1
Tôi có tập tùy bút Dặm ngàn hương cốm mẹ của Thiện Kế vào một ngày tháng Tám, mùa Thu. Chưa cần đọc, liếc tên sách đã thấy xôn xao. Xôn xao không chỉ bởi cái muôn trùng xa ngái của dặm ngàn, cái phảng phất thân quen của hương cốm, cái u buồn của dáng mẹ lưng còng; mà còn bởi tấc lòng nồng hậu, nặng trĩu nghĩa tình, người viết đã biến cái dặm ngàn xa lắc và đơn côi ấy thành dặm ngàn nồng đượm tình người, cả suốt dặm ngàn luôn nồng nàn hương cốm mẹ, đúng hơn là ngàn dặm hương tình.
Ban đầu tôi định đọc một lèo, nhưng đọc vào mới thấy không thể đọc một thôi như thế. Phần vì hầu hết các bài trong tập sách này, mỗi bài là một món ăn đầy hương vị và sắc màu riêng biệt - một đặc sản, thiết nghĩ ngấu nghiến cùng lúc sẽ rất dễ “thực bất tri kì vị”; phần vì văn Thiện Kế không thể đọc nhanh, đọc kiểu “ăn sống nuốt tươi”, trếu tráo…mà phải đọc như là cách thưởng cốm làm từ nếp cái hoa vàng: “Nhẩn nha nhai. Chầm chậm ép hạt cốm giữa bề mặt hai hàm răng thì mới cảm nhận hết tinh khí của Trời Đất. Và hít một hơi thở sâu căng lồng ngực để hương cốm thấm vào da thịt trước khi vị giác xác tín những ngọt mát ngậy bùi...” ( Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm). Bài nào cũng thế, Dặm ngàn hương cốm mẹ buộc người ta phải ứng xử với nó như một thứ hàng hoa: nhẹ nhàng, kĩ lưỡng, cẩn thận và nâng niu. Vừa đọc, vừa nghĩ; có chữ, có câu, có đoạn… tôi phải đọc lại mấy lần. Có lúc phải lật từ điển để xem một từ dùng độc, một cách nói mới; phải viện cả Google để biết một tên đất, tên người, tên sự vật khác lạ, cả Âu lẫn Á, cả xưa và nay, mỗi khi chúng xuất hiện trong trang viết của anh. Cũng giống như một vài nhà tùy bút “tài hoa và uyên bác”, văn Thiện Kế luôn lấp lánh và “lủng củng” bộn bề các tri thức bách khoa. Những bài tùy bút của anh cứ như một bản hòa tấu của âm thanh và sắc màu; ở đó các thể loại đan xen nâng đỡ hỗ trợ lẫn nhau. Tùy bút mà rất giàu tự sự. Đầy chi tiết, sự kiện, nhân vật; đối thoại, độc thoại; không thiếu những trang miêu tả miên man, lẫn với giọng triết lí, những ngẫm suy thời cuộc; rất nhiều đoạn viết theo phương thức giới thiệu đặc điểm, thuyết minh công năng, bày vẽ cách nấu, cách làm…thế mà vẫn tràn ngập chất thơ, lênh láng một cái tôi trữ tình, dẫn dụ và cuốn hút vô cùng…
Thực ra, hơn 20 năm trước, tôi cũng đã từng nhấm nháp và vật lộn với văn anh ở Miền đời quên lãng . Thứ văn ấy đã ám ảnh tôi từ lúc nào không rõ…Thêm vào đó, lần này anh viết toàn về những thứ mà tôi cũng “đã từng”, từng gặp, từng thấy, từng nghe và từng nếm trải: từ hạt cốm nếp hoa vàng, chiếc bánh khúc xanh, củ sắn trắng, gốc sung già, hàng xoan tím, chậu mai vàng, giàn hoa thiên lí biếc rờn, chiếc giếng làng trong vắt,… cho đến hoa đào muôn hình, đủ sắc Nhật Tân hay cây cọ bạt ngàn miền đất Tổ… Thành ra lúc này, cầm tập sách trên tay, cứ thấy xôn xao, xúc động như gặp lại cố tri sau những tháng ngày cách biệt. Buồn vui lẫn lộn, cứ rưng rưng mà chẳng biết nói gì cho rõ ràng, rành mạch…
2
Có thể nói, đề tài tùy bút của Thiện Kế không có gì mới. Cả tập sách viết về những món ăn và vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người. Nói ngắn gọn là viết về những cảnh sắc và hương vị quê hương. Đề tài ấy từ lâu đã nổi tiếng với những trang văn của Tản Đà trong Tản Đà thực phẩm; Thạch Lam trong Hà Nội ba sáu phố phường, rồi Vũ Bằng có Thương nhớ mười hai và Miếng ngon Hà Nội. Gần hơn nữa là Nguyễn Tuân với những trang viết về “thổ ngơi” đầy hương vị, giàu thẩm mĩ và cao sang một bề dày văn hóa. Một chiếc giò lụa ngày tết, một chén trà trong sương sớm, một bát phở mùa đông hay hạt cốm mùa thu… Tất cả đều được Nguyễn Tuân miêu tả, ngợi ca từ một “nhãn quan ẩm thực” tinh tế với những khám phá, phát hiện sâu sắc từ bình diện văn hóa-lịch sử, lại được thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ linh diệu, tài hoa. Đó là chưa kể đến cây tùy bút ở miền đất Cố đô; cũng viết về thiên nhiên, sông nước, từ Miền cỏ thơm đến Hoa trái quanh tôi …cũng đầy “uyên bác- tài hoa”; cũng với một giọng điệu trữ tình da diết, vời vợi chất thơ, đầy mê dụ và ma ám…là Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nói thế và nghĩ thế, để thấy khi viết về đề tài này, Thiện Kế đã đứng trước một Hoàng Hạc lâu mà ngước mắt lên đâu chỉ có một mình thơ Thôi Hiệu. Đó là một thử thách lớn lao và nghiệt ngã. Không chỉ với Thiện Kế mà với bất cứ kẻ cầm bút nào cũng thế. Bài học vỡ lòng về quy luật sáng tạo nghệ thuật mà mỗi nhà văn, nghệ sĩ đều biết là không thể lặp lại người và cũng không được lặp lại mình. Viết về những đề tài quen cũ, chưa nói đến cần đủ tài và hơn tài người trước, mà ngay cả cảm xúc về đối tượng, nếu không đủ xúc động, không thực sự yêu dấu, không nặng lòng, đau đáu thì làm sao củ sắn gạc nai hay quả sung non chát kia bỗng trở nên có linh hồn, thân phận; gợi biết bao diết da, nhớ thương thế được! Vâng, viết về đề tài trên, nếu không thế, cùng lắm người viết chỉ có được những bài văn thuyết minh về những món ngon, bài giới thiệu về một danh lam thắng cảnh, không hơn gì các sách nấu ăn và hướng dẫn du lịch.
Tôi đã hồi hộp bắt đầu đọc tập sách của Thiện Kế trong nỗi niềm lo âu cho người viết như thế. Rồi cứ qua mỗi bài, cái phấp phỏng lo âu ấy vơi dần cho đến cuối cùng trong tôi chỉ còn lại một nỗi niềm bâng khuâng khó tả. Một sự cảm phục và biết ơn người đã viết ra Dặm ngàn hương cốm mẹ. Cảm phục cái tài và cảm ơn cái tình của người viết. Anh đã nói hộ và làm sống dậy bao
điều còn khuất lấp, đánh thức kí ức tuổi thơ tôi và chắc không chỉ riêng tôi.
Thực ra, Thiện Kế đã ý thức được rất rõ những khó khăn, thử thách mà mình phải vượt khi viết về những gì đã quá quen, quá thuộc. Với bún chả chẳng hạn, anh viết: “Tôi ngờ không thể thêm nữa về bún chả Hà Nội, một khi những văn nhân tuyệt tài như Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân trong đời sống đã từng xoa xuýt trầm trồ cách này hay cách khác đưa bún chả thành giai phẩm.” ( Nghi lễ bún chả). Thế rồi anh vẫn viết, vì thấy rằng “hình như vẫn còn một đẳng khác của bún chả cần phải thưởng thức như một nghi lễ thì chưa ai nói.” Và thế là Thiện Kế tìm một cách viết khác, một cách tiếp cận khác để làm mới một đối tượng đã cũ. Tôi lần giở lại Thạch Lam, đúng là ông viết về bún chả hóm hỉnh và hấp dẫn thật:“Khi ngồi cuối chiều gió, đói bụng mà đón lấy cái khói chả thơm, thì ngài dễ thành thi sĩ lắm. Khói lam cuộn như sương mờ ở sườn núi, giọt mỡ chả xèo trên than hồng như một tiếng thở dài, và tiếng quạt khẽ đập như cành cây rung động, quà bún chả có nhiều cái quyến rũ đáng gọi là mê hồn, nếu không là mê bụng” (Thạch Lam- Hà Nội ba mươi sáu phố phường)
Thạch Lam chỉ tả qua và gợi thế thôi, còn Thiện Kế thì khác, anh ngụp lặn rất sâu vào cách tạo tác bún chả, từ cách chọn thịt ba chỉ, kiếm cho ra “phiến nầm lợn nái mới rã con” đến việc thái thịt, than nướng, cách nướng. Cách chọn rau thơm, cách pha nước chấm đã đành là quan trọng, nhưng đọc Thiện Kế mới thấy ngay cả vỉ nướng chả cũng không đơn giản chút nào: “Vỉ nướng thì nên kén tre bánh tẻ mọc ở miền đá ong Sơn Tây khô cằn. Tre bánh tẻ chứa nhiều nước, thứ nước cốt tre tươi ở Sơn Tây lành và mát ngấm vào miếng chả sẽ khiến cho vị nó trở nên thanh thoát nền nã như tâm tình thiếu phụ.”
Đọc Nghi lễ bún chả đúng là thấy “Một góc nhỏ văn hóa Việt được giàu có thêm từ nghệ thuật tạo tác bún chả”. Mà không chỉ có bún chả, tất cả các bài viết về món ăn, thức uống trong tập sách này đều được tiếp cận theo một cách như thế. Mọi thức vị đều được soi ngắm kĩ càng, giới thiệu chi li, rành mạch với tất cả tấm lòng trân trọng và một tình cảm mê đắm đến tận cùng. Tôi từng phục lăn và khá mãn nguyện khi đọc những trang Nguyễn Tuân miêu tả cách uống trà của cụ Âm:“Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Äm đã để vào đấy bao nhiêu công phu”, công phu ngay từ khâu chọn nước: “nước pha trà không gì thơm lành bằng cái thứ nước đọng trong lá sen. Mỗi lá chỉ có ít thôi. Phải gạn vét ở nhiều lá mới đủ uống một ấm.” ( Nguyễn Tuân- Chén trà trong sương sớm)... Nhưng rồi xem cách uống trà Ốc của sư Trụ Trì chùa Cao mà Thiện Kế giới thiệu thì tôi thật ngỡ ngàng, không biết Trà đạo Nhật Bản hay Trung Hoa, Cao Ly… có cách pha, cách uống nào khác công phu, điệu nghệ, cao sang và thanh tao đến thế không? Nước pha trà của Trụ Trì là nước từ thân cây trúc bánh tẻ “thứ nước trong nhức thoang thoảng mùi rừng đại ngàn sau mưa”; bộ ấm chén đất nung gan gà Phù Lãng. Hỏa lò than hoa gỗ nghiến. Ngọn trà được đặt trong lòng vỏ ốc “mỗi vỏ ốc là một búp chè Shan mập trắng…”. Và đây là cách thưởng trà: “Sư Trụ Trì đưa hai ngón tay trắng mịn mảnh như phụ nữ, nhón từng chiếc vỏ ốc sên ngậm búp chè đặt lên lớp than hoa đang tỏa nhiệt. Những chiếc vỏ ốc từ từ bốc khói rồi hồng rực lên trước khi chuyển sang màu trắng phấn. Vỏ ốc được nhấc ra bày lên đĩa gốm, một cái búng nhẹ, rã tan như vôi bột để lộ ra búp chè Shan ngà ngà xanh quăn queo. Búng vỡ mười vỏ ốc được mười búp chè Shan sao khô, Trụ Trì vén tay áo thả từng búp vào chiếc ấm đất vừa thau nước nóng hôi hổi.
Từng tiếng lanh canh của búp chè tươi đã thành trà khô ron bâng khuâng va đập vào thành ấm sành rõ mồn một chen ngang nhịp thở chậm chậm của hai người bạn già cũng đang bắt chước y hệt những động tác của Trụ Trì trong lênh loang sương sớm. Nước sôi chuyên vào ấm từ miệng ống trúc cháy ương. Hương chè ngát, dâng dâng. Trụ Trì nuốt khan cái hương tinh khiết tao nhã của trà.” ( Dặm ngàn xanh cố hương )
Tôi thực sự lúng túng khi phải mô tả lại cách uống trà trong khuôn khổ bài viết. Thiện Kế đã viết quá súc tích, anh dồn nén tối đa lượng thông tin, hầu như bỏ tất cả các chữ thừa trong mỗi câu văn của mình. Định tóm tắt nhưng sợ mất luôn đi cái nhung tuyết của hồn văn nên đành trích cả đoạn dài. Mà không chỉ ở bài này, bài nào cũng thế.
Cũng như thú ẩm thực, viết về cảnh sắc của Hà Nội ngàn năm văn vật, xưa nay đã có quá nhiều tên tuổi nổi tiếng, để lại những dấu ấn khó mờ phai. Thiện Kế cũng viết về Hà Nội với những gì đặc trưng nhất và cũng đã cố gắng để lại dấu vết của riêng mình. Không phải chỉ bằng tài hoa, dụng chữ, đặt câu…mà trước hết bằng tất cả tấm lòng thương thảo, mến yêu, trân trọng và đặc biệt là nỗi đau nhói khi Hà Nội đang xuống cấp, đang mất dần đi vẻ thanh lịch ngàn năm. Có thể thấy rõ, sau quê hương Đất tổ Vua Hùng, nơi trôi qua một thời tuổi thơ; nơi ông bà, cha mẹ anh đến “khẩn hoang” thời lưu lạc; Hà Nội như một mảng màu đậm nét, khó phai trong kí ức và tâm hồn người viết.
Viết về Hà Nội, anh cất Lời nguyện cầu cho Hồ Tây sương khói; da diết nhớ mùa hoa Loa Kèn trong Khúc ứng tấu tháng Tư; âm thầm sầu não Trong bóng những ngôi nhà cổ đã mất; đau đáu Với hoa đào năm cũ và háo hức đi trong Những ngõ phố của tình yêu –“một tình yêu còn ẩn ức”… Cũng như cả tập sách, âm hưởng chủ đạo trong các bài về Hà Nội là giọng trầm buồn, thương nhớ. Nhớ thương một thời và buồn bã cho những gì đang đổi thay, mai một, tàn phai. Vũ Bằng ngày ấy xa dạt, sống trong nắng gió lồng lộng ngút ngàn phương Nam, bỗng da diết, bồn chồn Thương nhớ mười hai. Nhớ cánh hoa đào Hà Nội, nhớ cái rét Nàng Bân, nhớ cả tiết mưa phùn xứ Bắc…Nguyễn Tuân ngồi ở thủ đô Hen-xanh-ky lạnh buốt của Phần Lan mà nhớ về bát Phở bốc khói nghi ngút chốn Hà Thành. “Tha hương- nhớ quê” là lẽ phải, thường tình. Với Thiện Kế thì khác, anh nhớ thương quê ngay tại quê hương,“Tôi đang đứng ở bên hồ mà vẫn thương nhớ Hồ Tây” ( Lời nguyện cầu cho Hồ Tây). Đứng giữa lòng Hà Nội, Trong bóng ngôi nhà cổ đã mất, giờ mọc lên “khách sạn mười hai tầng nghễu nghện nhấp nháy ánh đèn mời gọi ngủ nghỉ mát-xa”, anh chỉ thấy “vẫn là ông còm cõi ngồi bên ô cửa trống trong biệt thự “hỏa xa” ngó mãi ra vườn, kính lúp trên tay và những tạp chí kiến trúc vàng sém. Gió thổi. Nhưng không còn những bóng cây”. Và hoa đào cũng thế. Hà nội vẫn còn đào, nhưng đâu phải những cây đào ngày trước. Cậu Bích – nghệ nhân đào vẫn còn đó, nhưng đào giờ đã khác rồi. Mà đâu phải lỗi tại đào.“ Ngắm khu vườn trống và rặng liễu đang bị những chót vót bê-tông cưỡng đoạt, cậu nghẹn nước: - Bị o ép hết nắng, hết gió năm nay đào kém sắc…”; còn Thiện Kế, anh ngập vào triền miên những suy nghĩ mông lung: “Gái dinh đào giờ đây mặc váy, không gánh phù sa/ Các em lên phố làm công bán hàng (…) Căn nhà rêu, hương trầm, chay tịnh không cánh hoa/ Cả dinh đào trống rỗng, mặt vườn lỗ chỗ hố bứng cây như dấu đạn cối tung tóe màu đất mới/…Ngửa lòng tay Tôi nhìn/ Ở nơi xa lắm, Nàng có nhớ dinh đào nữa không” ( Với hoa đào năm cũ).
Cùng nâng niu, trân trọng những di sản văn hóa vật chất và tinh thần của cha ông, cùng thể hiện lòng yêu quê hương đất nước, Thạch Lam mải miết đi tìm cái đẹp đã mất; Nguyễn Tuân nhớ, tôn thờ và biểu dương cái tài, cái đẹp “Vang bóng một thời”, cũng là của những cái đã phôi phai, đã lụi tàn, đã mất… Với Dặm ngàn hương cốm mẹ, Thiện Kế khóc cho những gì đang mất, đang lụi tàn. Vẫn còn đó tất cả: giàn hoa thiên lí, củ sắn, quả sung, hạt cốmVòng; vẫn còn đó bún chả, bánh chưng và hoa đào, hoa mai ngày tết; hàng hoa xoan vẫn nở tím chiều trung du…Còn cả đấy thôi mà sao vẫn thấy trống vắng, nhạt nhòa. Chiếc bánh khúc còn đó mà hồn khúc ở đâu? “Và trong hương thơm của mùa rau khúc tháng Giêng Hai, trong tiếng rao đêm ngai ngái như ở tận chân trời, Tôi bỗng rùng mình nhớ về những người thân yêu và những điều thiêng liêng đã làm nên ý nghĩa duy nhất của đời sống chúng ta đang lần lượt ra đi không có ngày trở lại...”( Tôi khóc những cánh đồng rau khúc)
Đang nghĩa là có thể còn cứu vãn được. Ý nghĩa cảnh tỉnh, rung chuông, “báo thức” trong tiếng khóc những cánh đồng rau khúc nói riêng và Dặm ngàn hương cốm mẹ nói chung của Thiện Kế là ở đó chăng?
Viết về những cảnh sắc và hương vị quê hương nhưng tập sách không chỉ thuần túy là một bảo tàng thiên nhiên-ẩm thực. Suốt Dặm ngàn hương cốm mẹ, không có cảnh sắc, hương vị nào lại không gắn với số kiếp và thân phận con người. Mà nổi bật hơn hết là người Mẹ âm thầm một nắng hai sương; người Dì, người Cô khéo tay hay lam hay làm, người Bà tần tảo hay lo hay nghĩ, người U già luôn quên đi bản thân mình và người Chị thảo thơm trắng trong mà đoản phận. Và cả Nico nữa, người con gái luôn âm thầm lẳng lặng với đôi mắt “không biết chớp”, gây ra bao gió bão trong tâm hồn nhân vật Tôi rồi cuối cùng“ra đi trong đẫm nắng ngả bóng dài cát trắng rạch ngang chiều cỏ may”…Tất cả những người phụ nữ trong tập sách này đều là những biểu tượng cao đẹp, đặc biệt là lòng vị tha và đức hy sinh. Tôi thực sự xúc động khi tác giả kể về một kỉ niệm trong bao kỉ niệm với U già:“Ngày vỡ lòng, cõng Tôi qua con suối Cái nhập học, trượt chân rêu đá, U gượng quỳ đỡ Tôi khỏi ướt. Đá cuội mặt đường trơn bóng, Tôi bật cười ngây ngô: lưng U còng. Tập tễnh U cười góp với Tôi”. Cái chi tiết người U già lưng còng, chân đau tập tễnh vẫn góp nụ cười để làm cháu vui, tưởng nhỏ thôi mà thăm thẳm một đức hy sinh, cao dày một phẩm chất vị tha… Tôi hiểu vì sao Nhà xuất bản Phụ nữ lại in tập sách này.
Thân phận và số kiếp con người trong tập sách gắn chặt với những bước thăng trầm dâu bể của mỗi cảnh sắc, mỗi món ăn thức uống của quê hương. Họ đều là những chứng nhân của một giai đoạn lịch sử với sự chuyển dịch từ vẻ đẹp ngất ngây đến xuống cấp, tàn phai; từ thanh tao, nền nã đến thô thiển, xô bồ; từ mộng mơ lãng mạn đến chua chát, u buồn… Bánh khúc giờ đây “tuyền thứ bánh khúc su hào, rau diếp”(Tôi khóc những cánh đồng rau khúc); Chiếc giếng Nhâu trong nhức mắt sắp bị lấp vùi vì có con đường sẽ đi qua ( Niệm khúc giếng làng); Bến khách thương giờ thật tang thương “Sông cũ trơ lơ cát sỏi sa bồi, dòng gầy manh mướt. Bậc đá xanh rêu xanh khô xác.” Và cây sung sum xuê luôn mang đến phúc lành trong vườn nội “đội 202 đã chặt ngang thân làm củi đốt lò. Nơi gốc sung bây giờ cỏ may giơ bông lép dưới mưa phùn. Khoảnh ao ba sào cây sung già soi bóng, trút lá rụng hóa vụng trâu đằm”(Gió đánh cành sung )… Hầu như tất cả bài viết đều kết thúc bằng một nốt nhạc u trầm, vang vọng ca từ như khao khát nguyện cầu cho cái đẹp; dội vào lòng người đọc những bâng khuâng, nuối tiếc, ngẩn ngơ. Phận cây, phận người gắn bó với nhau. Hạt cốm gắn với số chị, kiếp mẹ, phận bà. Cốm cũng long đong “ba chìm bảy nổi”, cũng có lúc“bĩ cực” như người :“Chiếc cối đá khum lòng ra sân kho làm bệ đập lúa. Mủng nia dần sàng thửa riêng làm cốm giờ lê la đựng sắn khô cám mốc... Chiếc chảo gang bất chợt bị viên ngói bò rơi thủng đáy. Mấy hộp gỗ kim giao lắc cốm hình trứng, bọn trẻ hàng xóm nhét sỏi chơi trò xúc xắc. Rồi Ngoại mất vào đêm trăng suông miên man mưa. ( Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm).
Gấp sách lại tôi vẫn thấy hiển hiện những thân phận con người, sống đẹp thế, hiền hòa là thế mà sao vất vả thăng trầm đến thế. Phải chăng cũng đành bằng lòng với những lí giải đớn đau mà cũng thật vị tha này:“Có những con người tốt đẹp, sống ở miền quê tốt đẹp với bao phong vị tốt đẹp vậy mà không thể sống cùng nhau chung mái nhà...bởi vì họ quá thiên lương...bởi làng quê quá hiền hòa...bởi rằng đã là như thế”. ( Ngàn dâu chẳng vị một cây)