Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ LÊ HUY QUANG

Vũ Thanh Nhàn
Thứ hai ngày 21 tháng 11 năm 2011 10:08 PM
(Ảnh) Từ trái qua phải: NS. Lê Thu Huyền, Nhà thơ, Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, Nhà thơ, Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha, Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh, Nhà văn Nhật Tuấn, NSND. Lê Huy Quang và Nhà thơ Hoàng Trần Cương.

 Mùa Thu năm nay đẹp lạ lùng, dường như thiên nhiên chỉ dành vẻ đẹp quyến rũ, quý phái pha chút buồn mơn man hoài niệm cho riêng Hà Nội, nắng chiều nhè nhẹ như cố giữ nguyên cái se se lạnh, lãng mạn ngọt ngào mà cũng vơi đầy đắng đót. Một chiếc bàn cũ kĩ cùng với dăm bảy chiếc ghế trúc bày dưới gốc đa già bên hồ Thiền Quang, nơi đây, ngày xưa là một quán bánh rán nổi tiếng, người mua nối nhau xếp hàng, ông thợ già vớt bánh không ngơi tay suốt từ mờ sáng đến tận cuối chiều. Trăm chiếc bánh nặn bằng tay mà cứ đều tăm tắp, những hạt vừng vàng rộm bám lên vỏ bánh mỏng tang, căng phồng, dậy mùi thơm phức, bánh cứ giòn tan trong miệng đến khó quên. Như thể nơi đây níu kéo Lê Huy Quang chọn làm “bối cảnh” gặp bạn văn trong phóng sự chân dung Nhà thơ, họa sỹ Lê Huy Quang của Đài Truyền hình Việt Nam, do nữ đạo diễn Khang Anh viết kịch bản và thực hiện.
 Mấy anh em chúng tôi gồm: Nhà thơ, Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, Nhà thơ, Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha, Nhà thơ Hoàng Trần Cương, Nhà văn Nhật Tuấn (Tp HCM), Lê Huy Quang và tôi - Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh.
 Chủ xị Lê Huy Quang nâng cốc bia sủi bổng bọt trắng “phi lộ” vài nhời để mọi người lấy “chớn” nối nhịp vào câu chuyện:
 - Nhà thơ, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nói: Thơ của Lê Huy Quang mới, lạ rất hiện đại nhưng đậm nét truyền thống Việt. Lê Huy Quang làm thơ rất sớm và cũng để lại những bài thơ, câu thơ thật ấn tượng và đặc sắc.
 - Nhà thơ Hoàng Trần Cương nói: Thơ Lê Huy Quang rất kiệm chữ, kiệm từ, cảm xúc như dồn nén, ép vào từng con chữ để rồi bật ra những xúc cảm thơ rất mãnh liệt, đa chiều, đa nghĩa đến kì lạ.
- Nhà văn Nguyễn Thụy Kha nói: Tôi được nghe thơ của Lê Huy Quang ở chiến trường Nam Bộ do Nhà thơ Xuân Miện từ Hà Nội vào chiến trường giới thiệu, Xuân Miện rất hào hứng đọc rồi cắt nghĩa những câu thơ rất lạ lẫm của Lê Huy Quang, hình ảnh và từ ngữ thật ngộ nghĩnh, hồn nhiên, gần mà xa lạ, bởi vậy muốn hiểu thấu đáo thơ của Lê Huy Quang thì phải gặp được người, con người kỳ dị, tóc dài, chân lê guốc mộc... Khi ra Bắc, tôi (Nguyễn Thụy Kha) là người đầu tiên giới thiệu thơ Lê Huy Quang trên báo Văn Nghệ. Và chúng tôi biết nhau rồi quen nhau từ đấy đến nay.
 Trong số bạn bè của Lê Huy Quang, Nhật Tuấn là gương mặt ấn tượng. Trước hết, anh là một nhà văn viết nhanh và khỏe, có lượng tác phẩm đồ sộ vào loại hàng đầu ở nước ta trong những năm qua; Đến nỗi, ngay chính tác giả cũng không thể nhớ hết được những tác phẩm của mình đã viết và xuất bản. Có thể nói Nhật Tuấn là người bạn chí cốt, chơi với Lê Huy Quang từ hồi “để chỏm”, anh đọc và thuộc rất nhiều thơ của Lê Huy Quang. Nhật Tuấn nói: Tôi đã từng “thuổng” (chứ không phải “đạo”) thơ của Quang để “tán gái” rất hiệu nghiệm. Thời ấy, trong sổ tay của rất nhiều nữ sinh trường Đại học Tổng hợp Văn đã nắn nót chép và thuộc thơ tình của Lê Huy Quang. Và bằng con đường “truyền bá thơ Lê Huy Quang”, Nhật Tuấn đã có công lớn trong việc quảng bá rộng rãi thơ Lê Huy Quang thời ấy…Nhật Tuấn là người mê cả thơ lẫn con người Lê Huy Quang. Nhật Tuấn hẳn là tội đồ “máu” thơ Lê Huy Quang số một. Trong trí nhớ của Nhật Tuấn là cả một kho tàng đầy ắp những thơ và kỷ niệm về nhà thơ chân đất Lê huy Quang.
Trên đây là lược ghi những ý chính trong cuộc đàm đạo của các anh Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Hoàng Trần Cương, Nhật Tuấn kể cả “chủ trì” Lê Huy Quang cũng đều nói “vo”, nên chúng tôi không có điều kiện ghi lại hết những lời hay, ý đẹp trong buổi “Hội ngộ văn chương” này; Duy chỉ có họa sỹ Đing Quang Tỉnh “soạn” một số ý “gạch đầu dòng” để làm “phao” phòng khi Nhà đài có hỏi vặn vẹo thì có chỗ đặng dựa cho vững tâm. Nên chúng tôi xin được giới thiệu bài nói của họa sỹ Đinh Quang Tỉnh và đặt nhan đề là: “NGHĨ VỀ LÊ HUY QUANG”
 -  Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh (Ba tỉnh) nói:
 Lê Huy Quang sinh ra trong một gia đình có zen văn hóa nghệ thuật, bố là một nghệ nhân hát Tuồng, người Nghệ Tĩnh, mẹ quê Nghệ An, là một phụ nữ đôn hậu, hay chữ. anh trai là cố Họa sỹ Lê Huy Hòa, tác giả của bức tranh nổi tiếng “Ngã 3 Đồng Lộc” hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam. Tôi biết Lê Huy Quang từ hồi anh còn rất trẻ, bởi nhà tôi ở bên số chẵn, ngay đầu ngõ “Bò”, giữa Phố Sơn Tây, quận Ba Đình. Trong cái ngõ “cần lao” rặt những người lam lũ, đạp xích lô, chạy chợ hoặc gánh nước thuê… thời Pháp thuộc, nơi đây là bãi đất hoang, sát mép ao rau muống nguyên là trại nuôi bò của ông chủ Ổi, ngày ngày hàng trăm con bò chăn thả đi qua thành đường, quen dần thành địa danh, đến nay vẫn gọi con hẻm này là ngõ Bò, gian nhà nhỏ bé nhất trong mấy chục căn nhà cấp bốn ấy là nơi cư ngụ của nhà thơ Chu Hoạch và cũng là nơi tụ hội của nhóm nhà thơ chân đất: Lê Huy Quang, Chu Hoạch, Phan Đan, Tường Vân...đây cũng là cái “lò” đúc tượng thạch cao, làm phấn học sinh…để kiếm sống của nhà Chu Hoạch từ thời khốn khó cho đến tận bây giờ.
 1- Lê Huy Quang Họa sỹ thiết kế sân khấu: Anh là tác giả thiết kế mỹ thuật sân khấu của hàng trăm vở Tuồng, Chèo, Cải lương, kịch nói…Trong đó có nhiều vở kinh điển, nổi tiếng của sân khấu kịch VN và nước ngoài. Những vở diễn ấy có nhiều nghệ sỹ nổi tiếng tham gia như Đạo diễn NSND. Doãn Hoàng Giang, các NSND: Mạnh Linh, Trần Tiến, Trọng Khôi…Mới đây, anh vừa thiết kế thành công sân khấu “mở” cho vở Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản hùng ca Điện Biên - một vở kịch nói lớn cả về nội dung kịch bản, độ hoành tráng của sân khấu và số lượng diễn viên lên tới 300 người.
 Anh đã đạt tới đỉnh vinh quang của nghề nghiệp họa sỹ thiết kế sân khấu: được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NGHỆ SỸ NHÂN DÂN. Lê Huy Quang đã tổ chức triển lãm cá nhân, trình làng những tác phẩm đồ họa thiết kế sân khấu các vở kịch lớn, và một số tác phẩm mỹ thuật, tranh anh có màu sắc rất dịu dàng, nhẹ nhàng, Họa sỹ Lê Huy Quang rất có duyên vẽ phụ nữ - đặc biệt anh dùng màu vàng rất tài tình và điệu nghệ. Tôi có may mắn cùng anh tham gia triển lãm độc đáo của trên 70 tác giả với trên 100 tác phẩm vẽ về chủ đề “Nam Cao và những nhân vật văn học của ông”.
 2- Lê Huy Quang nhà thơ: Vào cuối thế kỷ XX trong giới VNS có chung một tâm lý rằng nếu là họa sỹ mà được nhà phê bình Mỹ thuật Thái Bá Vân viết lời giới thiệu triển lãm hoặc có vài dòng giới thiệu trên báo chí thì tác giả, tác phẩm hội họa ấy như đã được đóng dấu thương hiệu. Còn trong lĩnh vực thơ ca, nếu được Thi sỹ Hoàng Cầm bình thơ và có vài dòng giới thiệu thì chắc chắn đây là một Thi sỹ. Lê Huy Quang đã được Thi sỹ Hoàng Cầm tiếp chuyện chính thức và viết một bài dài đăng trên Báo Văn Nghệ và nhiều tờ báo khác: về con người nghênh ngang Lê Huy Quang, rong chơi quăng quật giữa cuộc đời, khen phong cách thơ mới, về những câu lục bát rất riêng, rất LHQ chẳng lẫn với ai.
 Ông Hoàng Kinh Bắc đã nói về 59 bài thơ trong tập Tự bạch của LHQ: “Anh ta được những câu như tôi lảy ra (mà nào tôi đã lảy được hết những câu rất khá đâu)”, thế là đã mừng cho một thi sĩ… LHQ đã được Ông Thời Gian (từ của Hoàng Cầm) sàng lọc và nay ta có những bài thơ làm nên tên tuổi Lê Huy Quang - Nhà thơ.
 Một kỷ niệm kỳ thú là Hoàng Cầm đã hứng thú dịch thơ lục bát của LHQ ra tiếng Pháp có câu:
 “tay em dệt một màn mây
 giăng anh bay. Giữa một đầy ngày xưa…”
(Pour que je me plane en un plein d’ antan)
 
 3- Gọi là Nhóm Nhà thơ chân đất nhưng họ vẫn đi dép Lốp, dép Thái chứ không đi đất như anh hùng Nông nghiệp Năm Hoằng, Giám đốc Nông trường Sông Hậu. Trừ tiệc cưới con Lê Huy Quang mặc comlet và đi giầy tây, còn hầu như quanh năm, suốt tháng đi guốc mộc, không mặc áo véc, anh suốt đời trung thành, tôn thờ mốt áo sơmi đơm rất nhiều khuy và “đỉa” bấu vào bất kì chỗ nào hợp lý trên tấm áo màu đỏ điệu đàng và đóng bộ cùng với quần Tây màu đen hoặc một cây kaki hầm hố. Ở nhà, đi làm, hội họp, dự đại lễ…nhất nhất anh đều dấn đôi guốc mộc đẽo bằng gỗ xoan nhẹ tễnh. Hồi Lê Huy Quang còn ở Hội Nghệ sỹ Sân Khấu, tôi đã tặng anh đôi guốc mộc có quai đặc biệt bằng vải nhựa dùng chế tạo thuyền hơi của Liên Doanh VN Woosung-Hàn Quốc.
 4- Tôi yêu LHQ qua bài viết về anh của Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đăng trên báo Tiền Phong và sau đó anh Tạo tặng tôi tập sách chân dung các VNS. Trong đó kể về cái đận LHQ lấy vợ và suốt đời chu toàn với vợ với con - anh là người tử tế - tôi nể phục anh về cách khu xử ở đời. Từ nhiều năm nay, như đã thành lệ: cứ mồng 8 tết Nguyên Đán là vợ chồng Lê Huy Quang mời bạn bè thân thiết đến uống rượu - thực ra là mượn cái cớ “mừng sinh nhật” để gặp nhau sẻ chia “chén tạc chén thù”. Bây giờ, những cuộc rượu sau tết ấy cũng đã vắng khuất nhiều người, như Nhà thơ Phùng Quán, Nhà thơ Hoàng Cầm, Nhà văn Hòa Vang, NSƯT. Vũ Hà, Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn…
Những thành công có thể đếm bằng số lượng tác phẩm mà Lê Huy Quang đã dâng hiến cho đời đã được xã hội ghi nhận và tôn vinh là lao động nghệ thuật của một đời nghệ sỹ. Nhưng cái phẩm chất khác biệt mà Lê Huy Quang đã tạo ra mới là đóng góp giá trị đích thực của anh cho nền văn hóa nước nhà.
 Lê Huy Quang một Nghệ sỹ tài năng. Một cốt cách lập dị đáng nể trọng - sống đẹp đời và trọn đạo văn chương./.
BTV. Vũ Thanh Nhàn (lược ghi)