Kỷ niệm một năm ngày mất và 90 năm sinh nhà thơ Hoàng Cầm ( 1922-2010)
Kỷ niệm một năm ngày mất và 90 năm sinh nhà thơ Hoàng Cầm, buổi tối 5 tháng 5, tại Trung Tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây có cuộc họp mặt trang trọng và thân mật các văn nghệ sĩ và bạn đọc, với nội dung ra mắt cuốn: Hoàng Cầm hồn thơ độc đáo, tập hợp dư luận phê bình nghiên cứu và tình cảm bạn đọc đối với các tác phẩm của Hoàng Cầm.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, người em, người bạn vong niên thân thiết của Hoàng Cầm được ban tổ chức cử làm MC, đã “huy động” hàng chục những văn nghệ sĩ mến mộ Hoàng Cầm có mặt tại đó, lên ôn lại những kỷ niệm sinh động. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được giới thiệu đã theo sát Hoàng Cầm suốt 20 năm, nên ông đã có một bộ ảnh về Hoàng Cầm không ai có nổi, hàng mấy chục bức phóng to treo la liệt khắp phòng, còn của chìm…chưa thể tính được có bao nhiêu bức. Nhà nhiếp ảnh có lẽ không quen nói trước công chúng, ông lúng túng “Tôi…tôi đã nói bằng ảnh rồi! à mà các bạn xem ảnh, có hỏi gì thêm tôi xin trả lời.” Nguyễn Trọng Tạo phải đỡ: “Vâng, thí dụ tấm ảnh có mấy người đủ mọi lứa tuổi, ăn mặc lại lôi thôi, ba lô quần soóc…” “ Vâng, đấy là cuộc đi bộ dọc đất nước của hai anh Hòa Vang và Nguyễn Lương Ngọc, chúng tôi cũng cùng xuất phát, chỉ khác hai anh đi bộ, tôi thì đèo xe máy anh Hoàng Cầm…cứ thế mà vào đến Huế”. Nhớ chuyện vui, nhà nhiếp ảnh bạo dạn hẳn lên: “Hai cậu trẻ đều tuổi Tuất, ẩn tuổi anh Cầm nên anh đùa: Đoàn mình có đến 4 con chó, tớ là chó già, cậu Toán săn ảnh tất nhiên là…chó săn!”
Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh vẽ được hai tấm chân dung Hoàng Cầm rất ưng ý, anh giữ lại một, hôm nay đóng khung một bức tặng lại gia đình nhà thơ. Nguyễn Trọng Tạo cho biết: hầu hết tác phẩm Hoàng Cầm đã được xuất bản, nhưng của chìm của ông còn tới 53 băng cát-xét, trong đó hồi ký tự truyện giọng ông đọc, mở băng ra nghe không dưới 70 giờ.
Nhân vật chính của hôm nay là Lại Nguyên Ân, người chủ biên cuốn sách mới ra mắt, lại cũng là người 11 năm trước đã được chính Hoàng Cầm tin cậy lựa chọn để biên soạn bộ tuyển tập tác phẩm của ông. Lại Nguyên Ân cho biết: Trong cuốn Hoàng Cầm, hồn thơ độc đáo, từng bài hồi ức- kỷ niệm vẫn có tính nghiên cứu, phân tích và ngược lại. Vì vậy, đặc sắc sáng tạo của ngọn bút Hoàng Cầm, ý nghĩa đa dạng, đa diện tiềm ẩn trong các sáng tác của ông có thể nói cho đến hôm nay, đã được thâu tóm trong tập sách.
Nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh: “ Chỉ điểm diện những người có mặt tối nay, trong đó có các vị giáo sư là thày tôi, các nhà thơ tên tuổi, đủ thấy tầm vóc của nhà thơ Hoàng Cầm! ” Cô đưa ra một đề nghị mới mẻ và có lý: không nên gọi những người như vẫn sống mãi cùng chúng ta là cố thi sĩ Hoàng Cầm, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chẳng hạn…”
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo giới thiệu Hoàng Hưng bằng cách:
“ Nhà thơ Hoàng Cầm có điểm đặc biệt là càng lúc gặp chông gai trong đời, ông càng viết được tác phẩm lớn, thí dụ trong vụ án Nhân Văn, ông bị treo bút một thời gian thì có Về Kinh Bắc là điểm sáng chói trong sự nghiệp của ông. Nhưng cũng hiếm có tác phẩm nào lại khiến hai người phải vào tù khi chưa được in ra, người 3 năm tù, người 16 tháng…Hôm nay anh Hoàng Hưng có mặt, xin mời anh có ý kiến.”
Hoàng Hưng cải chính: “Không phải 3 năm mà 39 tháng!” Theo ông,
nhà thơ Hoàng Cầm đã được giải thưởng Nhà nước cho những tác phẩm, tuy không có tên Về Kinh Bắc, nhưng những bài chủ chốt của tập đó đã nằm trong các tập được nêu để tặng giải, ngầm hiểu rằng chúng không có tội gì về mặt nội dung. Như vậy hẳn vì một lầm lẫn, định kiến nào đấy. Tôi vẫn mong có sự công bố chính thức về vấn đề này, mà ít nhất là Hội nhà văn Hà Nội, Hội nhà văn Việt Nam nên có trách nhiệm đưa ra một kiến nghị…”
Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây bằng những hoạt động xuất bản sách có giá trị và những buổi giới thiệu sách, đã thành một trong những địa chỉ tin cậy của những người yêu văn học!...