THỬ BÀN VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA NHỮNG “NGƯỜI ĐI TRƯỚC” TRONG VIỆC TÌM KIẾM VÀ DÌU DẮT NHỮNG CÂY BÚT TRẺ HIỆN NAY QUA TRƯỜNG HỢP THƠ VÀ NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ THƠ CỦA VI THÙY LINH
(Viết nhân dịp sắp đến Đại hội Những người viết văn trẻ toàn quốc lần VIII)
Ai quan tâm đến đời sống văn học mà không vui, không mừng khi thi đàn xuất hiện một Vi Thùy Linh rất đổi chân thành, khát khao và đam mê, sống chết với thơ trong những năm gần đây. Nói gì thì nói trong tình hình hiện nay việc tìm ra một cây bút trẻ sẵn sàng sống chết với nghề văn nói chung với nàng thơ nói riêng như Vi Thùy Linh là vấn đề vô cùng khó khăn. Cho nên, chỉ với mỗi điều này thôi cũng đủ để chúng ta phải ngã mũ khâm phục chị. Tuy nhiên, nếu như bắt chước cách nói của cố nhà thơ Phùng Quán là: “có những phút ngã lòng, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy” thì thơ Vi Thùy Linh liệu có câu nào “đủ sức nặng”, “đủ sức nâng đỡ” để người đọc có thể “vịn” vào và đứng dậy trong những lúc “ngã lòng” hay không? Theo tôi điều này hơi khó nếu không muốn nói là rất khó.
1. Thơ Vi Thùy Linh - còn lại gì ngoài cảm xúc yêu đương và những lời nhận xét “có cánh”?
Đọc lại thơ Vi Thùy Linh có thể thấy, thơ chị chủ yếu viết về đề tài tình yêu, cảm xúc trong thơ Linh chủ yếu là cảm xúc của người phụ nữ, của nhân vật “Em” xung quanh vấn đề khát khao được yêu, khát khao được bộc lộ những cảm xúc chân thành và trần tục của con người khi yêu. Có thể nói đây là thế mạnh, là sở trường của Vi Thùy Linh; là “cơ sở” và “tiền đề” giúp Vi Thùy Linh tạo được “tiếng vang” trên thi đàn những năm qua; được không ít người gọi đó là “hiện tượng thơ”, là “biểu tưởng giải phóng phụ nữ” hay thậm chí là “huyền thoại” nữa. Ở chừng mực nào đó những phát biểu ca ngợi thơ Vi Thùy Linh như thế không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, nếu bình tâm ngẫm lại sẽ thấy có một cầu hỏi đặt ra là “hiện tượng thơ” Vi Thùy Linh những năm đầu thế kỷ 21 gần như không tạo được một “hiệu ứng” nào đáng kể cả trên thi đàn và ngoài xã hội. Hơn 10 năm kể từ khi “hiện tượng thơ” này xuất hiện hình như quanh đi quẩn lại vẫn chỉ thấy Vi Thùy Linh lặng lẽ và cô độc, “một mình một ngựa” trên thi đàn dù rằng cũng có không ít người trong giới lên tiếng ủng hộ nhưng tiếc thay đó cũng chỉ là những “lời nói gió bay”? Điều này không giống với những “hiện tượng thơ” những năm 1930 của thế kỷ trước như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính… đã tạo nên hiệu ứng rất mạnh mẽ với vô số nhà Thơ mới chịu ảnh hưởng và viết theo. Dĩ nhiên nếu chỉ làm một so sánh như này để rồi đi đến phủ nhận những đóng góp của thơ Vi Thùy Linh sẽ rất dễ rơi vào phiến diện và bất công với chị. Tuy nhiên, nếu như không so sánh để có cái nhìn mang tính lịch sử như thế thì sẽ là không công bằng và bất công đối với cha ông – những người vốn đã được công chúng và lịch sử văn học dân tộc thừa nhận như những thiên tài thi ca. Vì thế, liệu có thể xem Vi Thùy Linh như là “biểu tượng” hay “hiện tượng” hay “huyền thoại” thơ gì đó như cách nói của không ít người không?
Bên cạnh đó, nếu xem xét vấn đề này ở góc nhìn về những cái thiếu và cái yếu của các cây bút trẻ trên văn đàn hiện nay như phát biểu gần đây của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên là“Văn học nói chung, văn học trẻ nói riêng, không thể là một thứ viễn mơ, xa rời và thờ ơ với số phận nhân dân, dân tộc” [1] thì thơ Vi Thùy Linh sẽ như thế nào, thơ Vi Thùy Linh có những đóng góp gì cho văn học nước nhà những năm đầu thế kỷ 21 hay chỉ mới dừng lại ở mức độ “khuấy động” thi đàn mà thôi? Quả thật với góc nhìn này rất khó để đánh giá thơ Vi Thùy Linh nếu không bình tâm xem xét một cách chân tình và thấu đáo. Cho nên, từ những vấn đề trên phải chăng cần nên“chính danh” lại thơ Vi Thùy Linh là như thế nào đó để không rơi vào chủ quan (hoặc là phủ nhận hoặc là thổi phồng quá trớn)?
Có thể nói, nếu đứng ở góc nhìn đã làm nghệ thuật thì nhất định người nghệ sĩ phải có sự sáng tạo, tìm tòi để tránh giẫm đạp vào những lối mòn quẩn quanh thì không ai có thể phủ nhận đóng góp rất quan trọng của Vi Thùy Linh ở phương diện ngôn ngữ và cảm xúc thơ như nhận định của khá nhiều nhà nghiên cứu: thơ Vi Thùy Linh là “những trận bạo động chữ”, “thơ Vi Thùy Linh bời bời những chữ” [2], hay “Vi Thùy Linh là một cơn lốc, lốc ý tưởng, lốc chữ (chứa chất nổ), lốc tình cảm (đôi khi là khoái cảm)”[3]. Có thể nói đây là những “cái mới”, “cái lạ”, cái độc đáo của Vi Thùy Linh. Tuy nhiên, nếu đứng ở góc nhìn thẫm mĩ và văn hóa thì đối với văn học nghệ thuật nói chung, nếu chỉ dừng lại ở việc ca ngợi những “cái mới”, “cái lạ” thôi thì vẫn là chưa đủ. Chỗ này nói như giáo sư Lê Ngọc Trà là: “Văn học là tiếng nói bộc lộ cảm xúc con người về tự nhiên, về nhân thế, là cảm nhận của cá nhân về thế giới, là quan niệm - tư tưởng của nhà văn về nhân sinh - xã hội. Làm thơ, viết văn là thổ lộ một tâm trạng, nói lên một suy nghĩ nào đó hay kể một câu chuyện về đời người để mà nghiền ngẫm, chiêm nghiệm, để mà chia sẻ, cảm thông hoặc lên án, hoặc bày tỏ sự phẫn nộ của mình. Văn học là tình yêu cái đẹp, là nỗi đau của con người. Nó rộng và sâu hơn chuyện ca ngợi cái mới và chống tiêu cực nhiều”.[4]. Cho nên phải chăng thử thách lớn nhất của người cầm bút viết văn của mọi thời là phải làm sao chạm đến được những điều tưởng chừng như nhỏ nhất và riêng lẻ nhất của một cá nhân, một số phận nhưng đồng thời cũng là cái lớn nhất, quan trọng nhất, cái thống thiết và cấp bách nhất của cả dân tộc (hay rộng hơn là của nhân loại)? Ở góc nhìn này có thể thấy thơ Vi Thùy Linh thật sự chưa chạm đến được. Bởi như đã nói quanh đi quẩn lại thơ Vi Thùy Linh chỉ là những cảm xúc, những khát khao và đòi hỏi được yêu, được thỏa mãn với tình yêu của cá nhân người của “thiếu phụ hai mươi tuổi” mà thôi. Tiêu biểu như những cảm xúc trong bài thơ dưới đây:
Em ôm em ngủ mơ Anh
Em nhớ Anh nhiều lắm
Như chiếc lá trong mưa, em bé bỏng
Anh đi biền biệt bao ngày…
Quỳ trong đêm, em cởi mình
Những cơn gió lao đến bế thốc mùa thu đi
Những cánh tay chạm vào… em… run rẩy
Không phải tay Anh. Một mình em nức nở
……………………………………………
Quỳ trong đêm, em cởi mình!
(Nói với Anh)
Vẫn biết rằng những khát khao này là chính đáng và ở mức độ nào đó là mang đầy tính nhân bản nếu đặt trong cái nhìn cần phải có sự “bình quyền nam nữ” (– một yêu cầu tất yếu của thời đại dân chủ và văn minh ở những đất nước, những xã hội vốn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ mấy ngàn năm của văn hóa Trung Hoa nhiều khi rất bảo thủ). Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thì rất tiếc phải nói rằng tiếng nói và cảm xúc về tình yêu trong thơ Vi Thùy Linh lại rơi vào tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Tại sao lại như vậy?
Có thể nói trước 1930 “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu cũng chỉ chủ yếu viết về đề tài tình yêu (nam nữ) thế nhưng tình yêu trong thơ Xuân Diệu vừa là tình yêu của cá nhân ông nhưng đồng thời còn là tình yêu của của cả một thế hệ ông đang sống. Hơn thế nữa tình yêu trong thơ Xuân Diệu còn mang đậm dấu ấn của một cuộc cải cách văn hóa đánh dấu sự thức tỉnh và trỗi dậy rất quyết liệt và táo bạo của con người cá nhân ở Việt Nam (vốn bị kìm hãm, đè nén mấy ngàn năm bởi tư tưởng văn hóa Khổng - Mạnh). Ngoài ra, khi nói về tình yêu cá nhân Xuân Diệu không chỉ nói về những khát kháo cháy bỏng của riêng ông mà ông còn biết quan tâm đến những phận người khác trong xã hội. Xuân Diệu chân tình quan sát để cảm nhận và sẻ chia với những thân phận hẩm hiu quanh mình. Có lúc Xuân Diệu bảo mình “là một, là riêng, là thứ nhất” nhưng cũng có lúc Xuân Diệu lại “hóa thân”, “nhập vai” để chia sẻ với thân phận bèo bọt của người kỹ nữ:
Người giai nhân bến đợi dưới cây già
Tình du khách thuyền qua không buộc chặt
Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt
Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi
Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước
Xao xác tiếng gà, trăng ngà lạnh buốt
Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi
Du khách đi,
Du khách đã đi rồi!
(Lời kỹ nữ)
Cho nên, có thể nói chỉ cần duy nhất bài thơ Lời kỹ nữ thôi cũng đủ để cho Xuân Diệu trở thành bất hủ. Trong cái nhìn so sánh này có thể nói, đây chính là cái thiếu trong thơ Vi Thùy Linh. Thiếu ở tầm nhìn khái quát và thiếu một trái tim biết thổn thức và đa mang của người nghệ sĩ vốn sinh ra để phục vụ cuộc đời.
Có người bảo rằng thơ Vi Thùy Linh là “biểu tượng giải phóng phụ nữ”[5], điều này ngẫm lại là không chính xác. Phàm khi người ta nói đến ai đó làm một cuộc “giải phóng” cho ai đó, hay “giải phóng” cho cái gì đó nghĩa là trước đó chưa có người nào làm được. (Ví dụ nói cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã giải phóng đất nước thoát khỏi ách thực dân, Cách mạng tháng Tám và Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cho tinh thần và ý chí quật khởi của dân tộc trong đấu tranh giải phóng đất nước.) Cho nên nếu nói thơ Vi Thùy Linh là “biểu tượng giải phóng phụ nữ” thì chẳng lẽ chỉ khi Vi Thùy Linh xuất hiện thì tiếng nói “giải phóng người phụ nữ trong thơ” mới có sao? Chắc chắn là không phải. Vi Thùy Linh là thế hệ nhà thơ sinh sau 1975, trưởng thành trong những năm đầu thế kỷ 21, thơ Vi Thùy Linh nếu có chỗ nào cất lên tiếng nói giải phóng cho người phụ nữ thì cũng là sự tiếp nối, sự thừa hưởng thôi chứ nhất định không thể là “biểu tượng”. Hơn nữa từ góc nhìn văn hóa, xã hội thì từ những năm đầu thế kỷ 21 đến nay có lẽ không cần đến thơ Vi Thùy Linh thì người phụ nữ Việt Nam cũng đã có những bước đi để tự giải phóng mình rất lâu và rất quyết liệt rồi. Thậm chí hiện tại chuyện “giải phóng” này có khi đang bị lạm dụng bởi những suy nghĩ méo mó làm cho xã hội đang rất “khốn khổ” nữa là. Hãy nhìn các cô diễn viên và người mẫu thi nhau “cởi mình” hay tung phim sex lên mạng để đánh bóng tên tuổi; các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã “tập làm người lớn”, tập yêu đương, tập sống thử kiểu “tình một đêm” hay “tình cho không biếu không” thì biết… Cho nên ở chỗ này theo tôi lại chính là cái thừa của tiếng thơ Vi Thùy Linh. Bởi chẳng cần đọc thơ Linh các cô gái thời nay cũng tự nguyện “hăng hái” tự giải phóng những chuyện liên quan đến yêu đương với tình cảm của họ rồi. Phải chăng vì thế mà thơ Vi Thùy Linh khó tạo được “hiệu ứng” mạnh mẽ như thơ của các thi sĩ tiền bối?
2. Từ trường hợp thơ và những nhận định về thơ Vi Thùy Linh “những người đi trước” cần làm gì để phát hiện và nuôi dưỡng tài năng trẻ?
Như đã nói, những cái mới, cái lạ về cảm xúc và ngôn ngữ trong thơ Vi Thùy Linh cũng như sự chân thành, tinh thần dấn thân sống chết với thơ của Vi Thùy Linh là điều mà tất cả chúng ta phải tôn trọng, thừa nhận và tri ân chị. Tuy nhiên, không vì thế mà mọi vấn đề gì liên quan đến thơ Vi Thùy Linh chúng ta cũng tùy tiện tung hô một cách quá đà kiểu như: “Một dòng thi ca rất “Linh” chảy từ đời xưa đến nay để rứt ra một Vi Thùy Linh chuyển cõi bay lên chạm vào khối tinh tú cuồng dại. Ngôn từ, hình ảnh, âm nhạc, màu sắc quyện nhau tạo nên một thể phách bão tình cuồng say tinh anh. Nồng nàn và dữ dội, đắm đuối và kích động thơ Vi Thùy Linh tạo một dư chấn ám ảnh khôn nguôi”[6].
Xuất phát từ góc nhìn này, từ trường hợp cụ thể này, tôi cho rằng trong hoàn cảnh khan hiếm những tài năng văn chương, khan hiếm những “thần đồng” văn chương nước nhà như hiện nay thì những người làm công tác phát hiện và bồi dưỡng nhân tài văn chương - “những người đi trước” nhất định phải hết sức thận trọng và tỉnh táo trong việc “tìm kiếm” và “dìu dắt” những người viết văn trẻ. Không thể bốc đồng nếu chỉ vừa mới thấy cây bút nào xuất hiện là ngay lập tức buông ra những lời nhận định “có cánh” đại loại như: “hiện tượng”, “thiên tài”, “thần đồng”…. Hay ngược lại không thèm theo dõi, không thèm “để mắt” tới nếu như cây bút trẻ nào đó chưa biết “đặt mối quan hệ” với mình. Phải chân tình dìu dắt và chỉ bảo để những người viết trẻ không bị rơi vào trạng thái của sự ảo vọng hay tuyệt vọng khi cầm bút sáng tác. Bởi trên thực tế, có không ít “người đi trước” tuy là có công lớn trong việc phát hiện và dự báo về khả năng và thiên hướng văn chương của một cây bút trẻ nào đó nhưng rồi cũng chính “người đi trước” ấy vô tình giết chết cây bút trẻ bằng chính lời khen (nói như nhà văn Nguyễn Khải là “khen cho nó chết”) của mình trong lúc trà dư tửu hậu hay khi “máu nghệ sĩ” cao hứng nổi lên trong một phút trả lời phỏng vấn nào đó.
Một vấn đề nữa, có cảm giác hiện nay những “người đi trước” trong khi động viên những người viết trẻ thường hay phát biểu theo kiểu nước đôi và nhìn chung là rất chung chung. Đại loại khi thì một mặt bảo rằng người viết trẻ có “khả năng”, “viết được”, “viết khá”, “viết hay”, “viết đều”, “viết nữa đi” nhưng mặt khác lại bảo nhà văn trẻ “thiếu trải nghiệm cần thiết” hay, “chưa quan tâm đến những vấn đề sống còn của dân tộc, của đất nước…”. Thật lòng mà nói với những cách nói như thế này tuy không sai nhưng rồi cũng chẳng ai biết thế nào mà lần. Lẽ ra nếu nói là “hay”, là “được”, là “khá” thì “hay”, “được”, “khá” ở chỗ nào chỉ ra cụ thể? Hay “vấn đề sống còn của dân tộc, của đất nước hiện nay” là những vấn đề gì cũng phải nói cụ thể ra? Và quan trọng hơn làm thế nào để những cây bút trẻ có thể đưa những “vấn đề sống còn của dân tộc, của đất nước hiện nay” vào trang viết của mình bằng cái nhìn của người nghệ sĩ, bằng cái nhìn của văn học, của cái đẹp… chứ không phải là cái nhìn của nhà chính trị hay nhà xã hội học…? Nhất thiết ở chỗ này “những người đi trước” cần phải trao đổi và chỉ bảo một cách cụ thể chứ không thể cứ nói chung chung mãi.
Cuối cùng, có một vấn đề tuy là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng cũng không thể không đề cập lại đó là chuyện vinh danh cho người nghệ sĩ thông qua việc trao tặng, xét tặng các giải thưởng về văn học. Đừng nghĩ rằng chuyện này không liên quan hay không ảnh hưởng đến các cây bút trẻ. Thật ra nếu chúng ta làm không nghiêm túc, không đàng hoàng, không minh bạch những việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của những người viết trẻ bởi dù sao trái tim của người “nghệ sĩ” cũng nhạy cảm hơn so với những người bình thường khác. Cho nên, chắc chắn người viết trẻ sẽ hoang mang về cách nhìn cuộc sống từ những chuyện “lèm nhèm” (nếu có) này; sẽ hoang mang về cách ứng xử của “những người đi trước”; sẽ sụp đổ thần tượng, sẽ hoài nghi về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, từ đó sẽ đánh mất động lực sáng tạo và cống hiến... Ở góc độ nào đó phải chăng đây cũng là vấn đề mà nói như nhà phê bình Nguyễn Hòa là do “người lớn quên vai trò nêu gương”?
Cần Thơ, 3/9/2011
Nguyễn Trọng Bình
------------------------------------
Chú thích:
[1]: Trả lời phỏng vấn của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (do tác giả Nguyễn Vinh thực hiện) được chúng tôi dẫn lại từ bài viết “Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Văn học trẻ không thể là một thứ viễn mơ!” trên phongdiep.net
[2]: Nhận định của Văn Giá trong bài “Thơ Vi Thùy Linh - Những trận bạo động chữ” (được chúng tôi dẫn lại từ trang web phongdiep.net)
[3], [5]: Nhận định của nhà thơ, dịch giả Dương Tường về thơ Vi Thùy Linh (in ở trang bìa tập thơ Linh). Nhà xuất bản Phụ nữ, 2007.
[4]: Lê Ngọc Trà – Văn chương, thẩm mĩ và văn hóa. Nhà xuất bản Giáo dục, 2007
[6]: Nhận định của tác giả Nguyễn Thiên Đạo về thơ Vi Thùy Linh (in ở trang bìa tập thơ Linh). Nhà xuất bản Phụ nữ, 2007.
TNc: Tác giả đặt cái tên quá dài nên chúng tôi rút gọ lại.