Nghe tin đột ngột, anh Trần Hoài Dương đã ra đi, tôi cảm thấy mình không thể viết nổi điều gì. Tôi gọi điện nói chuyện với nhà văn Trần Đức Tiến, nhà thơ Cao Xuân Sơn, viết email cho nhà văn Trần Quốc Toàn… vẫn buồn , đau xót quá.
Tìm trong tư liệu cũ bài viết về cuốn “Nàng công chúa biển” sách ra mùa hè năm 2009. Nhớ ngày ấy vào thành phố Hồ Chí Minh cùng anh giao lưu với thiếu nhi Gò Vấp, không ngờ đấy lại là lần cuối cùng được ra sách bên anh.Tự nhiên tôi nghĩ anh ra đi như một người đã thoát tục, như “cô bé bán diêm” của Andec xen đã được đi gặp bà ngoại…
Xin gửi đến các bạn bài viết này như một nén hương tưởng nhớ anh.
Kể từ cuốn sách đầu tiên “Em bé và bông hồng” do Nhà xuất bản Kim Đồng in năm 1963 đến nay, hơn bốn mươi năm, với hàng chục đầu sách, nhà văn Trần Hoài Dương vẫn kiên trì đi theo con đường sáng tác cho thiếu nhi bằng phong cách riêng của mình.Anh cũng đã từng nói nhiều lần: “Tôi gắng chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang bề bộn những gì tinh tuý nhất, trong ngần nhất để viết cho các em…”Nói như thế để thấy rằng ngay cả khi viết về cuộc sống hiện thực, về sinh hoạt đời thường của trẻ em anh vẫn có hướng miêu tả một hiện thực “đẹp”, “thiện” và “kỳ diệu” hơn đời thường.Trò chuyện với trẻ nhỏ về cỏ cây hoa lá,những cảm nhận tinh tế mong manh được anh trân trọng thể hiện với những câu chữ rung rinh như thấp thoáng một nụ cườì trìu mến.Lâu nay nhiều bạn đọc Trần Hoài Dương thường có ấn tượng anh là tác giả của những áng văn êm đềm .Nhưng, với “Nàng công chúa biển”, hình như Trần Hoài Dương đã sống thật sâu với ngòi bút của mình, anh đã viết hết mình trên trang giấy.Miêu tả bộ mặt lệch của cuộc sống anh thể hiện ở các truyện ngắn “Ước gì cháu được về hưu”…Bút pháp giả tưởng đã được anh sử dụng tự nhiên không có gì gượng gạo ở truyện ngắn “Một ngày kỳ lạ”.Tuy nhiên , thật đúng như anh đã tâm sự với truyện vừa “Nàng công chúa biển” anh đã thể hiện hết sự dằn vặt nội tâm của mình về cái thiện và cái ác trong cõi đời.
Câu chuyện được kể như một câu chuyện cổ tích. Dù thế giới ngày nay trẻ em đang sống một cuộc sống với các tiện nghi hiện đại,máy móc, truyền thông đa phương tiện…Nhưng một câu chuyện về một ông lão ở xóm chài ven biển gặp một mụ phù thuỷ tàn ác với những “phép thuật” , “lời nguyền” vẫn đủ sức lôi cuốn người đọc. Sức hấp dẫn của câu chuyện chính ở nhiệt tình của người kể.Người đọc sẽ cùng tham gia vào những suy nghĩ của tác giả, không phải vì tin những gì tác giả viết là có thật, mà chính vì cuốn theo dòng nhận thức của tác giả. Cái ác đến thế sao? Người ta có thể ác như vậy sao? Làm sao mà ông lão trở lại thành người lương thiện được?Có lẽ đoạn văn gây xúc động nhất chính là đoạn văn tả lại sự thay đổi của tâm tính ông lão khi sống với cô bé ngây thơ trên hòn đảo vắng.Tôi đoán rằng tác giả cũng tâm đắc và say mê khi viết những trang này.
Giữa lúc có ít người viết cho thiếu nhi, nhà văn Trần Hoài Dương vẫn tha thiết viết, vẫn đam mê với “chất kỳ diệu”của Văn học thiếu nhi,vẫn cố gắng hết mình để có cuốn sách mới, thật là một điều đáng quý.Nhân dịp ngày tết thiếu nhi 1/6/2009 , Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với Nhà sách Thương Huyền cho ra mắt một số đầu sách thiếu nhi mới trong số đó có cuốn “Nàng công chúa biển” của nhà văn Trần Hoài Dương.
Thật không ngờ “Nàng công chúa biển” là cuốn sách cuối cùng của anh.Trần Hoài Dương đã ra đi như một người đã rũ sạch bụi trần.
L. P L