Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÀ NỘI TIẾU LÂM TRUYỀN KÌ

Vũ Duy Chu
Thứ năm ngày 25 tháng 8 năm 2011 6:21 AM

( Sưu tầm và sáng tác – Kì 2)

VẪN ĐẺ SÒN SÒN

Ủy ban Dân số & Kế hoạch hóa gia đình tỉnh H báo cáo cấp trên rằng bản Y, xã X, huyện Z là bản thực hiện kế hoạch hóa gia đình kém nhất tỉnh. Bản đã nghèo xác xơ mà nhà nào cũng đẻ năm bảy con.
Trung ương liền cử một nhóm cán bộ có kinh nghiệm về vận động sinh đẻ kế hoạch đến bản Y thị sát.
Trưởng bản mở ngay một cuộc họp với tất tật phụ nữ đàn ông trong bản. Nữ đồng chí cán bộ trung ương cầm cái bao cao su đưa ra trước mắt mọi người và hào hứng thuyết trình:
- Thưa các anh chị, đây là một trong nhiều nhiều cái bao cao su sẽ cấp miễn phí cho đàn ông bản ta, nhằm hạn chế sinh đẻ rất hiệu quả, lại dễ sử dụng. Đặc biệt người dùng không có cảm giác khó chịu, vướng víu gì nhá. Tuy mỏng dính nhưng nó rất an toàn và co dãn thoải mái. Đây, tôi kéo ra… kéo ra… đây này…. Các anh chú ý nhìn cho kỹ, tôi hướng dẫn cách dùng như sau: Hãy lấy ngón tay cái và ngón trỏ của bàn tay trái nhẹ nhàng nong miệng bao cao su ra. Thế…thế… Sau đó từ từ chụp vào… của quý của các anh như thế này…, rồi kéo nhẹ bao như thế này này cho đến khi… Rõ chưa nào?
Nữ cán bộ giơ cao ngón tay trỏ của bàn tay phải “đóng thế” cho của quý đã được bao cao su trùm kín…
- Thế là xong, thật đơn giản phải không ạ. Có anh nào chưa hiểu, thắc mắc gì thì giơ tay lên, tôi sẽ giải thích.
Cánh đàn ông nhao nhao tán thưởng:
- Ô, dễ quá cán bộ ơi, chúng tao sẽ làm theo thôi. Đẻ nhiều trẻ con không tốt đâu, không có cái gì cho chúng nó ăn, chúng tao cũng khổ lắm. Bây giờ có cán bộ về cho cái bao, lại chỉ cho cách dùng dễ thế thì cái bụng mừng quá, mừng quá…
Hai năm sau, nữ cán bộ trung ương khấp khởi về bản Y “nghiệm thu kết quả”. Cánh đàn ông nhao nhao phản đối:
- Cán bộ ơi, chúng tao dùng bao cao su mà vợ vẫn đẻ sòn sòn đấy. Mà còn đẻ nhiều hơn hồi mày chưa đưa cái bao về bản lớ, khổ quá, khổ quá!
- Sao lại thế được? Các anh sử dụng bao cao su như thế nào, hả?
- Thì như cán bộ đã dạy chúng tao đấy mà. Chụp cái bao cao su lên ngón tay trỏ thì tao làm được. Nhưng vừa… ngủ với vợ, vừa phải giữ cái bao ở ngón tay trỏ cho nó khỏi rơi ra thì tao mỏi cái tay lắm cán bộ à, không giữ được đâu lớ…
 
CẦN GÌ PHẢI HỌC NGOẠI NGỮ

Phong trào đi Liên Xô làm mướn kiếm tiền đang rầm rộ. Bà Mẹo có thằng Vặt là con trai độc cũng nôn nao đòi đi bằng được. Bà lo sốt vó. Lo vì thằng con không chịu học tiếng Liên Xô, sang đó giống thằng câm, làm sao kiếm tiền. Bà bảo chồng:
- Ông ạ, cái thằng Ca con bà Cẩm trên phố Đội Cấn nghe đồn suýt chết vì không biết tiếng Liên Xô đấy. Nó ra cửa hàng bên ấy tìm mua một ít bơm xe đạp để giử về nhà cho mẹ bán kiếm lời. Không biết tiếng Liên Xô nên nó phải làm động tác diễn tả cái bơm cho mấy cô bán hàng hiểu. Lưng nó gù xuống, hai cánh tay khòng khòng nắm hờ cái thanh ngang cần bơm, rồi cứ thế ép người xuống, nhô người lên liên hồi như bổ củi. Rồi nó đứng thẳng lên, phưỡn cái bụng ra, hai tay đánh vòng từ ngực xuống dưới rốn. Ý nó là bơm căng, bơm căng phình như quả bóng rồi. Mấy cô bán hàng Liên Xô tưởng thằng này dở trò tục tĩu, quấy rối tình dục, đuổi nó chạy trối chết…hí…hí…
Ông trấn an bà:
- Dào ơi, cái thằng Ca ấy ngu thậm. Diễn tả thế thì mấy cô Liên Xô đuổi cho chạy có cờ là đúng rồi. Cái Lon nhà ông Gáo sang đấy kiếm được hàng trăm cái quạt tai voi giử về nhà đấy thôi, đâu có sao. Nhà lão Gáo bây giờ giàu to. Cái Lon ranh ma lắm. Nó khom người, nhét hai ngón tay cái vào hai lỗ tai, bốn ngón còn lại của hai bàn tay xòe ra vẫy vẫy, miệng thổi vù vù. Chỉ vài động tác đơn giản thế thôi mà đến cửa hàng nào nó cũng mua được khối quạt tai voi đấy.
Hứng chí, ông kể tiếp:
- Nói chuyện thiên hạ làm chi. Hồi bọn tôi ở bên Miên, nếu không giỏi diễn tả động tác thì chết đói ráo. Mình vào phum sóc kiếm ăn mà một tiếng để chào người ta cũng không biết. Thế là cái thằng cu Mò dân Vĩnh Phú nghĩ ra mẹo. Nó đến nhà dân, nhe răng cười với chủ nhà, họ cười chào lại. Nó liền ngồi xổm xuống sân, kéo quần chìa mông trắng hếu, rặn è một phát, thả cục đất tròn vo xuống dưới đít, rồi hai tay vỗ mạnh vào mông,  xòe hai tà áo ra, nhảy thốc lên, miệng kêu cục ta… cục tác…cục ta…cục tác… Tài, thế mà cái bà chủ nhà Miên hiểu liền, mang ngay ra một rổ trứng gà to tướng tặng cho nó đấy. Thế, biết diễn tả mọi thứ bằng động tác thì đến nước nào cũng sống khỏe re, đâu cần phải biết ngoại ngữ, rườm rà lắp bắp thêm mệt…
- Úi, ông nói chí phải, có lý quá. Thảo nào người ta diễn kịch câm có hàng mấy trăm, hàng ngàn người xem, ai cũng hiểu, cũng xuýt xoa khen hay đáo để.
- Chứ sao! Người ta còn gọi kịch câm là kịch ngôn ngữ hình thể ấy chứ!
- Ma xó nhà ông, già rồi mà vẫn cái gì cũng vanh vách như ngày xưa í…hí..hí… Chẳng bù cho thằng con ông một tẹo.
Rồi bà réo:
- Thằng Vặt đâu, ra đây tao bảo. Mày vừa ngu vừa lười như thế mà sang Liên Xô thì chỉ có chết đói nhăn răng thôi con ạ. Sáng mai bố dẫn mày ra Trung tâm Kịch nghệ học một khóa kịch câm cấp tốc. Chịu khó mà học, nó ấm vào thân mày í con ạ. Rõ chưa?

CHUYẾN TÀU KIỂU MẪU

Đồng bào cả nước đã quen đi những chuyến tàu chợ chạy từ ga Hàng Cỏ lúc sáng sớm đến chiều tà mới tới thị xã Ninh Bình, chừng hơn trăm cây số. Quen với cảnh tàu bất chợt dừng dọc đường đón mấy bà buôn chuyến. Quen cảnh tàu chờ tránh nhau cả tiếng đồng hồ. Kẻ nào may mắn kiếm được chỗ ngồi trên băng ghế gỗ, dù rệp chích sưng mông đít, ngứa nhanh nhách, cũng còn sướng mê man, hơn khối người chen chúc phải đứng một chân cho tàu lắc lư kẽo kẹt suốt cả ngày…
Thế nên đồng bào rất hỉ hả khi nghe ngành đường sắt thông báo trên đài, trên báo rằng ngày Y sẽ có chuyến tàu hỏa đầu tiên của Việt Nam chạy từ ga Hòa Hưng, Sài Gòn về ga Hàng Cỏ, Hà Nội lúc giờ G, đúng dự kiến thời lượng là K giờ. Đây là chuyến tàu kiểu mẫu đầu tiên, mở đầu cho một thời kỳ phát triển mạnh mẽ vượt bậc và đổi mới quyết liệt cung cách phục vụ của Tổng cục Đường sắt.
Trước giờ G, không khí ga Hàng Cỏ như muốn nổ tung. Các đại biểu diện Veston, cà vạt sang trọng. Các cháu thiếu nhi cổ quàng khăn đỏ xếp hàng dài. Lớp cầm hoa và cờ đỏ sao vàng vẫy chào phấp phới. Lớp đội mũ chào mào khua trống ếch rền rĩ.
Hàng ngàn người dân chen lấn xô đẩy nhau, cố chòi ra sát đường ray để chiêm ngưỡng đoàn tàu trứ danh. Cảnh sát và bảo vệ ga mướt mồ hôi mới giữ được trật tự.
Giờ G đã điểm. Đoàn tàu xình xịch tiến vào sân ga, kéo một hồi còi dài oai vệ, hùng dũng. Cờ hoa tung lên tàu, tung lên trời. Đồng bào vỗ tay, vẫy tay, ôm lấy nhau nhảy tưng tưng. Nhiều người khóc nức nở…
Đột nhiên ông trưởng tàu xuất hiện ở bậc lên xuống đầu tàu, hét rất to vào cái loa gắn pin cầm trên tay:
- Đồng bào tụ tập làm gì đông thế hả trời? Xin giải tán ngay và tránh xa đường ray một mét rưỡi, nguy hiểm, nguy hiểm!
Thế là vang trời dậy đất:
- Hoan hô Đường sắt Việt Nam đổi mới!
- Đổi mới!...Đổi mới!...Đổi mới!...
- Hoan hô đoàn tàu kiểu mẫu!
- Kiểu mẫu!... Kiểu mẫu!...Kiểu mẫu!...
- Hoan hô đoàn tàu đúng giờ!
- Đúng giờ!… Đúng giờ!… Đúng giờ!...
Đột nhiên cả rừng người trên sân ga im bặt, ngơ ngác khi nghe ông trưởng tàu hét chói tai:
- Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Đây là chuyến tàu chợ. Đoàn tàu kiểu mẫu của chúng ta bị trật bánh từ hôm qua, hiện đang nằm ở ga Quảng Ngãi…

ĐÈO NGHẾCH

Con tàu đang lắc lư chạy qua địa phận Quảng Bình vào Hà Tĩnh thì nhóm khách cùng dãy ghế trong toa bàn luận sôi nổi. Một ông bảo:
- Vùng đất gió Lào cát trắng này dân chúng quanh năm vất vả nghèo khó.
Ông thứ 2 thán phục:
- Nghèo nhưng nhiều người hiếu học và nhiều người tài. Có thắng cảnh Đèo Ngang đẹp nhức mắt.
Ông thứ 3 xót:
- Đẹp mà nghèo mới đau. Vùng đất có cảnh đẹp cũng giống đàn bà đẹp vậy. Đàn bà đẹp muốn khổ cũng không khổ được ấy chứ. Tại sao Quảng Bình, Hà Tĩnh cảnh thì đẹp, người thì giỏi mà cứ khổ, khổ, khổ?
Ông thứ 4 dõng dạc:
- Quảng Bình, Hà Tĩnh muốn sung sướng, giàu có phải đổi ngay cái tên Đèo Ngang thành tên khác mới được. Tôi xem thày tướng số, thày địa lý, phong thủy, thày nào cũng phán ngay tróc như thế. Ngẫm ra chẳng trật tí nào. Các ông biết Đèo Ngang là gì không?
- Là gì ạ?
- Là Đang Nghèo
Cười rần rần…
- Thế Đèo Ngang phải đổi thành đèo gì, hả bác gì ơi?
- Đèo Ngang phải đổi thành Đèo Nghếch. Đèo Nghếch nghĩa là Đếch Nghèo.
- Nhà chúng em lạy mấy bác!
He..he…he…Hí...hí…hí…

Sài Gòn, 23.8.2011
VDC
( Còn tiếp)