Con người là một đối tượng phong phú, phức tạp và đấy bí ẩn của văn chương – nghệ thuật. Thế hệ những người cầm bút xưa nay đã dành không ít thời gian và tâm huyết cho việc tìm hiểu con người…. Trên bước đường khám phá âm thầm nhưng không ít gian truân ấy của nhà văn, có một, tất nhiên là trong số rất nhiều vấn đề được đặt ra: Văn chương nên nói về cái tốt hay cái xấu của con người và cái nào cần nói nhiều hơn? Đã không ít ý kiến bàn luận về vấn đề này, tôi tâm đắc con đường hoạt động văn chương – nghệ thuật của Nhà văn Hoàng Đình Quang qua quá trình lao động miệt mài bằng những tác phẩm có giá trị cống hiến cho đời.
Hoàng Đình Quang có những tác phẩm đã xuất bản: Những ngày buồn- tiểu thuyết (1992 – giải thưởng tổng liên đoàn Lao động Việt Nam 1998), Cánh đồng lưu lạc- tiểu thuyết (2005- giải thưởng hội Nhà văn ), Xuân lộc – tiểu thuyết (2006 – Bằng khen Bộ quốc phòng), Phản trắc – tiểu thuyết( 2006), Mùa chim ngói- tập truyện ngắn (1995), Thời loạn- tập truyện ngắn (1997), Phiên chợ tết cuối cùng- tập truyện ngắn (2002), Thua thắng nghề buôn – tập truyện ngắn( 2 tập- 1999), Học làm giàu từ những doanh nhân khổng lồ ( truyện 2 tập – 2004), Nói thầm – thơ (1991- giải thưởng Hội Nhà văn và Bộ quốc phòng năm 1994), Hát chẳng theo mùa- thơ ( 2009)…
Ý kiến trên đây của tôi là có cơ sở, không chỉ trên phương diện lý luận mà trên cả thực tế văn chương, nó được đúc kết từ sự trải nghiệm của một nhà văn tài năng có bản lĩnh. Cũng cần nói thêm, Hoàng Đình Quang là một trong số những Nhà văn có những công trình đóng góp cho xu hướng đổi mới trong văn học. Tiểu thuyết “Cánh đồng lưu lạc” (2005) là một minh chứng. Số phận con người trong “Cánh đồng lưu lạc” của Hoàng Đình Quang có một bước tiến từ trên nền hiện thực tăm tối những năm 1930 – 1945. Nếu như các nhà văn: Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan… luôn lên tiếng bênh vực các nhân vật có số phận bi đát của mình bằng giá trị hiện thực đi cùng với giá trị nhân đạo trong mỗi tác phẩm. Thì số phận những con người trong “Cánh đồng lưu lạc” của Hoàng Đình Quang được ra đời trong một bối cảnh xã hội loạn lạc vào thời kỳ kháng chiến chống pháp cũng rất bi đát và đau thương. Thật ra bất cứ tác phẩm nghệ thuật chân chính nào, giá trị hiện thực bao giờ cũng đi liền với giá trị nhân đạo. Tác phẩm càng xuất sắc, những giá trị ấy càng thẩm thấu, thống nhất nhau và khó tách rời. Cánh đồng lưu lạc của Hoàng Đình Quang cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Bởi vì nội dung phản ánh ( và tiếp nhận)- yêu thương, trân trọng hay căm ghét, khinh bỉ? Tách riêng ra hai giá trị là làm phá vỡ sự gắn liền hữu cơ của một chỉnh thể nghệ thuật vốn dĩ thống nhất. Phải nói rằng: Số phận con người trong “Cánh đồng lưu lạc” cũng là đúc kết từ giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực của đời sống. Vậy số phận những con người ấy sẽ đi về đâu hay lại bị đẩy vào “bước đường cùng” không lối thoát như Anh Pha, chị Dậu, Chí Phèo…?
Cái mong manh của tình yêu, của cuộc đời, cái thiết tha mộc mạc trong từng lời đối thoại, cái đau đớn khi chị Nga phải gượng ép…gói gọn trong những câu với nét đơn thuần Việt Nam như thế, chắc chỉ có cụ Nguyễn Du mới “thả” ra một cách nhẹ nhàng như thế thôi. Định mệnh của một đời người “Bắt phong trần mới được phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Đỉnh cao nhất của Cánh đồng lưu lạc là xoay quanh số phận và cuộc hành trình lưu lạc của nhân vật Nga. Nhà văn Hoàng Đình Quang đã khéo léo xây dựng nhân vật Tôi đi theo suốt cuộc đời của Nga, để đồng cảm chia sẻ với “chị Nga” , có lúc lại thân thiết như một người yêu của chị. Lối tự truyện này rất thành công, tôi hiếm gặp ở các tiểu thuyết khác. Nói gì thì nói, rốt cuộc tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc vẫn đưa chúng ta trở về với vấn đề muôn thuở mà ở phương Đông ta quen diễn tả bằng hình ảnh hai cánh cửa của đời người, cửa sinh và cửa tử. Không ai thoát khỏi hai cánh cửa ấy: “sinh tử quan đầu mạc năng độ”. Sự khác nhau có lẽ tuy ở cách nhìn và những người đạt đạo, chứ không nhất thiết là có tín ngưỡng, sẽ nhìn một cách nhẹ nhàng hơn là người “tham sinh úy tử”. Hoàng Đình Quang lại không phải là một nhà văn “đắc đạo” nhưng Anh vẫn có cái nhìn tinh tế, nhạy cảm trước mọi biến thiên của cuộc sống. Chỉ một lối tự truyện bằng nhân vật Tôi đã cho thấy một tâm hồn đồng cảm, muốn đi sâu vào quần chúng nhân dân để hiểu. Các nhân vật được nhà văn miêu tả hết sức khách quan về cá tính, từ đó Hoàng Đình Quang xoáy sâu vào số phận con người một cách tự nhiên, như thể là người trong cuộc. Dẫn dắt vấn đề miêu tả không gian, quang cảnh làng quê Sơn Cốt rồi đến những con người ngụ cư( đây là sự di chuyển loạn lạc của cuộc chiến tranh chống Pháp); mục đích cuối cùng của Hoàng Đình Quang là đưa người đọc tới “hai cánh cửa của cuộc đời”.
Nhà văn Sê Khốp đã từng nói: “Mỗi nhà văn chân chính phải là nhân đạo từ trong cốt tủy”. Điều này rất đúng với Hoàng Đình Quang. Trên mỗi trang sách của anh luôn luôn có một trái tim đập thổn thức trước nỗi đau của con người và tấm lòng trân trọng trước vẻ đẹp của họ. Tôi nhớ, nhà văn Nguyễn Khải đã từng đưa ra triết lý: “ Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những đau thương gian khổ. Ở đời không có con đường cùng mà chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy” (Mùa lạc). Để thực hiện chức năng “nhân đạo hóa” con người, văn chương trước hết phải giúp cho con người nhận thức và tự nhận thức. Nhà văn Hoàng Đình Quang đã giúp người đọc có niềm tin vào sự sống, biết hy vọng vào ngày mai trong mỗi trang văn “Cánh đồng lưu lạc”…
Tuy nhiên, nếu chỉ nói về cái tốt thì vô tình văn chương đã làm cho con người, chỉ thấy một nửa sự thật về con người mình. Lỗ Tấn đã không ngần ngại chỉ ra cho người dân Trung Quốc tiếng nói riêng và nhân loại nói chung một thói tật của con người, một căn bệnh, đó là “phép thắng lợi tinh thần”. Sê Khốp qua những trang viết của mình muốn nói thẳng với mọi người : “Hãy nhìn xem chúng ta đã sống tồi tệ như thế nào” (Lời Sê Khốp nói với một sinh viên). Vũ Trọng Phụng với những chân dung biếm họa đã lên án cái kệch cỡm, cái thớ lợ của con người. Raxputin trong “hãy sống và nhớ lấy” muốn nói với chúng ta rằng: Con người cũng có khi hèn nhát như Anđrây Gux cốp và đó là đầu mối của những bi kịch cho chính mình, những người xung quanh. Hoàng Đình Quang cũng không ngần ngại nói lên cái xấu của con người trong tác phẩm của mình. Đó là tấn bi kịch tinh thần của Nga với bố chồng trong tình cảnh loạn luân. Sự ra đời của thằng Hận là kết quả của quá trình loạn luân giữa bố chồng – con dâu. ( Cánh đồng lưu lạc).
Văn chương xưa nay nói nhiều đến cái đẹp, mà Nguyễn Tuân gọi là “thiên lương” của con người. Cái phần tốt đẹp trong mỗi con người dù rất nhỏ cũng làm cho Nhà văn Hoàng Đình Quang đưa vào các sáng tác của mình. Trong cái cõi “trần gian chật hẹp” ấy có cả những nỗi đau đời từ câu chuyện chứng kiến, Hoàng Đình Quang vẫn phát hiện ra cái phần tốt đẹp còn rơi rớt lại trong lương tri của con người. Đó là “Phản trắc”- hai mặt tối- sáng của xã hội loài người.
Nếu như văn học của ta trong những năm chiến tranh nói nhiều đến những cái đẹp trong tâm hồn con người. Điều những người cầm bút trong chiến tranh chú ý khai thác, ấy là sự hy sinh hạnh phúc cá nhân cho vận mệnh dân tộc “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau” ( cuộc chia ly màu đỏ - Nguyễn Mỹ). Đó là sự cao thượng: Sẵn sàng tha thứ của Lượng ( Thư nhà- Hồ Phương), đó là việc tìm thấy niềm vui trong chiến đấu của chị Sứ ( Hòn đất- Anh Đức), chị Út Tịch ( Người mẹ cầm súng- Nguyễn Thi)…..Thì sống trong không khí hào hùng của đất nước, Hoàng Đình Quang cũng đi sâu vào mỗi trang văn trong tiểu thuyết “Xuân lộc” thể hiện cái tốt đẹp của con người. Nội dung tiểu thuyết xoay quanh trận chiến đấu Xuân Lộc diễn ra vào tháng 4/ 1975. Tiểu thuyết mang đậm tính sử thi. Có những trang văn trong cách xưng hô giữa những người sĩ quan không giống như trong quân đội, mà Hoàng Đình Quang để cho nhân vật xưng hô chàng- nàng như trong truyện cổ tích. Điều này thể hiện sự lãng mạn mà ta hiếm thấy, góp phần tôn vinh cái đẹp, cái cao cả ngay trong chiến tranh. Chúng ta chấp nhận thứ văn chương như thế trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng sự kéo dài của thứ văn chương nghiêng về ca ngợi, trong bối cảnh của đời sống bình thường lại dẫn đến sự nghèo nàn, đơn điệu, sự thiếu phong phú cho diện mạo của một nền văn học. Khi cuộc đời tiếng súng đã dứt và bom không nổ nữa, người đọc thấy văn chương xa lạ đến với mình. Cuộc sống bề bộn, bên những người có nhiều phần tốt đẹp là những kẻ ít tính người. Chẳng hạn như những viên tướng Việt Nam Cộng Hòa nào, Hoàng Đình Quang cũng phong cho họ biệt danh: “ nổi tiếng tham nhũng”. Đó cũng là sự song hành giữa cái đẹp và cái xấu trong trang văn của Nhà văn Hoàng Đình Quang.
Những điều tôi bàn trên đây mới chỉ xét trên phương diện “miêu tả” cái tốt hay cái xấu, điều quan trọng trong sáng tác văn học chưa hẳn ở chỗ viết về cái gì? Phản ánh để làm gì? Câu hỏi có lẽ còn khó trả lời hơn bản thân sự phản ánh. Sẽ sai lầm nếu cho rằng Hoàng Đình Quang phản ánh để mà phản ánh… Đừng bao giờ lấy đề tài ra làm chuẩn mực để đánh giá văn chương. Sai lầm lớn của chúng ta là thẩm định giá trị văn chương qua đề tài. Điều nhà văn đề cập trong tác phẩm có thể là cái xấu xa nhưng mục đích hướng tới của người cầm bút lại là cái “cao thượng”, cái tốt đẹp và thủy chung kia. Hoàng Đình Quang khi viết “Phản trắc” đã nói lên cái xấu xa của những con người “trở mặt như bàn tay”, họ không đủ bản lĩnh để sống với cái tôi của mình, nhưng tác phẩm không vì thế mà thành xấu. Người đọc vẫn đọc, vẫn yêu “Phản trắc” bởi tấm lòng của Nhà văn, dụng ý của nhà văn là muốn hướng tới cái Đẹp. “Phản Trắc” đặt ra một vấn đề nhức nhối, đó là sự xuống cấp của đạo đức xã hội, nhưng tác phẩm không chỉ dừng lại ở sự phản ánh đơn thuần. Nhà văn muốn cảnh tỉnh con người, hướng con người tới lối sống tốt đẹp hơn…
Tác phẩm của nhà văn sẽ có ích cho đời nếu nhà văn có những mong muốn tốt đẹp, hướng con người tới sự hòa thuận dù điều tác giả nói đến trong trang viết là tốt hay xấu. Hoàng Đình Quang đã viết về cái tiêu cực trong “Phản trắc” với một thái độ tích cực. Anh nói về cái xấu với một dụng ý đẹp như Pauxtopxki đã nói “ Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp”. Dù viết về cái gì, văn chương chân chính cũng đều hướng tới con người.
Nhà văn chân chính phải là người ý thức được thiên chức của mình trong quá trình sáng tạo là “nâng đỡ cái phần tốt đẹp để trong đời có nhiều công bằng và yêu thương hơn”. Điều này không là ngoại lệ với Hoàng Đình Quang. Giữa những trang viết về sự xấu xa, hèn hạ của con người mà có một số người không chịu được về sự loạn luân giữa bố chồng nàng dâu ( Cánh đồng lưu lạc), Hoàng Đình Quang vẫn có niềm tin vững trắc vào con người. Ở trong tiểu thuyết “Những ngày buồn”, niềm tin càng mãnh liệt, thể hiện thiên tính của người cầm bút mang giá trị nhân văn cao cả. Chính điều này đã cho sáng tác của Hoàng Đình Quang cái làm cho những người muốn phủ nhận phải suy nghĩ…
Phải có tấm lòng, nhưng để trở thành “nhà văn” còn phải có tài năng. Chỉ có tài năng mới có thể làm cho những trang viết đi vào lòng độc giả và sống mãi với thời gian…. Tuy nhiên như thế chưa đủ. Cuộc sống và nghề văn đòi hỏi người cầm bút còn phải có bản lĩnh. Viết về cái tốt thì dễ được chấp nhận, nhưng viết về cái xấu đâu phải ai cũng dễ bằng lòng. Phải là một nhà văn có bản lĩnh như thế thì Hoàng Đình Quang mới sống và viết được đúng với cái tôi của chính mình. Nhân vật “Tôi” trong “Cánh đồng lưu lạc”, tôi cho rằng đó là sự “hóa thân” của Hoàng Đình Quang. Có như vậy thì tác giả mới dễ dàng đi sâu vào từng ngóc ngách đời sống nhân vật của mình được. Ta hiểu được vì sao nhiều nhà văn dám đi vào những vấn đề nóng bỏng nhức nhối của cuộc đời, như Ma Văn Kháng trong “đám cưới không có giá thú”, như Tạ Duy Anh dám “bước qua lời nguyền”. Còn Hoàng Đình Quang thì dám dấn thân vào “Thời loạn” (Tập truyện ngắn- 1997).
Cuộc sống bao bon chen, tất bật, cuộc sống khắc nghiệt và đầy lo toan, cuộc sống đôi khi khiến ta nghẹt thở… Ta tìm con người đích thực của ta đâu đó trong những ranh giới của thực và ảo… Những tâm hồn gặp gỡ nhau rồi vỡ òa trong dòng cảm xúc, trong những tâm sự đời thường, cuộc sống bỗng thăng hoa, lung linh sắc cầu vồng xoa dịu đi bao nghiệt ngã ngoài kia và ngời lên sắc hồng của yêu thương, màu xanh của niềm hy vọng. Đó có thể là sự trăn trở của một tâm hồn suốt đời vì tình yêu văn chương và cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn chương. Không chỉ thành công ở lĩnh vực văn : Tiểu thuyết và truyện ngắn, Hoàng Đình Quang còn thể hiện mình trong lĩnh vực thơ ca. Hai tập thơ: Nói thầm và Hát chẳng theo mùa làm tôi phải thốt lên: Làm sao không nhớ, không yêu một Nhà văn như thế ! Đó là những giây phút lắng đọng của cuộc sống hay là nước mắt rơi cho tâm hồn thi sĩ, nhạy cảm của mình. Tôi cho thơ của Hoàng Đình Quang là kết tinh của một tâm hồn đa cảm trước mọi diễn biến của cuộc sống bề bộn, giữa dòng đời ngược xuôi. Ấy thế mà Hoàng Đình Quang từng “bao biện” cho mình trước những vần thơ anh viết ra:
“Xin em đừng tin câu thơ tôi viết
Con chim vu vơ hát chẳng theo mùa”
(Lời đề từ tập thơ “hát chẳng theo mùa”)
Câu thơ như ám, như mê hoặc người ta nhập vào cái chập chờn, huyền ảo của thơ ca. Không cầu kỳ câu chữ, giản dị tới mức tối đa …tất cả như được bao bọc trong một trạng thái “vu vơ” đến chênh vênh tâm hồn. Thì đó chính là cái nghệ thuật của người làm thơ. Đó chính là sức quyến rũ người thưởng thức thơ. Hoàng Đình Quang là một nhà thơ có cái tài như thế! …
Dòng đời cuộn xô cuốn ta đi mãi, ta là gì trong cuộc đời, ta đã làm gì có ý nghĩa trong cuộc đời? Những câu hỏi ấy không chỉ một lần đặt ra trong cả bạn và tôi… Bạn sẽ lắng hồn lại, sẽ trầm ngâm và cảm thấy yên bình khi được nghe những ca khúc mà Hoàng Đình Quang phổ. “Lời biển” như muốn đưa ta về với xứ Nghệ “muối mặn gừng cay”, “Phan Thiết mùa đông” như ru hồn người thoát khỏi sự giá băng không lối thoát, “Em đi qua con đường xưa” gây xôn xao kỷ niệm nơi ký ức với tất cả những ai đã từng nghe ca khúc. Cảm giác chạm vào ký ức của ta hoặc của người quanh ta niềm xúc động được gặp một tâm hồn đồng điệu mà cả hai cùng rung lên cung bậc của sự đồng cảm trong cách nghĩ, cách cảm…Ta bỗng chợt vui, chợt buồn trong dòng sông ký ức ấy… bỗng nghẹn lại trong cảm xúc rất dịu ngọt, bỗng run rẩy bởi những vẻ đẹp của cuộc sống được biểu lộ một cách chân thực, giản dị và đôi khi mang màu sắc triết lý nhẹ nhàng trong cái vỏ bọc ngôn ngữ chân phương, không gân guốc cũng không màu mè khi tiếp xúc với thi sĩ Hoàng Đình Quang.
Có những điều trôi qua, có những tình cảm trôi qua và có những thứ đọng lại trong ta đó là nỗi nhớ, lòng khâm phục, là cả tình cảm quý mến sánh ngang với thứ tình cảm của ta dành cho một người anh, người Thầy khi đọc những trang văn, vần thơ của Hoàng Đình Quang. Chúng ta đã qua cái “thời xa vắng”. Cuộc sống của bạn đọc đang cần sự có mặt của nhà văn trong công cuộc đổi mới, nhất là những nhà văn trẻ. Vì thế, ta cần lấy đó làm “khuôn mẫu” để phát huy mọi giá trị văn chương đích thực cho đời.
Ngày 04/09/2011
T.H.N