Em đến
Lê Quang Trang
Nếu không có em anh sẽ đơn giản đi nhiều
Không hiểu hết vị đời đắng ngọt
Chỉ ngút ngát chân trời khoa học
Bao vui buồn, nhung nhớ chảy về đâu.
Những vần thơ anh gửi lại mai sau
Có hạnh phúc bất ngờ khi em đến
Có trắc trở như dòng sông về biển
Có khổ đau như em đã xa vời.
Để hôm nay anh nhận thấy cuộc đời
Là đơn nhất. Không một lần trùng lặp
Để biết đọc trong nụ cười ánh mắt
Một đôi điều của tín hiệu tình yêu.
CẢM ƠN EM ĐÃ ĐẾN…
Trần Huyền Nhung.
Trong cuộc đời, hình như tất cả đều chỉ là những sự tình cờ khởi đầu từ một chữ duyên. Em đến trong cuộc đời Anh cũng không nằm ngoài quy luật đó. Duyên không như nhiều người suy nghĩ rằng chỉ ở trong một câu chữ gói gọn cùng Phận. Duyên còn ôm trong lòng cả những khiến xui của nhân quả, ở giữa những mối liên hệ bao la trong cuộc sống. Duyên thầm lặng đến với ta như cánh cửa bật mở và đơn giản là ta bước vào một không gian mới. Đó là những gì tôi cho là tình cờ. Là tất cả nguyên nhân không thể giải thích. Là lí do thú vị cho những câu chuyện. Và là một kết luận cho tình cảm yêu thương bất chợt nảy sinh giữa hai người. Tình cờ gặp, tình cờ biết yêu – Có phải như thế không khi nhà thơ Lê Quang Trang đã đổi thay tất cả từ cuộc sống, từ nghề nghiệp… để bước sang một trang mới? Tất cả đều làm nên sự lãng mạn, phút bối rối và có thể tức khắc làm trái tim đập loạn nhịp. Âý là cảm xúc, tâm tình mà ta dễ dàng bắt gặp trong bài thơ Em đến của Lê Quang Trang.
Bài thơ với ba khổ mà ở trong đấy lời lẽ rất giản dị, chân tình nhưng lại đầy tính triết lý. Có lẽ Lê Quang Trang làm thơ bị ảnh hưởng từ lý luận phê bình. Từ tro tàn quá khứ cho đến bài thơ Em đến ta như cảm nhận được hồn thơ Lê Quang Trang mang một phong cách riêng. Điều này khó tìm thấy ở các nhà thơ khác. Lời thơ chẳng phải là đao to, búa lớn, mộc mạc đấy, nhưng mang tính triết lý sâu đậm. Xuyên suốt toàn bộ bài thơ Em đến, chất trữ tình kết hợp với tính lý luận hình thành lên một Lê Quang Trang vừa lãng mạn, vừa sâu sắc, biết rõ giá trị của tình cảm. Ở trong Em đến, không có một câu thơ nào nói đến hai chữ cảm ơn, nhưng người đọc vẫn ngầm hiểu được: Cảm ơn em đã đến trong cuộc đời anh. Đây chính là suy nghĩ được đúc kết từ cách cảm nhận cuộc đời một cách sâu sắc của Lê Quang Trang. Em đến không chỉ là một bài thơ tình, mà ở trong đấy còn chất chứa về đời, về cuộc sống. Qua lăng kính cuộc đời nhà thơ nhìn nhận được sự đổi thay của mình trong đời thực. “Em” chính là nhân vật trữ tình để Lê Quang Trang dễ dàng bộc bạch nỗi lòng. Tưởng chừng như đơn giản mà lại không hề giản đơn một chút nào:
“ Nếu không có em anh sẽ đơn giản đi nhiều
Không hiểu hết vị đời đắng ngọt
Chỉ ngút ngát chân trời khoa học
Bao vui buồn, nhung nhớ chảy về đâu.”
Sự xuất hiện của “Em” đã làm nhà thơ không đơn giản trong mọi việc. Lê Quang Trang đặt ra giả thiết “ Nếu không có em anh sẽ đơn giản đi nhiều”, liệu rằng có phải thế không? Để đến bây giờ Anh đã hiểu hết “vị đời đắng ngọt”, có nỗi buồn, niềm vui và nhung nhớ trong cuộc đời. Ở đây ta thấy, Lê Quang Quang không hề trách cứ “Em”, mặc dù có đặt ra giả thiết “nếu không có em”. Sự song hành của “Em” trong cuộc đời đã làm nhà thơ thay đổi cách sống “đơn giản” thường ngày. Đó là một cuộc sống “chỉ ngút ngát chân trời khoa học” với công việc nghiên cứu và tìm tòi sáng tạo miệt mài…Nhưng “Em đến” đã làm tăng thêm dư vị cuộc đời, đã cho Anh những nốt nhạc thăng, trầm của cuộc sống, mà ở trong ấy có cả ngọt ngào, có cả đắng cay. Nhà thơ từ đây, biết cảm nhận được tình yêu mà thượng đế ban tặng :
“Những vần thơ anh gửi lại mai sau
Có hạnh phúc bất ngờ khi em đến
Có trắc trở như dòng sông về biển
Có khổ đau như em đã xa vời.”
Em đến , Lê Quang Trang vẫn còn giữ tất cả một “chân trời khoa học” cộng thêm bước nhảy vọt mới “Có hạnh phúc bất ngờ khi em đến” để nhà thơ có được “những vần thơ anh gửi lại mai sau”. Cũng chính vì điều đó mà hôm nay, tôi và các bạn đọc yêu thơ khác mới có được những vần thơ “Em đến”. Trong tôi như rung cảm thực sự với nỗi lòng, tình cảm của nhà thơ trên từng cung bậc của câu thơ anh viết. Ở trong vần thơ, ta dễ dàng bắt gặp được một tình yêu cộng hưởng, có cả sự trắc trở trong tình cảm, có cả “khổ đau” khi em đã ngút ngàn xa anh. Thế đấy, mọi cung bậc của tình yêu bao giờ cũng vậy. Từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ nghìn năm hồ dễ mấy ai quên”- đó là những giây phút thăng hoa, hạnh phúc nhất thuộc về tình cảm mà trong đời ai cũng từng trải qua. Và đau khổ nhất vẫn là sự trắc trở trong tình cảm khi mà cả hai không thể đến được với nhau, dù rất thương yêu. Lê Quang Trang ví sự trắc trở như “dòng sông về biển” gặp bao nhiêu thác ghềnh cản trở, sông đổ về biển xem ra rất khó khăn. Trắc trở đã làm nên “khổ đau”, đến rồi đi là một dấu ấn, là mốc thời gian để lại trong lòng nhà thơ bao suy nghĩ dằn vặt, trăn trở. Xuân Quỳnh- chị cũng đã từng đau khổ trong tình yêu :
“Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố”
Điệp từ “Có” được Lê Quang Trang điệp lại 3 lần như muốn khẳng định quy luật trong tình cảm : Hạnh phúc- trắc trở- khổ đau. Đó cũng là lẽ thường tình xảy ra trong tình yêu. Nhưng nếu như tình cảm được trọn vẹn thì chắc sẽ không có những câu thơ hay như thế. Bởi vì “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở/ đời mất vui khi đã vẹn câu thề”.
Nếu như mở đầu bài thơ Lê Quang Trang đặt ra giả thiết “nếu không có em”, khổ thơ thứ hai, nhà thơ đưa ra luận điểm để chứng minh cho điều “không đơn giản”, thì khổ thơ cuối cùng là kết luận cho điều anh nhận ra :
“Để hôm nay anh nhận thấy cuộc đời
Là đơn nhất. Không một lần trùng lặp
Để biết đọc trong nụ cười ánh mắt
Một đôi điều của tín hiệu tình yêu.”
Đến giây phút này, tôi thấy Lê Quang Trang đã thành thật, đi từ sự ngỡ ngàng nếm chút kỳ diệu của cuộc đời đến lúc “nhận thấy cuộc đời”. Đến đây, tôi lại nhớ đến suy nghĩ của một nhà khoa học phương Tây, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ xong ông nói: “Dù công việc tìm kiếm khoa học rất hấp dẫn, tôi có cảm giác chỉ đem lại một điểm màu nhỏ trong một bức điểm hoạ mà không biết kết quả sẽ ra sao. Điều này có đáng để tôi dồn hết tâm lực trong khi còn biết bao nhiêu điều khác mà cuộc sống dành cho tôi. Vâng, nếu như Lê Quang Trang chỉ “ngút ngàn chân trời khoa học” thì đến hôm nay anh cũng chẳng cảm nhận rõ được cuộc đời như thế nào. Cuộc đời vẫn còn bao điều tốt đẹp khác dành cho anh. “Em đến” như một sự biết ơn sâu sắc đầy hàm ý để Anh nhận ra cuộc đời “là đơn nhất. Không một lần trùng lặp”. Tôi nhận thấy ý nghĩa triết học trong lời thơ của Lê Quang Trang. “Đơn nhất” là một trong những phạm trù thiết học. Phạm trù này là phạm trù nhận thức, nó phản ánh một trình độ nhận thức khái quát hoá hơn, trừu tượng hơn. Tuy nhiên, phạm trù phổ biến không thể tồn tại cô lập mà có quan hệ khăng khít với các phạm trù cái đơn nhất và cái đặc thù. Nếu những mặt đó, những hiện tượng đó, những mối liên hệ đó chỉ tồn tại trong một sự việc đơn lẻ nhất định thì đó là cái đơn nhất.Mỗi con người có một trái tim. Và mỗi người ta gặp trên đường đời đều để lại dấu ấn trong trái tim ta- đậm nhạt khác nhau, nhưng là “dấu ấn” không thể trùng lặp. Ta yêu một người. Và khi ta gặp một người thứ hai, ta lại dành tình cảm cho người đó. Tình cảm đối với người thứ hai, không thể giống với người thứ nhất. Tình cảm dành cho người thứ hai, không phải được chia xẻ từ tình cảm của người thứ nhất. Nó là một tình cảm khác, đơn lập và có diện mạo riêng của nó.Tôi thích nhất ý thơ này của Lê Quang Trang “là đơn nhất. Không một lần trùng lặp”, mang tính chung thủy và tôn trọng giá trị của tình cảm. Tôi yêu thơ và con người Lê Quang Trang cũng bởi lẽ đó. Vần thơ chẳng phải là sự màu mè, mang tính chất sáo rỗng, triết lý đấy, nhưng với tôi là dễ thuộc, dễ nhớ …để thấm, để ngẫm suy…Để rồi tôi hiểu ra rằng “thơ là đời”. Từ cuộc sống tới tình yêu phải thật sự sâu sắc thì Lê Quang Trang mới viết được những vần thơ đi vào lòng người như thế! Đó cũng chính là sự chín chắn, nghiêm túc trong cách sống, trong tình yêu mà tôi khâm phục qua vần thơ của Lê Quang Trang.
Trong cuộc đời, ta đều phải trải qua những mối tình khác nhau, từ “mối tình đầu của tôi, là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp…”, những mối tình không thể nói chỉ “nhờ hương thơm nói hộ tình yêu..” ( Vũ Hoàng), đến “mối tình sau mong manh lắm người ơi…”(Hoàng Đình Quang). Với Lê Quang Trang vẫn là “đơn nhất”, đủ “để biết đọc trong nụ cười ánh mắt” của người con gái khi phát ra “một đôi lần tín hiệu của tình yêu”. Đến đây, tôi bắt gặp trong ý tưởng tương đồng về sự nhận biết tình yêu trong ý thơ của Lê Quang Trang với Hoàng Đình Quang. Lê Quang Trang thì “Một đôi lần tín hiệu của tình yêu”, còn Hoàng Đình Quang thì “ Không thể nói yêu em như thuở còn vụng dại/ cái thuở nhìn đâu cũng báo hiệu một mối tình”. Cho thấy giữa “tín hiệu” và “báo hiệu” đều xuất phát từ trong suy nghĩ, cảm xúc của mỗi nhà thơ. Nhờ có em , đến hôm nay Lê Quang Trang tự ngẫm đời mình và chiêm nghiệm được cuộc sống. Nhà thơ đã trải qua một vài mối tình, nhưng chẳng mối tình nào giống nhau cả. Với anh, mối tình nào cũng đẹp, cũng đều hạnh phúc, đắng cay, ngọt bùi…đủ để một đời Lê Quang Trang biết ơn và sống lại ký ức mỗi khi nhớ về…
Em đến – em là một phần trong trái tim Lê Quang Trang. Nội dung bài thơ là một “thông điệp” tình cảm nhà thơ gửi gắm tới bạn đọc. Đồng thời thông qua đấy, là quan điểm sống rất cao đẹp, mang ý nghĩa rõ ràng để hướng tới một tình yêu đích thực khi đã đầy đủ duyên, phận. Từ đây, tôi hiểu được con người Lê Quang Trang hơn…, lấy đó làm khuôn mẫu “là đơn nhất. Không một lần trùng lặp” cứ sống, cứ yêu nhưng hãy là chính mình. Cảm ơn Lê Quang Trang với bài thơ Em đến gây xúc động mạnh trong tâm khảm tôi. Trả lại “Em” về với Lê Quang Trang để nhận được một bài học từ cách sống, cách yêu. Phải thốt lên một lời hộ nhà thơ rằng : Cảm ơn em đã đến…
Thành phố HCM, ngày 4/5/2011.
T.H.N