Vào dịp khai giảng năm học 2011 – 2012, ngành giáo dục tỉnh Hà Tĩnh có một sự kiện đáng nhớ: Trường tiểu học xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ mang tên mới: Trường tiểu học Nguyễn Xuân Thiều. Lễ gắn tên mới của trường diễn ra vào ngày 03-9- 2011, với sự có mặt của đại diện UBND và ngành giáo dục tỉnh Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ, đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, tạp chí VNQĐ, hội Văn nghệ Hà Tĩnh cùng trên 250 giáo viên và học sinh trường tiểu học được đổi tên này. Để làm nên sự kiện này, chúng ta ghi nhận vai trò to lớn của gia đình và họ hàng nhà văn Xuân Thiều, chúng ta không thể quên sự đồng tình của cán bộ, bà con quê hương Bùi Xá, Đức Thọ, cùng đông đảo bạn bè của Nhà văn từ nhiều miền đất nước tề tựu về đây.
Nhà văn Xuân Thiều sinh ra tại Bùi Xá, và chính trường tiểu học này cách đây ba phần tư thế kỷ, ông đã từng học tập. Lớn lên ông nhập ngũ, lăn lộn nhiều mặt trận và trở thành nhà văn quân đội, từng nhận nhiều giải thưởng văn học cao quý, trong đó có Giải Thưởng Nhà nước. Là nhà văn quân đội, ông được đi và sống nhiều nơi, nhưng quê hương Bùi Xá chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim ông, không có vùng đất nào thay thế được. Con sông La không biết bao lần xuất hiên trong thơ và văn của ông. Câu chuyện mà ông kể háo hứng nhất với đồng chí, đồng nghiệp những năm sống ở Thủ đô là những câu chuyện về quê hương. Ông thường ngâm nga bài thơ “ Hồi hương ngẫu thư” của Hạ Tri Chương, một nhà thơ Trung Quốc đời Đường , nhận mình cũng “hương âm vô cải” (giọng quê không đổi) và còn đùa rằng tóc thì thay đổi quá nhiều, không phải chỉ màu sắc mà là số lượng. Chúng ta đều biết rằng, khi ngoài tuổi lục tuần, mái tóc nhà văn Xuân Thiều rất thưa thớt, đầu hói sâu để người nhìn từ phía sau thấy trên đỉnh đầu ông có một mảng không tóc như cái mũ của đức Giáo hoàng! Có lần ông nói rằng, sở dĩ mái tóc ông thưa vì đã lâu không được gội nước sông La, chứ người Đức Thọ, đặc biệt là con gái, tóc ai cũng dày dặn, mượt mà chứ đâu lơ thơ như thế này!
Những năm cuối đời, ông luôn dặn dò và mong mỏi con, cháu làm được điều gì đó cho dòng tộc, quê hương. May mắn cho ông là con ông, con trai, con gái, con dâu, con rể đều chung ý nghĩ như ông, và điều quan trọng là chúng có khả năng kinh tế để biến điều cha mình trăn trở thành hiện thực. Trước khi dự lễ đổi tên trường, chúng tôi được về thăm làng ông và chứng kiến ngôi nhà thờ họ Nguyễn đang được con ông xây dựng lại với 150 mét khối gỗ lim nhập từ nước ngoài về! Khi nói chuyện với Thiều Quang và Thiều Nam, hai cậu con trai của nhà văn, chúng tôi biết rằng, sau khi xây dựng nhà thờ họ, các cháu còn có ý định làm những việc khác, không chỉ cho dòng họ mà cho cả quê hương Bùi Xá, trước hết là trường tiểu học này. Trước khi trường tiểu học Bùi Xá mang tên nhà văn, nhà trường đã có một ngôi nhà hai tầng gồm 10 phòng học và hai dãy nhà ngói một tầng gồm các phòng của ban giám hiệu, phòng giáo viên, phòng truyền thống, thư viện… Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, mọi thứ chỉ đơn sơ. Ngay khu trường, tường xây mới có ở mặt tiền, còn ba mặt khác chỉ căng tạm bằng lưới thép. Tôi không nghĩ rằng, trong một thời gian ngắn, cơ ngơi nhà trường sẽ thay đổi một cách triệt để, nhưng tôi tin, những gì nhà trường hiện nay chưa hoàn chỉnh, các cháu con nhà văn Xuân Thiều cũng đã để mắt tới. Ví như thư viện nhà trường. Nghe nói số sách hiện nay còn rất ít, cũng như trong ngành giáo dục nói chung, nhà trường chưa xây dựng “văn hoá đọc” trong giáo viên và học sinh. Trường mang tên một nhà văn phải là trường tiên tiến trong phong trào đọc sách, Bởi thế, có lẽ thư viên trường là nơi con cháu nhà văn Xuân Thiều để mắt đến trước tiên. Có người phân vân rằng, các cháu học sinh tiểu học thì chỉ cần sách thiếu nhi, trong khi tủ sách của nhà văn Xuân Thiều ( làm nòng cốt cho thư viện trường) thì sách văn học nói chung dành cho người lớn, nên có những điều bất cập. Tôi không suy nghĩ như thế. Vắn hoá đọc của nhà trường phải xây dựng trước hết từ giáo viên, sau đó lan toả sang học sinh. Bởi vậy, sách văn học dành cho người lớn không bao giờ thừa trong thư viện trường tiểu học. Còn một điều nữa, những em học sinh tiểu học yêu văn không chỉ đọc sách của nhà xuất bản Kim Đồng, tuy nhiên với các em, khi xây dựng thư viện chúng ta sẽ chú ý đặc biệt tới loại sách dành cho trẻ em. Tôi mong và tin rằng, trường tiểu học Xuân Thiều sẽ vượt lên các trường khác, trước hết là thư viện trường.
Trong buổi lễ trọng thể này, thầy giáo Phùng Thanh Bình, hiệu trưởng nhà trường phát biểu rằng: “ Bùi Xá chúng ta có nhiều người con làm rạng danh cho quê hương. Việc nhà trường mang tên một danh nhân trên quê hương là niềm tự hào cảu nhà trường và góp phần góp phần giáo dục truyền thống cho các em…”. Nhà văn Ngô Vĩnh Bình, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân dân Đức Thọ để cho tên một nhà văn quân đội, từng là người của tạp chí văn nghệ Quân đội, trở thành tên trường tiểu học và coi đây là một phần thưởng, niềm tự hào của đội ngũ nhà văn quân đội…
Khi chứng kiến buổi lễ trang trọng này, tôi nghĩ nhiều về nhà văn Xuân Thiều, người đồng chí, đồng nghiệp, đồng hương…mà tôi được sống gần gũi hơn 30 năm. Khi chưa về tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi đã thuộc lòng những câu thơ viết về trận địa phòng không trên đỉnh núi ở Hàm Rồng của ông: “ Giá mà kéo núi lên cao nữa. Giáp mặt quân thù đánh tuyệt hơn”. Khi chưa về tạp chí Văn nghệ quân đội, trước năm 1960, theo lời kể của nhà văn Nam Hà, Xuân Thiều thường ngâm nga hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ: “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”. Anh Thiều ơi, khi những bài thơ, truyện ngắn đầu tiên của anh được đăng báo là cái danh bắt đầu được nhen nhóm, khi trở thanh hội viên hội Nhà văn Việt Nam, cái danh được định hình, khi anh được Giải thưởng Nhà nước thì cái danh được khẳng định. Và hôm nay, khi tên anh trở thành tên trường tiểu học xã nhà là cái danh của anh được đóng đinh vào quê hương theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tên anh không chỉ hàng ngày xuất hiện với giáo viên, học sinh ở trong trường, mà trong làng xóm, đồng ruộng, chợ búa…tên anh chen vào câu chuyện cuả người quê hương. Các thế hệ được sinh trưởng thành sẽ mang tên anh đến các miền đất nước. Đó là niềm hạnh phúc lớn đã mấy nhà văn có được?
Trong đêm giao lưu văn nghệ nhân sự kiện này, tôi được nghe một số bài thơ của ông do người thân đọc lại, được nghe nhiều ca khúc về quê hương Bùi Xá, Đức Thọ. Và đặc biệt, tôi được nghe bài hát “ Gửi sông La” do nhạc sĩ Lê Việt Hoà phổ nhạc bài thơ cùng tên của một nhà thơ nữ, tôi nhớ câu chuyện ông từng kể tôi nghe, và tin rằng nhà văn Xuân Thiều đã có mặt trong đêm giao lưu đó theo cách riêng của thế giới linh hồn, ông mỉn cười mãn nguyện khi nghe thơ, nghe hát mà nhớ lại từng kỷ niệm sinh thời…
Hà Tĩnh, 03-9-2011
Vương Trọng
________
Ảnh: Trong buổi lễ gắn biển tên Trường tiểu học Nguyễn Xuân Thiều.