Khi nghe chuyện“mất hồ Ba Bể… nếu như"... lại xới lên, mấy anh em bọn tôi thường ngồi với nhau đều rất buồn. Người nào cũng đã có một vài lần lên đấy tham quan. Thế thì tiếc quá, đau quá.
Mà nhận định này lại là của một chuyên gia về tài nguyên môi trường, một vị thứ trưởng ngành này mới rời chức vụ không lâu chứ không phải các lời đồn đoán ất ơ vô căn cứ. Ông cùng một số vị giáo sư tiến sĩ về môi sinh môi trường mới đi điền dã nói thế với phóng viên báo chí chứ đâu phải những phán bảo suy diễn nơi tháp ngà.
Cái sự “nếu như” mà vị tiến sĩ có chuyên môn thực chất này nêu lên là có thể diễn ra - thậm chí là đang đích thực diễn ra - với cách khai thác khoáng sản tham lam, đổ thẳng nước rửa quặng vào lòng con hồ thiên nhiên tuyệt đẹp này. Thật là cái lối làm ăn quá ư tắc trách của các doanh nghiệp Việt mình mà hầu như khắp nơi gặp phải nếu người ta quyết liệt vào cuộc điều tra. Tin xấu mà báo chí truyền thông bùng ra thì dân mới biết mà thôi. Dù trước đó miệng dân có kêu trời, có phát hiện phản ảnh thì nhiều khi cũng bị hết thế lực này thế lực kia - có quyền, có tiền – ngăn chặn đủ lối…
Xin nói thêm chút về chuyện hồ chuyện sông. Quê bên Bắc Ninh nên mỗi lần về thăm quê tôi đều phải qua con sông Hồng. Rồi tiếp theo là sông Đuống. Nhìn thấy dòng Hồng Hà nước khô kiệt dần, bãi cát nổi lên ngày càng nhiều mà lòng âm thầm lo lắng. Sông Đuống thực ra là một con sông đào thôi, thông giữa Hồng Hà và hệ thống sông Thái Bình. Xưa đi qua con cầu, nhìn dòng nước trong veo mà phấn chấn. Còn nay không biết sao, nước cứ luôn ngầu đục và có năm rất cạn dòng…
Buồn nhất là khi có việc riêng mà lên Đáp Cầu - nơi cuộc sống ấu thơ của tôi có những kỷ niệm không quên được của những năm 1950 thế kỷ trước - thì càng thấy trong lòng mình chán hẳn khi có mặt ở bến kè ngày xưa. Đâu còn làn nước sông Cầu xanh trong của ca dao và quan họ! Bây giờ không những nước sông rất đục mà ca nô tàu thuyền như tha hồ chen chúc đậu bến loạn xạ. Còn con người sống trên thuyền là mặc sức xả chất thải, ném rác rưởi lềnh bềnh ngay cái bến tắm của dân phố, cái thị tứ xinh xắn trên bến dưới thuyền của những gia đình chúng tôi hồi xưa. Những ký ức đẹp của mình tựa hồ đã bị đánh cắp.
Hôm nay lại thấy báo chí xới lên chuyện hồ Ba Bể khéo không sẽ biến mất! Tin xấu này đương nhiên chỉ có người gỗ đá thì tâm trạng mới không trĩu nặng lo âu. Chả lẽ chúng ta hì hục vất vả với đích phát triển đất nước để trước sau rồi hồ sông, rừng cây bị vứt ra rìa, bị giết chết hết cả thế sao? Đâu là quyền lực, là cơ chế của nhà nước để kìm hãm lại cái sự quá đà này của chính con người tham lam gây ra. Những cái thứ “ăn quỵt” thiên nhiên (giờ đây ăn quỵt của chúng một đồng thì tương lai con cháu sẽ phải trả cả nghìn đồng) - như lời của vị tiến sĩ khoa học kể trên nói trong một bài phỏng vấn.
Tôi chợt nhớ lại hồi tháng 8 năm trước blog mình cũng đã có bài viết ngắn về nỗi lo “biến mất” của hồ Ba Bể. Chỉ vì những cái thứ dự án vớ vẩn, ‘dự’ này đè ‘dự’ kia, như một kiểu hội chứng dự án. Mà thấy từ hồi ấy gần một năm rồi chả thấy ai lo, ai làm trọng tài, ai chế tài xử phạt để hôm nay một vị có cương vị và nhất là thẩm quyền chuyên môn lại dóng hồi chuông mạnh cảnh báo. Cái hồ nước thiên nhiên mênh mang và đầy điển tích thơ mộng kèm theo nó đang bị đe dọa, bị giết chết chứ đâu phải chuyện nhà báo nhà đài đại ngôn.
Mất sông mất hồ, mất rừng mất núi. Đúng hơn là sông hồ còn đó mà cạn kiệt ô nhiễm. Rừng núi vẫn đó nhưng cây rừng đã bị triệt hạ, đất đá núi đồi thì lở loét bới móc vô lối. Đó là những chuyện nhỡn tiền chứ không phải sự dọa nạt, cảnh báo, nói suông nữa. Toàn là những chuyện đại họa rình rập chứ đừng có coi thường! Các câu chuyện về song Thị Vải bị bức tử vì vụ Vedan, sông Thu Bồn bị ô nhiễm nặng vì nhà máy đường đóng tại địa phương, 9 nhánh Cửu Long sông Mê Công cạn nước và nhiễm mặn, nhiều hồ ở Hà Nội đã biến mất hoặc ngập ngụa chất thải bẩn; và gần đây nhất là đoạn sông Hồng sát biên giới với Trung Quốc nước thượng nguồn đổ về đục lờ hôi thối… chẳng lẽ không phải là quá đủ để nói lời quyết liệt với cách làm ăn bất chấp môi trường, bất chấp tương lai của công nghiệp, của phát triển không kiểm soát, của những mối quan hệ lân bang láng giềng cần phải rõ ràng, minh bạch và sòng phẳng với nhau...
Mà xét cho cùng, công nghiệp, phát triển gì gì đi nữa thì cũng từ đầu óc con người, con người cụ thể nào đó phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, đất nước chứ không ai quy cho con người chung chung.
Nói to kêu lớn lên những điều như vậy liệu đã đủ độ chưa trước các nhà quản lý các cấp?
Dưới đây xin post lại các bài năm ngoái 2010; và trước hết mời bạn hãy đọc bài trả lời phỏng vấn Tiến sĩ Đặng Hùng Võ vừa mới công bố trên báo điện tử Dân trí.