Tập thơ Nghìn cây số hoa là tập thơ thứ tám in trong Vân Long - Tác phẩm(*). Tập thơ gồm 31 bài viết cho thiếu nhi. Đây là một trong những tập thơ thành công của nhà thơ Vân Long.
Đề tài của cả tập Nghìn cây số hoa là những điều thường thấy của cuộc sống hàng ngày với cách nhìn và cách lý giải dung dị, đằm thắm. Với thể thơ năm chữ, sáu chữ và nhịp đồng dao bốn chữ, mỗi bài là một bài giáo khoa luân lý cho trẻ thơ. Tập thơ có chiều dài tới hai mươi sáu năm, từ 1970 đến 1996.
Nhu cầu viết tập thơ này có lẽ bắt đầu từ tâm sự của người cha với hai cậu con trai của ông. Năm 1970, cậu lớn mới ba tuổi - tuổi của những điều tại sao? Cậu hỏi về con mèo ngốc, về cây quỳnh trong chậu cảnh ở ban công nhà, hỏi về quả trứng, chú bê, bác trâu hiền lành... Những bài thơ về loài vật ấy ban đầu chỉ trả lời cho những câu hỏi tại sao của cậu con trai ham hiểu biết và ngộ nghĩnh kia. Nhưng khi nó in thành tập và bằng hệ thống sắp xếp ngẫu nhiên, dòng chảy của tập thơ đã cho bạn đọc những ngạc nhiên thú vị. Nó không dừng ở việc trả lời tại sao nữa mà đã bay cao bay xa cùng trí tưởng tượng phong phú của các cháu thiếu nhi thuộc nhiều thế hệ.
Viết cho thiếu nhi là một công việc khó khăn. Bởi những bài thơ cho các em phải trong sáng, dễ hiểu, ngôn ngữ thơ phải song hành với suy nghĩ thường nhật của trẻ. Ở độ tuổi của nhà thơ khi viết những bài thơ ấy đã là cha, là ông nội rồi. Thế mà ông vẫn nói với trẻ về cây quỳnh rằng: Hương thơm thơm bỡ ngỡ/ Trăng xanh xanh hương quỳnh. Hai câu thơ như một câu đối thật chỉnh, khi đọc đã thoảng hương quỳnh kiêu sa dưới ánh trăng.
Để lý giải tại sao có hạt muối, câu thơ của ông đầy màu sắc. Muối thì trắng rồi, thế mà Nắng vàng, biển tím/ Hạt sao trắng ngời. Viết như thế, các cháu khi đọc thơ tưởng tượng ra trời biển trong xanh sinh ra hạt muối trắng, sáng lóa lên trong nắng. Cái vị mặn không thể thiếu trong cuộc sống lại hiện lên đẹp thế, rực rỡ thế.
Thơ viết cho trẻ mà gợi mở được tư duy, hướng suy nghĩ non nớt của trẻ tới cái đẹp ban sơ làm nền tảng vững chắc cho sự cảm nhận cái chân, cái thiện và mỹ cảm sau này, suốt cả đời người là nhà thơ đã nhận một trách nhiệm lớn lao cùng với các thầy giáo dạy dỗ một thế hệ nối tiếp cha anh với những điều trong sáng giản dị để có một xã hội giản dị sáng trong.
Ông kể về quả trứng nở thành chú gà con lông vàng mượt như tơ: Thế mà sáng hôm sau/ Gà mẹ gõ thật khẽ/ Cánh cửa liền mở hé/ Rồi cánh cửa mở toang/ Gà con đáp ríu rít/ Một, hai... rồi cả đàn. Cái vỏ trứng là cánh cửa, đủ ngày, trứng nở thành gà con, nhưng đủ ngày, mẹ gõ cửa, gà con trong quả trứng thấy động liền mở toang cửa để chào mặt trời. Trẻ thơ đọc lời này hình dung ngay chú gà chui ra từ quả trứng như thế nào, tại sao nó chui ra? Không thể có cách lý giải nào đơn giản và dễ hiểu hơn những vần thơ trên của ông.
Rồi ông theo nét vẽ của con khi vẽ con voi. Ông đã mô phỏng khối là những vật rất gần với đời sống thường: cột nhà, quả trứng khổng lồ, con đỉa to... Đầu tiên vẽ bốn cột nhà/ Rồi đặt quả trứng khổng lồ/ Rồi vẽ con đỉa to/ Gắn luôn vào đầu quả trứng... Lùa xa... Đúng là voi thật. Với trẻ em không có dịp đến vườn bách thú, đọc bài thơ này, các cháu có thể tự vẽ con voi của mình theo gợi ý của nhà thơ và tin chắc rằng đó là con voi thật.
Trong bài Ngàn cây số hoa, ông kể về đàn ong được di chuyển bằng máy bay đến vùng hoa nở rộ ở phương nam ấm áp, ông khoe với trẻ: Cô ong xinh xinh ấy/ Lên tàu bay nữa cơ. Tâm sự như thế trẻ nào chả thích. Rồi lại còn: Bác khổng lồ hạ cánh/ Sân bay người xôn xao/ Khách nào mà sang thế?/ Xách va li bé tý/ Các cô ong vẫy chào...
Vâng xin được vẫy chào các bạn nhỏ của nhà thơ. Các bạn sẽ là nhà khoa học, nhà văn, bác sỹ, kỹ sư và cả nhà thơ nữa. Nhưng các bạn phải chăm học, cần cù như loài ong kia và phải: Bay giữa trời ước đúng tầm xa/ Biết đo góc, lấy mặt trời làm hướng/ Học giỏi rồi... tầm, hướng sẽ tìm ra!
Nhà thơ đã vẽ ra cả tương lai tươi sáng cho bạn đọc trẻ tuổi của mình thật tin cậy. Những bài học thật nhẹ nhàng, dễ tiếp thu với những lời thơ duyên dáng, mộc mạc, khắc sâu vào tâm trí bạn đọc trẻ. Những hình ảnh đẹp ấy như hành trang theo các bạn lớn lên rồi cảm nhận lại sự tinh tế của nó. Bởi tinh tế, nó mới nằm trong đầu các bạn lâu đến thế.
Tôi thích nhất bài Cây hồng của mẹ trong tập thơ này, ông viết: Cây học gì ở nắng/ Mà nhụy hoa vàng tươi/ Cây học gì ở gió? Mà hương thơm tuyệt vời... Học cày từng mạch đất/ Cây bừng lên sắc màu. Ừ nhỉ, cây học gì ở nắng và gió mà cho bông hồng ngát hương làm vậy. Bài thơ còn nhân cách hóa cây hồng thành cậu học trò chăm chỉ không đi chơi xa ở nhà làm việc tốt, bài ôn thi lầu thuộc. Tính giáo dục của bài thơ thì rõ rồi, nhưng dạy bảo thì chữ trong bài thơ thật khéo!
Cũng với cách lập ngôn như vậy ông tả chú thợ khoan cho trẻ nghe Máy khoan ngày, khoan đêm/ Khoan vào mưa, vào nắng/ Tiếng máy khoan dai dẳng/ Bật sáng giấc mơ em. Phải rồi, bố đi ca, âm thanh ấy như gọi mời lớp trẻ con công nhân hãy tiếp bước cha anh.
Bài cuối của tập thơ là bài thật ấn tượng nói về Bàn tay của mẹ. Bằng những cách khác nhau, ông đặt vấn đề với trẻ thật tự nhiên, chân tình, trực quan và hút được sự chú ý của trẻ. Ông hỏi: Nhớ gì nhất ở mẹ. Rồi ông trả lời thay chúng: Em nhớ đôi bàn tay. Ông liên tưởng để dẫn dụ trẻ: Bàn tay mẹ cuối giường/ Bàn tay rán bánh tôm/ Bàn tay làm cái ngủ/ Đưa em vào giấc mơ/ Bàn tay có phép lạ. Kết bài, ông tìm được một tứ lạ làm bài thơ vút lên trên những sự dẫn dụ kia. Bàn tay mẹ thật bao dung, rộng lớn chỉ bằng bốn câu ở khổ cuối:
Có điều này cũng lạ!
Chị Bích viết thư về:
“Dẫu phải sống xa quê
Vẫn trong vòng tay mẹ”
Đọc những câu thơ này, những người con xa xứ cũng thấy rưng rưng nhớ về đất mẹ.
Thơ Vân Long suốt sáu mươi năm, trụ vững với thời gian, neo bám thật chặt cùng kiếp người, cùng con trẻ. Đọc mảng thơ viết cho thiếu nhi của ông, cả người lớn cũng tìm thấy những bài học sâu sắc, thấm thía. Chọn một đề tài khó để diễn tả thành công, được bạn đọc trẻ thơ và bậc phụ huynh của chúng yêu quý và coi đó như những bài giáo khoa dạy làm người, tôi nghĩ không có phần thưởng nào cao quý hơn dành tặng nhà thơ trong suốt đời thơ của mình.
__________________________________
(*) Tuyển thơ của Vân Long, NXB Hội Nhà văn 2009.
Vân Đình Hùng