Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÌNH BÀI THƠ “NHỚ MẸ” CỦA BẾ KIẾN QUỐC

Thanh Ứng
Thứ năm ngày 8 tháng 9 năm 2011 10:25 PM
 
Buồn hay vui, con cũng đã quay về
Đi lẫn vào dòng người vừa tan tầm Máy Dệt
Những hạt bông trên áo quần, trên tóc
Ai thì không nhận ra, con thì con nhận ra
Vì ngày xưa khi tan tầm về nhà
Mẹ cũng có những hạt bông như thế
Và thời gian – khi con còn bé được chia theo thời gian của mẹ,
thành ca sáng, ca chiều, ca đêm
Và căn bệnh đầu tiên mà con biết, là từ mẹ: bệnh tim
Vì thế, khi thấy con làm thơ, mẹ buồn nhưng chẳng nói
Giữa nghề dệt ngôn từ với nghề dệt vải
Mẹ biết, chọn nghề gì con cũng gặp gian nan
Giờ thì muộn rồi. Ca sáng vừa tan
Những người thợ ra về - những hạt bông trên áo quần, trên tóc…
Bốn mươi năm… ngỡ có gì đâu khác?
Chỉ mẹ đã không còn. Và con lại bệnh tim…
Nam Định, tháng 9-1998
(Trích trong “Mãi mãi ngày đầu tiên” Nxb Hội nhà Văn 2002)
Cả bài thơ thấm đượm một nỗi buồn: Nhớ mẹ. Bắt đầu từ khổ thơ đầu tiên: tác giả về lại thành phố dệt quê hương: “Buồn hay vui, con cũng đã quay về”. Từng dòng, từng chữ hiện lên một tâm trạng buồn nhớ “Đi lẫn vào dòng người vừa tan tầm Máy Dệt”. Trong trăm thứ hiện diện trước mặt, anh nhận ra: “Những hạt bông trên áo quần, trên tóc”. Có chữ “thì”, chữ “con” đay đi, đay lại ở dòng thơ cuối: “Ai thì không nhận ra, con thì con nhận ra”. Đó là ấn tượng sâu đậm từ ngày xưa còn ám ảnh anh đến bây giờ về người mẹ vô vàn thương quý. Từ những hạt bông anh nhận ra “trên áo quần, trên tóc” như thế, anh nhớ về mẹ và cuộc sống cần lao của người thợ gắn với tuổi thơ anh: “Vì ngày xưa khi tan tầm về nhà / Mẹ cũng có những hạt bông như thế / Và thời gian – khi con còn bé / Được chia theo thời gian của mẹ, / thành ca sáng, ca chiều, ca đêm”… Câu thơ như kể, giản dị giúp cho người đọc nhớ về một cuộc đời lao động vất vả của người mẹ - thợ dệt những năm tháng cần lao, vất vả. Tất cả thời gian của những người liên quan, đặc biệt là tuổi thơ của tác giả đều gắn liền với nhịp điệu lao động hối hả, khẩn trương của người mẹ hiền.
Với mẹ, anh có bao kỷ niệm, bao điều muốn kể, muốn nói, có buồn, có vui. Ở đây, anh nhớ về mẹ gắn liền với khổ đau đời mình: Người mẹ và căn bệnh của con: bệnh tim và bệnh làm thơ. Cả hai đều làm mẹ buồn: “Giữa nghề dệt ngôn từ với nghề dệt vải / Mẹ biết chọn nghề gì con cũng gặp gian nan”. Một sự so sánh độc đáo, làm thơ là nghề dệt ngôn từ cũng vất vả, gian truân như nghề dệt vải của mẹ. Nhất là đối với con trai mẹ đang mang trong mình bệnh tim. Một sự cảm hiểu sâu sắc của người mẹ với con. Tất cả thấm vào đời mẹ một nỗi buồn thương âm thầm, lặng lẽ. Bà chịu đựng nỗi đau như chỉ của riêng mình. Người con nhắc đến những điều trên như một sự tri ân tình cảm lớn lao, cao cả của người mẹ như bao nhiêu bà mẹ Việt Nam khác.
Khổ cuối bài thơ trở lại tâm trạng tác giả trong lần trở về ấy. Lại gặp những người thợ vừa tan ca. Như mẹ ngày xưa họ vẫn có “những hạt bông trên áo quần, trên tóc…” Vẫn là những vất vả làm lụng của người thợ. Tất cả diễn ra hằng ngày như không có gì thay đổi. Mở đầu bài thơ, chi tiết những hạt bông đính trên áo quần, trên tóc người thợ gợi cho anh nhớ về mẹ. Khổ cuối bài thơ, lại trở lại những hình ảnh người thợ tan ca và những hạt bông… “Giờ thì muộn rồi. Ca sáng vừa tan / Những người thợ ra về - những hạt bông trên áo quần, trên tóc…” Từ sự liên tưởng quá khứ - hiện tại, tác giả đặt câu hỏi và tự trả lời “Bốn mươi năm… ngỡ có gì đâu khác? / Chỉ mẹ đã không còn. Và con lại bệnh tim…” Nhà thơ nói lên những sự thật đau lòng: mẹ mất và bản thân lại mang trọng bệnh – căn bệnh mà mẹ đã nhận ra ở trong anh từ bốn mươi năm nay. Một dòng thơ đơn giản mà chứa những nỗi đau lớn nhói vào tim độc giả khi đọc bài thơ. Thế rồi, từ căn bệnh đầu tiên đó, nhà thơ đã phải chịu đựng, chống trả với những căn bệnh quái ác khác và ra đi vĩnh biệt chúng ta ngày 25 tháng 6 năm 2002 khi “Yêu đã xong, ân oán cũng xong rồi” (Thơ Bế Kiến Quốc).
Bài thơ “Nhớ mẹ”, đằng sau sự buồn đau, thương nhớ là tấm lòng sâu nặng của người con với người mẹ lao động và hết lòng lo toan cuộc sống của con. “Những hạt bông trên áo quần, trên tóc” mãi mãi là hình ảnh đáng nhớ trong một bài thơ đáng nhớ của nhà thơ tài hoa Bế Kiến Quốc.
Thanh Ứng