Nhân Đại hội điện ảnh Việt nam Quốc tế (ViFF) lần thứ năm được tổ chức trong hai tuần lễ đầu tháng tư tại Orange County, Ban tổ chức đã giới thiệu 67 phim ngắn và phim truyện đến từ nhiều phần đất trên thế giới, trong đó có Úc, Pháp, Canada, Đức, Anh, Hoa kỳ, Philippines và Việt nam. Chủ đề của đại hội nhằm nêu bật sự phát triển và lớn mạnh của lãnh vực điện ảnh trong những năm gần đây, cùng hỗ trợ quảng bá cho các tác phẩm điện ảnh mới nhất của các nhà làm phim và đạo diễn người Việt và gốc Việt trong nước cũng như hải ngoại đang góp phần vào mảng nghệ thuật thứ bảy để cùng tiếp cận, trao đổi và trân trọng các giá trị văn hóa, con người và quê hương Việt nam.
Cũng cần nói uy tín của ViFF càng ngày càng cao, con số phim tham dự vừa tăng về số lượng, chất lượng vừa thể hiện sự đa chiều về tầm nhìn và đa dạng trong phong cách làm phim, tạo được sự chú ý rộng rãi của nhiều giới, trong đó phải kể có sự bảo trợ của nhiều tổ chức văn hóa, nghệ thuật, thương mại, và hệ thống truyền thông hải ngoại trong khu vực quận Cam và nam Cali.
Là người thích xem phim Việt và hay quan tâm theo dõi các họat động văn hóa nghệ thuật, tôi chú ý đến thiện ý của Ban tổ chức khi dành hai xuất chiếu trong hai ngày thứ sáu (8 & 15 tháng tư) cho phái già chúng tôi và giới trẻ tại các trường trung học thuộc Orange County. Cả hai buổi chiếu miễn phí đều tổ chức tại Bowers Museum, thành phố Santa Ana. May mắn hơn, ViFF lại xếp cho khán giả cao tuổi bộ phim được nhiêù người mong đợi, không chỉ vì bộ phim này do một đạo diễn trẻ xuất thân ngành biên kịch tại khoa điện ảnh Đại học USC, mà diễn viên chính của phim lại là Ls Trịnh Hội, môt khuôn mặt khá nổi trong sinh hoạt cộng đồng và từng làm MC cho nhiều xuất diễn ca nhạc trên băng đĩa.
Nếu nói về uy tín làm phim và diễn xuất thì người ta có quyền ‘nghi ngờ’ về tài năng của hai người này, khi mà cuốn phim mang tên 14 ngày phép (14 Days) lại là tác phẩm đầu tay của Khoa Nguyễn, người vừa là đạo diễn vừa viết kịch bản cho phim, rồi bộ phim lại trao vai chính cho một diễn viên chưa một lần xuất hiện trước…ống kính. Trong khi khán giả quận Cam chỉ ‘quen’ với một số tên tuổi đa phần họ Nguyễn nhưng có những first names khác nhau: Dustin, Jonhny Tri, Charlie, James, Nghiêm Minh…Nhưng theo dư luận phẩm bình vì phim đã ra mắt cách đây hai năm, thì nhiều người công nhận 14 ngày phép là một bộ phim đáng xem. Có thể vì phim của Khoa được bình chọn ‘phim được nhiều người yêu thích nhất’ của giới mộ điệu thành phố mang tên ‘Bác’, và về mặt nghề nghiệp Hội điện ảnh Việt nam thường trao các giải vàng giải bạc cho các bộ phim do nhà nước tài trợ sản xuất, thì lần đầu tiên trong Ngày điện ảnh Việt nam, Hội đã chọn bộ phim của hãng phim tư nhân Chánh Phương (cùng sản xuất Bẫy Rồng và Dòng Máu Anh Hùng) để trao các giải xuất sắc nhất về biên kịch, về diễn viên chính, diễn viên phụ cho 14 ngày phép và giải bạc về đạo diễn cho bộ phim này (chỉ đứng sau đạo diễn tên tuổi Đặng Nhật Minh).
Tuy nhiên trăm nghe không bằng mắt thấy, tôi cùng các khách mời theo dõi màn hình để thưởng thức bộ phim. Trước hết về truyện phim, đạo diễn muốn khai thác mảng đề tài đất nước và con người, trong cách nhìn của một người được sống, đào tạo và lớn lên tại Mỹ lồng trong một câu chuyện tình giữa người ở xa và cô gái quê miền sông nước, lấy bối cảnh của một thành phố năng động hàng đầu của miền nam trong thời kinh tế hội nhập và những cảnh trữ tình yên bình của đồng bằng sông Cửu long. Cụ thể Trịnh Hội trong vai Dũng, một kỹ sư ở Mỹ thu xếp phép nghỉ hàng năm (14 ngày) của mình về thăm quê một chuyến, vừa thư giãn vừa có dịp nhìn lại những sinh hoạt đời thường của một thành phố cha mẹ anh một thời đã bỏ lại đàng sau. Được Thái Hòa trong vai người bạn tâm đắc đã hết mình phục vụ anh, muốn cho bạn mình xả láng trong các cuộc chơi, không ngần ngại ‘chỉ đường dẫn lối’ vào các tụ điểm được xem là xa hoa, sa đọa, ở đó Dũng có nhiều dịp tiếp xúc với đủ hạng người xấu có tốt có trong nhịp sống bon chen hối hả của một đô thị đang chuyển mình đi vào hiện đại hóa. Tình cờ Dũng gặp Thảo (do Ngọc Lan thủ vai), một cô gái quê lên thành phố đang làm chiêu đãi trong một nhà hàng. Như là điểm hẹn của số phận họ thân nhau, rủ nhau về quê Thảo, ra mắt bà con, vui chơi lành mạnh, hiểu được hoàn cảnh của nhau, họ yêu nhau và muốn đi đến xây dựng. Câu chuyện kết thúc có hậu nhưng chuyện tình đôi lứa cũng không tránh khỏi những tình huống khó xử theo ‘mô típ’ tình yêu có giận có hờn cuối cùng vẫn hợp tưởng chừng như tan.
Có điều lạ là câu chuyện viết bằng tiếng Anh, nhưng sang phần chuyển dịch, người xem khá ngạc nhiên khi phần đối thoại của các vai rất tự nhiên, dí dỏm, thể hiện lưu loát mạch văn ngôn ngữ đời thường, kể cả lối nói ‘đá cá lăn dưa’ mà Thái Hòa sắm vai rất đạt, góp phần sinh động cho lối diễn hiền khô của ‘Việt kiều ngây thơ’ Trịnh Hội. Cũng trong bối cảnh giao lưu, đạo diễn có xen vào sinh hoạt của một lớp trẻ biết cách làm ăn, có lối sống lành mạnh, với sự hỗ trợ của người phụ nữ hiền nội chăm lo cho gia đình nhưng vẫn bắt kịp dòng chảy của lối sống mới, được thể hiện khá ấn tượng trong vai diễn của Bình Minh và Kim Phượng. Nhìn chung về mặt diễn xuất, từ vai chính đến vai phụ, ai cũng diễn rất tròn vai. Có điều khác với các diễn viên trong phim đều có bề dày diễn xuất trên phim nhựa hay truyền hình phía nam, người xem ghi nhận Trịnh Hội như một khám phá mới trong làng điện ảnh, anh vào vai rất tự nhiên, dạn dĩ, tự tin có thể một phần anh đã có quá trình giao lưu với giới nghệ sĩ trên sàn diễn cùng chịu khó ‘học việc’ rất nhanh từ đạo diễn bộ phim. Chẳng vậy mà trong phần giao lưu với khán giả sau buổi chiếu, anh đã than thở có cảnh anh diễn đã phải quay đi quay lại …vài chục lần, chỉ một lần đạo diễn hài lòng là cảnh ‘nóng’ với Ngọc Lan trên ‘giường’ quay khi anh tự làm lấy mọi chuyện và không cần chỉ đạo!
Nay quay sang phần đạo diễn và kỹ thuật thì phải nói Nguyễn Trọng Khoa dù là phim đầu tay nhưng chẳng phải tay mơ. Anh xứng đáng được nhìn nhận như một đạo diễn nhiều triển vọng, được đào tạo bài bản và thể hiện phong cách làm phim theo các tiêu chuẩn kỹ năng tiên tiến. Anh có lợi thế vừa biết làm phim vừa viết được kịch bản, và cứ như anh tự sự với khán giả trong phần giao lưu, anh đã về Việt Nam từ 6 năm nay, đã đi thực tế lăn lộn nhiều, đã từng vác máy tự quay nhiều phim cho chính mình và bạn đồng nghiệp, trong đó có cuốn phóng sự cuộc đua xe đạp nhiều ngày quanh các tỉnh miền Tây và đồng bằng Cửu Long, và có được cô vợ cũng là diễn viên vừa là doanh gia thành đạt (chính là nữ diễn viên Kim Phượng cũng có mặt trong buổi giao lưu tối nay), giúp đỡ nhiều mặt trong nghề nghiệp và tiếp cận với giới đồng nghiệp và các nhà sản xuất địa phương. Anh đặc biệt cám ơn hãng phim Chánh Phương đã tin cậy anh, dám đầu tư cả gần ba trăm ngàn đô la cho kinh phí làm phim dù biết là lợi nhuận thu về khá mong manh.
Người viết cũng là người xem xin cám ơn ViFF đã giới thiệu một phim hay và điều ấn tượng sau buổi chiếu, người co-director Ysa Le đã tạo cho khách mời có những giây phút giao lưu trực tiếp khá thú vị và thẳng thắn với các đạo diễn và diễn viên của bộ phim, chưa kể Ban tổ chức còn chu đáo phục vụ phần ăn nhẹ kéo dài đến khuya.
Đỗ Xuân Tê
(ViFF 2011, quận Cam)