Chúng tôi vẫn xưng hô “anh, tôi” như những ngày xưa, mặc dù đã đứng trước ngưỡng cửa tuổi bẩy mươi. Tôi đi làm sớm, còn Trần Quốc Minh vẫn được bố và bạn bè ngày ngày lấy xe đạp đưa đón anh đi học suốt mười năm. Số phận nghiệt ngã đeo đẳng anh từ tuổi thơ. Bệnh bại liệt khiến đôi chân từng lon ton trong căn nhà biến dạng. Cây gậy thành chiếc chân thứ ba cùng anh đi suốt cuộc đời.
Ấy vậy mà anh vẫn thi đỗ vào Đại học Tổng hợp. Anh gắng gỏi, chập chững cùng cây gậy đến giảng đường được mấy tháng. Rồi vẫn phải bỏ học về lại Hải Phòng. Phải mất bao ngày ủ ê buồn bã, anh tìm sách tự học kế toán. Cảm phục trước ý chí của chàng trai tàn tật, ngạc nhiên trước những hiểu biết nghề nghiệp tự học,Hợp tác xã may mặc nhận anh vào làm việc.
Đó là những ngày năm 1962. Trần Quốc Minh ngày bốn lượt anh vặn mình cùng chiếc gậy đi về. Đúng vào những năm tháng đất nước chiến tranh. Bom Mỹ ném trực tiếp xuống Trung tâm thành phố Cảng, anh là Bí thư Chi đoàn thanh niên khu phố. Anh năng nổ cùng các bạn tham gia mọi hoạt động đầu tầu vùng chiến sự.
Tự kiếm sống; Làm “thủ lĩnh” thanh niên thời chiến càng hun đúc chí văn chương. Anh làm thơ. Anh gửi bài cho Hội văn nghệ, cho các báo. Những thi phẩm đầy sức sống ngày ấy đã đưa anh vào Hội Văn nghệ Hải Phòng. Với hai tập thơ in chung và bốn tập thơ riêng, anh thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Với đồng lương ít ỏi kế toán HTX của chồng, vợ anh tong tả đầu chợ, cuối phố bán vài cân đậu phụ, chăm sóc chông, nuôi con trong những ngày bao cấp cực nhọc. Năm 1990 Hợp tác xã may mặc giải thể. Thế là ở tuổi năm mươi, sức khoẻ xuống dốc, đi lại càng khó khăn, đau ốm liên miên, anh trắng tay giữa giời, không một đồng lương hưu. Hợp tác xã kinh tế tập thể mà!
Từ dưới mặt đất, trong một ngõ nhỏ gia đình anh phải hoán đổi “bốc” lên tầng một khu chung cư cũ nhà nước xây từ những năm 1960. Đôi chân yếu dần, chiếc xe lăn gấp lại, Nhà thơ Trần Quốc Minh chỉ còn lần tường đi lại trong căn hộ hai chục mét vuông. Thế giới của anh là ô cửa sổ nhìn xuống đường, là chiếc bán dẫn ọ ẹ, là chiếc ti vi cũ kĩ, là cái gia đình nhỏ bé của mình. Anh không còn được tiếp đất nữa!
Mãi đến năm 2001 anh mới được Sở Lao động TB và XH Hải Phòng trợ cấp một tháng sáu chục nghìn đồng. Nhưng rồi cái khoản tiền rau của gia đình ấy đến năm 2007 cũng báo cắt khi con anh được đi làm thợ.
Cuộc đời đầy bất hạnh, nhưng Thơ anh lại thấm đẫm yêu thương :
“Bắc cầu bằng phong thư/ Tên bay đi bằn bặt/ Bắc cầu bằng câu hát/ Người ơi, người có nghe/ Bắccầu bằng cơn mưa/ Mịt mù cò lạc lối/ Bắc cầu bằng dây nói/ Chuông reo người vắng nhà/ Thôi tìm lại người xưa/ Bắc cầu bằng giải yếm”.
Bài thơ “Bắc cầu” được Hội những người tàn tật toàn quốc tuyển chọ, giới thiệu năm 2001, đài NHK Nhật Bản chọn “Bắc cầu” là một trong 100 bài thơ hay đưa đi triển lãm Thơ tại Mỹ, Pháp, Braxin, Úc, Nhật và Việt Nam. Bài thơ được hoạ sĩ Thành Chương minh hoạ thành tranh “Bức tranh Tình yêu”, được Liên Hợp Quốc chọn làm tem phát hành năm 2001 trên toàn thế giới.
Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, vợ chồng anh tằn tiện nuôi con khôn lớn, nuôi con học thợ. Đôi tay chàng thợ trẻ những ngày này đang phải nuôi bố mẹ, người vợ trẻ và đứa con còn bế ngửa.
Bây giờ Nhà nước chủ trương trợ cấp hàng tháng cho người tàn tật, nhưng Trần Quốc Minh bảo tôi anh đã khai nhưng chưa thấy đồng nào!?.
Tết Tân Mão vừa qua anh khoe với tôi có Thơ đăng báo. Tôi cúi đầu cảm phục nhà thơ về tình yêu Thơ, về mấy đồng nhuận bút còm giúp thêm gia đình trong cái thời gạo châu củi quế này!...
Tháng 5-2011
Trần Lưu
(Hội nhà văn Hải Phòng)
-----------------------------
* Thơ Tố Hữu và lời Bác Hồ trong Di chúc của Người.