TNc: Hội nghị Những người viết văn trẻ chưa họp nhưng khá nhièu ồn ào. Chúng tôi đã đưa bài của Vi Thùy Linh và nhận được một số bài nghĩ khác Vi Thùy Linh. Hôm nay chúng tôi đưa bài của nhà thơ Trần Thị Thắng vừa gửi từ Sài Gòn ra để chúng ta có cái nhìn đa chiều...
Có lẽ không hội nghị viết văn trẻ nào ồn ào và nhiều ý kiến giả và thật như hội nghị trẻ lần 8 năm 2011. Nhớ lại những hội nghị trước đó (1985) chúng tôi đến với niềm vui gặp gỡ bạn viết, giờ nghỉ rủ nhau đi ăn bánh tôm Hồ Tây và vui thì lại ngồi hát những bài hát dân ca Nga, Ý, Pháp rồi quay lại dân ca Việt Nam, sau đó là tặng sách cho nhau. Sau hội nghị là viết và viết để đến một lúc nào đó viết đơn xin vào Hội Nhà văn không hổ thẹn. Năm 1975, Hội nghị Văn nghệ giải phóng họp ở Nam bộ, ai đã là hội viên hội văn nghệ Giải phóng chỉ cần làm một lá đơn, nghiễm nhiên là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Những năm đó, một lớp viết văn trẻ khóa 4 cho chiến trường miền Nam năm 1970 vào các chiến trường Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, khu 6, Nam bộ với 61 học viên . Nhưng trong số 61 anh em viết văn thời đó chỉ có một hai người viết đơn, còn chúng tôi có nhiều người đã có thơ văn in trên các tờ báo, đài trung ương. Một số tác phẩm văn thơ in ở chiến khu đưa theo đường giao liên vào các thành phố Sài Gòn, Đà Nẵng để đến tay bạn đọc nhưng cũng từ chối viết đơn vì nghĩ : Viết văn là cả đời, những tác phẩm đầu tay đã được công chúng đánh giá cao, nhưng đó chưa hẳn đã là nhà văn sau này. Những năm tiếp, anh em chúng tôi lao vào viết, đi thực tế và lại viết. Năm 1976 Ngô Thế Oanh, Trần Vũ Mai ; 1977 Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo ; 1986 Vũ Thị Hồng ; 1990 Dương Trọng Dật ; 1991, Lê Quang Trang ; 1996 Từ Quốc Hoài ; 2005 Nguyễn Bá Thâm ; 2010 Đỗ Nam Cao…họ trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trong số những người viết văn trẻ thời ấy chúng tôi có Nguyễn Khắc Phục, anh lấy đời viết văn là công việc là lẽ sống, là cuộc đời và chúng tôi chưa bao giờ nghĩ việc phải đấu tranh cho lớp trẻ mình cho có « ngôi » « vị » trong văn đàn. Hoặc viết đơn đòi đi đại hội này nọ vì hội nghị cũng không phải là con đường dấn thân của nhà văn. Những hội nghị Nhà văn trẻ, đại hội Nhà văn phải bỏ phiếu để được đi hay không được đi chỉ là thủ tục. Đại hội Những người viết văn trẻ có năm chỉ có mấy chục tác giả, những tạo nên những gương mặt nhà văn cho đất nước như : Nguyên Ngọc, Anh Đức, Vũ Thị Thường, Nguyễn Thị Cẩm Thạnh là lớp người có tham gia kháng chiến chống Pháp, hoặc có hiểu về cuộc kháng Pháp. Sang thế hệ chống Mỹ thì một loạt các nhà văn, thơ :, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Nguyễn Hữu Thỉnh, Lê Văn Thảo, Xuân Quỳnh, Nguyễn Khắc Phục, Trần Vũ Mai, Trần Đăng Khoa,Ý Nhi, Ngô Thế Oanh…định hình được một nền thơ văn chống Mỹ. Còn ngày nay lớp trẻ định hình thơ ra sao ? phải bằng thơ ca chứ không thể bằng những bài chửi lại thế hệ già : « trong giới nghề đã có nhiều « cuộc chiến » giữa mới –cũ, trẻ-già mà chỉ « nằm trong chăn » mới tỏ.70% số hội viên Hội nhà văn VN trên 60 tuổi, rất đông trong số đó lâu không viết được gì, nên khó mà mơ họ công nhận sòng phẳng lớp trẻ.. »( Nhà văn trẻ là ai và còn ai ?Vừa điểm danh vừa đợi (kỳ 2,báo Văn hóa&thể thao 6-8-2011). Tôi đang hiểu hình như tác giả nói nhầm đối tượng . Có thể tác giả không đọc chúng tôi những người cả đời viết văn, nhưng chúng tôi có đọc văn các bạn trẻ và nhất là thơ và một số bài báo của tác giả viết bài này, văn thơ trẻ đã làm nên một nền thơ đột phá chưa ? nếu chưa thì đừng đổ thừa cho những nhà văn già đã từng dựng nên nền thơ chống Pháp, thơ chống Mỹ để mặc nhiên bạn đọc và giới cầm bút phải thán phục. Đã là nhà văn nhà thơ lại lo « Bốn năm qua, tôi vẫn là hội viên trẻ nhất Hội Nhà văn VN, hội chỉ 20 người dưới 40 tuổi. Không thiếu người luôn lo sợ thế hệ kế cận, tiếp nối, sợ bị soán ngôi ( dù chưa từng có « ngôi »), chiếm chỗ. Văn chương khắc nghiệt quyết không phụ bạc nhân tài, chỉ người làm văn chương tranh giành sát phạt nhau tới bến mà thôi » (VH&TH-6-8-2011). Nếu chỉ phụ thuộc vào tiêu chuẩn người trẻ cho Hội Nhà văn thì năm 1975 chúng tôi có cả một lúc 61 nhà văn rất trẻ, mới hơn hai mươi tuổi, đã có nhiều tác phẩm, nếu vào Hội sẽ cùng một ngày, nhưng chúng tôi không vì một cái danh hão. Sau bao năm kiên trì viết, lớp chúng tôi có được 15 nhà văn vào Hội ở những năm khác nhau . Trong 61 anh em thời đó có người sau này là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, có người giữ trọng trách với nhân dân như Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội. Nguyễn Đức Hạt nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương, cũng từng là Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư thành ủy Đà Nắng. Thời trẻ của chúng ta có thể bước đầu là viết văn, làm báo, sau có những ngả đường khác cống hiến tốt hơn thì lớp trẻ lại theo. Không thể hỏi : « Nhà văn trẻ là ai và còn ai. Vùa điểm danh vừa đợi », nếu cứ vậy thì suốt đời lấn cấn, chỉ nên có một câu trả lời : chúng tôi viết mỗi ngày một hay hơn. Ai là nhà văn trẻ cũng phải già, nhà văn trẻ mà cứ nhâng nhâng nói nhà văn già như trên thì có phải tác giả đã viết đơn xin vào nhầm chỗ, chị chỉ có thể vào một công ty thương mại, nơi ấy « thương trường là chiến trường », còn không chị đã nói hộ người « khác không ? » . Trong đại hội Nhà văn lần 8, chị cũng đi phát những tờ rơi cổ vũ cho một số người vào ban chấp hành, đại hội xong chị đòi « chỗ » chăng ? nếu không phải lý do ấy thì chị đã nhầm chỗ nói, nhầm chỗ ngồi, viết nhầm đối tượng, để súc phạm tới nhiều nhà văn !
Sài Gòn, ngày 6-8-2011