TNc: Nhân kỉ niệm chiến thắng Điện Biên tôi đưa lại bài thơ Điện Biên thoáng gặp viết từ mấy năm trước khi tôi đến Điên Biên. Chỉ trong ít giờ tôi nhận được bài bình bài thơ này của Trần Huyền Nhung từ Sài Gòn gửi ra. Vui quá vì có bạn đã đọc thơ mình lại bình còn hay hơn thơ mình. Cám ơn Trần Huyền Nhung và chủ web cũng mạn phép bạn đọc PR cho mình qua bài bình này...
ĐIỆN BIÊN THOÁNG GẶP
Trần Nhương
Cái ngày anh đến Điện Biên
Hoa ban nở trắng và em nõn nà
Mường Khoang dưới bóng rừng già
Mà em trẻ quá như là nắng tơ
Anh đi lối thực đường mơ
Khăn piêu sáng mãi đôi bờ Mường Lay
Chỉ hồng đã buộc cổ tay
Rượu cần vừa nhắp đã say cả trời
Nếp nương em tôi đơm xôi
Trời ơi đến cả câu mời cũng thơm...
Chỉ hồng đã cột tâm hồn Trần Nhương….
Nhắc đến cái tên Điện Biên, bạn bè quốc tế sau hơn 50 năm vẫn còn thắc mắc tại sao một vùng đất hẻo lánh “vời vợi nghìn trùng” của một đất nước nhỏ bé như Việt Nam lại có thể làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chỉ có đặt chân đến vùng đất nơi biên giới miền núi Tây Bắc này, mới cảm nhận cái hay, cái đẹp, cái tinh hoa của các dân tộc, cảm nhận sự anh dũng kiên cường “gan không núng, chí không mòn” của thế hệ cha anh thông qua các công trình văn hóa, sống lại không khí sôi sục của 56 ngày đêm “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” chiến đấu gian khổ qua những di tích lịch sử Điện Biên Phủ, thưởng thức các điệu múa và làn điệu dân ca, sản phẩm văn hóa truyền thống các dân tộc ở Điện Biên, ta sẽ hiểu được tại sao lại có:
“Chín năm làm một Điện Biên.
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” (Tố Hữu)
Trần Nhương cũng đến Điện Biên để rồi sau đó đọng lại trong tâm hồn người nghệ sĩ là một nét “Điện Biên thoáng gặp”. Với bút pháp chấm phá, Điện Biên bỗng trở nên thi vị hơn, tình tứ, duyên dáng và đáng yên hơn.
Ở trong “Điện Biên thoáng gặp” ấy, có thể chỉ là một cái nhìn thoáng qua, nhưng Trần Nhương đã để lại trong người đọc cả một chuyến “du lịch tâm hồn” dễ thương và ấn tượng. Hình ảnh Em hiện lên trong cái nhìn của Trần Nhương rất trong sáng, thuần khiết mang nét đẹp của người con gái dân tộc Tây Bắc chân tình, mến khách. Tôi trân trọng cái nhìn ấy khi bắt gặp hình ảnh thơ trong “ Điện Biên thoáng gặp” nơi tâm hồn thi sĩ Trần Nhương. Mở đầu cho một thoáng Điện Biên, Trần Nhương như đưa bạn đọc tới miền đất của núi rừng sơn cước, có Em và phong cảnh thật trữ tình:
Cái ngày anh đến Điện Biên
Hoa ban nở trắng và em nõn nà
Ừ nhỉ! Cũng chẳng biết đó là cái ngày nào tác giả đến Điện Biên nữa, toát lên trong tâm hồn người đọc chính là cái tình của Anh với Điện Biên. Lời thơ như mời chào mọi người hãy đến với Điện Biên đầy sự giản dị nhưng mê hoặc, lôi cuốn. Có “hoa ban nở trắng” cả một vùng trời Điện Biên, có em “nõn nà” như ngọc ngà bước ra từ trong vườn cổ tích. Trước cảnh và em như thế sao mà không rung động được chứ, nhất là với một tâm hồn nghệ sĩ Trần Nhương. Cái rung động này đáng yêu, đáng để nhớ vì nó như thắp sáng làm đẹp cho cả một Điện Biên. Cảnh và người lại tiếp tục được Trần Nhương khám phá:
Mường Khoang dưới bóng rừng già
Mà em trẻ quá như là nắng tơ
Ý thơ của Trần Nhương làm tôi liên tưởng tới một “Huyền thoại Khoang Xanh” của bà con dân tộc Mường. Có thể đây cũng là dụng ý của nhà thơ để người đọc liên tưởng tới một chuyện tình rất đẹp. Thuở hồng hoang có một nàng tiên nữ đã xuống dạo chơi phàm trần, nàng lạc bước vào thung lũng này và say sưa với cảnh vật trần gian. Có muôn vàn hoa lá cỏ cây, dòng suối trong văn vắt, cùng hàng trăm dàn thác chảy róc rách, ầm ào, như khúc nhạc hòa tấu giữa thiên nhiên yên bình. Nàng tiên mải vui với cảnh đẹp của nhân gian, đến chiều muộn mới vội vã về trời và đã bỏ quên tấm thảm màu xanh của mình, vô tình có chàng hoàng tử đi săn qua đây bắt được. Chàng dõi theo nàng đang dần khuất trong làn mây trắng. Hương rừng, quyện với hương thơm của xiêm áo nàng tiên, khiến hoàng tử ngất ngây, đắm say nghe suối hát triền miên, cùng với thác dội non ngàn, chim đàn ríu rít. Nàng tiên ngoái nhìn lại thấy đôi mắt âu yếm, đắm say của chàng hoàng tử, không kìm được con tim yêu thôi thúc, nàng liền quay trở lại, e ấp như cánh hoa rừng tha thiết, cùng chàng tình tự. Có thể lúc này đây tác giả bất giác trở về vi thực tại, nhìn từng đôi trai gái len lỏi trong những tán lá rừng mà tâm hồn trở nên lãng mạn cùng với tư duy nhạy bén không thể nào che giấu nổi. Câu thơ “Mà em trắng quá như là nắng tơ” như một niềm gieo vui trong sự ngạc nhiên. Nắng tơ là hình ảnh ánh nắng ban mai gợi trong lòng sự dễ chịu, khoan khoái. Em được ví như là “nắng tơ” – một hình ảnh trẻ trung, dịu ngọt đầy sức sống. Mặc dù những cánh rừng đã “già”, chứng kiến bao thăng, trầm lịch sử qua, nhưng Em vẫn “trẻ quá”. Nơi đây đã sinh ra những con người có nét đẹp trong suốt khiến nhà thơ phải thốt lên trong chiều sâu suy nghĩ “Mà em trẻ quá như là nắng tơ”. Trước cảnh và con người rất thực, Trần Nhương lại đang tưởng như mình lạc vào cõi tiên :
Anh đi lối thực đường mơ
Khăn Piêu sáng mãi đôi bờ Mường Lay
Trong đời sống tình cảm của người dân tộc, trai gái yêu nhau còn nhờ chiếc “khăn Piêu” nói hộ lòng mình. Lúc xa nhau các cô gái thường tặng chàng trai mình yêu mến chiếc khăn Piêu đẹp nhất. Từ đó chiếc khăn Piêu trở thành cầu nối tình yêu của họ. Đối với chàng trai, khăn Piêu ghi dấu tài hoa, hơi ấm bàn tay của cô gái mình yêu. Thế đấy, chuyện tình yêu của những cô gái dân tộc thật mãnh liệt, say sưa, xong cũng thật chân tình, mộc mạc, đằm thắm qua chiếc khăn Piêu. Khăn Piêu vừa là nét đẹp trang phục truyền thống, vừa thể hiện tinh hoa trong văn hoá ứng xử cần được nâng niu và giữ gìn. Đây là một nét đẹp văn hóa dân tộc trong ý thơ của Trần Nhương. Và cũng có lẽ nhà thơ đã nhận được chiếc “khăn Piêu” của cô gái nào đó chăng? Con Suối Mường Lay vốn êm đềm chảy trong lòng thị xã Mường Lay, là chiếc cầu nối nhịp cho tâm hồn của chàng trai và cô gái. Qủa là Trần Nhương mơ màng thật. Nhưng đây là sự mơ màng chính đáng, càng tôn vinh được vẻ đẹp của cảnh và con người Tây Bắc, mà cụ thể là mảnh đất Điện Biên hào hùng.
Đến đây, người đọc như càng đắm say, cùng mơ màng với “đường mơ” của người thi sĩ. Cô gái không chỉ trao chiếc khăn Piêu , mà còn “buộc” cả sợi chỉ hồng vào cổ tay chàng trai. Qủa này thì Trần Nhương chết chắc rồi :
Chỉ hồng đã buộc cổ tay
Rượu cần vừa nhắp đã say cả trời
Đến khi trở về xuôi, chắc chắn phải có một cuộc “hẹn lòng” như Hồng Vân đã từng hẹn:
“Chỉ còn!
Đẫm một câu thơ
Giao duyên giã bạn mà ngơ ngẩn lòng.
Chỉ còn!
Khúc hát đợi mong
Trăm đường xa dặm chỉ hồng buộc tay.
Chỉ còn
Ly rượu nồng say
Quắt quay lời hẹn! Hẹn ngày mai lên.”
Làm gì có chuyện “rượu cần vừa nhắp đã say”, phải chăng đây là “say tình” trước hình ảnh cô gái? Một cái say rất nghệ sĩ, say bởi vì yêu cái đẹp. Vậy là thi sĩ đã chấp nhận để “chỉ hồng” buộc cổ tay. Nghĩa tình của các cô gái dân tộc được thể hiện ngay trong hành động. Một ngày cũng nên nghĩa, nên tình. Tất cả họ toát lên vẻ đẹp mộc mạc, sơn cước, trọng nghĩa, trọng tình ngay từ những giây phút đầu tiên gặp gỡ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có may mắn được họ yêu quý như Trần Nhương. Phải là một con người có tâm hồn đẹp, phải có một cách sống hòa đồng, dung dị với bà con bản xứ và chắc hẳn phải có duyên với nếp sống, phong tục, tập quán của người dân tộc Tây Bắc… thì Trần Nhương mới nhận được tình cảm ưu ái, mến mộ đến như thế! Say người, say tình, nhà thơ phải reo lên trong đê mê:
Nếp nương em tôi đơm xôi
Trời ơi đến cả câu mời cũng thơm..
Nếp nương là một đặc sản của Điện Biên có mùi thơm thênh thang của rừng núi, chợt khiến tôi nhớ đến những câu thơ trong “Tây tiến” của Quang Dũng:
Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
Nghe thật ấm lòng. Nhận thấy sự tương đồng trong cảm nhận giữa Trần Nhương và Quang Dũng. Hình ảnh cô gái trong cảm nhận của Trần Nhương “đến cả câu mời cũng thơm”. Mùi xôi Nếp nương thơm hay là “Em” thơm đây? Có lẽ cả Em và mùi Nếp nương quyện vào nhau tạo thành mùi thơm hoang dã mà chỉ ở vùng miền núi Tây Bắc mới có được. Câu “mời” của Em có lẽ không được khéo léo như các cô gái Hà Thành, nhưng thơm phức sự chân thật mà Trần Nhương cảm được . Tự nhiên ảo giác bất chợt “đánh lừa” tôi nơi góc phố, không nhìn thấy xôi Nếp nương, không nghe được lời mời thơm phức của cô gái, nhưng đọc vần thơ của Trần Nhương tôi như ngửi thấy mùi thơm thật đằm thắm, thật dịu dàng như thể đâu đây…Một mùi hương ùa tới. Rõ ràng chỉ là ảo giác lướt qua. Thành phố bụi bặm, xô bồ, bon chen, mỗi mét đất được định giá nếu như quy đổi ra sẽ bằng công sức lao động 1- 2 năm của người nông dân miền núi. Đến người đọc còn yêu tha thiết mùi thơm Nếp nương, cô gái, huống chi nhà thơ Trần Nhương tận mắt thấy, mũi ngửi, tai nghe… khi đặt chân đến vùng đất Điện Biên.
Dù chỉ là một thoáng Điện Biên, dù chỉ một lần gặp gỡ, nhưng tôi cảm nhận được cái tình dài dằng dặc đối với cảnh, con người Điện Biên trong ký ức Trần Nhương. Có thể trở về thành phố vẫn nhớ xa xăm…nhớ đến quay quắt, nhưng thôi… đành cất giữ trong lòng nét đẹp “một thoáng” để ngẩn ngơ, để đắm say khi nhớ về. Điện Biên thoáng gặp - bài thơ lục bát chân chất giản dị như chính tình cảm với Điện Biên, với con người nơi ấy, chẳng cần phải lời lẽ mĩ miều làm chi. Xuyên suốt toàn bộ bài thơ, tôi bắt gặp được vẻ đẹp tâm hồn người nghệ sĩ đang bay bổng với nét chấm phá một bức tranh Sơn thủy hữu tình nơi miền Sơn cước. Có hoa, có Em, có rừng núi, có con suối Mường Lay…Tất cả tạo nên “thi trung hữu họa” gây trường liên tưởng mạnh trong tâm hồn tôi. Phải chăng, điều này đã hình thành lên một Trần Nhương đa tài mà vần thơ chịu ảnh hưởng từ nghề nghiệp của Anh. Phong tục của người dân tộc Tây Bắc được Trần Nhương trân trọng và giữ gìn qua bài thơ. Cảm ơn nghệ sĩ Trần Nhương với một “Điện Biên thoáng gặp” như lôi cuốn tôi một chuyến du lịch tinh thần thú vị. Đọng lại trong lòng tôi nhất vẫn là tình yêu làng bản, quê hương của người thi sĩ, thoáng thấy một sợi chỉ hồng đã cột tâm hồn Trần Nhương…
Thành phố HCM, ngày 6/5/2011
T.H.N