Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BẠN ĐỌC GÓP LỜI THƯA

N84
Thứ tư ngày 12 tháng 10 năm 2011 12:22 PM
 
Tôi chỉ là một độc giả , tên N84, đã xin trannhuong.com bảo chứng cho tất cả những gì thuộc về lý lịch trích ngang trước bạn đọc và xin chịu mọi trách nhiệm nếu làm thương tổn đến uy tín đáng kinh trọng của Nhà chủ web Trần Nhương.
 
Sở dĩ tôi chưa xưng tên đầy đủ của mình vào lúc này, vì vào lúc này, cuộc “thư hùng” mượn cớ thơ Trần Gia Thái đang ở thời “ sôi nổi” quá, vỗ tay thêm e bị cười là “ thừa gió bẻ măng”, học đòi nói leo, ăn theo người nổi tiếng, đón cơ may Pr.
 
Kính thưa bạn đọc, N84 có một nguyên tắc xưng hô, phàm ai ngoài 70 tuổi  (mốc tuổi cha tôi)  tôi đều kính cẩn gọi bằng bác, ai hơn tôi tử hai mươi tuổi đến dưới 70 tuổi tôi đều khoanh tay thưa cô, chú, ai sinh trước 1984 đến hơn tôi 19 tuổi tôi đều xin phép gọi là bậc anh, bậc chị. Đặc biệt lần này, dủ ai lên ba, lên năm cho đến lên dưới tuổi tôi mà đọc loạt những bài “thư hùng mượn cớ thơ Trần Gia Thái” đang “ồn” trên mạng này, tôi đều xin cúi đầu gọi là liền chị, liền anh, liền bạn, tuyệt đối tôn trọng. Tôi nhiều lời vậy, bời tất cả những người đề cập trong bài viết này tôi đều chưa dịp gặp, dịp biết, dịp quen, vì vậy chỉ biết gọi tên, cúi xin đừng chấp nhất nguyên tắc xưng hô, vui lòng đọc điền thêm chữ bác, chữ chú, chữ anh chị, chữ bạn trước tên để N84 tôi được thưa gửi kính trọng.
 
Trước hết, con xin các bác, các chú, em xin các anh, các chị, cùng các bạn yêu thơ hãy dành một phút thức lại lòng yêu thơ. Em xin vậy bởi em và gia đình em, chẳng biết trời đầy đọa thế nào mà ai sinh ra cũng “sống dở chết dở” với thơ, nay bỗng thấy “người ta” lăng nhục và xúc phạm thơ vì những ganh ghét, đố kỵ, ty hiềm và vì cả những mục đích lùn hèn, hoang tưởng, mê muội, cầm lòng không nổi, cắn răng mà viết xin này.  Thơ là cái thú thích đơn giản, đời thường, cao cả trong bể đời mênh mang buồn vui sướng khổ chẳng biết đâu là bờ, thế thì hà cớ gì cứ “chiêng trống” ầm lên nào là đại dịch thơ, lạm phát thơ, ai cũng nhà thơ. Những chú bác bạn già của cha em, mỗi lần gặp nhau, các “ cụ” lại đổ vào tai nhau một đống thơ, thế rồi cười nức như nhi đồng, rồi hỉ xả nhau, hỉ xả đời mà thọ  khỏe, thọ vui cùng con cháu . Chạnh nghĩ, ai chẳng có cha có mẹ như thế?  Con cái nỡ nào quát cấm sự thích ấy của mẹ cha? Mà nào chỉ thế, ai chẳng có tuổi yêu, và may mắn cho ai có lá thư yêu cài trong đó dăm ba vần “thơ thẩn tán” để được đọc lên cho hồn yêu lịm ngắn cũng vài ngày, lịm dài, khối người lịm cả đời vì những câu thơ tình khờ dại ấy. Dân ta, dặc biệt dân ta, yêu thơ, thích thơ có lẽ bậc nhất cõi thế này. Vậy thì nỡ nào lại vùi dập sự thích rất người ấy. Em nghe nói, ở miền Bắc có một liên đoàn các câu lạc bộ thơ, hội viên nhiều ngàn người. Điều nghe này nếu là thật hẳn bao người như em khôn xiết mừng vui.
 
Tôi nói ít lời trên để thưa: Thơ Trần Gia Thái hay của bất cứ ai khác, chuyên nghiệp thi sĩ hay nghiệp dư thi nhân, già hay trẻ, trai hay gái, quan hay dân…xuất hiện trên thi đàn, đều nên hoan nghênh và đáng nên vui mừng hoan nghênh. Thơ hay thì đọc và mở lòng truyền bá. Thơ chưa hay, có thể đọc qua rồi bỏ. Hay dở theo nghĩ thích của mỗi người, nên tôn trọng. Thơ không có lỗi gì đáng để mượn cớ nặng lời chê bài, bài xích nhau. Càng không nên nên mượn thơ là cớ để tanh tôm cá cái ngoài thơ.
 
Cứ theo bài viết của Trần Huyền Nhung (Đọc tập thơ “ Lời Nguyện Cầu Trước lửa” của Trần Gia Thái”, tranhuong.com) với những câu dẫn thơ Trần Gia Thái thì công tâm mà nói, thơ Trần Gia Thái đáng được đọc, có gan ruột, có hồn. Xin dẫn lại đôi câu:
 
“ Thấp thoáng đường cong dáng mẹ về
Chợ xa kĩu kịt gánh làng quê
Thuốc lào thếp giấy vuông vải chéo
Củ nâu tươi rói bánh đa kê”
 
Và:
 
 “Bát cháo đồng chiêm cơ cực ơi
Nuốt vào cay đắng nuốt không trôi
Mồ hôi thì mặn nước mắt chát
Đeo đẳng đời cha từng giọt rơi”

Những vần thơ này, Trần Huyển Nhung cho là hay thì nó là hay, bởi Trần Huyền Nhung đọc lên thấy thế. Cá nhân tôi cho là được, chưa thật hay vì  hương thơ  hình như hơi cũ, đây là loại sách thơ mua cũng không tiếc tiền, được tặng cũng đáng để đọc, tất nhiên chưa được xếp vào hạng thơ phải kiếm tìm mà đọc. Tạng thơ Trần Gia Thái  có thế, sức thơ có thế, lỗi phải gì cứ bắt phải thơ hơn thế, mà thế nào là hơn thé? Tôi đã đọc bài bình thơ Trần Gia Thái của Trần Huyền Nhung, đọc một hơi, lòng êm ả trong không gian thơ,  lời bình mộc mạc, công bằng, thấy được cái tình đồng cảm của người làm thơ và người bình thơ.  Bình thơ bản chất của nó là bình cái hay, cái đẹp, cái mới của thơ, tất nhiên cũng có thể bình cái nghiệp dư, cái còn chưa tới thơ, nhưng theo tôi phần bình này nên vừa phải. Bởi không thích thơ thì đọc rồi bỏ, chẳng nhẽ đọc thơ chỉ cốt tìm ra điều cần dậy dỗ, cần ra roi, cần mượn cớ khoe mình? Trần Huyền Nhung đã đi theo cái thích của Trần Huyền Nhung, tôi tôn trọng, dù Trần Huyền Nhung quả có dành cho thơ Trần Gia Thái hơi nhiều hương ngào ngạt, vị cao sang, tôi cho là không sao, làm sướng người cũng là làm sướng ta, thông cảm được.
 
Thơ Trần Gia Thái, như nói ở trên, nếu được bạn bè viết lời khen ngợi cũng chẳng có gì là quá đáng, là đáng phải ầm ỹ. Vậy thì cơn cớ gì thơ Trần Gia Thái lại trở thành “sự kiện võ lâm”?
 
Thơ thiêng lắm. Chẳng biết Trần Gia Thái có biết thế? Biết thì sao lại nỡ bán vật thiêng kèm với chức tước? Bộ không thấy những tấm gương thi nhân dùng quyền lực bắt quần hùng tôn cao thơ mình, thứ thơ ấy liệu tồn được mấy lâu? Trần Gia Thái sẽ biện minh là lòng không muốn thế. Cứ cho là vậy, nhưng khách quan vẫn tố, chỗ này kèm thơ với chức Tổng, chỗ kia khoe thơ với tước Phủ. Mà đã khi nào Trần Gia Thái tự vấn: Nếu mình không  Tổng, Phủ thì liệu cỡ Hữu Thĩnh, Vũ Quần Phương có viết bài khen? Và nếu có quá  tham muốn nổi tiếng cấp kỳ như pháo thăng thiên, thì chí ít cũng nên thử sức thơ mình trước quần hùng bạn đọc, rồi sau hãy viện lực Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương. Tự tin thơ mình “chúa” thì sớm muộn gì bạn đọc cũng vinh danh. Tiết chế được sân si đó có  phải đã tránh cho bầu bạn họa thị phi ?
 
Thơ thiêng lắm. Chủ tịch Hội Nhà Văn hẳn biết hơn ai hết điều đó. Hội Nhà Văn có bao nhiêu, bao nhiêu là nhà thơ, chủ tịch đã hạ bút viết khen được mấy người? Chẳng lẽ chưa có ai làm thơ hay bằng Trần Gia Thái? Thực ra bài khen thơ ấy cũng  là khen đủ, khen đáng, nếu là của bất kỳ bạn đọc nào viết về thơ Trần Gia Thái. Nhưng tiếc là bài viết ây ký tên Hữu Thỉnh, chủ tịch HNVVN. Thậm chí cứ cho là thế cũng được đi,  quyền riêng tư, nếu không “lộ gót asin” là chủ tịch có con gái làm việc ở cơ quan do Trần Gia Thái làm Tổng. Con gái chủ tịch là lứa liền chị, liền anh với tôi, nên bỗng nhiên tôi thương liền anh liền chị của tôi quá, sao cha nỡ đưa đẩy con vào say vọng không thơ?  
 
Thơ thiêng lắm. Thưa bác Vũ Quần Phương, tôi xưng vậy, vì tôi có thấy bác trên truyền hình nhiếu lần, mái tóc trắng cước, nói hơi cúi đầu, mềm mại. Nghe bác nói về thơ con biết bác là người tận tụy hy sinh cả đời cho thơ, vì thơ. Bài viết của bác con đã đọc hơn một lần và con thấy bác hoàn toàn có quyền nói thế, khen thế cho Trần Gia Thái nhà thơ, không phải Trần Gia Thái,Tổng. Tôi tin vậy, vì chẳng lẽ đến giờ, bác đã thành đạt đến tầm nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương mà còn cần cầu cạnh người kiếm thêm chút lợi danh sao?
 
Thơ thiêng lắm. Giá nếu Nguyễn Sĩ Đại cứ hồn nhiên tự tin viết về thơ Trần Gia Thái rồi đăng báo mình hay đăng báo người, và cứ mặc cho Trần Mạnh Hảo muốn mận đào gì thì đào mận, mình cứ việc ngồi nhâm trà thưởng thơ và chờ nghe độc giả công bằng  thưa gửi. Đằng này, Nguyễn Sĩ Đại đã kém bản lĩnh, thiếu tự tin,  đối đáp cùng Trần Mạnh Hảo, (Thư ngỏ của Nguyễn Sĩ Đại gửi Trần Mạnh Hảo và Trương Duy Nhất, trannhuong.com) mà lộ ra bản chất khiến bạn đọc như N84  tôi bội phần thất vọng.
 
Ai cũng biết, Nguyễn Sĩ Đại là tiến sĩ thật theo cả ý nghĩa bằng cấp và năng lực, lại còn là nhà thơ, nhà báo có chức vụ hẳn hoi, thế thì hà cớ gì lại “rúm” đến thế trước Trần Mạnh Hảo,  “Tôi học hành lỗ mỗ, trí lự tầm thường” ? Lối nói khéo này, xưa người ta có thích, người ta bảo là khiêm tốn, nhưng thực ra đó là thứ khiêm tốn giả vờ, thứ khiêm tốn mỵ dân, thứ khiêm tốn ấy đã lổi thời, mà chung quy cũng chỉ bởi thiếu tự tin. Thiếu tự tin như thế thì làm sao viết bài mạch lạc ngang bằng cho được.
 
Bài văn của Nguyễn Sĩ Đại chưa giỏi chữ nghĩa, nhưng thông cảm được, vì không phải cứ tiến sĩ là chữ nghĩa chuẩn. Nhưng luận điệu trong bài văn ấy thì thực đáng thất vọng. Đó là luận điệu thời “đánh” nhân văn giai phẩm, sự kiện đáng xấu hổ của văn đàn Việt Nam, mà Nhà nước ta đang bằng hành động  cụ thể, thực lòng cố gắng sửa sai. Ma trận đánh Nhân Văn Giai phẩm “thời xưa” là vũ khí vu khống và chụp mũ chính trị chống đảng, chống nhà nước. Bạn đọc đồng tình với Nhà nước  đang cố quên chuyện dơ “ ngày xưa” ấy, vậy mà Nguyễn Sĩ Đại, học vị tiến sĩ, có chức quyền trong bộ máy nhà nước, lại đã xử dụng vũ khí ngày xưa ấy vào thời điểm 2011 này, thật khiến bạn đọc quá đỗi thất vọng.  Mời đọc một dụ trích trong bài viết của Nguyễn Sĩ Đại:
 
“Thứ hai, ngụ ý anh Hảo là gì ? Cái “nền văn học chân chính nước nhà” là gì, anh Hảo chưa nói ra, nhưng có lẽ để anh Hảo lọc kỹ thì chắc chỉ có mình anh và một số “bạn hữu” đâu đó ngoài biên giới mà thôi ! Còn cái nền “ văn học quốc doanh” theo anh, chắc là những nhà văn tự nguyện chịu sự lãnh đạo của đảng, tự nguyện phụng sự sự nghiệp nhân dân theo con đường đảng đã vạch ra. Thế là rõ. Những cái gì thuộc về quốc doanh, về nhà nước là xấu, là cần phải đánh đổ. Trước hết là “ văn học quốc doanh”, sau là “ kinh tế quốc doanh”, sau đó là thể chế, phải không anh Hảo ?”
 
Từ khu vực đàm văn thơ mà chụp mũ nhảy sang khu vực “ chết người” thế này, Bạn đọc tôi xin không nói thêm lời nào nữa về Nguyễn Sĩ Đại.
Thơ thiêng lắm. Đọc loạt ( không dẫn, bởi quá nhiều, xin được dùng chữ “loạt) bài của Trần Mạnh Hảo, tôi có rất nhiều, thành thực là quá nhiều điều không phục, nhưng nếu nói hết e phiền thời gian bạn đọc. Chỉ xin nói thật ngắn 4 điều không phục Trần Mạnh Hảo của N84. tôi dưới đây:
Đọc văn mà thấy hiện ra chân dung người viết và biết ngay người viết đó là ai, thì người đó quả là đã có ấn văn tài. Đọc loại văn ấy, tôi luôn cầu mong hiện ra một chân dung đẹp, thanh ấm tình, sắc tốt tươi khả kính, để mình được thụ hưởng thanh sắc ấy mà trang sức đời sống. Nhưng thật tiếc, đọc bài viết nào của Trần mạnh Hảo, N84 tôi,  cũng thấy hiện ra một “tráng sĩ tác giả ” mặt đỏ như gà trọi, và toàn thân bốc lên ngọn lửa của bất mãn, của hận thù, của ganh ghét, đố kỵ. Và “tráng sĩ” ấy khi thì múa gươm nơi chợ vãn, khi thì vung kiếm giửa vườn hoang. Tôi buộc phải nhắm mắt xua duổi chân dung ấy. Và tất nhiên tôi không phục cả văn lẫn người.
 
Bài viết nào  Trần Mạnh hảo cũng nói văn, nói thơ hay nói đời, cao đạo lắm, nhưng thực ra đó chỉ là cái cớ nhàm tè, hoang tưởng để nói về mình, một hoang đường Trần Mạnh Hảo, tôi đọc văn mà thấy vậy, còn ai đó bảo Trần Mạnh Hảo là vĩ nhân, là anh hùng hảo hán, xin tùy, không cãi.  Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nhà thơ nhà văn nào chẳng ít nhiều hoang tưởng về mình, thế nên  hoang tưởng của Trần Mạnh Hảo thôi thì  thể tất. Trần mạnh Hảo cứ việc hoang tưởng về mình, nhưng không nên  đem hoang tưởng ấy nói vung tàn tán hết hạ nhục người này lại xúc phạm người kia. Văn học là nhân học, thưa Trần Mạnh Hảo. Khi một “nhà văn thơ” đã phải dụng đến thứ  “văn hóa tanh tôm cá” thì liệu có còn danh thơm nhà văn nhà thơ trong lòng bạn đọc? Tôi không phục.
 
Bài viết nào không dài thì ngắn, nhất định Trần Manh Hảo cũng phải phang  quàng cho được Hữu Thỉnh và Hội Nhà Văn Việt Nam mà Trần Mạnh luôn cho là của Hữu Thỉnh. Huỵch toẹt, loạt bài viết về thơ Trần Gia Thái của Trần Mạnh Hảo chủ đích chính là “phải quấy” với  Hữu Thỉnh. Chẳng biết Hữu Thỉnh đã gây tội gì để đến nỗi Trần Mạnh hảo hận thù bầm gan tím ruột thế? Nhưng thiết nghĩ đấy là chuyện riêng của đôi bên. Hà cớ chi lại đem thù hận riêng trút vào văn thơ thế?  Nói thêm về bài viết của Nguyễn Sĩ Đại mà Trần Mạnh Hảo cho là bốc thơm Trần Gia Thái. Bốc thơm thì đã sao? Trần Mạnh Hảo bằng lòng hay không bằng lòng đó là chuyện của Trần Mạnh Hảo, không bằng lòng có thể tranh luận lại, nhưng tranh luận mà đem chuyện ngoài thơ vào thì thật không nên, trách người chụp mũ mình (dẫn ở khúc Nguyễn Sĩ Đại)  trong khi mình quy chụp người, chuyện truyền hình Trần Gia Thái “bán đứng” người biểu tình yêu nước, là không công bằng. Đừng chuyện nọ vọ chuyện kia. Tôi không phục.
 
Tôi thú thực chưa đọc bất kỳ một tác phẩm văn thơ nào của Trần Mạnh Hảo, nên thật chưa biết thơ văn Trần Mạnh Hảo ngọt mặn thế nào. Không dám hứa là sẽ tìm đọc, bởi e  đọc xong lại hùi hụi tiếc công tìm. Chỉ dám cầu xin khắp vùng bạn đọc có lòng chỉ giúp cho  biết văn chương Trần Mạnh Hảo mặn ngọt cỡ nào, tôi xin cầu thị vâng nghe, bởi tôi chưa khi nào mất lòng tin nơi bạn đọc vô tư, công bằng. Dù chưa được nghe hoặc đọc  để thưởng biết  văn chương Trần Manh Hảo, nhưng tôi đã tìm thấy ngọt mặn ấy trong  loạt văn tự tin hoang đường của Trần Mạnh Hảo. Thưa, mặn đắng và ngọt chát. Bởi  phải  đạt đến  cấp độ mặn đắng và ngọt chát, thì Trần Manh Hảo mới tự tin lớn tiếng hết chê thơ người này nhạt như nước ốc lại chê thơ người kia chấm xuống dòng, rồi ứng khẩu thơ tranh đua hơn kém với thơ mà mình cho là nước ốc, rồi truy cập google  khoe kiến thức, rồi ngạo mạn múa tay khoa chân dạy dỗ  “bạn đọc yêu thơ” cách làm thơ, thì thật hoang đường, hề hết nói. Đã đành “ văn mình vợ người”, văn mình hay cỡ nào thì cũng nên để hữu xạ tự nhiên hương, và thơ người  dở thế nào nếu chê, cũng phải chê có nhân văn, có nghệ thuật, nỡ nào chê buông tuồng thế?  Và cho dù, cái gọi là “văn mình” của Trần Mạnh Hảo, ba trăm năm sau ai đó xếp hạng văn chương đỉnh  thì tôi vẫn không cải lời, tôi không phục.
 
Đôi dòng riêng tư:
 
Con viết dài quá rồi phải không, thưa bác Trần Nhương. Con viết câu Tôi Không Phục với Trần Mạnh Hảo là câu dọa bác đấy, bởi bài này con gửi tới tranhuong.com mà bác không post, thì đành lòng con phải giữ lại, chờ dịp in vào sách của con, khi đó bạn đọc sẽ hỏi bác vì sao tranhuong.com từ chối đăng bài của N84?
 
Con gửi đăng bài này trên trannhuong.com vì hai lẽ. Lẽ một trannhuong.com đang tạo diễn đàn cho bạn đọc thưa gửi về chuyện này. Lẽ hai, trannhuong.com là một trong vài trang mạng con thích nhất. Ngày nào con cũng ghé thăm, ít thì năm,mười phút, nhiều thì cả buổi, cạn đêm. Một trang mạng ấm áp hơi thở cuộc sống, thông tin đa chiều, không bè phái, tin bài không cực tả, cực hữu, tin bài khuynh hướng mở để bạn đọc khách quan tư duy, chọn lựa. Không dụng chiêu “lộ hàng” hay chiêu  “ còm” để dành thị phần người dọc. Trang mạng bình dân, không bình dân quá, một đôi lúc cũng hái hoa bắt bướm, nhưng không sa đà, chịu được. Nói chung là con thích nó đấy, yêu nó đấy, nên con luôn cầu mong bác mạnh khỏe để nuôi trannhuong.com đẹp khỏe thế này mãi.
 
Thưa bác Trần Nhương, N84 con xin không phiền trannhuong.com thêm lời thưa nào nữa, về chuyện này, nên nếu có phản hồi nào đó của bạn đọc gửi cho con qua  trannhuong.com xin bác nhín chuột chuyển tiếp cho con,  để con  hân hạnh trả lời mà không mắc lỗi với bạn đọc.
 
Ngày 10/10/2011
 
N84