ChỈ tới những ngày gần đây, tức là đầu năm 2011, người ta mới tuyên chiến với tình trạng “đô-la hóa” nền kinh tế Việt Nam, một tình trạng đã khởi lên từ những năm 1990 và tăng tiến đến độ nguy hiểm trong những năm gần đây.
“Đô-la hóa” nền kinh tế Việt Nam tức là tình trạng đồng tiền đô-la Mỹ (USD) được sử dụng phổ biến đến mức gần như chính thức trên thị trường Việt Nam, phần nào thay thế đồng tiền Việt Nam (VND) trong xuất nhập khẩu hàng hóa, thậm chí trong cả các giao dịch mua bán thông thường. Do xu thế “đô-la hóa” này, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tỏ ra thích tiền USD hơn so với tiền VND.
Tình trạng “đô-la hóa” này dẫn tới một hệ quả là tình trạng người Việt không tin vào tiền Việt. Chống “đô-la hóa” là vấn đề kinh tế nhưng phần nào cũng là vấn đề xã hội; mục tiêu của nó, như chính các nhà kinh tế khuyến cáo, là phải lấy lại uy tín cho đồng nội tệ, gây lại niềm tin vào đồng tiền Việt Nam.
Thế nhưng, song song với sự dung dưỡng đồng USD, cũng tức là dung dưỡng sự bất tín đồng VND, còn có một tình trạng mà người ta lâu nay vẫn dung dưỡng, ấy là sự lấn át của chữ nước ngoài, cũng nên hiểu như sự không tin vào chữ Việt, ngay trong các hoạt động kinh tế xã hội trên đất Việt Nam.
Sau đây sẽ chỉ nói đến một trong số rất nhiều loại hiện tượng.
Ngay từ những năm 1990, báo chí đã không ngớt kêu ca về tình trạng các biển hiệu, bảng quảng cáo bằng chữ nước ngoài tràn ngập phố phường đường xá khắp nơi trong nước. Cũng có lúc luồng dư luận ấy đã đẩy tới việc xuất hiện những quy định của các cấp hành chính, theo đó, chẳng hạn, các bảng hiệu phải thể hiện bằng chữ Việt, nếu có thêm chữ nước ngoài thì phải dùng cỡ nhỏ hơn, v.v.… Việc tuân thủ hay làm trái những quy định ấy, chẳng biết có được thanh tra kiểm tra xử lý một lần nào ở đâu đó hay không. Chỉ biết thực trạng dường như vẫn tồn tại, thậm chí có phần trầm trọng hơn, trong thời gian gần đây.
Những cái tên hãng vốn có từ nước ngoài, nay vào làm ăn ở Việt Nam, như Daewoo, Toyota, Honda, Sheraton, … có nhiều lý lẽ để tiếp tục dùng tại đây tên vốn có của hãng mình, chỉ cần cụ thể hóa, như Daewoo Hà Nội, Honda Việt Nam, v.v.... Nhưng không ít những công ty hoàn toàn của người Việt và hầu như chỉ hoạt động trên đất Việt Nam, lại vẫn cứ ngang nhiên mang những tên nước ngoài. Dần dà, lần lượt, những tòa nhà lớn, rồi những khu nhà đất, hoàn toàn nằm trên đất Việt, do người Việt là chủ, lại vẫn trình diện trước công chúng bằng những tên Tây. Hỏi “Ciputra”, “Wincom” của ai? Trả lời “người Việt”, ở đâu? Trả lời “Hà Nội”; hỏi “Splendora” ở đâu? Trả lời: ở xã An Khánh, trên đất Hà Tây cũ; hỏi “Ecopark” ở đâu? Trả lời là ở trên đất Hưng Yên,…
Không phải trên đất Tây, không phải của người Tây, thế mà vẫn thích trương ra cái tên Tây. Đây quả là những ví dụ điển hình cho sự vong bản về ngôn ngữ mà các ông chủ đầu tư người Việt trên đất Việt đang mắc phải.
Nếu “người Việt không tin tiền Việt” chủ yếu là hiện tượng kinh tế, thì “người Việt không tin chữ Việt” lại chủ yếu là hiện tượng xã hội, là biểu hiện tâm lý nhược tiểu ở những ai ưa thích đặt tên Tây cho những chủ thể Việt; tâm lý này thậm chí còn đi ngược lại hiệu quả quảng bá, khi mà trên đất Việt này người biết đọc biết viết các tên Tây bao giờ cũng ít hơn những người chỉ biết đọc biết viết chữ Việt. Chừng nào đất ta chưa có khả năng trở thành một xứ như Singapore, tức là tuyên bố dùng tiếng Anh cho các giao dịch công cộng trên toàn lãnh thổ, thì trên đất Việt này thông tin bằng chữ Việt vẫn có khả năng phổ biến cao nhất.
Hội chứng “người Việt không tin chữ Việt” kể trên, tương tự hội chứng “người Việt không tin tiền Việt”, cần được chữa trị, không chỉ bằng một loạt biện pháp “tự giác” (khuyến cáo, phê phán bằng dư luận, chờ sự nhận thức và thay đổi), mà còn phải bằng những biện pháp hành chính: chế tài, răn đe, xử phạt. Về mặt này, công việc là thuộc về các giới quản lý, các ngành chức năng.
Chừng nào các quan chức ta vẫn còn thản nhiên phê duyệt những dự án mang tên Tây của người Việt trên đất Việt, chừng đó hội chứng “người Việt không tin chữ Việt”, tương tự hội chứng “người Việt không tin tiền Việt”, vẫn chưa ngừng nguy cơ lan tỏa.
17/4/2011
LẠI NGUYÊN ÂN
● Đã đăng: Thời báo Kinh tế Sài Gòn,
ngày 06/5/2011