Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TIỂU ĐỘI CHÚNG TÔI CHÔN CẤT LIỆT SĨ Ở MẶT TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ

Phạm Mạn
Thứ sáu ngày 6 tháng 5 năm 2011 7:20 PM

“Người lính già kể mãi chuyện  Nguyên Phong”
(Thơ đời Nhà TRẦN)
   
Từ chiến dịch Điện Biên Phủ, thời gian đã có độ lùi nửa thê kỷ. Ngưòi lính Điện Biên trẻ trung năm xưa nay đã già rồi.Gìờ đây lần về hồi ức cũ phủ nhiều lớp bụi thời gian, tôi mong tái hiện phần nào vừa là cảm xúc, vừa là hình ảnh sử liệu một thời hào hùng đã hoà vào hương khói thiêng liêng của Đất nước.
                   Chuẩn bị tổng công kích đợt hai, cấp trên biệt phái tiểu đội chúng tôi đi nhận nhiệm vụ mới. Địa điểm làm nhiệm vụ là một cánh rừng bằng phẳng, khô ráo, cây cối thuần một loại, to không quá bắp đùi ,mọc rải đều và thưa như thể do người trồng. Tuy cây lưa thưa nhưng tán lá che cững gần kín bầu trời.       
Nhiệm vụ của tiểu đội chúng tôi là đào sẵn 50 cái huyệt thành hàng ngay ngắn, chờ chôn cất liệt sĩ khi đánh lớn.Trời Điện Biên chưa có mưa.Đất rất rắn lẫn rễ cây và sỏi,việc đào huyệt rất vất vả(nói như Tố Hữu là khoét chứ không phải là đào, khoét núi mà). Cán bộ động viên chiên sĩ: đồng chí chúng ta hy sinh xương máu, chúng ta phải đào sâu chôn chặt,mai táng cẩn thận, làm tròn nghĩa vụ với ngưòi đã khuất. Tình đồng đội, ý chí chiến đấu cộng với sự bền bỉ và kinh nghiêm của người lính đã từng đào hàng trăm, hàng nghìn hầm cá nhân,giao thông hào (trên những nẻo đường mà ngưòi lính hành quân gần khắp cả miền Bắc; nhất là ở đất Điện Biên này) khiến chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ tưởng như quá sức mình.
 Khi huyệt đào đã đủ số quy định nhưng chưa sử dụng, chúng tôi có chút thời gian nghỉ tay .Trận dưới cánh đòngĐiện Biên ,không xa chỗ chúng tôi,vẫn yên yên .Thỉnh thoảng vài loạt pháo,vài loạt bom lúc xa lúc gần. Súng cối nổ khô khan cầm canh lác đác.Tiếng máy bay vận tải ầm ĩ kiên nhẫn thả dù tiêp tế suốt ngày .Tuy vậy cán bộ chỉ huy vẫn nhắc nhở chúng tôi chuẩn bị tư tưởng ,có thể có lúc công việc rât căng thẳng. Bất kể tình thế nào, tiểu đội vẫn phải chôn cất hết số tử sĩ ở mặt trận chuyển về và luôn có dự phòng 15 cái huyệt. Đến bữa ăn, anh nuôi theo giao thông hào gánh cơm ra cho chúng tôi : mỗi người một nắm cơm nếp to (cũng có hôm cơm tẻ) và thịt trâu kho khô với gừng; nước uống là nước gạo rang.
  Và rồi khi tiếng pháo, tiêng hoả lực vang dây khắp lòng chảo Điện Biên chúng tôi biết giờ phút căng thẳng của công việc đang đến. Ban đầu lác đác tử sĩ,được các chiến sĩ xung kích cáng về.Việc chôn cất,tử sĩ về đến đâu chôn cất xong đến đấy.Và tối đến, chúng tôi vẫn đựoc ngủ dưới những cái huyệt chưa chôn để tránh phi pháo. Dù trắng chiến lợi phẩm, trên cấp cho rất nhiều dùng để khâm liệm. Ngủ dưới huyệt,mỗi chúng tôi lấy một cái, nửa trải nửa đắp, ngủ rất ấm. Điện Biên về đêm trời vẫn khá lạnh. Rất may là trời vẫn đang mùa khô.
   Hôm sau ,tử sĩ chuyển về nhièu,liên tiếp.Chúng tôi làm việc rất khẩn trương nhưng vẫn không kịp : Tử sĩ vẫn phải chờ mới đến phiên lượt về nơi an ngỉ vĩnh hằng !                          
    Chôn cất tử sĩ là công việc mới mẻ đối với hầu hếy anh em chúng tôi,dù là cựu binh hay tân binh. Vì thế giờ phút ban đầu,tiếp xúc với tử sĩ chúng tôi rất xúc đọng.Những tình cảm lớn lao mới lạ : những gì rất gắn bó thân thương với người không quen biết đã vĩnh viễn ra đi vì Đất Nước.Chúng tôi đa phần còn ở tuổi trên dưới 20, các tử sĩ cũng thế.Người hy sinh như chồi non trên cành bị gãy. Riêng tôi lần đầu tiên trong đời chứng kiến cái chết hết sức giản dị, không ồn ào nhưng đầy bi tráng giữa núi rừng hùng vĩ mà chiến tranh đang gầm thét. Khác với cái chết đời thường hôm nay: có kèn trống bi thiết;  có khóc lóc râm ran,với cờ xí… và đoàn người kéo dài trịnh trọng tiễn đưa người đã khuất ra huyệt mộ trong mùi hương huyền ảo như hoà quyện hai cõi âm dương. Còn ở đây thay cho nước mắt thay cho đoàn người,thay cho hương hoa ,thay cho quan tài… là vài bốn chiến sĩ xung kích thay nhau cáng một tử sĩ về đây.Những nguơi khiêng cáng cũnglà ngưòi tiễn đưa .Khóc anh không nứoc mắt; những người cáng có nét rất giống nhau ở chỗ:vẻ mặt săn sắt buồn một cách gan góc, kiên nghị một cách điềm tĩnh,áo quần của họ là đồng phục nhàu nát lấm lem. Còn tử sĩ từ mặt trân về,có thể đã liệm vải dù hoặc chưa liệm nằm bất động như người ngủ say trên cáng. Quy mô lớn lao của mặt trận,sự ác liệt của chiến đấu và nhất là các tử sĩ về đây mỗi lúc một nhiều với bao hình vẻ khiến chúng tôi liên tưởng sự sống chết của mình. Nhưng không mấy ai quan tâm dến ý nghĩ này. Cái quan tâmnhất là công việc đang khẩn trương: những huyệt mộ đang đào, những cái xẻng gẫy cần tra cán, những hình hài đồng đội đang nằm kia chưa chôn kịp ….
  Mỗi lần có cáng tử sĩ về, đồng chí tiểu đội trưởng Cừ hỏi :
                        - Ở đâu đấy?  
      - 308 !
                       - Bình liêu ! (mật danh một Trung đoàn thuôc Đạiđoàn 304)
      - 316 !
      - Xã Xanh đây !(mật danh một đại đội)
        - Xã Bạch !...
         
   Lời thoại nơi đây thường ngắn gọn, đôi khi cộc lốc. Hoạ ra mới găp một chiến sĩ nhiều lời kể về trường hợp hy sinh của tử sĩ cùng đơn vị mà anh vừa chứng kiến.  Công việc đầu tiên khi chôn cất là chúng tôi mở nắp túi áo trên ngực tử sĩ lấy thẻ chiến đấu ra để cán bộ ghi sổ. Thẻ chiến đấu là một mảnh giấy con ghi tên tuổi, đơn vị,quê quán của chiến binh (một loại chứng minh thư chiến trường). Mỗi lần khâm liệm tử sĩ,chúng tôi quan sát kỹ nét mặt và vết thương đã làm anh em tử trận. Ôi! Có những gương mặt trẻ quá! Có anh rất trẻ, trắng trẻo, đẹp trai, khôi ngô!...Chúng tôi khép đôi mắt anh đang khép hờ như khép lại vĩnh viễn những giấc mơ đep đẽ, êm đềm ở tuổi thanh xuân của cả một kiếp người. Anh em chết mỗi người một vẻ.Có anh chết trong tư thế nằm ngay ngắn,bình thản như đang ngủ, người anh chưa lạnh cóng. Không nhìn thấy vết máu,chúng tôi hỏi các chiến sĩ khênh cáng còn đứng đó:
  - Cậu này chết vì cái gì mà không thấy máu?
  - Cậu ấy bị mảnh ‘’moóc’’ vào sau đầu.
  Chúng tôi lật nghiêng đầu lại thì thấy một vết thủng nhỏ sau đầu do một mảnh đạn bằng hạt đậu xuyên vào. Đây là trường hợp ít gặp: Tử sĩ còn sạch sẽ nguyên vẹn hình hài. Nhiều tử sĩ đươc đem về đây đã cứng lạnh,chết rồi vẫn giữ nguyên tư thế chiến đấu trứoc lúc hy sinh. Những người chết vì sưc ép phi pháo thì thân thể lấm láp, mặt mày cau có,máu mồm máu mũi máu tai trào ra và quần áo tơi tả. Có tử sĩ mất nửa đầu, có người mất hàm, có người mất chân, mất tay vì bom, vì pháo…     - Cậu ấy cùng tổ 3 người với chúng tớ. Đang đánh nhau thì bị cối rót trúng hố cá nhân. Đó là một tử sĩ bị đạn cối khoét từ ngực tới bụng. Anh chết từ đêm: phân máu lẫn gan ruột lầy nhầy đã rất nặng mùi. Lúc liệm chúng tôi phải lấy dầu cao bôi lên mũi mình(đơn vị tôi vào chiến dịch ai cững được phát cao Sao vàng dùng khi cảm mạo). Nhiều năm về sau, mỗi lần ngửi thấy mùi dầu cao thì ký ức trong tôi sống lại hình ảnh rõ nét người liệt sĩ ấy với cái mùi khó tả hỗn hợp từ mùi máu, mùi phân và mùi dầu cao 
 Một lần khác, hai chiến sĩ vừa hạ cáng. Trên cáng là một tử sĩ bị đạn thủng trán.Một anh đi theo cáng vai đeo tiểu liên ‘’tuyn’’, dáng vẻ cựu binh, dày dạn trận mạc. Anh ta nói với giọng hơi hài hước vô tư, pha vẻ coi thường như đang nói chuyện cày cấy ở quê:
 - Trận địa chúng tớ rất gần công sự địch.Súng bắn thẳng của chúng tớ và chúng nó luôn lấy sẵn đường ngắm nhằm vào nhau. Thằng nào láu cá nhanh hơn là thằng ấy ‘’ăn’’. Nếu khờ khạo hoặc ‘’chủ quan’’, cao đầu một chút là ‘’mất gáo’’ như chơi.  Hôm nọ,có cậu mới bổ sung về đơn vị, tò mò thử giơ bàn tay lên cao, tức thì’’bọp’’thủng bàn tay luôn.Sau đó cậu khác ma lanh trị được một thằng chúng nó:Tay trái cậu ta cầm gậy chọc vào cái mũ từ từ giơ cao như ngưòi đang nhô đầu quan sát, tay phải cậu ta không rời cò súng,mắt lấy sẵn đưòng ngắm. Thấy mũ nhô lên, bên kia ‘’thằng lõ tưởng bở’’nhô đầu cao điểm xạ liền, đạn xuyên mũ. Chớp thời cơ, đường ngắm lấy sẵn, cậu ta’’tỉa’’ trúng thằng địch nhô lên vừa nổ súng xong, hắn chưa kịp chỉnh lại đường ngắm.
 Nói đến đây,anh trìu mến xoa vào cái đầu tử sĩ nằm trên cáng như người anh xoa đầu cậu em đang ngủ:
- Còn cậu này, mới về đơn vị, tớ vừa dặn xong. Chẳng biết cậu ta lớ ngớ nhấp nhổm thế nào  để nó ‘’tương’’cho vào trán, thế là cậu ta kêu lên và ngã vào vòng tay tớ. Tớ xem rồi, cậu ta không có thẻ chiến đấu. Mải đánh nhau chưa kip hỏi gia đình quê quán. Chúng tớ chỉ biêt độc mỗi cái tên thôi.
 Đây là một trong những trường hợp,tân binh từ hậu phương vừa bổ sung vê đơn vị rồi đánh nhau ngay và hy sinh.Trong lúc khẩn trương, tử sĩ được cáng về đây luôn,không có thẻ chiến đấu. Hoặc tử sĩ mất thẻ ,anh em đơn vị khác cáng về đây, chúng
tôi cũng không ghi đươc gì về lai lịch tử sĩ. Cái ác liệt khẩn cấp xô bồ đến đảo lộn không cho phép ai ‘’nghiên cứu’’lý lịch như phòng tổ chức nhân sự thời bình.Thế là mộ những người lính ấy trở thành nấm mồ liệt sĩ vô danh từ đó.
 Công việc đang tiến hành dồn dập thì đơn vị tôi được lệnh bàn giao công viêc cho bộ phận khác, anh em chúng tôi phân tán bổ sung về các đơn vị chiến đấu. Những trận đánh lớn vừa qua khiến nhiều đơn vị thiếu quân số. Nghĩa là chôn cất các đ/c xong, chúng tôi lại đến vị trí chiến đấu mà các đồng chí để lại.
 Nơi tôi đến là trận địa C19 ( D265, E57, F304). Phía sau trân địa chúng tôi là bản LONG NHAI đông đúc đồng bào THÁI. Phía trứơc là cánh đồng trải rộng có cây muỗm cổ thụ từng làm vật chuẩn cho pháo binh ta ở phía sau bắn trợ chiến hợp đồng với đơn vị chúng tôi đánh nhiều trận. Tôi đi trong giao thông hào ngang dọc với những hầm chiến đấu cá nhân rải rác khắp nơi.
  Được nhìn tận mắt công trình vĩ đại của quân ta, tôi nghĩ có bao nhiêu là mồ hôi và máu của thương binh, liệt sĩ, bộ đội đã đổ ra đây để hôm nay chúng tôi lại đến kế thừa, tiêp tục nhiệm vụ.
  Lúc này giao thông hào trục của ta đã căt đôi sân bay HÒNG CÚM. Trận địa đơn vị tôi như vòi bạch tuộc mỗi ngày một vươn sát cứ điểm, không một sức mạnh nào địch dã dùng hàng ngày có thể đẩy lùi chúng tôi được.
    
         *
 
Và không ngờ, 5 tháng sau, ngày 10/10/1954 chúng tôi vinh dự được đi trong hàng quân về tiếp quản THỦ ĐÔ HA – NỘI (nói chính xác là ngày 9/10, chúng tôi đã tiếp quản bốt Kim Mã,mở đường cho đại quân ta vào tiếp quản 10/10). Trong không khí hoan hỉ tưng bừng đầy hoa ngập cờ, đầy tiếng cười lẫn nước mắt lòng chúng tôi trào dâng niềm tự hào của đoàn quân chiến thắng. 
THỦ ĐÔ HÀ NỘI,TỎ QUỐC VIỆT NAM như đang quàng trên mình vòng nguyệt quế vĩ đại.Trong giờ phút vinh quang thiêng liêng đó, tôi nghĩ đến những liệt sĩ mãi mãi nằm lại trong nhĩa trang cô tịch mà tiêu đội tôi đã chôn cất./.   
       
PHẠM  MẠN
(Nguyên chiến sỹ A2,B1, đội 104 thuộc phòng
          Cung cấp Đại đoàn 304)