Nghe tin lão Cò bị tai nạn giao thông đã nằm viện mấy ngày, nay vết thương đã khá nên được về nhà dưỡng thương, bác Thảo Dân lật đật đến hỏi thăm. Hai chân và tay phải lão Cò quấn băng trắng toát, mặt mũi tím bầm, nom sắc mặt lão thất thần như vừa lôi từ dưới đất lên, sợ lắm. Giọng bác nghẹn lại:
- Lão đi đứng thế nào mà nên nông nỗi này? Xe ô tô của lão bị người ta đâm phải à?
Lão Cò cười như mếu:
- Nếu đi ô tô thì đã chả thế này. Hôm rồi thằng cháu giao nhiệm vụ xuống Hà Nội tìm gặp một số đối tác làm ăn. Hưởng ứng lời kêu gọi của ông Bộ trưởng Giao thông họ Đinh mọi người đi lại trong thành phố nên sử dụng dịch vụ công. Nghe nói ông ấy cũng đã đi xe buýt mấy lần rồi, đâu phải như mọi người nói, cũng dễ chịu lắm. Tôi bỏ xe bên ngoài thành phố cùng cậu lái xe nhảy lên xe buýt.
- Thế là bị cánh trẻ chen lấn đạp cho gãy cẳng chứ gì?
- Không, chỉ sái cánh tay và bị bọn trộm móc mất ví thôi…
- Khổ, tiền mất tật mang - Bác Thảo Dân thở dài - Còn chân tay băng bó thế này là sao? Đánh nhau với bọn trộm à?
Lão Cò thở dài, lắc đầu, im lặng một lúc mới nói:
- Tôi biết có kẻ móc ví, đã túm được tay tên trộm đó rồi, nhưng biết trong ví chỉ để mấy trăm ngàn lẻ tiêu vặt nên buông ra. Còn như hôm ấy tôi giằng co với tên trộm, chưa biết chừng còn bị đồng bọn lao vào cho mấy quả đấm để giải thoát đồng đội có khi vỡ đầu thật...
- Chất lượng dịch vụ công như vậy thì ai dám đi? Phải xem lại lời ngài Bộ trưởng họ Đinh. Còn những vết thương này là sao?
- Bị xe máy lao vào đấy! Lão Cò thở dài- Khi vừa bước xuống vỉa hè đi bộ được vài chục bước thì hai chiếc xe máy từ dưới lòng đường lao lên. Tôi ngã khuỵ xuống, con bé mặc váy lồm cồm bò dậy đỡ tôi đứng lên nhưng tôi không đứng được. Cô ta than thở: Cháu xin lỗi bác, tại giải phân cách mới dựng lên kia để "cưỡng chế" người đi xe máy đi đúng phần đường của mình. Mà không phải cháu, cái thằng đi sau nó lao vào giải phân cách rồi va vào cháu đấy chứ...
- Thế là tai nạn chồng tai nạn - bác Thảo Dân thở dài - Mà sao lại phải dựng giải phân cách cứng giữa lòng đường?
- Đó là "phát minh" của Sở Giao thông Hà Nội, sáng kiến của các tiến sĩ tại chức sáng suốt của thủ đô ta đấy. Đường đã hẹp, họ lại dựng giải phân cách để "cưỡng chế" xe máy đi đúng phần đường mới nên nông nỗi này. Chỉ mấy ngày thôi mà có đến vài chục người phải nhập viện. Để bảo vệ người đi bộ có lẽ họ lại dựng giải phân cách để "cưỡng chế" tiếp người đi bộ đi đúng phần đường trên vỉa hè cũng nên?
Bác Thảo Dân cười rũ rượi, chợt bác nổi khùng:
- Thế gọi là phát minh à? Phát minh để giảm tai nạn, hoá ra lại tăng tai nạn là sao? Bây giờ tôi mới hiểu, còn nhớ cái ông lãnh đạo ngành gì đó của Hà Nội mấy năm trước có nói: Chỉ người có bằng tiến sĩ mới có "ý tưởng đột phá". Dựng giải phân cách để "cưỡng chế" xe máy đi đúng phần đường của mình của Sở Giao thông Hà Nội phải được gọi là "phát minh" vĩ đại nhất của ngành giao thông ở nước ta. Đây là "ý tưởng đột phá" đấy lão Cò ạ…
- "Phát minh" vĩ đại ấy, chắc họ sẽ đăng ký dự giải No ben thế giới năm sau…