Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HAI PHIÊN TÒA ĐẶC BIỆT TRONG TRUYỆN KIỀU.

Vũ Hữu Sự
Thứ tư ngày 7 tháng 9 năm 2011 5:27 AM

 Vũ Hữu Sự - nhà văn, nhà báo đi lên từ người nông dân, công nhân thực thụ. Các bài viết của anh thấm đượm “hương đồng gió nội”, giọt mồ hôi từ tiếng “búa – rừu”, pha lẫn sự hài hước của bi thuốc lào với “bát nước râm ran chè xanh”,..

Gọi là đặc biệt vì cách xử án của hai vị quan tòa rất đặc biệt. Vụ án dẫn đến phiên tòa thứ nhất như sau: nghe tiếng đồn, Thúc Sinh, chàng công tử con nhà giàu đã đến kỹ viện của Tú bà gặp cô “cave” Thúy Kiều với mục đích chơi bời. Nhưng gặp rồi thì “càng quen thuộc nết, càng dan díu tình”, nhất là sau khi được chiêm ngưỡng tấm thân “trong ngọc trắng ngà” với cái “tòa thiên nhiên” mỹ lệ qua bức trướng hồng lúc nàng “tẩm hoa” (tắm), thì chàng quyết tâm lấy nàng làm vợ, dù chàng đã có vợ chính thức là con gái một vị “thiên quan chủng tể”. Nhưng muốn lấy được nàng đâu có dễ? vì lúc đó nàng đang là “cây tiền” của mụ Tú, đời nào mụ chịu nhả ra. Biết thế, chàng Thúc bèn thực hiện một kế hoạch rất khôn ngoan. Trước tiên, chàng dấu nàng một nơi, rồi bước hai, nhờ người nhắn với mụ Tú rằng chàng đã “chiến, hòa sắp sẵn hai bài”. Chiến, tức là nếu mụ đòi người, thì chàng sẽ tố cáo mụ bắt ép con gái nhà lành làm đĩ, nhân chứng chính là nàng Kiều. Còn hòa, là nếu mụ im đi, thì chàng sẽ hoàn lại số “vàng ngoài bốn trăm” mà mụ đã bỏ ra mua nàng, muốn cách nào chàng sẽ “chiều”cách ấy. Tất nhiên là mụ Tú đành chọn cách thứ hai. Vì người đã trốn rồi. Nếu làm ầm ĩ lên, thì với cái tính “trăm nghìn đổ một trận cười như không”, chàng Thúc sẽ chẳng khó khăn gì khi đưa mụ đến cửa quan. Và tội ép buộc con gái nhà lành làm đĩ là tội rất nặng dưới chế độ phong kiến. Kẻ phạm tội có thể bị tử hình chiến thắng mụ trùm lầu xanh, nhưng chưa kịp hưởng hạnh phúc thì sóng gió lại nổi lên. Biết chuyện, cha chàng đã “nổi giận bời bời”, chửi chàng một trận lút mặt, còn với nàng, thì nhà tỷ phú lập tức “dạy cho má phấn lại về lầu xanh”. Thấy con trai lăn lộn kêu khóc, van xin và dọa sẽ tự tử (bạc đen thôi có tiếc mình làm chi) thì cơn giận của cụ càng như lửa tưới thêm dầu, cụ lập tức đến cửa quan tố cáo nàng (sốt gan, ông mới cao quỳ cửa công).
          Thời phong kiến, cả ở ta và ở Tàu, xã hội đều cho phép đàn ông có nhiều vợ (trên trời có vẩy tê tê – có anh bảy vợ chẳng chê vợ nào – ca dao). Nhưng chế độ đó lại có một điều luật hết sức quái đản: đã làm đĩ thì phải chung thân làm đĩ, không được phép hoàn lương, không được lấy chồng là con nhà tử tế. Thúc ông kiện nàng, chính là kiện cái tội đã làm gái lầu xanh mà vẫn đi quyến rũ con ông, dù sự thực thì chính con ông quyễn rũ nàng.
          Do có đơn kiện của Thúc ông, nàng Kiều bị đóng gông giải đến công đường. Ta hãy xem diễn biến phiên tòa:
          Với cái “mặt sắt đen sì” (Bao Công mặt cũng đen), viên quan xử án gợi cho người ta cảm giác đó là một người rất vô tư, khách quan, chỉ biết có pháp luật. Vừa trông thấy bị cáo, y đã nổi giận (lập nghiêm trước hãy ra uy nặng lời), y chửi Thúc Sinh lêu lổng, ăn chơi phá của, kể tội nàng làm đĩ mà không trót đời, lại còn quyến rũ con nhà tử tế ... dứt chàng chửi bới, y tuyên án ngay, một bản án hết sức lạ lùng: “Một là cứ phép gia hình – hai là lại cứ lầu xanh phó về”. Và khi thấy nàng thà chịu chết chứ nhất định không chịu làm kiếp “người ngựa” (yếu thơ xin chịu
                                                                                    trước sân lôi đình) thì y lập tức hạ lệnh hành hình nàng bằng cách dùng ba cây roi chập lại để đánh cho đến chết (ba cây chập lại một cành mẫu đơn). Trước thảm cảnh ấy, chàng Thúc chỉ biết giở món võ khóc, bất chấp đấy là nơi công đường nghiêm ngặt (khóc rằng oan khuất vì ta – có nghe lời trước chẳng đà lụy sau). Không ngờ lời kêu khóc của chàng lại khiến cho phiên tòa chuyển sang một hướng khác. Nghe chàng kêu gào, viên quan xử án có chút động tâm bèn gọi lại hỏi han. Thế là chàng được dịp dãi bày. Rằng trước khi nhận lời về sống cùng tôi, nàng đã đắn đo, căn vặn đủ điều, rằng vợ tôi, cha tôi liệu có bao dung được nàng không? Tôi có che chở được nàng không? Nếu không có sự bao dung, che chở đó, thì việc nàng phải chết trước cửa công là điều chắc chắn. Lúc đó, vì quá yêu nàng, tôi đã nói phét rằng “đường xa chớ ngại Ngô Lào – trăm điều hãy cứ trông vào một ta”, nhưng nàng vẫn chưa tin, vì đã biết tôi là thằng vô dụng. Biết, nhưng nàng vẫn quyết dấn thân, thà bị vợ tôi dày vò, bị cha tôi hành hạ, bị chết trước công đường còn hơn sống kiếp lầu xanh. (từ xưa, nàng đã biết thân có rầy), nào ngờ điều nàng tiên đoán đã trở thành sự thực.
          Nên nhớ ngày xưa không có trường dạy chuyên về pháp luật. Quan chức mọi ngành đều xuất thân từ một kỳ thi duy nhất là thi thơ phú, văn chương. Viên quan xử án này cũng không ngoại lệ, và chắc chắn y là người rất giỏi thơ phú. Vì thế khi nghe họ Thúc kể lể rằng tuy là gái lầu xanh, nhưng nàng cũng là người có học (thưa rằng chút phận bọt bèo – theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiên) thì y lập tức nổi máu văn chương, gương mặt sắt đen sì của y dịu ngay lại bởi một nụ cười khoái trá, y biến luôn công đường thành thi đàn, biến phiên tòa thành cuộc thử tài, y ra đầu đề cho nàng làm thơ (cười rằng: đã thế thì nên – mộc già hãy thử một phen trình nghề. Câu này có nghĩa là “ngươi nói con kia biết làm thơ à, thế thì hãy bảo nó thử làm bài thơ “mộc già” cho ta xem!). Mộc già tức là cái gông gỗ. Là tội nhân, trên cổ đang đeo gông, vừa bị roi nghịch, mới tai ác làm sao. Chẳng cần nói ta cũng hiểu tâm trạng của nàng Kiều lúc đó là thế nào rồi. Thi hào Nguyễn Du không ghi lại bài thơ “vịnh mộc già” ấy để hậu thế thưởng thức tài thơ của nàng, chỉ biết rằng nàng đã làm rất nhanh, và khi đưa lên, thì bài thơ được viên quan xử án khen nức nở là “giá đáng thịnh Đường – tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân”. Thơ Đường là đỉnh cao nhất của nghệ thuật thi ca Trung Quốc, thơ Đường thời thịnh Đường là đỉnh cao của đỉnh cao. Phải phục tài nhau lắm thì người ta mới khen thơ nhau là sánh ngang với thơ Đường thời đang thịnh. Ngoài nàng Kiều ra, tôi chỉ biết có hai người nữa được vua Tự Đức khen kiểu đó thôi, một người là Tùng Thiện vương Miên Thẩm còn người thứ hai là Tuy Lý vương Miên Trinh, đều là hàng chú của vua. Lời khen “thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường” (thơ như Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương thì thơ thời thịnh Đường cũng chỉ đến thế là cùng) quả đã làm vinh dự cho hai người. Từ chỗ khen thơ, viên quan xử án khen cả người, y khen nàng là giai nhân (người đẹp), khen Thúc Sinh là tài tử (chứ không phải là thằng lêu lổng, ăn chơi phá của như lúc đầu y chửi chàng nữa), khen hai người thật đẹp đôi (Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn). Bài thơ về cái gông làm phiên tòa quay ngược 180 độ. Viên quan đã quẳng ráo từ pháp luật cho đến công đường, chức vụ vào một xó để đứng hẳn về phía nàng, bảo vệ nàng. Mà muốn bảo vệ được nàng thì phải làm thế nào cho Thúc ông rút đơn. Thế là y quay ra dỗ dành nhà tỷ phú: cô gái này thật tuyệt vời. Thôi ông đừng chia rẽ đôi trẻ nữa, hãy dẹp cơn giận lại, nhận cô ta làm con dâu đi (dâu con trong đạo gia đình – thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong). Táo bạo hơn, y còn làm một việc “vô tiền khoáng hậu” mà nếu chuyện đến tai nhà vua, thì y chắc chắn mất đầu: y ra lệnh xuất của công sắm lễ cưới, tự mình đứng làm chủ hôn, tổ chức hôn lễ cho nàng Kiều lấy Thúc Sinh giữa thanh thiên bạch nhật, khiến cho hàng phố một phen lác mắt trước cảnh “kiệu hoa cất gió, đuốc hồng điểm sao”.
          Nếu như ở phiên tòa trên, nàng Kiều phải “tham gia tố tụng” với tư cách bị cáo, thì ở phiên tòa thứ hai, nàng vừa là chánh án lại vừa là bị hại. Sau khi được Từ Hải cứu khỏi lầu xanh của họ Bạc, và sau khi Từ đã “huyện thành đạp đổ năm tòa cõi Nam”, trở thành một vị Đại Vương, thì nàng trở thành một phu nhân nắm trong tay quyền sinh quyền sát. Căm hận những kẻ trước đây đã chà đạp, hành hạ vợ mình, Từ phái quân “đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Truy” bắt hết chúng, từ Bạc Hạnh, Bạc Bà, Tú Bà, Sở Khanh, ưng, khuyển, Mã Giám Sinh cho đến Hoạn Thư về giao cho vợ toàn quyền xét xử. Đây là một tòa án binh, được mở giữa quân doanh với sự uy nghiêm khủng khiếp, với khí thế ngút trời (bác đồng chật đất, tinh kỳ rợp sân) mà Hoạn Thư được xác định là “chính danh thủ phạm”. Chẳng cần nhắc lại, chắc bạn đọc cũng nhớ được con người này, vì ghen tuông (máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen), đã tổ chức bắt cóc nàng về và hành hạ nàng bằng những thủ đoạn tàn ác, thâm độc, tinh vi đến thế nào, khiến nàng căm hận tận xương tủy. Thế nên trước khi mụ được dẫn vào, nàng đã hạ lệnh cho quân lính rút sẵn gươm ra khỏi vỏ (dưới cờ, gươm tuốt nắp ra) để chỉ chờ một lời phán là lập tức băm vằm mụ thành muôn mảnh. Tuy nhiên, nàng Kiều lúc đó không còn là nàng Kiều ngây thơ, trong trắng ngày nào nữa. Cuộc chìm nổi “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần” đã biến nàng thành một người đàn bà dầy dạn như chính nàng đã nói với Thúc Sinh trước đó (phen này kẻ cắp bà già gặp nhau). Trước lúc ra uy, nàng đủ bình tĩnh để “vờn” kẻ tử thù như mèo vờn chuột (thoạt trông, nàng đã chào thưa – tiểu thư cũng có bây giờ đến đây). Lời “chào thưa” ngọt ngào trên một rừng gươm sáng quắc khiến mụ Hoạn “hồn lạc phách xiêu”. Nhưng chính lúc này, ta lại thấy một Hoạn Thư không chỉ là người đàn bà có máu ghen và hành động ghen tuông đến mức trở thành kinh điển, mà còn là người đàn bà đầy bản lĩnh. Mụ trấn tĩnh rất nhanh, và “khấu đầu dưới trướng liệu điều kêu ca”. Chỉ khấu đầu chứ đừng quỳ lạy như lễ nghi hồi đó bắt buộc. Chỉ riêng điều này thôi, cũng đủ thấy bản lĩnh của Hoạn Thư rồi. Xin bạn đọc chớ ngại dài, hãy để tôi dẫn hết lời kêu ca của cô con gái quan đầu triều (tể tướng) này (rằng, tôi chút phận đàn bà – ghen tuông thì cũng người ta thường tình – nghĩ khi cho các viết kinh – với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo – lòng riêng, riêng những kính yêu – chồng chung, đã dễ ai chiều cho ai). Lời kêu ca, cũng chính là lời “gỡ tội” trước tòa của Hoạn Thư, có thể nói là tuyệt hảo, những luật sư giỏi nhất của ta ngày nay, chắc cũng chỉ đạt được trình độ ấy. Chuyện độc ác của mình ngày nào bị mụ lấp liếm đi, hạ thấp xuống thành chuyện “thường tình” của đàn bà (đã là đàn bà thì ai chấp?) trong khi lời kể ơn thì lại được nhấn mạnh. Tôi hành hạ bà đấy, nhưng khi bà “rắp đem mệnh bạc xin nhờ cửa không – tức xin đi tu) thì tôi vẫn chấp nhận, cho bà ra gác Quan Âm nhà tôi “có cây trăm thước, có hoa bốn mùa – có cổ thụ, có sơn hồ” để bà tu hành. Tu mà không trót, bà đã lấy trộm đồ vàng bạc trong gác Quan Âm nhà tôi trốn đi. Biết chuyện đó nhưng tôi  không theo đuổi, dù lúc đó, với thế lực của mình, việc tôi cho người truy nã bà nào có khó khăn gì. Luật pháp hồi đó quy định rằng nô tài bỏ trốn, khi bắt được, chủ toàn quyền xử lý Bắt được bà, tôi có thể dùng “gia pháp” hành hạ bà thảm khốc hơn nữa vì tội bỏ trốn trước khi đưa bà lên quan, dùng “quốc pháp” để trừng trị bà về tội trộm cắp. Nếu tôi làm thế, liệu bà có còn được ngày nay không? Tôi hành hạ bà, nhưng tôi vẫn rất biệt tài bà. Hãy nhớ lại, Hoạn Thư đã từng ca ngợi nàng Kiều với chồng mình là Thúc Sinh rằng “ví chăng có số giầu sang – giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên – bể trần chìm nổi thuyền quyên – hữu tài thương nỗi vô duyên, lạ đời”. Đó là những lời đầy thiện chí. Tôi hiểu bà, thương bà, trọng tài bà là một chuyện, nhưng bà chia sẻ tình yêu của tôi (chồng chung) lại là chuyện khác, chuyện đó, tôi đâu có thể nhường? Bản “gỡ tội” của Hoạn Thư đã đẩy chánh án kiêm bị hại Vương Thúy Kiều vào thế vô cùng lúng túng, nên dù căm hận chất chứa đầy lòng mà nàng cũng phải cất tiếng khen (khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời). Vì thứ nhất, những lời của mụ hoàn toàn là sự thực. Mà sự thực luôn luôn là một tiêu chuẩn cao nhất mà bất cứ một phiên tòa nào, dù ở chế độ nào cũng phải hướng tới, phải làm sáng tỏ. Và thứ hai, mụ đã nói đến chuyện “thường tình” rồi, thì ở vị thế một phu nhân, lẽ nào nàng vẫn chấp nhặt? Nếu lúc đó nàng vẫn quyết ra tay, chắc sẽ chẳng ai dám nói gì. Nhưng cái tiếng “nhỏ nhen” chắc sẽ bám theo nàng mãi (làm ra, mang tiếng con người nhỏ nhen). Không còn cách nào khác, nàng đành phải “truyền quân lệnh xuống trướng tiền, tha ngay”.
          Phiên tòa thứ nhất, nàng Kiều đã thắng vì tình. Còn ở phiên tòa thứ hai này, nàng lại thua về lý.
Vũ Hữu Sự.