Thăm Vạn Lí Trường Thành
(Tặng Trần Hoàng Nam tiên sinh)
Vạn Lí Trường Thành, ta đã tới
Đến ngày mình cũng Hảo Hán ư ?*
Về định làm thơ, hồn chưa nỡ
Còn những Trường Thành khác nữa cơ !…
Hẻm mưa, 9.11
* Bất đáo Trường Thành phi hảo hán.
Tôi nhớ tạp chí Nhà văn số Xuân 2010 có bài viết công phu về Thơ tứ tuyệt Phan Cung
Việt. Bài viết khen thơ tứ tuyệt của anh có phong vị riêng. Một số câu trích, như : Có em để có nơi đến/Có mẹ để có nơi về/Nhưng về thì không còn mẹ/Đến thì chỉ có trăng khuya( TRăng khuya). Hay : Tôi muốn chọn con đường không có bụi/Tức là con đường chỉ của riêng tôi/Mà không biết những dấu chân trong mộng/Cũng đủ tung lên bụi bặm rồi( Tự xác định)…Đó là những bài tứ tuyệt đã được chọn làm bài luyện thi đại học và có mặt trong các tuyển thơ.
Bài thơ tứ tuyệt mới của tác giả : Thăm Vạn Lí Trường Thành, làm tôi thấy rõ hơn phong vị thơ lục bát của nhà thơ, lại hé lộ nét cảm mới. Bài thơ gây xúc cảm và mở ra những suy tưởng mới của bạn đọc. Nó nới rộng chiều kích của thơ tứ tuyệt.
Cốt lõi của bài tứ tuyệt phải dựa trên một triết luận, triết lí. Không có điều này thì thiết tưởng không có thơ tứ tuyệt. Nhưng đây không phải là triết lí mệnh đề khô khan, mà nó phải có cảm xúc hình tượng cô đúc. Không có điều này cũng không có thơ tứ tuyệt.
Việc chọn tứ Thăm Vạn Lí Trường Thành đã thể hiện ý tưởng tứ tuyệt của tác giả. Nó đầy phong vị cổ, phong vị Đường Thi. Đó là cái cốt lõi của tứ tuyệt. Cũng như hai bài tiêu biểu trên : Con đường khói bụi nhân gian và ánh Trăng khuya thao thức muôn thuở.
Trở lại bài thơ, câu vào đề thật nhẹ nhàng giản dị:Vạn Lí Trường Thành, ta đã đến…
Chính sự giản dị của câu mở tứ tuyệt này báo hiệu nó sẽ là bài tứ tuyệt mới. Trước hết mới ở tốc độ, ở nhịp cảm xúc, bắt nhịp với đương đại. Nhưng đến câu thứ hai thì nó lại muốn kí thác một điều gì đấy, gần với phong vị vốn có của tứ tuyệt. Tôi thấy câu này thật dễ cảm, có nét mới,có nét tự diễu của người xưa, thơ xưa : Đến ngày mình cũng Hảo Hán ư ? Chữ Hảo Hán ở đây đã lặn vào sâu trong ý tứ bài tứ tuyệt rồi !Bất đáo Trường thành phi hảo hán.
Hai câu cuối mới là quan trọng, nó mở rộng cảm xúc, hòa nhập vào ý tưởng hiện đại. Chính những hai câu này thử tài của nhà thơ làm tứ tuyệt, “chơi” tứ tuyệt :
Về định làm thơ, hồn chưa nỡ
Đó là một câu mở rộng, nó kéo tứ tuyệt vào trong cảm xúc phóng khoáng của thơ tự do, thơ mới. Và nhà thơ Phan Cung Việt đã chốt lại một câu bay bổng ngoạn mục :
Còn những Trường Thành khác nữa cơ !
Đến đây, tứ tuyệt đã được chuyển đổi sang một cung bậc cảm xúc rất trẻ trung.
Giá trị mới mẻ của bài thơ tứ tuyệt Thăm Vạn Lí Trường Thành của nhà thơ Phan Cung Việt trước hết là ở chỗ đó.
Mễ Trì, 9.2011
T.T.N
( Đại học KHXH và NV)