Giai thoại về Đệ nhất Tổ phái Trúc Lâm, Trần Nhân Tông (1258-1308) giảng thiền, trả lời và giải thích cho các môn đệ Phật, Pháp, Tăng đã được ghi lại trong sách Phật. Nhà thơ Bằng Việt mượn lời Phật viết:
Bảy trăm năm sau, tôi hành hương lên Yên Tử
Đêm- nằm mơ thấy Phật
Nhớ lại chuyện xưa bèn hỏi: “Bạch thầy, việc đời thế nào là đúng?”
Người ngậm ngùi: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”
Lại hỏi: “Thế nào là hạnh phúc trần ai?”
Người bật cười to: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”
Người lại phủi tay: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”
( Đệ nhất Tổ phái Trúc Lâm giảng thiền )
Tôi không bàn chuyện phận đời, phận người trong bài thơ này, dù ý tưởng ấy xuyên suốt, bao trùm toàn bài. Tôi muốn nói đến phận thơ mà Bằng Việt gửi gắm: Chấp theo lối cũ là không đúng.
Số phận thơ Việt Nam chúng ta quá thăng trầm. Thơ luôn đi trên con đường đầy chông gai thử thách. Các thế hệ nhà thơ luôn tự đặt câu hỏi, viết như thế nào để sinh mệnh bài thơ đích thực, nghĩa là nó sống cho chính nó. Đứa con tinh thần của nhà thơ ra đời sẽ không bị chết yểu.
Căn bệnh không rõ nguyên nhân đã thành sức mạnh và áp lực vô hình bao trùm lên cả người đọc lẫn nhà biên tập, lâu ngày như một món ăn quen thuộc nhàm chán.
Điều kì diệu là, bảy trăm năm trước một vị vua anh minh, thông tuệ bậc nhất triều Trần, hai lần lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng đế quốc Nguyên-Mông, rời ngai vàng, đi tu, luôn ý thức mọi việc trên đời không thể chấp theo lối cũ. Nhân tố sáng tạo bao giờ cũng mang đến cho người ta một thế giới mới mẻ, tươi sáng. Thơ ca nghệ thuật không thể nằm ngoài chân lý ấy.Thế nhưng sau bao năm đổi mới, nền thơ Việt dường như vẫn quằn quã trong cái ngôi làng lặng yên. Chúng ta không thể đổ lỗi hết cho chiến tranh, không thể đổ lỗi vì thời kì quá độ, mà phải tự nhận ra rằng chúng ta tự trói lấy chúng ta, bảo thủ, tự bằng lòng thoả mãn với những gì có được.
Các chuẩn tắc ngôn ngữ tiếng Việt và chuẩn tắc thơ ca bấy lâu nó đã mặc định trong tiềm thức người viết. Sự làm mới và thay đổi nó không phải bằng bắt chước về mặt hình thức mà phải từ nhận thức. Lịch sử xã hội và lịch sử văn học nước ta trong một thời gian dài đã sinh ra một thứ khuôn mẫu cả cho xã hội, cả cho thơ ca. Thơ tô son, làm đẹp một cách khiên cưỡng với những ngôn từ rỗng sáo đã như thứ hàng quen dùng, thứ áo quen mặc, nghĩa là cứ theo lối cũ mà đi. Thay đổi nó ư? Đâu dễ dàng. Việc nhận thức lại như Bằng Việt đã khó, huống gì bằng việc viết bài thơ ra trên giấy trắng mực đen.
Khlebnikop từng tuyên bố, một chữ in sai đôi khi là một nghệ sĩ tài danh. Do thiếu hiểu biết, những kiệt tác nhân loại bị đập phá tay, chân làm cho đời sau không thể phục chế những phần mất đi của tác phẩm. Các nhà điêu khắc thời nay đã chăm chú điều ấy, sản sinh ra những tác phẩm không hoàn chỉnh, từ đó một thứ đề dụ nghệ thuật ra đời.
Làm thế nào buông lỏng các chuẩn tắc thơ, nghĩa là, tự giải phóng mình thoát khỏi những ràng buộc vô hình, như một sức mạnh ngự trị bấy lâu. Biên độ để tách bài thơ thoát khỏi chính nó là vô cùng. Trên vai ngôn ngữ, nhà thơ có thể nhân danh nhiều khuynh hướng khác nhau, nhân danh một khác biệt, một trật tự mới cho thơ ca.
Có thể có người mệt mỏi khi đọc những câu thơ sau đây của Trần Tuấn, một nhà thơ trẻ, sinh năm 1967, trong Ma thuật ngón(1):
kiếp trước của lửa hát về kiếp trước của tàn tro
lửa của tàn tro hát về tàn tro của lửa
phải mất đi bao nhiêu ngón
phải thêm bao nhiêu ngón
mới đủ một bàn tay
Nhưng tôi yêu nó, nhìn thấy phía sau ngôn từ kia một thông điệp, phải tìm cách giải mã cho bằng được. Quả thực cái giá tàn tro và lửa phải đổi, phải trả trong cuộc mưu sinh này quá đau thương. Bao nhiêu ngón tay phải mất đi, bao nhiêu ngón tay phải thêm vào mới đủ một bàn tay. Trần Tuấn không vin vào sự thật, không vin vào hiện thực một cách thô thiển, anh thả lỏng cảm xúc của mình như cái bóng siêu hình đi theo trường liên tưởng nhiều chiều. Người tiếp nhận thơ anh được tự do lựa chọn, tuỳ thuộc tâm trạng của mình. Cái ranh giới giữa thơ và hiện thực đời sống đã biến mất. Bài thơ trở thành nhật kí của lữ trình cảm xúc, chứ không phải là nhật kí đời sống mà bấy lâu thơ ca miêu tả thường làm. Không phải lúc nào nhà thơ cũng nhân danh hiện thực một cách cứng nhắc. Jakobson rất hóm hỉnh khi khẳng định: “ thơ ca cũng là một sự dối trá, và nếu nhà thơ không sẵn sàng nói dối – nói dối từ cái đầu tiên mà không ngại ngùng, thì anh ta chẳng đáng gì cả ”(2).
Chớ coi nhẹ những hiện tượng không bình thường trong thơ ca. Sự tương phản, dị biệt, phản biện nhiều khi làm mầm móng cho cái mới hình thành. Nhận thức thuộc quyền của mỗi người, nhưng nhận thức tới lúc nào đó sẽ gặp nhau. Một bức tranh, một bản nhạc khi ra đời thông thường phải lãnh đủ mọi thứ nghiệt ngã. Nhưng giá trị đích thực của nó bao giờ cũng là nơi gặp gỡ của độc giả đích thực.
Làm sao mỗi nhà thơ trở thành một vương quốc trong việc sử dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong tay nhà thơ trở nên ma thuật, có thể dẫn dụ độc giả đến những bến bờ lạ của cảm xúc, tạo ra một thế giới tinh thần mới mẻ. Muốn vậy, tôn trọng tự do sáng tạo chưa đủ, mà phải tìm đất cho sản phẩm của họ được công bố. Vì sao trong nước ta hình hành các nhóm thơ Mở miệng, Ngựa Trời, Thơ xuất bản bằng giấy vụn, Thơ photocopy Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh? Tại vì sản phẩm của họ không được các tờ báo chính thống dùng, cho rằng thơ chữ nghĩa rối rắm, thơ bí hiểm, thơ ngoa ngôn. Tôi đã đọc ít nhiều của họ, bên cạnh cái được cũng có cái chưa được. Nhưng tôi khẳng định rằng, đó là một việc làm nghiêm túc, khi không có điều kiện in ấn xuất bản. Và, tên tuổi các nhà thơ ấy vẫn được neo vào độc giả trong và ngoài nước, như các nhà thơ khác.
Vận mệnh thơ như vận mệnh con người. Từ chối tự do sáng tạo như từ chối một con người. Còn gì đau đớn hơn khi tác phẩm nghệ thuật của họ bị chối bỏ? Tất nhiên thơ ca vốn không dung nạp sản phẩm trá hình, nó không phải là nó.
Ít nhất đã ba lần tôi gọi điện trực tiếp cho Tổng biên tập Báo Văn Nghệ, cùng trao đổi làm sao nâng cao hơn về chất lượng thơ trên báo. Bạn đọc trong và ngoài nước đang đọc Báo Văn Nghệ với niềm tin xem đấy là một góc nhìn của gương mặt văn học nước nhà. Thơ trên báo nhiều số chưa làm được điều đó, khi người biên tập chọn những sản phẩm chưa xứng đáng, những sản phẩm dùng làm minh hoạ gượng ép. Mọi hình thức thơ phải được tôn trọng, mọi đề tài phải được nâng niu, nhưng nhất quyết phải là thơ hay. Sự tiếp nhận của bạn đọc cho dù chưa quen, thậm chí không thích, nhưng lâu dần sẽ tìm được đồng cảm, khi bài thơ mang trong mình giá trị của chính nó. Chúng ta đều biết mọi cuộc cách tân thơ ca không dễ dàng gì. Nếu các báo chí thời Thơ Mới đều tẩy chay Thơ Mới thì phong trào Thơ Mới thật sự khó ra đời.
Ngôn ngữ thơ vốn đa dạng, muôn hình vạn trạng. Trong tay nhà thơ có thể làm tăng thêm hiệu lực ngữ nghĩa, tăng thêm sự biệt lệ, làm phong phú hình thức câu thơ. Vần luật xưa nay như một công cụ bất biến của bài thơ. Nhưng vần luật cũng tồn tại như một hệ thống nằm ngoài ngôn ngữ ở những bài thơ không theo thể thức truyền thống. Các nhà biên tập phần thì e ngại độc giả chưa hợp khẩu vị, phần thì bị trăm thứ khác phong tỏa chi phối, làm cho sản phẩm thơ bớt đi những vị trí trang trọng trên thị trường văn hóa. Độc giả bây giờ khác trước rất nhiều, bởi trình độ và khả năng thưởng thức ngày càng cao, dù các kênh truyền thông như cơn lốc tràn vào đời sống, thì họ vẫn tĩnh táo để lựa chọn cái mình ưa thích.
Sự sinh lợi của thơ ca luôn ở từ hai phía, người làm ra nó và người thưởng thức. Để một nền thơ phát triển, đất đai cho nó phải được mở rộng, dung nạp nhiều thể loại, xu hướng và khuynh hướng. Chúng ta không thể xem nhẹ hoặc khước từ mọi sự thể nghiệm. Công việc nghiên cứu thơ ca phải như công việc nghiên cứu khoa học vậy, phải chấp nhận các cách thức và thủ pháp nghệ thuật. Thơ ca trong một nghĩa nào đó, đồng nhất với tôn giáo, thế giới thần linh của con người. Thơ ca có sức mạnh trực tiếp, đồng thời có sức mạnh làm mê dụ tinh thần con người, nó là tiếng đàn vô âm không phải lúc nào cũng dễ dàng nghe thấy.
Thơ Việt Nam ngày nay đã khác trước rất nhiều, không phải lúc nào cũng đối ẩm, có khi va đập như sóng, lại có khi như đá tảng trơ ra cùng mưa gió bão bùng.
Thơ đương đại Việt Nam sẽ già đi nếu không có những Trần Tuấn, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thuý, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư, Lưu Mêlan…Họ ra đời trong sự bầm dập, không lúc nào được suôn sẻ. Nhưng các thế hệ nhà thơ ấy đã mang được linh hồn Việt Nam thời nay, đã mở rộng đường biên thi ca ra với thế giới. Họ không chỉ mang bức thông điệp cho thế hệ, mà còn thể hiện nhu cầu thời đại của dân tộc. Thơ ca phải thay đổi, chấp theo lối cũ là không đúng.
HVT
________
(1) Thi hoc và ngữ học ( Lý luận văn học phương Tây hiện đai), NXB Văn học, 2008.
(2) Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2008. Giải thưởng Thơ Bách Việt lần thứ Nhất.