Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CẦN SỚM CÔNG NHẬN ĐỀN THỜ HUY CẬN LÀ DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP TỈNH

Lê Quốc Châu
Thứ ba ngày 6 tháng 9 năm 2011 1:42 PM

  Không hiểu vì sao cho đến thời điểm này Nhà thờ Cù Huy Cận ở xã Ân Phú (Vũ Quang) lại chưa được công nhân là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Trong khi đó, với vai trò, sứ mệnh lịch sử và công lao của Đại thi hào, đã quá xứng đáng để Nhà nước ta xây dựng Nhà văn hóa hoặc Bảo tàng Cù Huy Cận.
   Như chúng ta đã biết, Nhà thơ Huy Cận là Đại biểu Quốc hội các khóa I, II, VII; Bộ trưởng Bộ canh nông, Bộ trưởng đặc trách văn hóa của Hội đồng Bộ trưởng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào Huế nhận ấn kiếm thoái vị của vua Bảo Đại. Đồng thời, Cù Huy Cận cũng là người thuyết trình và bảo vệ thành công trước Hội đồng UNESCO công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là Danh nhân Văn hóa Thế giới.
   Trong sự nghiệp thơ ca của mình, từ tập thơ đầu “Lửa thiêng”, “Vũ trụ ca”, đến “Trời mỗi ngày lại sáng”, “Đất nở hoa” ….cho thấy một tài năng thơ ca lỗi lạc mang tầm Đại thi hào Huy Cận.
Chính vì vậy, nhà thơ Huy Cận đã được Thế giới tôn vinh là Viện sĩ Viện hàn lâm thơ Thế giới. Nhà thơ-Nhà cách mạng Cù Huy Cận cũng đã được Nhà nước ta trao tặng các Giải thưởng hết sức cao quý như Huân Chương Sao Vàng, Huân Chương Hồ Chí Minh vì đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I…
    Một nét đẹp văn hóa của ngôi trường mang tên Nhà thơ Huy Cận
   Như thường lệ “đến hẹn lại lên”, hằng năm trước Lễ khai giảng năm học mới, Đại diện Hội đồng sư phạm Nhà trường, Hội cha mẹ học sinh Trường THPT Cù Huy Cận đã âm thầm, lặng lẽ đến Dâng hương tưởng niệm, tri ân và báo công ở Nhà thờ Cố nhà thơ Huy Cận tại xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.
    Đây là một cử chỉ nhân văn, một nét đẹp trong quá trình xây dựng truyền thống tốt đẹp của Hội cha mẹ học sinh (Hội CMHS) và Tập thể sư phạm Nhà trường.
    Tại Lễ dâng hương, Hội CMHS cùng tập thể Nhà trường đã cúi đầu kính cẩn dâng hương tưởng niệm tiền nhân, những người làm rạng danh cho đất nước, quê hương; cầu mong cho dòng họ văn hiến Cù Huy luôn trường tồn; cầu mong cho quê hương Vũ Quang phát triển mạnh mẽ; cầu cho NHÂN DÂN Vũ Quang luôn ấm no, hạnh phúc; cầu cho thế hệ trẻ tiếp bước tiền nhân làm vẻ vang cho quê hương cách mạng; cầu cho Nhà trường luôn xứng đáng với sự tin yêu của NHÂN DÂN, phụ huynh, học sinh và các cấp chính quyền.
Vì sao chưa đối xử công bằng với tiền nhân?
   NHÂN DÂN đã lập đền thờ trong lòng mình để tri ân, tưởng nhớ Nhà cách mạng, Nhà thơ Cù Huy Cận. Nhưng theo tôi được biết thì, hiện nay Nhà nước ta chưa có một ngôi nhà thờ, nhà văn hóa hay nhà bảo tàng nào để tưởng niệm Nhà thơ Huy Cận. Trong khi đó, ở nhiều nơi khác ngoài Hà Tĩnh, Chính quyền địa phương đã lập Đền thờ, Nhà thờ hoặc Nhà văn hóa tưởng niệm nhiều Nhà thơ, Nhà văn, Nhà cách mạng khác mà sứ mệnh, vai trò, công trạng lịch sử dân tộc chưa bằng Huy Cận. Dẫu biết rằng, mỗi một vị tiền nhân đều có công lao đóng góp cho dân tộc, đất Việt rất khác nhau và “mọi sự so sánh đều khập khiểng” nhưng tôi so đo như vậy để thấy, chúng ta vẫn chưa đối xử công bằng với Nhà thơ Huy Cận, vẫn còn mắc nợ Nhà thơ “một tấm lòng”.
   Hiện nay, con cháu dòng họ Cù Huy đã góp công góp của xây dựng một ngôi Nhà thơ Nhà thơ Huy Cận khá khang trang, bề thế tại quê hương Nhà thơ ở xã Ân Phú, Vũ Quang, Hà Tĩnh. Trong đó, ghi đầy đủ lịch sử dòng họ, những đóng góp của các bậc tổ tiên dòng họ Cù Huy cho lịch sử nước nhà cũng như công lao của cá nhân Nhà thơ Huy Cận. Ngôi nhà thờ này đã khánh thành hơn một năm nay. Vì vậy, với trách nhiệm một công dân, một kẻ hậu thế nhờ công đức các bậc tiền nhân mà có ngày hôm nay, xin kính đề nghị UBND huyện Vũ Quang; Sở VH-TT&DL, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần sớm khảo sát, lập Đề án để sớm công nhận Nhà thờ Cù Huy Cận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh!
  Không thể vì một lý do chính trị hay kinh tế, hay bất kỳ một lý do nào khác mà không công nhận Nhà thờ Cù Huy Cận tại quê hương ông là Di tích lịch sử văn hóa. Đây là nguyện vọng chính đáng của cá nhân tôi và có lẽ của rất nhiều người dân Việt yêu nền văn hóa, nền văn hiến dân tộc. Chúng ta không được phép “bắn vào tiền nhân bằng súng lục” nếu không muốn “hậu thế sẽ bắn chúng ta bằng đại bác, bằng tên lửa tối tân”, bằng tất cả sự khinh bỉ của thế hệ mai sau./.

Bài & ảnh: Lê Quốc Châu (Địa chỉ: Trường THPT Cù Huy Cận-Vũ Quang-Hà Tĩnh.
1.Nguyện làm một hậu thế xứng đáng của Đại thi hào Huy Cận