Mấy cái lão cả đời chả thèm đọc một cuốn sách, đến lúc gần đất xa giời bỗng đốc chứng đốc nết đái tật làm thơ. Thơ của các lão chả ra con cóc, con ếch, con nhái hay con chẫu chuộc, đọc lên chả hiểu ra làm sao. Thôi thì thế giới tâm hồn, đa dạng phong phú, tự do tư tưởng, có loạn ngôn chút xíu nhưng nhờ vậy mà đám thị dân vỉa hè mới có cái để mà loạn đàm, để mà hở mười cái răng, rồi vả nhau đến vỡ mồm. Thơ cũng đa dạng như xe máy vậy, vô vàn kiểu cách, có khi mang tên hãng sản xuất, có khi chỉ mang cái tên vớ vẩn nào đấy. Nào là Drem, Suduki, Piuchờ, Môbilét cá ươn, cá xanh, cá xám, nào Babétta, Sim Son, Pơ Giô 102,103,104…, khó ai am tường hết, kể cả các bác thợ lành nghề. Từ khi có cái anh xe Tầu tràn ngập lãnh thổ Việt Nam thì tên hiệu nhãn mác càng tạp pí lù hơn nữa và tai nạn giao thông cũng từ đấy gia tăng.
Nước ta là vương quốc của thơ ca và xe máy. Tiện lợi của xe máy thì rõ rồi. Gây tai nạn, gây ùn tắc thì rõ rồi. Nhưng cũng nhờ có cái anh Tầu bán xe sang ta giá rẻ rề mà dân nghèo mới có cái xe máy mà đi, chứ thời kì đầu thập kỉ 90 thế kỉ 20, giá chiếc xe Drem Thái Lan bán ở Sàigòn tới giá 10 cây vàng, người dân thu nhập trung bình cũng chả mua nổi. Xe Tầu tràn sang khai sáng văn minh xe máy, kích cầu công nghiệp sản xuất và lắp ráp xe nội địa nên bây giờ ta mới tự chủ được việc “cung” loại phương tiện cá nhân tuyệt vời tiện lợi này. Ông anh vĩ đại sau khi đã “vực” được ngành công nghiệp XM thằng em dậy thì hầu bao chắc cũng kha khá, hậu quả là thằng em trở thành vương quốc xe máy, ùn tắc và tai nạn giao thông. Không có ông anh hỗ trợ, thằng em chắc còn lạc hậu dài dài. Thằng em có nền kinh tế phát triển hoang dại, định hướng quái gở nên ông anh dễ dàng treo bùn đỏ lên đầu, thắng thầu bao nhiêu là dự án làm lợi cho “mẫu quốc” thiên triều. Bây giờ dân nước này đang chai lì ra trước muôn vàn hiểm họa đang rình rập từ bốn phía.Cứ gào tướng lên về bệnh dịch ở chỗ nọ, sập lò ở chỗ kia chết bao nhiêu người, còn mỗi ngày hai, ba chục người chết vì tai nạn giao thông thì xem như bình thường, chuyện thường ngày ở huyện!
Thơ ca thì có các nhà xuất bản to tổ bố hậu thuẫn, bán giấy phép vô tội vạ để kiếm ăn nên mới được in ra nhiều thế. Mai đây, không biết trong kho tàng thư viện có bao nhiêu thơ rác, dọn dẹp bao lâu thì mới sạch. Nó gây tai nạn, ùn tắc trong văn hóa đọc.
Bây giờ là thời đại ùn tắc những biện pháp chống ùn tắc. Gần đây có ông sếp còn khá trẻ mới được đề bạt lên chức to tướng đã chủ quan nói như bố con chó xồm, đại loại rằng để giảm ùn tắc giao thông thì phải giảm (đại ý là cấm) phương tiện cá nhân. Phương tiện cá nhân ở đây là cái gì, xe đạp, xe máy, xe ba gác, hay xe bốn chỗ ngồi của cá nhân không thuộc vận tải công cộng? Tại sao cứ lập lờ, không nói toẹt ra là xe máy cho dễ nghe ? Ông ta cũng chỉ là một nốt nhạc nhỏ nhoi trong bản hòa tấu trống đánh xuôi kèn thổi ngược của nền kinh tế, của các giải pháp không khả thi, chả giải quyết được cái gì. Vẫn lại lối tư duy cũ, “bình mới, rượu cũ”. Cái gì không quản lí được thì…CẤM!
Thơ ca cũng vậy, có lẽ phải cấm in các loại thơ không có người đọc. Thơ in ra phải được thẩm định tử tế bởi một hội đồng hoạt động độc lập với nhà xuất bản (không thuộc bộ văn hóa TT&DL) và hội đồng này phải chịu trách nhiệm trước bạn đọc, phải nghe dư luận phê phán, chỉ trích trên hệ thông truyền thông.
Xe máy và thơ ca, thơ ca và xe máy, đông như quân Nguyên. Phải làm sao đây hỡi những nhà quản lí đại tài chuyên bốc phét!?