còn viết bình luận, phê bình văn chương và nghiên cứu sử học, nhưng đây chỉ giới hạn trong lĩnh vực sáng tác văn chương. Và xin thưa thêm một lần nữa, đây cũng chỉ là bài viết thử nghĩ lại một vấn đề cơ bản và sơ đẳng...
TXA.
cuối tháng 11 – 11-12 HB11 (2011)
________________________
(1) Nhiều dịch giả, “Thơ Cao Bá Quát”, Nxb. Văn Học, bản in lần thứ hai, 1976, tr. 354.
(2) Mộng Liên Đường chủ nhân (có người cho rằng tên thật là Nguyễn Đăng Tuyển, tác giả “Đào hoa mộng kí”), Bài tựa Truyện Kiều (1820), bản dịch Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim, Vĩnh Hưng Long thư quán xuất bản, 1925.
(3) Mai Quốc Liên và nhiều dịch giả, “Nguyễn Du toàn tập”, tập 1, Nxb. Văn Học, & TT. Nghiên cứu quốc học, 1996, tr. 70-71.
(4) Xem lí lịch – hành trạng Nguyễn Du: Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam chính biên liệt truyện”, bản dịch VSH., tập 3, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 335-336; Nguyễn Thạch Giang (khảo đính, chú thích) & Hà Huy Giáp (giới thiệu), “Truyện Kiều”, Nxb. ĐH. & THCN., 1976, tr. 495-509; Mai Quốc Liên và nhiều dịch giả, sđd., tr. 589-592. Thân phụ của ông là Nguyễn Nghiễm, tể tướng thời Lê – Trịnh, từng chỉ huy đánh chúa Nguyễn, kéo quân vào tận Quảng Nam. Anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản cũng làm tham tụng (thủ tướng) thời Lê – Trịnh. Anh cùng cha cùng mẹ là Nguyễn Nễ, làm quan cho cả Lê – Trịnh, Tây Sơn và nhà Nguyễn... Tuy nhiên, ông vẫn được Gia Long trọng dụng; đặc biệt, Minh Mệnh và Tự Đức đều ban chiếu cho tái bản lại Truyện Kiều...