Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"LỬA ĐẮNG", SỰ LỆCH PHA TRONG THẾ CỜ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Đặng Văn Sinh
Thứ ba ngày 6 tháng 9 năm 2011 9:13 PM

(Tham luận đọc tại  cuộc tọa đàm về tiểu thuyết Lửa đắng của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn  do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 05  tháng 9 năm 2011)
 
Người đọc dễ dàng nhận thấy, nhân vật chính được Nguyễn Bắc Sơn chăm sóc luôn có tần số xuất hiện cao trong “Lửa đắng” là Trần Kiên. Khởi đầu sự nghiệp với tư cách kỹ sư, quản đốc phân xưởng, đến chức vụ Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hoa, là cả một quá trình đấu tranh không mệt mỏi để Trần Kiên đưa bằng được ý tưởng cải cách hành chính của mình vào cuộc sống. Đây là một việc làm thiết thực, nhằm hạn chế những bất cập do “lỗi cơ chế” gây ra, tạo nên sự trì trệ sau nhiều năm vận hành theo mô hình cũ. Cái được và cái chưa được của Trần Kiên trong quá trình thử nghiệm, cũng như biện pháp ấy liệu có đáp ứng được cả hai điều kiện cần và đủ để thay đổi hoàn cảnh một cách triệt để hay chỉ là biện pháp nửa vời, đã có những bài  phân tích khá nghiêm túc ngay sau khi “Lửa đắng” ra đời. Với tư cách người đọc, chúng tôi chỉ muốn nêu vài ý kiến nhỏ về cách dàn dựng các tuyến nhân vật đối lập nhau của cuốn tiểu thuyết trong thế cờ cải cách hành chính.

Tập quán luôn là lực cản  của mọi sự thay đổi, nhất là sự thay đổi ấy lại làm phương hại đến những đặc quyền đặc lợi của các quan chức luôn tự nhận là “đầy tớ dân”.  Không dễ gì loại bỏ ngay đặc tính cố hữu này một khi nó đã ký sinh và phát triển ổn định ở vùng ngoại biên của hệ ý thức giáo điều, lại luôn được cung cấp nguồn dinh dưỡng từ những nghị quyết duy ý chí. Người ta nhân danh đủ thứ tốt đẹp nhằm biến những sai lầm có hệ thống thành chân lý. Mà đã là chân lý thì đám đông mặc nhiên thừa nhận.
 
Chẳng biết từ bao giờ, cộng đồng xã hội đã hình thành một dạng văn hóa vừa có tính phổ quát, vừa có tính cá biệt, là “văn hóa đám đông”, “văn hóa vô cảm”, “văn hóa thành tích”, “văn hóa ‘dô’”, “văn hóa phong bì”... Đây chính là thứ tập quán cực kỳ độc hại, lây lan nhanh, phản ứng tức thì và tàn bạo đối với những ai muốn làm người lương thiện. Một điều đáng sợ là, nó lại có khả năng biến hình để thích ứng với sự thay đổi của môi trường xã hội, hơn thế nữa lại còn bảo tồn được bộ “gene” di truyền từ thế hệ trước sang thế thế hệ sau, tiếp tục bào mòn phẩm chất dân tộc.
Hải (“Luật đời và cha con”), Liệu, Phó bí thư quận Lâm Du, Lợi, Trưởng ban tuyên giáo thành ủy, Kiểm, Trưởng ban Tổ chức thành ủy, Chủ tịch UBND, Bắc, Giám đốc sở Giao thông Công chính, Vũ Sán, Phó giám đốc sở Quy hoạch, và nhất là Cựu bí thư thành ủy Thanh Hoa - “Người ngoài hành tinh”, được tác giả miêu tả hết sức sinh động, tiêu biểu cho thế lực chống đổi mới đến cùng, hoặc chí ít ra, trì hoãn càng lâu càng tốt để thực hiện phương châm “đục nước béo cò”.

Dàn nhân vật này có thể được xem như là phần “âm bản” của cuốn tiểu thuyết, Nguyễn Bắc Sơn trình bày các đối tượng ấy như là những kẻ xanh vỏ đỏ lòng, luôn lấy lợi ích cá nhân làm tiêu chuẩn ứng xử trong tất cả các mối quan hệ. Xét về mặt cấu trúc cùng sự vận động nội tại của “Lửa đắng” thì tác phẩm khá thành công, nhưng về mặt thực tiễn, qua một số hình tượng nhân vật có khuynh hướng lãng mạn, cải lương thì hình như chưa tương thích với hiện trạng xã hội, mà điều đáng ngại hơn cả vẫn là sự mất cân bằng trong tương quan lực lượng.

Đọc “Lửa đắng”, chúng ta chợt nhận ra, có một dòng “văn hóa quan chức”, một cái phông “quan trí” mà ở đó không nhất thiết những cán bộ công quyền đang thừa hành nhiệm vụ phải có trình độ học vấn và khả năng nhận thức tối thiểu để hiểu được thế nào là nhân cách con người. Thói quen thích dạy dỗ “quần chúng” bằng những “lời vàng ý ngọc” tràng giang đại hải của Trưởng ban tuyên giáo Lợi đến mức cử tọa phải vỗ tay “mời” xuống, tấm bằng tiến sĩ dỏm của Vũ Sán mua ở “Chợ Giời” hay thạc sĩ Thùy sẵn sàng hiến thân cho Bắc, đổi lấy tài liệu kỹ thuật ngành giao thông công chính thành phố để làm luận án tiến sĩ, hẳn không phải là con sâu làm rầu nồi canh.

Về tương quan lực lượng, Kiên chỉ là thiểu số. Anh vừa đơn độc, vừa không có sức mạnh vật chất, chỉ có ý tưởng và niềm tin. Đối lập với Kiên toàn những nhân vật có sừng có mỏ. Họ vừa có nội lực thâm hậu vừa có ngoại lực đủ mạnh kịp thời hãm mọi hành vi “điên rồ” của mấy chú “ngựa non háu đá” ngay từ lúc còn mới manh nha. Những nhân vật thuộc dòng “phản lực” này  được tác giả khắc họa rất đậm nét cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn bởi sự sắc sảo về tâm lý cùng với vô vàn mưu ma chước quỷ núp dưới danh nghĩa “nghị quyết”, “chủ trương” để bảo vệ bằng được đặc quyền của các “nhóm lợi ích”. Cựu bí thư thành ủy,  Chủ tịch UBND thành phố, những nhân vật từng giấu mặt trong “Luật đời và cha con” giờ xuất hiện công khai hoặc bán công khai trong “Lửa đắng”. Đây là hai quan chức đứng đầu một thành phố lớn, xung quanh họ là bộ máy giúp việc cồng kềnh, với đầy đủ ban bệ chồng chéo nhau , hưởng lương từ tiền thuế của dân nhưng giúp dân thì ít mà “hành” dân thì nhiều. Các vụ bê bối rùm beng trên báo chí như “Thủy cung Thần Tiên”, vụ chia chác đất đai ở quận Lâm Du, về mặt hình thức được làm rất đúng quy trình với đầy đủ văn bản pháp lý, khó có thể phản bác. Sự cố Tổng biên tập Phạm Năng Triển bị bọn đâm thuê chém mướn tạt acid vào mặt sau khi báo “Thời luận” có loạt bài phanh phui vụ tham những đất đai, và Trần Kiên bị kỷ luật cách chức Bí thư quận ủy là bằng chứng không thể chối cãi, phía sau những bộ mặt tưởng như rất đạo đức, liêm khiết kia là những bàn tay ma quỷ đang chơi trò phù thủy.

 Nếu Cựu bí thư Thanh Hoa - “Người ngoài hành tinh” - chỉ ngồi trong “màn trướng” chỉ đạo bằng chủ trương, đường lối, thì Chủ tịch thành phố lại là nhân vật chủ chốt thực thi kế sách chia chác đất đai, phân bổ dự án và dằn mặt các đối tượng “bất hảo” có ý đồ “chọc ngoáy” vào công việc chính quyền. “Người ngoài hành tinh” chắc chắn phải là thành viên của một “nhóm lợi ích” nào đó, có thế lực đủ mạnh, đảm bảo tuyệt đối an toàn mới dám làm những việc thách đố công luận, coi pháp luật chỉ là trò trẻ con như phiên tòa phúc thẩm vụ án “Thủy cung Thần Tiên” xử Cựu phó chủ tịch thành phố Thanh Hoa. Chỉ cần nghe “Người lơ lớ” tán thưởng sau khi Tòa tuyên án bị cáo Trần Thanh Định là có thể biết được tầm cỡ của nhân vật từng làm mưa làm gió một thời này: “Bàn tay ‘Người ngoài hành tinh’ đây. Chỉ ông ta mới làm được thế. Cho dù không còn đứng đầu thành phố này, nhưng ảnh hưởng của ông ta, đệ tử của ông ta còn lớn lắm. Ngay cả sau Đại hội này, nghỉ hưu hẳn, cái đầu ấy vẫn còn được việc cho ta”(trang 592). Từ đó suy ra, vụ án hành hung Tổng biên tập báo Thời luận không thể tìm ra chính danh thủ phạm là lẽ đương nhiên. Cả một guồng máy tham nhũng được đan cài, móc xích với nhau bằng đủ thứ mánh khoe tinh vi mà “sân sau” của các “đại gia” chính là nơi những ông chủ đầy quyền lực này chia chác lợi tức tiền tỷ từ những dự án vay vốn nước ngoài.
 Ngoài những nhân vật VIP như Cựu bí thư thành ủy Thanh Hoa, chủ tịch Thanh Hoa, còn có cả bàn tay “mềm” của xã hội đen luôn sẵn sàng tham gia trò chơi một khi chúng ngửi thấy mùi hấp dẫn của những “dự án”. “Người lơ lớ” thuộc nhóm này. Phải nói, “Người lơ lớ” là một sáng tạo của Nguyễn Bắc Sơn với tư cách là nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết hiện đại nhưng lại cực kỳ sinh động. Thật ra, “Người lơ lớ” xuất hiện không nhiều, và chỉ xuất hiện cùng với Vũ Sán, nhưng có vẻ như cái bóng của hắn trùm lên một khoảng không gian khá rộng. Đến đây có thể khẳng định, về một mặt nào đó, “Người lơ lớ” đại diện cho thế lực siêu hình, đứng trong hậu trường, điều khiển mọi hoạt động của thành phố thông qua hàng loạt nhân vật có thế lực mà tiêu biểu là “Người ngoài hành tinh”. Nói cách khác, hắn chính là một thứ mafia, có tài điều khiển âm binh vốn là cán bộ công quyền, đã thoái hóa biến chất, trở thành nô lệ của đồng tiền, sẵn sàng dùng quyền uy và ảnh hưởng của mình cản trở tiến trình phát triển xã hội, kể cả nhúng tay vào tội ác. Chân dung tay “Bố già” này hiện lên khá rõ qua thứ ngôn ngữ đặc trưng của hắn : “Cờ đến tay rồi. Đây là nước cờ thứ ba trong ván cờ của tôi. Và lần này, ông phải thắng. Tôi chưa đi hỏng nước nào”(trang 232).

Mặt khác, qua những đoạn miêu tả “Người lơ lớ” gặp gỡ bàn bạc và dạy dỗ Vũ Sán mưu chước để leo dần lên nắm các chức vụ cao trong bộ máy quản lý nhà nước, người đọc chợt giật mình nhận ra nguy cơ tiềm ẩn của thế lực ngoại bang đang từng bước phá hoại sự ổn định xã hội. Chúng tiến hành kế hoạch một cách bài bản, nắm chắc những nhân vật chủ chốt, trước hết thâm nhập vào lĩnh vực kinh tế với đủ mưu mô thâm hiểm, sau đó sẽ thao túng chính trị, bởi chúng  đã nắm được tử huyệt đối phương, ấy là bệnh tham nhũng. Hội chứng tham nhũng chính là môi trường thuận lợi dẫn dụ những ông khách không mời như “Người lơ lớ” vào nhà. Vũ Sán chỉ là một trong những “đối tác” của hắn. Qua mấy lần gặp gỡ giữa Vũ Sán và “Người lơ lớ”, bạn đọc càng rõ hơn, tên mafia “nước lạ” này có nhiều “kênh” tiếp xúc với các đại gia bản địa, trong đó có “Người ngoài hành tinh”:

 “Ông vận dụng sai bài học. Chớ có mon men đến nhân vật ấy. Bởi mấy lẽ. Một là ông ta vô cùng cứng rắn, khó chơi. Gần như không thể tiếp cận. Hai là, cái ghế Phó giám đốc Sở, không phải là đối tượng ông ta quan tâm. Chỉ biết thôi. Cấp trưởng thì ông ta phải cân nhắc kỹ đấy. Vì thế, ông chỉ cần đột kích vào ông Cận - Trưởng ban Tổ chức thôi” (...) (trang 233); “Ông có biết vì sao tôi không nói tên ông ấy mà cứ gọi là “Người ngoài hành tinh không”? Ai cũng biết ông ta. Nhưng không phải ai cũng biết đầy đủ về ông ta. Cái phần không đầy đủ về ông ta, càng ít người biết càng tốt (...) Việc ông phải giúp tôi bây giờ, chính là nhanh chóng tiến hành các thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, sao cho chúng tôi được giấy phép đầu tư một khu công nghiệp nữa, càng sớm càng tốt. Chúng tôi phải đón đầu trước khi nước ông vào WTO...- Ngừng một lúc, Người lơ lớ nói thêm,- trong vòng một tháng, ông sẽ chễm chệ ngồi vào ghế Phó giám đốc...” (trang 330)

Bài học tác giả nêu ra rất thiết thực, đáng cho chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ, nếu không đủ bản lĩnh nhìn lại mình, rất có thể Việt Nam bị các tập đoàn kinh tế nước ngoài chi phối, biến đất nước ta thành bãi rác khổng lồ, gần 90 triệu dân con Lạc cháu Hồng sẽ trở thành những kẻ làm thuê vĩ đại trong khi môi trường bị hủy diệt bởi nạn ô nhiễm, kể cả ô nhiễm xã hội, chính trị.

Một lực cản nữa trong quá trình cải cách và hội nhập là sức ỳ từ sự giáo điều, bảo thủ của những nhân vật từng nắm quyền lực tối cao, tuy đã nghỉ hưu nhưng phạm vi ảnh hưởng vẫn còn rất lớn, dẫn đến tình trạng, chỉ một câu nói hoặc một cái lắc đầu là cả một kế hoạch sắp sửa được thực thi hoặc đang vận hành suôn sẻ bỗng chốc tan thành mây khói. Điển hình cho mẫu nhân vật này là “Cụ”. “Cụ” là nhân vật phiếm chỉ, là một người những cũng có thể là một nhóm người. Cũng như “người lơ lớ”, “Cụ” xuất hiện không nhiều, nhưng đây là một “ông lớn” có tiếng nói quyết định, nhất là đối với những vấn đề thuộc tầm vĩ mô. Đã không chỉ một lần “Cụ” còn cho gọi cả Tổng bí thư đến văn phòng để uốn nắn  quan điểm “lệch lạc”. Đây là ý kiến của “Cụ” khi Tổng bí thư đặt vấn đề cần thiết phải cải cách hành chính: “Đồng chí nói thế, tức là hệ thống chính quyền, trước khi đồng chí lên làm Tổng bí thư chưa hoàn thiện chứ gì?” (trang 219). Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi ông Trân đồng ý về nguyên tắc với đề án bí thư kiêm chủ tịch của Trần Kiên: “ Đồng chí cho thí điểm bí thư kiêm chủ tịch này. Rồi lại tổ chức trưng cầu ý dân nữa chứ? Đồng chí có tính đến việc những kẻ quá khích, các phần tử cấp tiến lợi dụng để lái theo ý đồ của họ, đòi quyền lợi chính trị không? Lại còn các lực lượng thù địch nữa. Nó sẵn sàng đưa chiêu bài dân chủ, nhân quyền để phá ta (...), bằng mọi cách phải giữ được ổn định chính trị. Thế mà đồng chí lại xới chuyện ấy ra...”( trang 594). Nhân danh sự ổn định chính trị, “Cụ” cảnh báo vị tân Tổng bí thư: “Đồng chí yên tâm, nhưng chúng tôi không yên tâm. Đảng không yên tâm” (trang 594).

Vậy “Cụ” là nhân vật như thế nào? Chỉ cần lướt qua cuộc trao đổi giữa ông ta với Tổng bí thư là người đọc có thể hiểu được bản chất sự việc. Trước hết “Cụ” dị ứng với bất cứ sự thay đổi chủ trương, đường lối nào của những người kế nhiệm. Đơn giản là vì nó trái với lý thuyết kinh điển của chủ nghĩa Marx. Xét lại Marx tức là phủ nhận Chủ nghĩa xã hội. Đây là việc làm tối kỵ đối với những người “cộng sản chân chính”. Lại nữa, lịch sử Đảng từng viết, các “Cụ” đã vận dụng rất thành công chủ nghĩa Marx vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, bước đầu xây dựng chế độ mới, “dân chủ gấp triệu lần tư sản” như Lenin nói, cho dù các anh cố tình kéo lùi tiến trình ấy bằng cụm từ “định hướng”, thì hơn nửa thế kỷ qua, nó vẫn là niềm tin thiêng liêng của các thế hệ cách mạng tiền nhiệm. Những sáng kiến cải cách theo kiểu Trần Kiên có khác gì công khai chỉ trích các “Cụ” trước đây sai lầm, phủ nhận công lao to lớn của Đảng, mà không biết rằng, Đảng có nguyên tắc tập thể lãnh đạo, Nghị quyết của Đảng là “chân lý”.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cái chính là bởi “Cụ” chưa thể thay đổi nhận thức để tiến kịp với quá trình vận động xã hội. Hơn nữa sẵn “thói kiêu ngạo cộng sản”, cho rằng chỉ có mình là”duy nhất đúng”, nên “Cụ” thường chỉ tiếp cận với thông tin một chiều, hoặc nửa vời do những “nhóm lợi ích” cung cấp. Bọn này luôn có biệt tài biến “Cụ” thành  một thứ “ngoáo ộp” để trục lợi. Về một mặt nào đó, có thể nói, nhân vật “Cụ” lúc này đã trở thành đối tượng cản trở công cuộc cải cách hành chính, một khâu vô cùng quan trọng trong tiến trình xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, thượng tôn pháp luật của  vị Tổng bí thư năng động: “Cứ cái lối kỳ đà cản mũi thế này thì không thể làm việc được. Không nói về thái độ. Anh ấy nhiều tuổi thế, lại vốn là cấp trên của mình (...) Gần như anh ấy phản đối hầu hết những việc mình làm. Tại anh ấy thiếu thông tin? Hay còn do hạn chế trong khả năng phân tích, đánh giá tình hình và xu hướng thời đại? Tại không còn khả năng sáng suốt trong tư duy nên cứ dựa vào kinh nghiệm cũ để xem xét tình hình mới” (trang 598).

Từ hai nhân vật quan trọng, một tuy đã thoái vị nhưng vẫn còn canh cánh bên lòng nỗi lo thế hệ đàn em đi chệch đường lối, khi cần, sẵn sàng “tái xuất giang hồ”, quyết tâm giữ vững Chủ nghĩa xã hội, một là xã hội đen, dù nằm trong bóng tối, nhưng thế lực đang từng bước phình to, lặng lẽ điều hành phía hậu trường, thao túng cả những quan chức cao cấp, thọc tay vào không ít dự án tầm cỡ quốc gia, ta có thể thấy, công cuộc đổi mới sẽ còn gặp nhiều trở ngại. Những nhà cải cách như Tổng bí thư Trân, chủ tịch Thanh Hoa Trần Kiên sẽ còn phải đối đầu với vô vàn khó khăn trong tương lai. Đây cũng chính là điều dự báo của “Lửa đắng”...

 Chí Linh, 23 / 8 / 2011
ĐVS