Trước hết, xin nói vể từ “nó”. Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học, cũng chả tra từ điển. Từ này là do GS Hồ Ngọc Đại, thầy dạy của Ngô Bảo Châu gọi GS Ngô Bảo Châu sáng 15/4/2011.
Tôi luôn tuân thủ cách xưng hô này. Khi ngồi vào bàn nhậu với người chưa quen biết, câu đầu tiên tôi hay hỏi là “Ông bao nhiêu tuổi”. Nhiều người ngạc nhiên vì sự đường đột đó. Xin giải thích như sau: Tôi hỏi để tiện xưng hô thôi. Ai hơn kém tôi 1 -2 tuổi, tôi gọi ông – tôi hoặc tao – mày, anh - chú. Ai hơn, kém tôi 2 – 3 tuổi, gọi anh - tôi. Ai hơn kém tôi 3-4 tuổi, gọi anh – em. Đơn giản vì tôi nghĩ: Nghèo - giàu, họ cũng chẳng xin hay cho mình. Tài giỏi, họ đáp vào bản thân họ. Chức tước, cũng chả phải sếp trực tiếp của tôi. Còn các chức danh bầu bán, tôi chả bầu, họ cũng… trúng và ngược lại. Thế nên đành lấy tuổi tác làm thước đo vậy. Với lại tôi cứ băn khoăn. Sở dĩ nước ta trên bảo dưới không nghe, lộn tùng phèo đồng bào, đồng chí là tại lỗi của Mẹ Âu Cơ. Mẹ đẻ một phát ra một bọc trăm trứng, chả ai ra trước, ra sau, ai anh ai em nên nó mới cá mè một lứa. Nay ta theo tuổi tác, có trước - có sau là để sửa lại “sai lầm tiên tổ” vậy.
Ngô Bảo Châu
Với tôi, Ngô Bảo Châu “PHIU” hay không “PHIU” vẫn thế. Tôi đã thế như tôi đang thế và sẽ thế dù cái “bổ đề” có được giải hay không. Tôi chỉ trích hai nhận xét của GS Hồ Ngọc Đại về GS Ngô Bảo Châu trong cuộc trò chuyện sáng nay (15/4/2011) tại buổi ra mắt tập sách của ông Đoàn Duy Thành ở Hải Phòng. Nhận xét !: “Thằng ấy nó thật. Nó bảo tớ (Hồ Ngọc Đại) rằng: Thày nói như thày nghĩ và thày làm như thày nói (không nói một đằng, làm một nẻo - BHT)”. Và nhận xét hai: “Khen chê với nó chả có giá trị gì. Ngay cả việc nó được “PHIU” cũng vậy. Chả lạ. Nó làm vì nó thích chứ chả làm vì giải nọ, giải kia”.
Tôi chả biết đúng - sai nhưng tôi tin, lão Đại hiểu học trò.