Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀ MẸ ANH HÙNG TRÊN SÔNG NHẬT LỆ

Đặng Việt Thủy
Thứ ba ngày 11 tháng 10 năm 2011 6:02 AM

Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20-10-1946 - 20-10-2011)

Mỗi lần nghe lại bài thơ "Mẹ Suốt" của nhà thơ Tố Hữu qua giọng ngâm của cố Nghệ sĩ nhân dân Châu Loan, tôi và rất nhiều bạn bè không khỏi bồi hồi xúc động nhớ lại một thời đạn bom ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc ta. Theo giọng ngâm tôi thấy mình như được về bên mẹ trên dòng sông Nhật Lệ thân thương.
Sông Nhật Lệ được bắt đầu từ vùng núi phía Tây Nam huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình. Nhật Lệ do hai con sông Kiến Giang và Long Đại nhập lại với nhau ở đoạn thôn Cổ Hiền (xã Hiền Ninh) và thôn Trần Xá (xã Hàm Ninh) tạo thành.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dòng sông Nhật Lệ đã trở thành đường thủy thuận lợi cho việc chở quân, vận chuyển lương thực, vũ khí cho tiền tuyến lớn. "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", mẹ Suốt đã "đánh giặc" bằng việc làm tưởng như đơn giản là đưa bộ đội qua sông. Nhưng không phải như vậy. Hành động của mẹ đã trở thành biểu tượng của sự nhẫn nại, bền lòng mà các bà mẹ Việt Nam đã đóng góp trong công cuộc kháng chiến của dân tộc.
Mẹ Suốt, tên thật là Nguyễn Thị Suốt, sinh năm 1908 (có tài liệu ghi năm 1906) tại làng Dừa (nay là Mỹ Cảnh) bên dòng sông Nhật Lệ, gần cửa biển. Nhà thơ Tố Hữu đã viết về "lai lịch" của mẹ qua những dòng lục bát: "… Sớm chiều, nước xuống triều lên/ Cực thân từ thuở mới lên chín mười/ Lớn đi ở bốn cửa người/ Mười hai năm lẻ, một thời xuân qua/ Lấy chồng, cũng khổ con ra/ Tám lần đẻ, mấy lần sa, tội tình!…". Chỉ đến khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, các tầng lớp bần cùng trong xã hội cũ, trong đó có mẹ Suốt mới được đổi đời. Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, với mẹ Suốt: "Bây chừ sông nước về ta/ Đi khơi đi lộng, thuyền ra thuyền vào/ Bây chừ biển rộng trời cao/ Cá tôm cũng sướng, lòng nào chẳng xuân!". Nhưng mùa xuân đó đã qua nhanh khi đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, chúng bắt đầu gây ra chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cũng như nhiều phụ nữ khác, mẹ Suốt bấy giờ tuổi đã gần 60 nhưng vẫn hăng hái nhận nhiệm vụ chèo đò qua sông Nhật Lệ.
Trong những năm giặc Mỹ leo thang chiến tranh tăng cường đánh phá miền Bắc, Quảng Bình là một vùng đất lửa ác liệt. Có tài liệu cho biết, mẹ Suốt đã dũng cảm chèo đò qua sông Nhật Lệ, chuyên chở bộ đội, hàng hóa, vũ khí từ bờ bắc sang bờ nam, trung bình mỗi năm 1.400 chuyến đò, trong đó có một chuyến được ví là chiến công oanh liệt của mẹ Suốt. Đó là ngày 7-2-1965, máy bay Mỹ ào ạt đến đánh phá Đồng Hới. Không bị bất ngờ, cả quê hương nhất tề chiến đấu. Dưới làn mưa bom bão đạn, mẹ chèo đò đưa cán bộ, bộ đội sang sông. Bất chấp những cú bổ nhào của máy bay Mỹ, đạn rốc két, đạn pháo 20ly xối xả chặn mũi lái, mẹ vẫn vững tay chèo. Những người trên đò của mẹ trong giờ phút nóng bỏng này không thể quên được khí thế hùng dũng của mẹ lúc ấy, khuôn mặt bừng lên đanh thép, bộc lộ lòng căm thù cao độ, cử chỉ nhanh nhẹn, mạnh mẽ đến nỗi không còn ai nghĩ rằng đó là một phụ nữ đã gần 60 tuổi. Hành động quyết liệt của mẹ như một sức bật tổng lực dồn vào cây chèo, đẩy con thuyền vượt lên bám các tàu chiến của thủy quân ta đang di chuyển để đánh trả máy bay Mỹ, để tiếp đạn và đưa thương binh vào bờ. Cho đến bây giờ, những người đã từng trực tiếp chiến đấu và từng chứng kiến sự kiện xảy ra sáng hôm đó cũng không thể hình dung được vì sao, giữa dòng Nhật Lệ lúc đó là một biển lửa, vô vàn những cột nước đen do bom đạn dày đặc tung lên, cả không gian như bị xé toạc ra, bởi những tia chớp của tên lửa… mà mẹ Suốt xông pha vào đó như đi vào chỗ thinh không. Rồi sau trận ấy, con đò của mẹ vẫn tiếp tục đêm ngày đưa bộ đội sang sông.
Khi được nghe kể lại về chiến công của mẹ, nhà thơ Tố Hữu đã phải thốt lên: "Gan chi, gan rứa, mẹ nờ?/ Mẹ rằng: cứu nước, mình chờ chi ai?/ Chẳng bằng con gái, con trai/ Sáu mươi còn một chút tài đò đưa/ Tàu bay hắn bắn sớm trưa/ Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò…".
Ngày 1-1-1967, mẹ Suốt được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau khi được tuyên dương Anh hùng, mẹ Suốt được ra Hà Nội gặp Bác Hồ, tham dự nhiều cuộc hội họp, tiếp xúc nhiều đoàn đại biểu… nhưng mẹ cảm thấy không thể xa con đò, bến nước và dòng sông Nhật Lệ. Với ý nghĩ mình sẽ xuống đò cầm lại mái chèo để thay các o dân quân lên bến có thể thêm một tay súng bắn máy bay Mỹ, mẹ tìm gặp Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh Quảng Bình đề đạt nguyện vọng chính đáng đó. Sau khi được chấp nhận, chiều ngày 2-8-1968, mẹ chia tay đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Bình, trở lại Bảo Ninh tiếp tục việc chèo đò. Con đò sang sông Nhật Lệ bấy giờ đã sơ tán lên bến mới cách bến đò cũ hơn 5km về phía nam, chỗ đối diện với phường Phú Hải ngày nay. Khi bước lên khỏi đò, thì bất ngờ một loạt bom bi Mỹ rải xuống, mẹ Suốt đã hy sinh.
Hiện nay, cách bến đò ngày xưa mẹ Nguyễn Thị Suốt chèo khoảng 50m là tượng đài mẹ Suốt anh hùng của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến. Tượng mẹ đứng nhìn ra sông Nhật Lệ, cao 7m, bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa, hai tay mẹ cầm chắc mái chèo vươn giữa trời mây, sóng nước, bom thù dội, đan cài tấm khăn dù trên vai và tà áo giao thoa cùng sóng biếc cuộn dâng, với hình ảnh bộ đội, dân công, thanh niên xung phong vây quanh. Công trình tượng đài này được dựng vào ngày 2-9-2003, tôn vinh mẹ Suốt anh hùng.