Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT CÁCH DỊCH KHAC BÀI THƠ "THẦN" NAM QUỐC SƠN HÀ

Phạm Lưu Vũ
Thứ hai ngày 24 tháng 10 năm 2011 5:12 AM

 

Bác Trần Nhương và bác Nguyễn Trọng Tạo kính mến!

 Nhân có những trao đổi về bài thơ “thần - Nam quốc sơn hà” trên trang của các bác. Tôi xin góp thêm mấy lời về một cách dịch khác của bài thơ này. Ngay câu đầu tiên “Nam quốc sơn hà nam đế cư”, các sách giáo khoa từ trước đến nay và cả trong mấy bài viết vừa rồi đều dịch (đại ý) Sông núi nước Nam do vua nước Nam làm chủ, hoặc “Sông núi nước Nam vua Nam ở”

Kẻ học trò này bao nhiêu năm dùi mài “dưới mái trường XHCN” cũng được học như thế, hiểu như thế, tin như thế và chắc chắn rằng… chỉ có thế(!) Tình cờ cách đây gần ba chục năm, vào những năm tám mươi cuối thế kỉ trước, may mắn có thiện duyên được làm bạn vong niên với Giáo sư họa sĩ Phạm Công Thành, một nghệ sĩ “Phật sống” uyên thâm, một “thiền sư tại thế” đích thực mà tôi luôn ngưỡng mộ. Giáo sư đã giảng cho tôi nghe lại bài thơ này. Tôi bỗng “hoát nhiên đại ngộ” ra một điều, thì ra ý nghĩa của áng thơ “thần” kia khác hẳn với những gì tôi hằng biết, hằng tin và hằng chắc chắn.

Theo cách nói của Giáo sư thì đối với một bài thơ “thần”, cũng như một thứ “kinh”, “kệ”… muốn dịch nó thì cần phải “ngộ” được nó, chứ không thể chỉ có “hiểu” mà đã có thể dịch nổi. Dịch như trên chỉ là một kiểu dịch bề ngoài, dịch nghĩa đen, nghĩa duy nhất (chưa chắc đã chọn đúng) của từng chữ trong khi một câu thơ bình thường cũng không đến nỗi phải đối xử như thế, huống chi ở đây lại là thơ “thần”. Nam quốc sơn hà nam đế cư” mà chỉ là: “Sông núi nước Nam vua Nam ở”… thì tầm thường quá, đơn giản quá, chỉ rộng hơn, khá hơn lý sự của hai anh hàng xóm, kiểu “nhà tôi tôi ở, vợ tôi… tôi ngự” tí tẹo. Giáo sư bảo: “Không có “ông vua” nào trong câu thơ này cả”. Chữ “đế” trong câu không có nghĩa là “vua”. Đó nghĩa là “ngôi đế”, ngôi chí tôn. Chữ “đế” thủy tổ chỉ sự chí tôn, cao quý tột bậc, chữ “đế” vốn có trước tất cả mọi ông vua trên thế gian này. Về sau các vua chúa (chính thức bắt đầu từ Tần Thủy Hoàng) vì thấy nó cao quý, nên lấy nó để gắn với ngôi vua của mình. Từ đó chữ “đế” bắt đầu bị hiểu (hoặc có thêm nghĩa) là “vua”. Chữ “đế” trong câu mở đầu bài thơ “thần” này đích thị là chữ “đế” thủy tổ ấy đấy. Vậy thì hãy gạt bỏ cái nghĩa (hậu bổ), cái nghĩa trần tục, cái nghĩa ăn theo là vua ra khỏi nó thì mới có thể “ngộ” ra rằng câu thơ ấy có nghĩa là: “Cả sông núi (có long mạch đủ tầm thượng quốc – lập quốc) nước Nam ở vào ngôi chí tôn, ngôi đế…”.

Cả “Nam quốc sơn hà” đóng ở ngôi “đế”, chính là “đế”(!). Điều này đã được định ở “sách trời” (thiên thư). Câu thứ hai (“Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”) dẫn “Sách Trời” để khẳng định cái “phương vị” (đế) ấy là không thể chối cãi. “Sách Trời” ở đây là gì? Giáo sư giảng đó là “Dịch”(!). Sách đó có trước cả văn tự và sẽ còn tồn tại sau mọi văn tự trên cái cõi nhân nhân gian gian này. “Tiên thiên bát quái” (mà kẻ học trò này xin mạn phép gọi đó là “vũ trụ hai chiều”) định rõ quẻ “Càn” – (Trời, quân tử…) ở về phương Nam, quẻ “Khôn” (Đất, tiểu nhân…) ở về phương Bắc. Toàn bộ Trời, Đất nếu thu về hai chiều (nằm ngang) thì Trời ở phía Nam. Vì thế trong khoảng Trời Đất thì phương Nam là quan trọng và chí tôn bậc nhất (thế mới là “đế” chứ). Không phải vô cớ mà “Lễ” quy định vua chúa ngồi quay mặt phía Nam, bề tôi quay mặt phía Bắc. Trong nhà thì bố, mẹ ngồi quay mặt phía Nam, các con quay mặt phía Bắc. Ở bất cứ đâu, người trên bao giờ cũng quay mặt phía Nam, kẻ dưới bao giờ cũng quay mặt phía Bắc, v.v…

“Sách Trời” lại có “Hậu thiên bát quái”, (cũng vẫn là “vũ trụ hai chiều” song bắt đầu có “Nhân” – hồn vía), khi đó thì phương Nam là phương vị của quẻ Ly (Hỏa). Bởi đó là ngôi vị của Mặt Trời cho nên ứng với quẻ Ly (Hỏa). Vẫn là ngôi “đế”, cho nên gọi “Nhật Nam (Nhật – Mặt Trời); cho nên gọi “Cửu Chân” (Cửu – Cửu trùng, cao tột bậc)…

Tự hào đến thế, kì vĩ đến thế là cùng mấy câu thơ “thần” ấy. Ngày xưa (và cả bây giờ nữa), chỉ cần mồ mả táng ở “long mạch”, thì đã đủ yên chí “vững như bàn thạch” rồi, không kẻ nào có thể làm lung lay. Huống chi cả cái cõi “Nam quốc sơn hà” này định đúng vào ngôi “đế”, định đúng vào “đại long mạch” của cả Trời, Đất, long mạch của vũ trụ.

Bởi cái phương vị “đế” trong Trời, Đất nó hiển nhiên như thế, ghê gớm như thế cho nên dù có là kẻ bạo thiên nghịch địa bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thể xâm phạm, xâm phạm chỉ có thất bại…

“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

Kẻ học trò này nhân vào đọc trang của hai bác mà nhớ lại cái sự đinh ninh của gần ba mươi năm thuở trước, càng thấy cái sự “ngộ” của Giáo sư Phạm Công Thành là ghê gớm lắm. Xin một lần nữa nghiêng mình tri ân Giáo Sư. Bài thơ “thần” kia mà “ngộ” như thế thì quả mới đáng tự hào từ trong gan ruột, chứ hiểu như sách giáo khoa thì mới chỉ ở mức vỗ đùi khoái chí của những hạng tiểu khí mà thôi. Chẳng mong ai cũng phải “ngộ” như mình, song dù bài thơ “thần” đó có làm cho cái lòng tự hào vì cái “ngôi vị” của mảnh đất này dâng cao biết mấy, thì cũng xin cứ nên cảnh giác, đừng yên chí rung đùi mà “vững như bàn thạch”, phải không thưa hai nhà thơ yêu quý, thưa Giáo sư đáng kính?

 

Nay kính các bác.

22/11/2001

PLV