Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẦM ĐÁ – TƯƠNG HỢP THƠ – HỌA.

Trần Trung
Chủ nhật ngày 11 tháng 12 năm 2011 9:08 PM

Họa sĩ Phan Vũ Khánh vừa cho ra mắt độc giả và thị giả tập sách mang tên “Mầm đá”(Nhà xuất bản lao động – Quí IV – 2011). Nội dung và cả hình thức trình bày của tập trong sự tương hợp, hài hòa và đồng hiện thơ – họa, thực ra không mới. Nhưng theo tôi cũng tạo được ấn tượng và ý vị riêng.
Ta có thể ghi nhận chất nghệ, chất chơi – nghệ - thuật của Khánh ở tập sách này.Chưa vội thẩm bình – khen, người viết bài này chỉ muốn gieo ra chút băn khoăn. Bởi, ngay từ bìa sách, sau tên tác phẩm – “Mầm đá”, tác giả cho ghi ngay phía dưới: Thơ Hai – kư. Thơ Hai – kư(cũng có khi được phiên âm là Hai – ku) vốn là thể thơ mini xuất hiện ở Nhật mà xuất xứ của nó được vắt từ cổ sang kim, từ truyền thống đến hiện đại. Tất nhiên, thơ Hai – kư mang tính chất truyền thống riêng của Văn Hóa Nhật Bản; mang phẩm chất tâm hồn và trí tuệ riêng của các thi nhân xứ sở Phù Tang. Thế nên, với lối thơ rất kiệm lời mà dư ba này, tác giả Phan Vũ Khánh nên có một chú giải là thơ Hai – Kư – Việt hoặc thơ ba dòng viết theo điệu Hai – kư. Phải chăng, lời chú giải ấy mới rộng đường tiến thoái. Mà, như thế cũng là …phải chăng!
*
*    *
Trang nào trong tập “Mầm đá” cũng có tranh minh họa – minh họa cho một, hai bài thơ và cũng có những trang riêng, chỉ để dành cho minh họa. Điều này, cũng dễ hiểu. Bởi, Phan Vũ Khánh lên tiếng, lên hình…trước hết bởi cảm quan, cảm hứng sáng tạo của một họa sỹ. Những bức họa đứng riêng trang văn xen cài vào thơ của Khánh đem cho tôi ấn tượng: có nghề. Phóng túng và giàu nội tâm – họa sỹ. Phan Vũ Khánh đã tự họa mình tới khoảng mươi bức(chưa nói tới hai bức vẽ về người cha của anh). Tự họa của Phan Vũ Khánh cũng là một thứ thông điệp về chân dung diện mạo và chân dung tinh thần của Khánh: một chàng trung tuổi tóc chấm vai; mắt và râu chất chứa cả ngoại hình và tâm trạng…
Bên cạnh những bức tự vẽ chân dung mình, Phan Vũ Khánh hướng cảm hứng tới những họa đề mà anh tâm đắc: tĩnh vật, phong cảnh và nhất là vẻ đẹp thanh tân, quyến rũ của phụ nữ. Hình ảnh con gái đứng riêng trong vẻ đẹp một mình, đã hay. Lại gây ấn tượng riêng cho tranh đàn bà, con gái của họa sỹ, khi phái đẹp ấy hiện diện và hòa hợp cùng thiên nhiên. Tôi nhận ra chất nghệ, chất say, chất đa tình của họa sỹ Khánh từ những họa phẩm ấy.
Về phần thơ, với một trăm bài thơ ngắn, ba dòng, tôi cảm nhận được trên tổng thể một – hồn – thơ riêng của Phan Vũ Khánh. Thấy yêu thương và quí mến tấm lòng nhân ái, nhiều suy tư và trăn trở của tác giả. Với ba dòng thơ, ít thì khoảng sáu(6) âm tiết; mà dài thì không quá mười hai(12) âm tiết, Phan Vũ Khánh đã biết chiết suất những con chữ - mà khơi gợi xúc cảm và suy tư từ chính hồn thơ anh.
Đấy là niềm cảm thương đầy xa xót trước những thân phận bé nhỏ, mong manh:

“Chú bé đánh giầy
Gối đầu hòm gỗ
mơ ổ bánh mì”
 (Bài số 10)

Lại nữa, trong thăm thẳm đêm sâu, người con thi sỹ như chợt rùng mình mà nhận ra sự đồng điệu – đau buồn:

“Đêm thẳm sâu
Thạch sùng tặc lưỡi
Mẹ thở dài”
 (Bài số 8)
Ngay cả khi hướng lòng mình về với quê hương, về với cảnh quê bình dị mà ám ảnh thương nhớ, Khánh viết được những lời thơ chân thành mà xúc động:

“Ráng chiều
Đàn bò no cỏ
Ngẩn ngơ sáo diều”
(Bài số 16)

Cũng thực sự xúc động, từ những tiếng khóc trong thơ Phan Vũ Khánh:

“Bé chào đời
Và tiếng khóc
Nhờ lệ cả nhà”
(Bài số 28)
Thơ Phan Vũ Khánh trên cái nền đời với bao cảnh buồn – vui, khóc – cười, day dứt cùng suy tư…tôi cũng cảm tình với những bài thơ đắm đuối, tình si khi nhà thơ hướng tới CÁI – ĐẸP, NGƯỜI – ĐẸP. Xin được trích bất chợt:
- “Trăng trong
Khỏa tóc
Ngất hương quỳnh”
             (Bài số 73)
- “Nón lá sen
Sương đọng
Lúng liếng hồ.”
              (Bài số 5)
- “Thiếu nữ trần
Mưa bong bóng
Vỡ nghiêng ao”
               (Bài số 44)
Với tập thơ – họa “Mầm đá” cùng với những bức tranh phô diễn nghệ họa, Phan Vũ Khánh đã tự bật mầm cho trăm đóa – hoa – thơ của anh khoe sắc hương. Rất có thể, mà cũng là lẽ thường tình sẽ còn những bông hoa sắc mà vô hương. Và, ngược lại. Bởi, sự tìm tòi trong sáng tạo nghệ thuật nào chả có giá của nó.
Hà Nội 12/2011.