Tại cuộc Hội thảo “Đặc công nước Rừng Sác đánh chìm tầu vận tải 10.000 tấn Baton Rouge Victory của Hải quân Mỹ trên sông Ngã Bẩy”do Hội Sử học Việt nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Cựu chiến binh Đặc công nước Rừng Sác tổ chức diễn ra tại Tp Hồ Chí Minh vào sáng ngày 23 tháng 8 vừa qua, tôi được gặp lại Đại tá Lê Bá Ước.
Quân hàm, quân hiệu tề chỉnh, huân huy chương đầy đủ trên ngực. Dù bên tai ông đã phải đeo chiếc máy trợ thính; dù gương mặt, cần cổ, bắp tay đã teo tóp, ông Bẩy Ước -Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Bộ đội Rừng Sác một thời vẫn giữ nguyên giọng nói hào sảng, cởi mở, thân tình:
-Hai năm trước tôi bệnh tưởng đi luôn. Qua năm nay đỡ hơn. Ngày mùng 1 tháng 9 tới nhớ về thăm đền Nhơn trạch nghe! Ngày họp mặt của Đoàn 10 mà cũng là ngày khu đền 11 tuổi…
Bắt tay thăm hỏi bạn hữu, đồng đội vừa tới chào, ông Bảy Ước quay sang tiếp nối câu chuyện với tôi:
- Văn Sáu chết rồi! Tôi tìm số điện thoại của anh báo tin để anh cùng đi viếng với tôi mà để đâu lần không ra..
Ông Văn Sáu, người phóng viên đã có công ghi lại hàng trăm bức ảnh về hoạt động của anh em Đặc công nước Rừng Sác, ngay từ những ngày chiến tranh. Trước khi bị điều qua làm nhân viên phát hành sách, ông Văn Sáu chuyển toàn bộ số phim đã chụp cho ông Bẩy Ước để hôm nay tới nơi phục hồi căn cứ Đặc công nước Rừng Sác ở huyện Cần Giờ, khách tham quan nhìn những bức ảnh ấy tưởng đâu như những chiến sỹ quả cảm ngày nào mới xuất quân đi đánh tàu, bắn phá kho xăng, kho đạn Mỹ ở quân cảng Sài gòn tối hôm qua, sắp về tới nơi..
Cách nay hơn 10 năm, tôi đã làm được 4 bộ phim tài liệu về chính ông Bẩy Ước, về ông Văn Sáu, về anh em cán bộ chiến sỹ đặc công Đoàn 10 cho truyền hình VTV, HTV. Được nghe nhiều chuyện về tinh thần dũng cảm, táo bạo cũng như sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sỹ Đoàn 10 và của bản thân ông Bẩy Ước, một trong những câu hỏi trăn trở trong tôi là vì sao, cho tận đến lúc ấy (cuối những năm 1990) Đại tá Lê Bá Ước vẫn chưa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Tôi hỏi những người đồng đội cùng thời với ông, ai cũng lắc đầu không hiểu cái dích dắc kia nằm ở đâu? Đem thắc mắc ra hỏi chính ông, ông Bẩy Ước cười xòa: “ Còn nhiều người khác xứng đáng hơn tôi mà đã được phong tặng đâu? ”.
Xin lược ghi một đôi điều về ông. Đi bộ đội từ thời chống Pháp. Tập kết ra Bắc vào năm 1955. Năm 1966, để vợ con ở lại hậu phương lớn, lên đường trở lại chiến trường Miền Nam. Và ngay từ ngày ấy đã về chiến đấu tại Đoàn 10 Đặc công nước Rừng Sác. Năm 1968, ông Bẩy Ước trở thành Chính Ủy và năm sau, Trung tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân Giải phóng Miền Nam chính thức giao cho ông kiêm chức Trung đoàn trường. Từ năm 1969 tới tận những năm sau Hiệp định Paris 1973 là thời kỳ rất gian nan, thử thách với chiến trường Nam Bộ nói chung, đặc biệt là đối với những đơn vị bám trụ ven đô Sài gòn nói riêng. Địch phản kích quyết liệt. Đạn dược, vũ khí khí tài từ hậu phương lớn đưa vào ngày càng thưa dần, ít dần. Gạo, thực phẩm, thuốc men nuôi dưỡng quân cũng ít dần theo. Trong khoảng thời gian đó, lính Đặc công nước Đoàn 10 vẫn chỉ với cái mũ nilong trùm đầu, chiếc ống thở giản đơn, với chiếc quần xà lỏn đã vần những trái thủy lôi lặn ngụp áp sát vào tàu chiến Mỹ làm nổ tung nhiều tàu lớn, tàu nhỏ; cắt đứt nhiều ngày con đường tiếp tế huyết mạch của Mỹ từ Vũng tàu lên Sài gòn; đã bắn hỏa tiễn gây tổn thất lớn tại kho đạn chiến lược của Mỹ ở Thành Tuy Hạ, đã đốt cháy hàng vạn lít xăng Mỹ tại kho xăng Nhà bè…Trong những chiến công ấy có sự đóng góp không nhỏ của người chỉ huy quân sự cũng là người nuôi dưỡng tinh thần của Bộ đội Đặc công nước Rừng Sác –Đại tá Lê Bá Ước.
Suốt từ cuối những năm 1990 và vài ngày tới sẽ bước sang quý 4 của năm 2011, đã có nhiều lần Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, tôi đón chờ và vẫn không thấy tên tuổi Đại tá Lê Bá Ước. Thỉnh thoảng gọi điện, vẫn thấy ông cười xòa bên kia đầu giây: “ Tỉnh lại vừa bảo mình làm hồ sơ đấy! “ . Hoặc: “Nghe nói hồ sơ còn nằm trên Quân khu”…
Trên báo giấy, trên báo mạng tôi đã viết mấy bài, không phải để ca ngợi công tích thời chiến tranh của ông Bẩy Ước, mà chỉ nhắm kể lại công lao “ làm văn hóa, văn nghệ “ của ông Bẩy, để khiến cho chiến công của Đoàn 10 trở thành bất tử. Ông Bẩy đã từng làm cố vấn có đến cả chục vở kịch nói, vở cải lương; cả chục bộ phim, cả phim truyện lẫn phim tài liệu về Đoàn 10. Bản thân ông đã viết hai cuốn sách về đồng đội của mình, về nghĩa tình của bà con Nhơn trạch, Cần giờ đã chở che, nuôi dưỡng bộ đội Đặc công nước được Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành. Suốt hơn 30 năm kể từ ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất ông Bẩy Ước sắm vai trò của chiếc cầu nối giữ vững mối giây liên hệ giữa các đồng đội Đặc công nước Rừng Sác, dù anh em ở Bến tre, Long An, Cần thơ hay tận ngoài Quảng Ninh, Thái Binh.. Ai yếu đau, bệnh hoạn; ai dựng vợ gả chồng cho con trai con gái; ai gặp khó khăn trong cuộc sống đời thường ông Bẩy Ước đều có mặp kịp thời để kêu gọi trợ giúp tiền bạc hoặc giúp một lời động viên, an ủi. Những cuộc tìm kiếm hoặc quy tập hài cốt đồng đội hy sinh ông Bẩy Ước xăm xắn, nhiệt tình đôn đốc, lo lắng chu toàn. Ông Bẩy Ước duy trì mối liên hệ bền chặt giữa cựu binh Rừng Sác và cô bác các cơ sở của Đoàn 10 trong những năm chiến tranh tại Nhơn trạch, Cần Giờ, Long An..Ông Bẩy Ước cũng là người khởi xướng và trực tiếp theo dõi việc xây một bảo tàng sống, khôi phục lại hiện trạng căn cứ của Bộ đội Đặc công nước Rừng Sác tại khu rừng sinh quyển Cần giờ để cuốn khách tứ phương tới thăm. Vào năm 2000, Đại tá Lê Bá Ước đã xin đất, kêu gọi được tới 6 tỷ đồng tiền tài trợ và bỏ ra mấy năm ròng ngược xuôi tất tả theo dõi việc xây dựng khu đền tưởng niệm chiến công của nhân dân huyện Nhơn trạch và Bộ đội Đặc công nước Rừng Sác. Khu đền uy nghiêm rộng tới vài héc-ta, có bảng vàng ghi tên tuổi của hơn 700 liệt sỹ Đặc công nước Rừng Sác và hàng trăm cô bác đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ hiện lên sừng sững và nhang khói ngày đêm ngay giữa khu chế xuất san sát nhà máy tại tỉnh Biên Hòa.
Có cảm giác, vài năm trở lại đây, huân huy chương được trao tặng nhiều như vãi thóc xuống sân cho gà vịt ăn. Còn có thêm cả danh hiệu “Anh hùng thời kỳ đổi mới” hình như để tặng thưởng những ai nhiều mưu lắm mẹo kiếm ra đồng tiền và chịu mở túi góp tiền cho việc từ thiện. Ông Bẩy Ước không có tài làm ra tiền cũng không dư dả tiền mà cho ai, nhưng thiết nghĩ, riêng thành thích “ làm văn hóa, văn nghệ “ để giữ vững tình người và dạy dỗ con cháu bài học uống nước phải nhớ nguồn cũng quá xứng đáng trao ông danh hiệu này.
Hơn 10 năm trước, tôi đã kết thúc bộ phim tài liệu “ Chuyện còn chưa kể về Rừng Sác” nói về cái gia đình kỳ lạ của ông Bẩy Ước bằng chính một bài thơ do ông sáng tác. Trước khi đọc ông Bảy nói với các ông bạn già ngồi quanh bàn trà: “.. Sắp hết năm 1999 rồi. Tôi đang mong chóng tới đêm giao thừa giữa hai thế kỷ. Nói theo hình tượng điêu khắc, tôi sẽ đứng rạng chân qua hai thế kỷ, một tay cầm cái chứng chỉ Ngọc Hoàng ban xác nhận tôi đã sống được đến tuổi 70; còn tay kia cầm cái chứng chỉ 50 tuổi Đảng. Về già thế là sung sướng quá rồi. Bạn hữu thường biên thư, gọi điện hỏi rằng, hiện đang sống ra sao? Xin trả lời chung bằng mấy vần thơ sau đây:
Sáng gói mỳ tôm một ấm trà
Ngày cơm hai bữa cá, dưa, cà
Nếu mời bạn đến thêm chai đế
Cuộc sống vẫn vui với tuổi già
Tại cuộc Hội thảo sáng nay, nghe tôi nhắc lại bài thơ cũ, ông Bẩy Ước kéo tôi ra sân, dí dủm đọc khẽ cho tôi nghe một bài thơ ông mới làm vào giữa năm 2011 này:
Tám mươi mốt tuổi đến với ta,
Trường chinh vạn nẻo vượt phong ba,
Phong trần cuộc sống đời binh nghiệp,
Vẫn ngẩng đầu cao với tuổi già.
Bành trướng hung hăng nơi biển cả?
Hãy trao lão này khẩu A.K!
Mong các cấp, các chức sắc hãy nhanh chóng trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Đại tá Lê Bá Ước khi ông vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Đừng chậm trễ vì sự quan liêu, thái độ hẹp hòi và các thủ tục nhiêu khê, vớ vẩn, như với rất nhiều trường hợp khác, để mang đến nhà ông danh hiệu Anh hùng, không trao mà là truy tặng…
Ghi chú ảnh:
Đại tá Lê Bá Ước và nhà sử học Dương Trung Quốc tại cuộc Hội thảo.