Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LIÊN HOAN PHIM XVII: NGHĨ VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐIỆN ẢNH NHÀ NƯỚC VÀ ĐIỆN ẢNH TƯ NHÂN

Tô Hoàng
Chủ nhật ngày 11 tháng 12 năm 2011 5:58 AM
 
Liên hoan phim Việt nam lần thứ 17 sẽ diễn ra tại thành phố Tuy Hòa từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 12 tới.
Như thông lệ, với một Liên hoan phim tầm cỡ quốc gia 2 năm diễn ra một lần như thế này, “mặt hàng” để trưng bày và đem thi thố chủ yếu vẫn là phim truyện nhựa. Bởi chỉ phim truyện điện ảnh mới thể hiện được đầy đủ sự nỗ lực về mặt huy động vốn liếng, tính chuyên nghiệp và tài năng của người làm phim, đóng phim…
Trong 17 bộ phim truyện nhựa gửi tới Liên hoan phim lần này, có tới 10 phim làm ra bởi các hãng phim tư nhân. Đây là nét nổi trội của Liên hoan phim năm nay. Nó chứng tỏ xu thế xã hội hóa trong hoạt động điện ảnh đã trở thành điều đương nhiên. Đồng thời nó cũng chứng minh sự lớn mạnh của các hãng phim tư nhân trong những năm vừa qua. Đó là một dấu hiệu rất đáng mừng.
Xét về chất lượng và tính nghề nghiệp, có những bộ phim do các hãng tư nhân sản xuất đã vượt qua giới hạn giải trí thuần túy để vươn tới những giá trị nghệ thuật, đề cập tới những vấn đề nóng của xã hội. Có thể nêu ra đây những bộ phim như : “Cánh đồng bất tận”, “Hotboy nổi loạn –thằng cười, cô gái điếm và con vịt”. Đây cũng là nhân tố mới, càng đáng ghi nhận hơn. Cần nói thêm, phim làm bằng đồng vốn tư nhân cũng đã triển khai trên khá nhiều phương diện đề tài, ví như lịch sử có “ Tây sơn hiệp khách”, đương đại có “ Cánh đồng bất tận”, “ Hotboy nổi loạn…”. 
7 bộ phim truyện nhựa còn lại “ra lò” tại các Hãng phim hoặc hội, đoàn Nhà nước, xét về chất lượng nghệ thuật và tính khái quát hiện thực đời sống, xin thẳng thắn được nhận xét ngay, thấy rõ có sự thụt lùi so với những “ Đừng đốt “, “Rừng đen”, “ Trăng nơi đáy giếng”, “ Chơi vơi”, “ Trái tim bé bỏng”gửi tham gia  Liên hoan phim lần trước. Năm bộ phim ấy là những “đối thủ” khá nặng ký, cùng “đồng cân đồng lạng” và in rõ dấu ấn của những nỗ lực, những tìm tòi về phía mỹ học và nghề nghiệp. Trong 7 phim này có 2 bộ phim nằm trong đợt vận động sáng tác hướng tới 1000 năm Thăng Long; 2 bộ phim về lãnh tụ– dẫu vậy, phim vẫn không gây được ấn tượng mạnh trong lòng người xem; không tương xứng với bản thân đề tài. Điều còn quan trọng hơn, xem phim, có cảm giác tình yêu điện ảnh và lòng đam mê thi thố ngón nghề của các tác giả đã bị phai lợt, mòn mỏi đi do rất nhiều trở ngại, khó khăn của việc làm phim mà cac tác giả phải đối mặt.
Chỉ còn biết trông đợi và hy vọng ở 3 bộ phim chưa công chiếu rộng rãi : “Mùi cỏ cháy”, “ Tâm hồn mẹ”, “ Vũ điệu đam mê”.
Một vấn đề khác cũng không nên quên: Trong 7 bộ phim vừa kể trên, tính xem có mấy bộ phim được làm hoàn toàn bởi đồng tiền tài trợ từ phía Nhà nước? Xòe bàn tay ra đếm, chắc không đủ 5 đầu ngón tay? Nghĩa là đồng tiền mà Nhà nước mở túi ra để nuôi dưỡng nền điện ảnh dân tộc vẫn sẻn xo, chắt bóp có vậy !

Đến đây, câu hỏi về mối quan hệ giữa Điện ảnh Nhà nước và Điện ảnh tư nhân nên được đặt ra.
Trong một số lời phát biểu hoặc trên một số bài viết trước Liên hoan phim lần này, nhiều người hoan hỉ có phần thái quá cho rằng Điện ảnh tư nhân đã áp đảo Điện ảnh Nhà nước. Và bước dồn ép này có thể dẫn đến sự cáo chung của Điện ảnh do Nhà nước nuôi dưỡng.
Như ở phần đầu bài, người viết những dòng này đã thể hiện nỗi mừng vui vì sự lớn mạnh và những chuyển biến tích cực trong phim ảnh do các hãng phim tư nhân làm ra. Nhưng xét trên mặt bằng chung, tình hình sản xuất phim tư nhân ở nước ta vẫn còn èo uột, tùy tiện, manh mún theo kiểu “ mạnh ai nấy đi”, “ mạnh được yếu thua”.Chúng ta chưa thể thể kỳ vọng ở các hãng phim tư nhân- chí ít ra là trong một tương lai gần một vài chục năm- sẽ gánh vác nổi trách nhiệm tạo dựng nên gương mặt, hồn cốt của nền Điện ảnh dân tộc. Bên lĩnh vực kinh tế người ta đang hô hào, đốc thúc nhanh chóng cổ phần hóa các xí nghiệp nhà nước trong quá trình xã hội hóa. Điện ảnh vừa mang trong bản thân tính chất sản xuất, nhưng xét tỷ lệ phần trăm, nó vẫn rất nhiều đồng cân đồng lạng nghiêng về phía nghệ thuật; nó vẫn là một mũi nhọn và một hoạt động mang những tác động xã hội phi lợi nhuận trong lĩnh vực văn hóa. Không thể đánh đồng điện ảnh với các hoạt động vật chất sinh lời khác. Nền Điện ảnh dân tộc cách mạng ra đời và được gột dựng hơn 60 năm vừa qua đã viết nên những trang truyền thống vẻ vang trong việc bảo vệ những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông; đề cao tính dân tộc và nhân bản; lấy sự trong sạch, lành mạnh, bổ ích của sản phẩm phim ảnh làm phương tiện đạt tới sự phổ cập. Nền Điện ảnh ấy đeo đuổi cái đích hiện thực, yêu cầu văn nghệ sỹ hiểu rõ buồn vui, lợi lộc của đồng bào mình; đi sâu đi sát đời sống, phải nghiêm túc lao động nghệ thuật mới mong sáng tạo nên những hình tượng, những tác phẩm có sức sống. Đương nhiên nền Điện ảnh ấy cũng mang nặng căn bệnh ấu trĩ của việc minh họa sống sít chủ trương, chính sách;của thói áp đặt chủ quan và căn bệnh nan giải nhất là nền Điện ảnh ấy đã bỏ qua tính thương mại, yếu tố hàng hóa của phim ảnh. Nhưng khuyết, nhược điểm ấy không thể lấn át hoặc làm mất đi những đặc thù đã trở nên truyền thống của nền điện ảnh đã được xác lập trong hơn nửa thế kỷ qua. Dù có phóng mắt ước lượng một tầm xa mười, hai mươi năm nữa, Điện ảnh tư nhân cũng không thể và cũng không một ai có thể ép uổng các nhà sản xuất phim tư nhân đảm trách việc lèo lái con tầu điện ảnh dân tộc tới những đích đến cần thiết như vậy!     
 Ngẫm kỹ hơn một chút, còn bởi lẽ, chính những truyền thống tốt đẹp mà nền Điện ảnh dân tộc đã đạt được còn là nhịp cầu ngắn nhất giúp điện ảnh nước ta mau mắn đặt chân nhịp bước với các  nền điện ảnh hiện đại của thế giới. Cho đến tận thập niên 2011,2012 này, khách quốc tế muốn làm quen với gương mặt đích thực của Việt nam, chắc chủ nhà vẫn chỉ dám chọn để giới thiệu những “Chim vành khuyên”, “ Chị Tư Hậu”, “ Đời Cát”, “ Ngã ba Đồng Lộc”, “ Thương nhớ đồng quê”, “Trăng nơi đáy giếng”.., chứ chưa thể là những bộ phim do đồng vốn tư nhân làm ra trong vài năm trở lại đây. Nhìn ra thế giới thì điện ảnh “ Làn sóng mới” của Pháp, điện ảnh “ Tân hiện thực” của Ý, điện ảnh của Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu đều bắt đầu bằng việc cắm sâu vào cuộc sống đời thường, phản ánh vui buồn có thực của nhân quần; đều lấy yêu cầu cao về nghề nghiệp, về học vấn điện ảnh, về tài năng làm chuẩn mực, làm thước đo; thậm chí  cho ngay cả việc kéo người xem tới rạp, kiếm được nhiều lời.
Từ nhận thức ấy, chúng ta vẫn kiên trì, dai dẳng yêu cầu Nhà nước phải có chiến lược về điện ảnh nằm trong chiến lược về văn hóa nói chung. Và phải có một khoản ngân sách tương xứng, đáng kể đầu tư dài lâu để vực dậy và nuôi sống nền Điện ảnh dân tộc. Để nền điện ảnh chính thống giữ được những chuẩn mực tư tưởng, thẩm mỹ; neo vực điện ảnh tư nhân phát triển theo. Hai chữ “ định hướng” đang được hò reo, cổ súy cần đi kèm với đồng tiền để thực hiện sự định hướng ấy, chứ không phải là những bài diễn văn hứa hẹn suông tình hay những cái vỗ vai động viên, khích lệ!
Việc thất thoát mấy chục tỷ đồng tại Cục Điện ảnh không thể không phủ vết hoen lên lá cờ của Liên hoan phim17. Nhưng sự đổ bể này tuyệt nhiên không làm giảm đi ý nghĩa hết sức quan trọng và tích cực của đồng tiền tài trợ từ phía Nhà nước cho việc làm ra những bộ phim hay,giữ lấy truyền thống và duy trì chuẩn mực. Vụ đổ bể ở Cục Điện ảnh chỉ khiến chúng ta càng phải cảnh giác, khu biệt riêng những kẻ “ đục nước béo cò” trong giới điện ảnh; phải cẩn trọng và kỹ càng hơn trong việc rót những đồng vốn kia cho những dự án đích đáng, cho những bàn tay sạch…
Ghi chú ảnh:
Hồng Ánh-hai lần đạtHồng Ánh-hai lần đạt danh hiệu “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” tại 2 kỳ Liên hoan phim